Bài viết sẽ liệt kê những chú ý quan trọng khi bạn quyết định chọn mua một con chuột mới tốt hơn, phù hợp hơn.
Bài viết sẽ liệt kê những chú ý quan trọng khi bạn quyết định chọn mua một con chuột sao cho phù hợp với mục đích sử dụng của bạn.
Bạn vẫn đang sử dụng con chuột được “tặng kèm” theo khi mua máy? Hay đơn giản hơn, “tận dụng” những con chuột cũ từ hàng năm trời mà chẳng quan tâm lắm? Bạn có gặp các vấn đề về cổ tay khi sử dụng những con chuột không phù hợp? Vậy thì bài viết này sẽ dành cho bạn!
Thị trường chuột máy tính hiện nay phải nói là tràn ngập với đủ loại nhãn hiệu, từ những thương hiệu nổi tiếng trên thế giới như Razer, Logitech, Steelseries,.. cho tới những hãng chuột “bình dân” như E-blue, Mitsumi “huyền thoại”. Ngoài ra còn có cả những con chuột nhái, fake của những nhà sản xuất Trung Quốc. Mức giá cũng rất đa dạng, từ vài chục, vài trăm nghìn cho tới hàng triệu, thậm chí nhiều triệu đồng.
Rất nhiều người vẫn sử dụng con chuột Mitsumi giá rẻ "huyền thoại"
Kích cỡ và kiểu dáng
Con chuột hợp với bạn, thì trước tiên nó phải hợp về mặt kích cỡ và hình dáng. Đây là những yếu tố tiên quyết, bởi ngoài bàn phím, chuột là thiết bị được sử dụng nhiều nhất trong ngày, và một con chuột không phù hợp về kích cỡ hay kiểu dáng sẽ làm nảy sinh những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Để lựa chọn chuột, đầu tiên bạn phải để ý đến kích cỡ tay của mình, và tùy thuộc vào đó mà chọn kích cỡ chuột cho phù hợp. Các hãng sản xuất luôn đưa kích thước tay người dùng làm tiêu chí hàng đầu cho việc thiết kế các dòng chuột. Điển hình có thể kể đến dòng chuột IE của Microsoft:
IE 1.1 dành cho những người có bàn tay nhỏ
IE 3.0, con chuột thiết kế cho người có bàn tay to
Thứ đến, bạn phải xem cách cầm nắm con chuột của mình hiện tại. Tham khảo bài viết này để biết về những cách cầm nắm chuột và xem xem mình thuộc loại cầm chuột nào. Khi đã biết, hãy hỏi người bán/tư vấn thật kỹ để tìm được con chuột phù hợp.
Rất nhiều nhà sản xuất có xu hướng tích hợp hoặc sản xuất thêm các phụ kiên như quả nặng để thay đổi trọng lượng của chuột, giúp cảm giác di chuột “đầm” hơn. Hoặc những chân đế chuột, những bàn di thiết kế đặc biệt hỗ trợ cho cảm giác di và tốc độ di chuột tốt hơn. Cũng hay, nhưng trước khi “ngắm nghĩa” những món này, hãy chọn một con chuột phù hợp đi đã!
Những món "đồ chơi" kèm theo chỉ nên tính đến sau khi bạn đã chọn được con chuột phù hợp với mình
Không dây hay có dây?
Một trong những yếu tố gây phân vân nhất cho người tiêu dùng, đó là lựa chọn một con chuột có dây hoặc không dây. Nói chung thì dĩ nhiên chuột không dây tiện dụng hơn rất nhiều, vì sóng vô tuyến có thể len lỏi đến những vị trí mà nếu dùng dây thì sẽ rất vướng víu và nhiều khi bất khả thi. Tuy nhiên, chuột không dây cũng có những điểm yếu không thể phủ nhận:
- Tốc độ phản hồi chậm, có độ trễ do việc phát sóng không dây chậm hơn tín hiệu truyền trong dây cáp. Điều náy có thể gây khó chịu đặc biệt cho những game thủ chơi game ở tốc độ cao.
- Sóng không dây có thể gây nhiễu cho các thiết bị như điện thoại di động hay các bộ phát sóng wifi, vì chúng đều sử dụng cùng 1 tần số vô tuyến.
- Yêu cầu có pin, do đó chi phí sử dụng đội hơn so với chuột dây.
Chuột dây vẫn có những ưu điểm không thể chối cãi
Lưu ý là chuột không dây có 2 loại: 1 loại dùng sóng Bluetooth, và 1 loại dùng sóng không dây thông thường. Loại dùng sóng không dây thông thường có độ nhạy cao và khoảng cách sử dụng xa hơn, tuy nhiên nó thường yêu cầu thêm một đầu thu RF gắn vào máy tính, và cũng dễ gây nhiễu cho các thiết bị khác hơn. Chuột kết nối quaBluetooth thì kém hơn một chút, nhưng nó dễ dàng kết hợp vơi mọi thiết bị, và bạn không phải lo lắng việc “bảo quản” đầu thu vốn rất dễ thất lạc. Dù sao thì, qua doanh số, ta có thể thấy chuột sử dụng sóng RF vẫn được ưa chuộng do những ưu thế của mình.
Chuột dùng sóng vô tuyến thông thường có độ tin cậy cao hơn chuột Bluetooth
Nút phụ
Đã qua lâu rồi thời gian người ta hài lòng với con chuột chỉ có 2 nút cơ bản. Với những nút phụ thêm, người dùng có thể gán cho các chức năng hay những nút bấm quen thuộc mà không phải “sờ” đến bàn phím nữa, ví dụ như nút back/forward, hay nút copy/paste chẳng hạn. Việc gán những nút bấm nhanh này có thể mang đến hiệu suất làm việc cao hơn rất nhiều. Nhiều con chuột chơi game còn được tích hợp cả 1 dàn nút, hỗ trợ cho việc sử dụng kỹ năng trong các game hành động/chiến thuật.
Razer Naga được trang bị cả một dàn nút "khủng", thích hợp cho game thủ "cày kéo" game online
Chưa có nghiên cứu nào dám khẳng định số lượng nút tối ưu trên một con chuột, tuy nhiên một con chuột với 2 phím chuột trái/phải, một viên bi lăn (4 chiều càng tốt), cùng 2 nút phụ ở bên hông có lẽ đã đáp ứng được những nhu cầu cơ bản và thiết thực nhất của người dùng.
Chuột với chỉ 2 nút phụ đã là quá đủ với nhu cầu thông thường
Độ nhạy
Nếu bạn làm những công việc cần đến sự chính xác, tỉ mỉ, chi tiết trong từng pixel, thì đây là thông số quan trọng cần chú ý khi bạn chọn mua một “em” chuột mới.
Thử tưởng tượng, một con chuột có độ nhạy thấp sẽ gây “ức chế” đến thế nào với một game thủ cần những cú “micro” chuẩn xác, hay với một chuyên gia thiết kế đồ họa, cần tỉ mẩn trong từng nét vẽ, từng phép lên nét đậm/nhạt?
Độ nhạy cao cũng rất có lợi thế với cả công việc sử dụng hàng ngày. Bạn còn nhớ thời “chuột bi” còn ngự trị, bạn đã phải đưa con chuột đi cả .. nửa mét chỉ để đi từ đầu này qua đầu kia màn hình? Với những con chuột độ nhạy cao, thao tác ấy có khi chỉ cần làm trong vài … xăng ti mét.
Độ nhạy được tính bằng đơn vị dot per inch (dpi). Ngày nay, những con chuột trung cấp trở lên (khoảng tầm 500 nghìn trở lên) đều đã có mức thông số khoảng 1600dpi và cho phép thay đổi theo từng nấc, quá đủ cho mọi nhu cầu hàng ngày. Nếu mua một con chuột, dù rẻ tới đâu, xin hãy chắc chắn rằng bạn không mua phải một con chuột có độ nhạy tối đa dừng ở mức 400dpi. Những con chuột chơi game cho game thủ thậm chí có thể đẩy thông số này lên mức … 5 con số, tuy nhiên thực chất có vẻ chúng mang tính chất marketing nhiều hơn.
Steelseries Sensei MLG có DPI đạt tới 16400!
Trên đây là những lưu ý quan trọng khi bạn chọn chuột máy tính. Techz chúc các bạn có được con chuột máy tính ưng ý, hỗ trợ đắc lực cho công việc hàng ngày của bạn.