Chuột là thiết bị ngoại vi cơ bản không thể thiếu đối với bất cứ chiếc máy tính nào. Kể từ khi con chuột bi đầu tiên do Ralph Benjamin thiết kế năm 1946 đến nay, chuột máy tính đã thay đổi nhiều, từ sử dụng bi cho đến thiệt bị quang học, tới laser và cảm ứng. Tuy nhiên tầm quan trọng của chuột không vì thế mà có sự thay đổi.
Đối với bất kỳ game thủ nào, đặc biệt là những game thủ chuyên nghiệp thì việc lựa chọn loại chuột laser, chuột quang không dây hay có dây, theo kích cỡ tay, hay chuột chơi game được bổ sung nút phụ luôn là một trong những điều được quan tâm bậc nhất. Bởi lẽ lựa chọn một chú chuột chơi game không phù hợp sẽ đem tới khá nhiều phiền toái trong việc thưởng thức game, chưa kể đôi khi đó còn là một sự lãng phí về mặt đầu tư.
Các tiêu chí chọn chuột
Thể loại game yêu thích của người sử dụng
Nếu là cách đây vài năm thì tiêu chí này sẽ không xuất hiện trong danh sách, tuy nhiên kể từ năm 2102 nó đã trở thành một trong những yếu tố quyết định game thủ sẽ mua loại chuột nào? FPS, RPG hay RTS, dù là gì thì các nhà phát triển vẫn ưu ái thiết kế cho mỗi thể loại những mẫu chuột khác nhau. Nếu là FPS, game thủ sẽ cần những con chuột có nút click (switch) thật nhạy, DPI phạm vi rộng và thật tiện lợi. Chuột dành cho game FPS thường có độ chính xác cao và nhẹ hơn bình thường để tăng khả năng phản ứng của người sử dụng.
Vengeance® M65 FPS Laser Gaming Mouse – chuột cho thể loại FPS.
Nếu game thủ thiên về các thể loại chiến thuật, RPG hay MMO, thứ họ cần sẽ là một con chuột có nhiều phím chức năng và DPI đa dạng tùy vào yêu cầu của cá nhân. Sở dĩ những con chuột này có nhiều nút bấm là để game thủ có thể đặt lệnh và hạn chế dần việc sử dụng bàn phím, từ đó tăng khả năng tập trung hơn.
Logitech G600 MMO Gaming Mouse – Chuột chơi MMO, RPG và chiến thuật.
Chuột laser, chuột quang và DPI
Ưu điểm của thế hệ chuột quang học là không có các bộ phận cơ nên hoàn toàn không sợ hỏng hóc do ăn mòn hay bụi bẩn. Việc bảo trì cũng rất đơn giản (chỉ cần lau mắt đọc là xong). Thêm vào đó là độ chi tiết và độ nhạy của cơ chế cảm ứng quang cũng tốt hơn rất nhiều. Tuy nhiên, chuột quang không thể làm việc trên các bề mặt bóng hoặc trong suốt, còn các bề mặt sặc sỡ thì chuột hoạt động không chính xác. Điều này đúng với những loại chuột quang thuộc thế hệ đầu tiên. Điểm yếu cuối của chuột quang là nó "ngốn" điện nhiều hơn chuột cơ: 25mA so với chỉ khoảng 5mA. Một số nhà sản xuất còn sử dụng tới đầu đọc để tăng độ chính xác, điều đó dĩ nhiên sẽ tiêu tốn năng lượng gấp đôi.
Ảnh trên: Chuột quang - Ảnh dưới: Chuột laser.
Chuột laser sinh ra là để giải quyết các vấn đề chuột quang mắc phải. Ánh sáng laze là dạng ánh sáng đồng nhất, chính vì vậy nó rất nhạy và chính xác. Hình ảnh mà các cảm biến laze nhận được rất chuẩn và có độ tương phản cao. Hơn nữa, các cảm biến sẽ phân tích một cách liên tục các hình ảnh nhận được tạo ra các tín hiệu liên tục và không bị nhiễu giúp cho con trỏ luôn được định vị chính xác. Mặt khác, ánh sáng laser giúp chuột hoạt động được trên mọi bề mặt mà không cần tấm lót ngay cả mặt kiếng.
Khi chọn mua chuột laser, cũng như chuột quang, thông số cần được chú ý nhất là độ phân giải DPI (dots per inch). Dòng chuột laser cao cấp hiện nay có thể đạt trên 3.000 DPI. DPI càng cao thì số lần lấy mẫu càng nhiều và tính toán tọa độ càng chính xác, đồng nghĩa với tốc độ di chuyển con trỏ càng cao, càng nhạy với từng cử động nhỏ của bàn tay. Tuy nhiên không đơn giản là chọn chuột có giá trị DPI càng cao thì càng tốt, vì khi dùng chuột có số DPI cao trên một màn hình kích thước nhỏ với độ phân giải thấp thì chỉ cần rê nhẹ, con trỏ đã đi rất xa và như vậy bạn rất khó điều khiển chuột chính xác. Ngược lại, nếu chọn DPI thấp quá, người dùng sẽ phải rê chuột nhiều để di chuyển con trỏ, tốc độ di chuyển chuột thấp hẳn. Vì thế cần dựa vào độ phân giải màn hình để chọn giá trị DPI thích hợp. 800 DPI là phù hợp với màn hình 17 inch cùng độ phân giải màn hình 1280x1024 trở xuống, và đa số người dùng chỉ cần mức như vậy. Số DPI cao hơn sẽ thích hợp cho các màn hình kích thước lớn.
Cách cầm chuột
Ảnh trên: Cách cầm bằng đầu ngón tay - Ảnh dưới: Cách cầm bằng cả bàn tay.
Nếu game thủ thắc mắc vì sao chuột được chia thành hai loại to nhỏ rõ rệt thì đây là câu trả lời: thông thường sẽ có hai cách cầm chuột phổ biến: kiểu cầm chuột bằng cả bàn tay (palm grip) giúp duy trì tốc độ nhanh hơn và kiểu cầm chuột bằng đầu ngón tay (claw grip) với độ chính xác lớn hơn. Lựa chọn chuột theo cách cầm sẽ giúp game thủ cảm thấy thuận tiện và thoải mái nhất có thể.
CM Spawn: Chuột cho cách cầm bằng ngón tay.
Func MS3 – Chuột cho cách cầm bằng cả bàn tay.
Có dây hay không dây
Nhìn chung chuột không dây thuận tiện hơn khi sử dụng vì tính linh động của nó. Sẽ không còn cảnh người dùng phải khó chịu khi phải gỡ một nùi dây rối tung lên do sử dụng chuột dây. Tuy nhiên, chuột không dây khi sử dụng có thể bị “lag” ( thông thường khoảng 8ms) và đối với những game thủ chuyên nghiệp thì 8ms đôi khi có giá trị tương đương với nửa giờ. Hơn nữa, thỉnh thoảng tín hiệu của chuột không dây sẽ xung đột với tín hiệu của các thiết bị không dây khác ở gần đó. Chuột không dây dùng pin và điều này khiến bạn phải chi một khoản để “duy trì” việc sử dụng.
Hãy cân nhắc thật kỹ với việc dùng chuột dây hay không dây. Chuột không dây thường có giá cao hơn nhưng chuột dây sẽ “nhỉnh” hơn nếu xét về độ bền.
Cuối cùng: Giá cả
Hiện nay, 41% game thủ Việt chỉ muốn sử dụng chuột chơi game giá rẻ dưới 200.000 đồng; 25,58% chấp nhận mức giá 500.000 đồng cho mục đích chơi game giải trí; 22,92% game thủ chấp nhận chi 1 triệu đồng mua chuột để luyện các thể loại eSport và chỉ có khoảng 11% các tay chơi thực thụ sẵn sàng đầu tư trên 1 triệu đồng cho những sản phẩm chất lượng phục vụ các trận huyết chiến nảy lửa. Điều này không khó lý giải khi đối tượng chơi game chủ yếu ở Việt Nam là tầng lớp học sinh, sinh viên chưa có điều kiện kinh tế. Hơn nữa, các bạn đến với game cũng không với định hướng đi theo con đường chuyên nghiệp mà nhằm mục đích giải trí là chủ yếu. Đối với những trường hợp này, người chơi chỉ cần các mẫu chuột thông thường dùng cho học tập, làm việc là được.
Câu chuyện chuột tốt giá rẻ không phải là không có bởi thị trường bình dân cũng là một trong những định hướng mà các nhà sản xuất hướng đến. Với túi tiền thuộc loại siêu eo hẹp dưới 100 nghìn, game thủ có thể tìm đến các loại chuột chỉ có các tính năng cơ bản.
Chẳng hạn, người sử dụng có thể sử dụng con chuột này.
Hoặc phiên bản Logitech B100 dưới đây.
Chỉ cách nhau chưa đến 10 nghìn, người dùng đã có cơ hội để kiểm nghiệm chất lượng của Logitech khác xa các loại chuột thông thường như thế nào.