Theo y học cổ truyền, hương nhu vị cay, tính hơi ôn, có tác dụng làm ra mồ hôi, giảm sốt, lợi thấp, hành thủy. Nó thường được dùng chữa cảm mạo, nhức đầu, đau bụng, nôn, tiêu chảy, thủy thũng, chảy máu cam.
Ảnh minh họa
Cây hương nhu có tên khoa học Ocimum sanctum L. họ hoa môi Lamiaceae.
Đặc điểm thực vật, phân bố: nước ta có 2 loại hương nhu trắng và hương nhu tía, cả 2 loại đều dùng để chữa bệnh nhưng hương nhu tía tốt hơn.
- Hương nhu tía: Còn có tên là é rừng, é tía, là loại cây nhỏ sống nhiều năm, cao 1,5-2 m. Thân và cành màu tía, có lông quặp. Lá mọc đối có cuống dài; lá thuôn hình trứng hay hình mác, mép răng cưa, 2 mặt đều có lông. Hoa màu tím, mọc thành chùm đơn, xếp thành vòng 6-8 hoa. Lá và hoa vò nát có mùi thơm của đinh hương. Cây này thường được trồng trong các vườn thuốc gia đình.
Ảnh minh họa
- Hương nhu trắng: Còn gọi là é lớn lá, húng giổi tía. Cây này cao hơn cây hương nhu tía. Lá mọc đối có cuống, phiến lá dài 5-10 cm; hình trứng nhọn, phía cuống thon, mép khía tai bèo hay răng cưa thô. Gân chính của lá có lông. Hoa mọc thành chùm đơn. Hương nhu trắng mọc hoang ở nhiều nơi, hiện được trồng để cất lấy tinh dầu.
Ảnh minh họa
Cách trồng: Hương nhu thường mọc hoang ở nhiều nơi trong cả nước, nhưng cũng được trồng làm thuốc ở quanh nhà. Người ta có thể trồng hương nhu bằng hạt hoặc bằng gốc giống vào mùa xuân, hạt hương nhu dùng làm giống được thu hái ở cây có quả từ năm thứ hai trở đi và hạt phải gieo ngay mới mọc. Cây hương nhu ưa ẩm, đất mùn, đất bùn ao và ánh nắng, rất thích hợp ở các bờ mương, bờ ao.
Bộ phận dùng, chế biến: Dùng toàn cây, bỏ rễ. Thu hái lúc đang ra hoa, dùng tươi hoặc phơi khô trong râm mát.
Công dụng, chủ trị: Vị cay, ấm, có tác dụng phát hàn, thanh thủ, tân thấp, hành thủy. Dùng chữa cảm nắng, sốt nóng, sợ rét, đau đầu, làm ra mồ hôi. Để làm thuốc chữa bệnh, người ta thường thu hái hương nhu phần trên mặt đất, chủ yếu là cành có hoa, phơi ở nơi ít ánh nắng nhưng thoáng gió, nhiệt độ 30-40 độ C (gọi là phơi âm can).
Tác dụng chính của hương nhu là chữa cảm lạnh trong mùa hè. Bệnh thường xảy ra do tắm lạnh hay ngồi hóng mát, uống nước lạnh, khiến hàn tà xâm nhập cơ thể gây nội thương. Biểu hiện: mình mẩy nóng và sợ lạnh, đầu nặng, đau nhức, không ra mồ hôi, bụng buồn bã. Có thể dùng bài thuốc sau: Hương nhu 8 g, hậu phác 8 g, bạch biển đậu 12 g, sắc uống trong ngày, uống khi nước thuốc đã nguội.
Một số bài thuốc khác:
Ảnh minh họa
- Chữa cảm nắng: Hương nhu 500 g, bạch biển đậu (sao qua) 200 g, hậu phác tẩm gừng (nướng hay sao qua) 200 g. Tán nhỏ 3 vị thuốc trên, trộn đều và đóng túi, mỗi túi 10 g. Khi dùng, hãm 1 túi với 150-200 ml nước sôi, uống khi nước thuốc đã nguội. Có thể dùng 20 g cho 1 lần hoặc dùng 2 lần trong ngày.
- Chữa cảm mùa hè với các triệu chứng đau đầu, ớn rét, phát sốt, nôn, tiêu chảy, tim hồi hộp, miệng khát và tiểu tiện vàng đỏ: Hương nhu, cát căn, dấp cá (ngư tinh thảo), điền cơ hoàng (nọc sởi) mỗi thứ 12 g, thạch xương bồ 8 g, mộc hương 4 g, sắc uống.
- Chữa trẻ em chậm mọc tóc: Hương nhu 40 g, sắc với 200 ml nước, cô đặc lại, sau đó trộn với mỡ lợn mới rán, hằng ngày bôi lên đầu để mau mọc tóc.
- Chữa phù thũng ở mặt, ớn rét, da khô không có mồ hôi, có rêu lưỡi, chán ăn: Hương nhu 12 g, bạch truật 12 g, sắc uống.
- Chữa phù nước, khô mồ hôi, tiểu tiện ít và đỏ: Hương nhu 12 g, bạch mao căn (rễ cỏ tranh) 40 g, ích mẫu 16 g, sắc uống.
- Chữa đau bụng, tiêu chảy do ăn nhiều thứ lạnh trong mùa hè: Hương nhu, tía tô, mộc qua mỗi thứ 12 g, sắc uống.
Ngoài ra, trong những ngày nắng nóng, dân gian thường lấy vài cành lá hương nhu tươi đặt trong nón đội đầu để tránh đau đầu. Nhiều người cũng đun nước hương nhu súc miệng để chữa hôi miệng. Khi bị cảm mạo, lấy hương nhu tán nhỏ, mỗi lần dùng 8 g pha với nước sôi hay dùng rượu hâm nóng mà chiêu thuốc, ra được mồ hôi là khỏi bệnh.