Ai cũng nghĩ gửi tiền tiết kiệm là kênh đầu tư an toàn nhất hiện nay mà mấy ai đã xác định hay mường tượng rằng mình sẽ sinh lợi được bao nhiêu và tại sao nói nó là an toàn. Cũng khá rảnh nên tôi làm thử một vài phép tính cho các mẹ dễ hình dung.
Vì cũng chỉ là người thích đầu tư, kinh doanh nên thử tìm hiểu chứ không chắc chắn là đúng hoàn toàn 100%, nên nếu có sai sót gì thì các mẹ bỏ qua cho.
Nghe nói thì lãi suất 2016 chắc chắc không thể giảm thêm nữa, nhưng tôi thấy cũng chẳng cao là bao. Theo thống kê, trung bình lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng thương mại khoảng 7% cũng tạm ổn, coi như giữ tiền cho an toàn thôi chứ thiết nghĩ lạm phát còn cao hơn lãi suất, gửi vầy sao có lời. Còn muốn đầu tư lãi cao như chứng khoán, USD, vàng thì nguy hiểm quá.
Giờ tôi tính thử để nhắm coi tình hình, gửi kiểu nào ổn hơn.
- Nếu có 100 triệu ngay lúc này và gửi ngân hàng, lãnh vào đúng ngày đến hạn (hoặc lãnh sau) hoặc cũng có thể áp dụng với hình thức gửi tiết kiệm lĩnh trước (nhận được tiền lãi ngay sau khi gửi)
*Công thức chung: Tiền lãi = Số tiền gửi x Lãi suất (%năm) x Số ngày gửi/360Hoặc: Tiền lãi = Số tiền gửi x Lãi suất (%năm) /12 x Số tháng gửi
Như vậy, ví dụ các mẹ gửi ngân hàng có kỳ hạn 1 năm lãi suất 7.5 % lãnh cuối kỳ thì số tiền lãi bạn sẽ nhận được nhận sẽ là: 100 triệux 0.075/12 x 12 = 7.500.000 VND/ năm. Kết thúc 1 năm gửi, tổng lãi+gộp = 107.500.000 VND
Này là tính thêm cho biết thôi, nếu kỳ hạn 3 tháng với lãi suất 4.5% lãnh cuối kỳ thì thì số tiền lãi bạn nhận được sẽ là: 100 triệu x 0.045 x 90/360 = 1.125.000 VND/kỳ. Như vậy, sau 3 tháng, số tiền nhận cả vốn+lãi cuối cùng là 101.125.000 VND
- Nếu có 100 triệu ngay lúc này gửi ngân hàng và lãnh lãi suất ngân hàng lãi hàng tháng:
*Công thức tính: Tiền lãi hàng tháng = Số tiền gửi x Lãi suất (%năm)/12
Như vậy, ví dụ ngân hàng cho các mẹ lãi suất 7%/năm lãnh định kỳ hàng tháng thì số tiền các mẹ được mỗi tháng sẽ là: 100 triệu x 0.07/12 = 583.000 VNDTrường hợp này, nếu các mẹ mang về bỏ ống, cuối năm tiền lãi trở thành : 583.000x12= 6.996.000 VND. Cộng luôn vốn vào là 106.996.999 VND.
Các mẹ lưu ý là Ngân hàng sẽ không cộng dồn từng tháng để tính lãi cho các tháng tiếp theo. Chỉ được cộng dồn khi hết kỳ hạn gửi mà các mẹ không lĩnh tiền và ngân hàng sẽ tự động gia hạn với 1 kỳ hạn mới bằng với kỳ hạn mà mình đã đăng ký trước đó thôi. Cho nên, nếu có thể gửi được cả năm thì nên áp dụng hình thức tính lãi kỳ hạn 1 năm nhận cuối kỳ để được nhận lãi nhiều nhất.
Ngoài ra, chúng ta cũng có 2 cách chọn lãi suất: Lãi suất cố định và lãi suất thả nổi. Lãi suất cố định sẽ được giữ nguyên trong suốt kỳ, lãi sẽ được trả cuối kỳ. Còn lãi suất thả nổi sẽ được điều chỉnh từng quý hoặc từng tháng và tùy theo từng ngân hàng. Các mẹ có thể chọn cách lãi sẽ được nhập vào vốn hay rút tiền mặt ở mỗi lần lãnh lãi. Vẫn là thì gửi tiết kiệm lãnh lãi cố định cuối kỳ có mức lãi suất tốt hơn.
Nếu các mẹ rút tiền trước kỳ hạn (trước ngày đến hạn) thì toàn bộ số tiền lãi của cũng sẽ quy về lãi suất không kỳ hạn với tiền lãi rất ít thường là < 1%. Như vậy là nếu gửi tiết kiệm 1 năm thì chỉ cần rút trước dù chỉ 1 ngày, con số 6-7 triệu tổng số lãi thu được chỉ còn vài trăm ngàn đồng.
Với mỗi ngân hàng thì có thể có quy ước riêng về số ngày trong năm. Thường sẽ là 360 ngày hoặc 365 ngày. Và mỗi ngân hàng có thể có hình thức trả lãi suất, kỳ hạn khác nhau. Các mẹ có thể liên hệ trực tiếp các ngân hàng để được tư vấn về lãi suất.
Theo một chuyên gia tài chính, trước khi đem tiền gửi vào ngân hàng, bạn nên xác định rõ kỳ hạn định gửi là bao lâu, sau đó tìm hiểu thông tin xem ngân hàng nào đang có mức lãi suất tiền gửi cao nhất ở kỳ hạn mình. Còn tôi thì nghĩ lãi suất các Ngân hàng chắc không chênh lệch nhiều, số tiền tôi gửi cũng đâu phải tiền tỷ mà lo nên tôi ưu tiên chọn ngân hàng danh tiếng và chất lượng dịch vụ tốt, các mẹ cũng tra thử trên mạng rồi tham khảo ý kiến mọi người này nọ trước khi gửi nhen.
Ngoài ra, lời khuyên dành cho các mẹ là nên bảo quản sổ tiết kiệm cẩn thận, nếu bị mất hay thất lạc cần báo ngay cho ngân hàng bằng điện thoại. Trong vòng 24 tiếng sau khi thông báo bằng điện thoại, phải trực tiếp đến ngân hàng để làm giấy báo mất sổ tiết kiệm. Nếu không thông báo kịp thời, lại bị kẻ gian giả mạo chữ ký và các loại giấy tờ tùy thân thì các mẹ có thể sẽ chịu thiệt hại về số tiền gửi của mình.