Rối loạn tiêu hóa: Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết
Rối loạn tiêu hóa không phải bệnh lý:
Do ăn chế độ không phù hợp làm cho tiêu hóa không bình thường, biểu hiện là phân nát, có bọt, màu hoa cà hoa cải, mùi tanh...
Hiện tượng làm mất cân bằng hệ sinh thái vi sinh vật ở ruột được gọi là “loạn khuẩn”. Nhiều trường hợp do mắc bệnh nhiễm khuẩn nào đó phải dùng kháng sinh nhưng người bệnh không tuân thủ chỉ định của thầy thuốc, dùng không đúng liều lượng hoặc dùng kháng sinh không đúng chỉ định làm cho mất cân bằng hệ sinh thái vi sinh vật ở đường ruột, xuất hiện đi đại tiện thấy phân lúc lỏng, lúc đặc, lúc nhão, có mùi tanh, hôi; kèm theo phân bị thay đổi cả về số lượng lẫn mùi, màu sắc và tính chất, đồng thời có thể xuất hiện những cơn đau bụng không thường xuyên.
Trường hợp phụ nữ nghén khi mang thai nhưng cũng có dấu hiệu rối loạn tiêu hóa như không muốn ăn, nôn, buồn nôn, ọe.
Stress, các yếu tố tâm lý - xã hội.
Rối loạn tiêu hóa do bệnh lý: Hiện tượng ăn không tiêu, đầy hơi, chướng bụng, nôn, buồn nôn, ọe, đi lỏng hoặc táo bón, đau bụng âm ỉ hoặc đau từng cơn... là những biểu hiện cơ bản của rối loạn tiêu hóa thường gặp trong một số bệnh lý:
Hội chứng dạ dày, tá tràng (viêm hoặc loét) đau khi đói hoặc sau ăn, hoặc đau theo chu kỳ kèm theo đầy hơi, chướng bụng, buồn nôn hoặc nôn (trong trường hợp hẹp môn vị, u dạ dày thì nôn nhiều hơn) .
Viêm ruột thừa cấp tính thường có đau bụng âm ỉ hoặc từng cơn, hay gặp nhất là đau ở vùng hố chậu phải kèm theo buồn nôn hoặc nôn, bí trung, đại tiện.
Sỏi đường tiết niệu (sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang) ngoài đau bụng âm ỉ hoặc quằn quại, đau xuyên ra sau lưng thì đầy hơi trướng bụng, buồn nôn, nôn cũng có thể xuất hiện.
Viêm ruột cấp tính cũng có các triệu chứng rối loạn tiêu hóa rầm rộ như đau bụng, buồn nôn, nôn, đi lỏng nhiều lần như bệnh tả, bệnh thương hàn, bệnh lỵ trực khuẩn, bệnh ngộ độc thực phẩm...
Viêm đại tràng co thắt .
Có một số cơ quan ngoài đường tiêu hóa nhưng khi bị bệnh cũng có một số triệu chứng rối loạn tiêu hóa như bệnh thiểu năng tuần hoàn não, bệnh rối loạn ốc tiền đình (cũng có triệu chứng buôn nôn, nôn).
Những bài thuốc trị rối loạn tiêu hóa
|
Một số cách giản đơn sau đây, theo lương y Huỳnh Văn Quang và lương y Phạm Như Tá, sẽ giúp trị chứng bụng đầy hơi, óc ách do rối loạn tiêu hóa:
* Hoài sơn, ý dĩ nấu với đường phèn
+ Nguyên liệu gồm: 100gr hoài sơn, 50gr ý dĩ (phần dùng cho một người) và một ít đường phèn
+ Cách chế biến: đem ý dĩ luộc sôi, bỏ nước, rồi lấy ý dĩ đó nấu chung với hoài sơn để dùng. Trước khi dùng cho vào một ít đường phèn (vừa ăn tùy người). Đây là món dân gian dùng rất hay đối với người bị chứng âm hư vị nhiệt (bụng đầy, chướng hơi, lưỡi dơ...). Còn người bị tỳ vị hư hàn (ăn uống khó tiêu, tay chân lạnh...) thì cũng dùng món trên, nhưng gia thêm vào một lát gừng tươi.
* Từ sọ dừa
+ Dùng sọ dừa sao đen, rồi tán nhuyễn thành bột mịn, cho vào lọ đậy kín. Mỗi lần dùng từ 10gr - 15gr hòa với nước chín để uống, sẽ rất hiệu nghiệm trong việc "giải quyết" chứng no hơi, rối loạn tiêu hóa.
* Từ bột quế
+ Dùng 4gr bột quế hòa với một ít nước chín để uống, sẽ có công dụng trị chứng bụng dạ hay bị lạnh, dễ bị tiêu chảy, no hơi, bụng chướng đầy...
* Từ muối rang
+ Lấy một ít muối hầm (muối đã rang chín) hòa với một ít nước chín (không quá mặn), rồi uống từ từ từng ít một, cũng sẽ có công dụng trị chứng bụng bị đầy hơi, óc ách khó chịu...
Phòng bệnh rối loạn tiêu hóa ở người cao tuổi
Khi tuổi đã cao, sức đề kháng đã yếu thì nhiều loại bệnh có thể tấn công, trong đó các bệnh về đường tiêu hóa rất dễ gặp. Nhiều NCT than phiền mệt mỏi, không thèm ăn, không muốn ăn. Nhiều người bệnh cho biết, họ không có cảm giác đói và cũng không có cảm giác thèm ăn như những năm về trước. Đây là một trong những nguyên nhân vì sự suy thoái dần dần của hệ tiêu hóa do tuổi tác nhất là sự giảm đáng kể bài tiết dịch vị (nước bọt, dịch vị, dịch ruột, dịch mật...).
Người cao tuổi nên dùng nhiều rau xanh và trái cây để hệ tiêu hóa hoạt động tốt |
Do cơ của hệ tiêu hóa suy giảm chức năng và các men tiêu hóa của hệ đường ruột cũng bị suy giảm một cách đáng kể cho nên NCT cũng rất dễ bị sôi bụng, đầy hơi, đi ngoài phân không thành khuôn (phân nát), nhất là mỗi lần ăn một số thức ăn nhiều mơ nhiều đạm. Đây cũng là một trong các lý do làm cho NCT ngại ăn, khi có các loại thức ăn bổ dưỡng như bữa cơm có thịt, có cá hoặc rất ngại uống sữa.
NCT cũng có thể mắc một số bệnh mạn tính từ trước do không được điều trị dứt điểm khi tuổi cao bệnh càng nặng thêm như bệnh về dạ dày – tá tràng (viêm, loét hoặc sa dạ dày).
Bệnh sa dạ dày ở NCT có thể xảy ra lúc tuổi đã cao mà lúc còn trai tráng hoặc trung niên không gặp phải, lý do cũng có thể là do các cơ của thành dạ dày bị yếu dần đi theo tuổi tác. Mặt khác do NCT ít vận động, cơ dạ dày và cơ thành bụng đã bị suy giảm đáng kể làm cho người bệnh lúc nào cũng thấy đầy bụng, chướng hơi, ăn không tiêu và chán ăn. Sa dạ dày ở NCT làm cho họ lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ (ngủ không ngon giấc, ngủ không sâu hoặc rất ít ngủ).
Các bệnh rối loạn tiêu hóa và rối loạn giấc ngủ ở NCT có liên quan mật thiết với nhau và thường trở thành một vòng luẩn quẩn, tức là rối loạn tiêu hóa làm cho giấc ngủ không tốt, giấc ngủ không tốt lại làm cho rối loạn tiêu hóa tăng lên.
Bệnh về gan mật cũng là một trong các bệnh thuộc hệ tiêu hóa, vì chức năng gan tốt và bài tiết dịch mật ổn định làm cho việc tiêu hóa thức ăn tốt. Khi hệ thống gan mật không tốt, ảnh hưởng rất lớn đến việc tiêu hóa. Một số NCT mắc một số bệnh về gan hoặc một số bệnh về mật cũng làm cho hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng, thậm chí ảnh hưởng rất lớn, ví dụ như bệnh viêm gan mạn tính, bệnh xơ gan, viêm đường mật mạn tính hoặc sỏi mật.
Táo bón là một bệnh gây nên nhiều hậu quả xấu, đặc biệt táo bón ở NCT và cũng rất được quan tâm. Người ta tổng kết thấy NCT bị bệnh táo bón cũng chiếm một tỷ lệ đáng kể. Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây táo bón cho NCT nhưng có một số lý do thường gặp nhất là do chức năng và hệ men tiêu hóa của đường ruột giảm sút, do ít vận động và đặc biệt là do NCT trong các bữa ăn chính ăn ít rau, quả hoặc không ăn, thêm vào đó lại uống ít nước. Càng ăn ít rau, uống ít nước kèm theo ít vận động, hiện tượng táo bón càng dễ xảy ra và nếu để táo bón kéo dài thì gây nên nhiều biến chứng bất lợi cho NCT. Hay gặp nhất trong hậu quả của táo bón ở NCT là người lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi do các chất độc tố có trong phân, trong đó rất nhiều độc tố của vi khuẩn ngấm vào máu. Táo bón rất dễ gây nên bệnh trĩ, nứt kẽ hậu môn cho nên mỗi lần đi ngoài NCT rất sợ vì phải rặn mạnh mà rặn mạnh thì đau, chảy máu. Chính vì vậy, táo bón lại càng tăng lên, thỉnh thoảng lại xuất hiện cơn đau quặn bụng, nhất là đau bụng dưới mà hay gặp nhất là đau vùng hố chậu bên phải làm cho dễ nhầm với viêm ruột thừa. Lý do NCT ngại uống nước cũng làm cho táo bón tăng lên bởi vì uống nước sẽ phải đi tiểu nhiều lần nhất là tiểu đêm. Với những NCT có sức khỏe yếu, đi lại khó khăn và nhất là có sa sút trí tuệ thì đó là điều bất lợi.
Phòng bệnh rối loạn tiêu hóa như thế nào?
Phòng bệnh rối loạn tiêu hóa ở NCT là một vấn đề hết sức quan trọng, bởi vì một số bệnh gây rối loạn tiêu hóa ở NCT nhiều khi không cần dùng thuốc mà bệnh cũng có thể khỏi hoặc giảm. Điều quan trọng nhất để phòng bệnh rối loạn tiêu hóa cho NCT là có chế độ ăn hợp lý, kết hợp với vận động cơ thể và có đời sống tinh thần thoải mái.
Một số NCT chán ăn, không thèm ăn, người nhà cần động viên và nếu cần bón giúp trong các bữa ăn, nhất là khi NCT sức yếu, sa sút trí tuệ để làm sao làm cho họ không bỏ bữa. Nên động viên và tìm cách chế biến các loại rau hợp khẩu vị để cho NCT ăn được nhiều rau và các loại hoa quả có nhiều chất xơ. Những người đã bị táo bón thì nên cho ăn thêm củ khoai lang luộc, ăn canh rau mồng tơi, rau đay và cần uống đủ lượng nước hàng ngày (khoảng 2 lít trong một ngày đêm). Nếu bị bệnh về dạ dày thì nên đi khám bệnh định kỳ để được điều trị và tư vấn của bác sĩ làm sao cho bệnh chóng khỏi.
Trong các bệnh về rối loạn tiêu hóa ở NCT, vận động cơ thể là điều rất cần thiết. Vận động cơ thể ở NCT không có nghĩa là phải tập luyện các động tác mạnh mẽ, khó mà chỉ cần vận động nhẹ nhàng, ví dụ như xoa bóp vùng bụng, xoa bóp các cơ bắp hoặc đi bộ (nếu có thể). Nếu sức khỏe yếu có thể chỉ đi bộ trong nhà, trong sân nhưng khi sức khỏe còn tốt thì đi bộ xa hơn hoặc có thể chơi thể thao như cầu lông, bơi… Thời gian vận động cơ thể trong ngày cũng chỉ nên khoảng 60 phút là vừa và chia thành từ 2 - 3 lần tập. Ngoài vật chất và vận động cơ thể cũng nên có hoạt động về tinh thần như: đọc báo, xem vô tuyến, nghe đài… Nếu có câu lạc bộ cho NCT thì nên tham gia, nếu không có thể sinh hoạt theo nhóm
(ST)