Cách chăm sóc bệnh nhân xạ trị bạn không thể bỏ qua

seminoon seminoon @seminoon

Cách chăm sóc bệnh nhân xạ trị bạn không thể bỏ qua

31/08/2015 12:00 AM
166

Xạ trị là liệu pháp điều trị ung thư phổ biến thứ 2 sau phẫu thuật - đơn giản nhưng rất hiệu quả, đã giúp cho hàng triệu bệnh nhân ung thư thoát khỏi "bàn tay tử thần". Tuy nhiên, cũng không tránh khỏi các tác dụng phụ không mong muốn. Các triệu chứng phổ biến như buồn nôn hoặc tiêu chảy kéo dài có thể khiến bệnh nhân suy dinh dưỡng và  kiệt sức. Vì vậy, vấn đề là chế độ dinh dưỡng và lựa chọn thực phẩm như thế nào để ngăn ngừa và giảm thiểu những tác dụng phụ của xạ trị.

Giải pháp dinh dưỡng cho một số triệu chứng thường gặp:

1. Biếng ăn:

xa_tri_-_radiaLà một trong những triệu chứng phổ biến nhất trong suốt thời gian xạ trị. Những gợi ý sau đây có thể giúp bệnh nhân cải thiện đáng kể chứng biếng ăn:

- Ăn nhiều bữa mỗi ngày, cứ mỗi 1-2 giờ nên ăn một lần. Chuẩn bị và chia nhỏ các loại thực phẩm ưa thích để sẵn sàng ăn khi đói.

- Chọn đồ ăn nhẹ có chứa nhiều calo và protein (sữa bột, kem, pho mát, mật ong, hoặc mạch nha).

- Bổ sung đồ uống dinh dưỡng như nước yến, cháo yến, súp cốt gà, sữa, nước trái cây...

- Hãy thử những thức ăn mới với hương liệu, gia vị và công thức chế biến khác nhau.

- Ăn cùng với gia đình và bạn bè.

2. Miệng khô:

Do suy giảm hoạt động của tuyến nước bọt, có thể ảnh hưởng đến vị giác và khả năng nuốt. Ngoài ra, còn tăng nguy cơ sâu răng và bệnh nướu răng vì nước bọt đóng vai trò sát khuẩn và rửa sạch răng miệng. Giải pháp chính:

- Luôn giữ một chai nước bên mình, uống thường xuyên từng ngụm nước nhỏ để làm ẩm miệng.

- Kích thích tăng tiết nước bọt bằng cách ngậm ô mai hoặc nhai kẹo cao su.

- Tránh các thức ăn, thức uống có chứa nhiều đường.

- Tránh dùng nước súc miệng có chứa cồn.

- Thêm nước sốt cà chua, nước thịt, canh rau các loại vào bữa ăn hàng ngày.

3. Nhiễm trùng miệng:

Các vết loét ở niêm mạc miệng do xạ trị có thể bị nhiễm trùng và chảy máu, gây đau rát khi ăn. Nên lựa chọn thực phẩm phù hợp và chăm sóc răng miệng đúng cách.

- Ăn thức ăn mềm dễ nhai và nuốt (như chuối, dưa hấu, pho mát, khoai tây nghiền, trứng, cá, cháo dinh dưỡng, bột yến mạch hoặc ngũ cốc).

- Sử dụng máy xay sinh tố xay nhuyễn rau quả hoặc thịt. Cắt thức ăn ra thành từng miếng nhỏ. Sử dụng ống hút để uống thức uống.

- Tránh thực phẩm khô cứng như bánh mì nướng, bánh quy giòn, cá khô, thịt nướng...

- Tránh các loại thực phẩm có nhiều gia vị, nhiều muối hoặc có tính axit (như thịt muối, mắm, giấm, dưa chua, cam, bưởi, quýt...).

- Đánh răng và súc miệng thường xuyên với nước muối ấm loãng (sau mỗi bữa ăn và trước khi đi ngủ).

4. Buồn nôn:

Nôn mửa và buồn nôn do hóa trị hoặc xạ trị là triệu chứng thường gặp ở khoảng 90% bệnh nhân ung thư. Để chống buồn nôn, bệnh nhân nên áp dụng một số mẹo sau đây:

- Ăn nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày, nhai kỹ và nuốt từ từ.

- Nhâm nhi các loại thực phẩm khô như bánh quy giòn, bánh mì nướng, đậu rang hoặc phô mai...

- Ngậm kẹo cứng như kẹo bạc hà, kẹo gừng, kẹo chanh...

- Các thức uống lạnh cũng rất tốt trong việc chế ngự sự buồn nôn.

- Chọn thức ăn mềm và ít chất xơ sẽ giảm thiểu sự kích thích màng nhầy bao tử.

- Tránh những thức ăn nặng mùi có chứa nhiều gia vị, dầu mỡ vì chúng sẽ tạo thêm gánh nặng cho hệ thống tiêu hóa.

- Giữ cho không gian sống ở nhiệt độ mát mẻ, không khí trong lành.

- Đánh răng thật sạch trước và sau khi ăn.

5. Tiêu chảy:

Tiêu chảy kéo dài có thể làm cho bệnh nhân kiệt sức vì mất nước, mất muối, ka li và khoáng chất quan trọng cần thiết của cơ thể.

Những gợi ý cần thiết:

- Ăn nhiều canh, súp, chuối và hoa quả đóng hộp để giúp thay thế muối và kali bị mất do tiêu chảy.

- Tránh thức ăn dầu mỡ, cà phê, soda, thức uống quá nóng hoặc quá lạnh.

- Tránh thực phẩm giàu chất xơ, đặc biệt là đậu khô và rau họ cải (như bông cải xanh, súp, bắp cải).

- Nên hạn chế sữa và sản phẩm từ sữa (ngoại trừ sữa chua).

- Uống ít nhất một cốc nước sau mỗi lần đi tiêu lỏng.

6. Táo bón:

Bệnh nhân đi tiêu ít hơn 3 lần mỗi tuần. Tình trạng táo bón có thể do hóa trị hoặc xạ trị gây mất nước, hoặc thiếu chất xơ trong chế độ ăn, ít vận động cơ thể...

Phòng chống táo bón là một phần của việc chăm sóc bệnh ung thư. Những gợi ý sau đây có thể giúp bệnh nhân ung thư ngăn chặn táo bón:

- Ăn nhiều các thực phẩm giàu chất xơ (rau quả, đậu, bắp, ngũ cốc, bí ngô, bột yến mạch...).

- Uống 8-10 ly lớn nước mỗi ngày.

- Đi bộ và tập thể dục thường xuyên (ít nhất 30 phút mỗi ngày).

Khi tác dụng phụ của xạ trị ảnh hưởng đến hoạt động ăn uống bình thường, bệnh nhân cần phải điều chỉnh lại thực đơn hàng ngày để bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng cần thiết của cơ thể. Các loại thực phẩm chứa nhiều calo, protein, vitamin và khoáng chất thường được ưu tiên hàng đầu. Mỗi bệnh nhân cần lập kế hoạch bữa ăn sao cho phù hợp với tình trạng sức khỏe và khẩu vị của riêng mình, kết hợp với vận động và tinh thần luôn lạc quan  nhằm nâng cao sức khỏe để đáp ứng tốt với điều trị.

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý