Chơi đúng cách
Ở đời sung sướng nhất là biết “ăn đúng nơi, chơi đúng cách”. Chơi chim là phải biết coi tướng của chim, một nghệ nhân chơi chim lão làng ở quận 3, TP.HCM cho biết: “Chim chích choè lửa quý là chim có mặt cú đầu xà trông rất dữ dằn, vảy đều và dày, chân cao ráo. Chim khoẻ mạnh, sung sức, chân hồng, cổ họng đỏ thì mới được gọi là chim đủ lửa.
Chim chào mào nuôi làm kiểng (loại choắt mào) nên chọn con có chít đỏ. Chim chào mào đủ lửa là những con có đồng tử hai mắt nhỏ, gom lại, họng màu vàng nghệ. Đối với các loại chim hót như oanh, bạch yến, hoạ mi… thì nên chọn chim có giọng chuẩn, đòn dai, dáng mình dài, mỏ thanh, giàn yếm dày, đậm, thân hình cân đối, chân vảy đều, ngắn và siêng hót. Tướng này gọi là tướng “liền lạc”, rất đáng đồng tiền”.
Nếu mua hoặc bẫy chim bôi, nên tìm chim có lông báo (một nửa giống lông chim già, một nửa giống lông chim con, lốm đốm), chú ý chọn giống tốt căn cứ theo yếu tố địa lý sinh trưởng. Từ một chú chim bôi, chưa đủ lửa, nếu biết cách chăm sóc cẩn thận, tẩm bổ bằng các loại thức ăn đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo đúng liều lượng, kết hợp với phương pháp huấn luyện tích cực thì sau một thời gian, giá trị của nó sẽ tăng lên gấp 3 - 4 lần so với ban đầu.
Mà huấn luyện chim không thể một ngày một bữa mà thành công. Một con chim phải biết tất cả các nước chơi, từ hót bình thường đến sổ (hót hết giọng), chẻ (hót thị uy, ra oai) và rũ (múa) thì mới được xếp vào hàng có đẳng cấp. Đặc biệt đối với chim hót, giọng chuẩn được xem là một yếu tố cực kỳ quan trọng. Con chim có bề ngoài khoẻ mạnh, tướng đẹp nhưng giọng hót lai thì chẳng khác nào “hoa đẹp mà không có hương thơm”.
Anh Thanh Hoá, một nghệ nhân chơi chim ở Đà Lạt giải thích rõ hơn: “Nếu nuôi chim mà nhốt ru rú trong lồng thì có khác nào người đẹp trong tranh, chim quen ăn sung, tắm sướng sẽ dễ trở nên lười biếng, không chịu hót”. Dân chơi chim thường hay mang chim đến các câu lạc bộ chơi hoặc ra công viên để chúng có dịp tiếp xúc với đồng loại, nói đúng hơn là có dịp thử sức, tranh tài cao thấp.
Chim có tính hiếu thắng, ghét nhau vì tiếng hót, không con nào chịu thua con nào. Cũng nhờ vậy mà giới chơi chim mới có trò “chọi chim”. Trong một cuộc thi chim, những chú chích choè, hoạ mi, sơn ca… gặp nhau là muốn trổ tài thi thố với nhau về giọng hót, vũ điệu. Hấp dẫn nhất là những trận đấu cân sức, cân tài.
Các chú chim thi nhau hót càng lúc càng khoe hết tài nghệ của mình, người chủ được dịp mát mặt, không uổng công luyện tập bấy lâu. Những chú chim dày dặn kinh nghiệm “chiến trường”, có cơ hội giao tiếp với nhiều đối thủ giỏi sẽ nhanh chóng rèn giọng hót ngày một điêu luyện hơn. Nhưng đoạn hậu đài thì tình huống hơi gay go: chú chim nào cảm thấy thua kém đối thủ sẽ xù lông, giận dữ như đòi ăn thua đủ.
Lại nói về múa cũng có nhiều kỹ thuật. Giống như một vũ nữ, múa là cách thức biểu diễn vẻ đẹp thân thể, chim phải làm được các tư thế cực kỳ điêu luyện như xoè cánh, xoè đuôi, mỏ líu, trườn xung quanh lồng. Thêm một lần nữa phải kể đến công phu của người nuôi chim. Tất cả các loài chim có mùa thay lông từ tháng 5 đến tháng 11. Muốn chim có bộ mã đẹp, thời gian này chim cần được chăm sóc tốt. Thức ăn chủ yếu là cám Con cò, ngoài ra còn bổ sung thêm một số thực phẩm khác như trứng, sâu khô, đậu xanh, đậu nành, bột Bích Chi, gạo lức, tép hoặc vỏ sò.
Anh Dũng, người sở hữu gần 20 con chim chích choè lửa, chào mào, chích choè than và khướu, cho biết: “Tùy theo cách chơi mà cân đối liều lượng khác nhau. Nhưng khẩu phần thức ăn hằng ngày buộc phải có trái cây và trước thời gian chim thay lông cần bổ sung côn trùng tươi như sâu, cào cào. Riêng đối với chào mào, do đặc tính ít thích ăn đồ tươi nên khoảng 2 - 3 ngày cho ăn 5 - 10 con cào cào non là được”.
Sau thời gian thay lông, chim bắt đầu chuyển qua thời gian “nung lửa”. Theo lời anh Dũng, thời gian này nên chăm sóc cho chim của mình sung sức bằng cách bổ sung thức ăn tươi như cam, khoai lang, cào cào.
Ngoài việc chăm sóc chim hằng ngày, trong suốt thời gian nuôi chim, dân chơi không ai không nhớ cho chim tắm nắng buổi sáng và giữ nhiệt độ trong lồng ổn định.
Chim quý phải ở lồng sang
Đi kèm với chơi chim là thú chơi lồng chim. Cũng giống như trang trí nội thất nhà, có nhiều người kỳ công đặt thợ làm riêng cho chú chim của mình một chiếc lồng rộng rãi, cao, chạm khắc thủ công vô cùng tinh tế, nan lồng sắc sảo làm bằng tre hoặc loại gỗ tốt, từ chao đến mâm lồng đều có chạm hoa văn. Có người còn chịu khó sưu tầm những món đồ cổ nhỏ xíu bằng sành sứ làm chén đựng thức ăn, thức uống và làm bể tắm cho chim. Cũng có người cho rải một lớp cát mịn dưới dáy lồng để chim buông mình nghỉ ngơi, nằm rỉa lông, rỉa cánh.
Lồng chim trị giá từ 5 - 10 triệu đồng là chuyện bình thường, bởi một con chim quý như yến, tiểu mi, tiểu than, hoàng tước, thanh tước… có giá từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng. Tiếng hót của chúng lúc ngân nga, lúc trong trẻo, lúc êm ái như gió thoảng... làm cho lòng người vô cùng sảng khoái. Tóm lại, phải cầu kỳ một chút mới nâng lên được thành thú chơi