Khóc đêm là hiện tượng thường thấy ở trẻ sơ sinh. Ban ngày trẻ không có biểu hiện gì bất thường, nhưng lại khóc vào ban đêm, dân gian thường gọi là “khóc dạ đề”. Theo y học, hiện tượng khóc về đêm có thể xảy ra ở hầu hết trẻ nhỏ. Tuy nhiên, chỉ một số là khóc đêm thật sự, cón hầu hết là khóc do mắc bệnh lý như bệnh còi xương hoặc bệnh lồng ruột. Vậy thực ra " khóc đêm - khóc dạ đề " là gì ? Và làm thế nào khắc phục hiện tượng này?
(Ảnh minh họa: Internet)
Khóc dạ đề là gì?
Theo Đông y : Hiện tượng khóc đêm thường xảy ra ở trẻ dưới 6 tháng tuổi, gọi là chứng " Tiểu nhi dạ đề ". Mỗi khi đêm đến là trẻ bắt đầu khóc, trăn trở khó chịu, ngủ không yên; hoặc trẻ đang ngủ yên thỉnh thoảng bỗng giật mình, tỉnh dậy, khóc thét. Phần nhiều trẻ khóc từng đợt, lúc khóc lúc ngừng, nhưng cũng có trường hợp trẻ khóc lè nhè suốt cả đêm. Khi trời sáng thì trẻ hết khóc và bắt đầu thiếp vào giấc ngủ.
Theo y học hiện đại: Hiện tượng khóc đêm thường xảy ra ở trẻ dưới 6 tháng tuổi do tăng nhu động ruột. Bình thường nhu động ruột điều hòa không đau, nhưng đột nhiên vì một yếu tố nào đó làm nhu động ruột tăng lên, không đều, gây đau bụng dữ dội làm cho trẻ khóc, hết cơn thì thôi.
Thời gian khóc thường kéo dài từ 5 phút đến 30 phút và có thể lặp lại hằng đêm, ban ngày trẻ vẫn ăn và ngủ tốt. Cơn khóc có thể rất dữ dội nhưng không nguy hiểm. Khi trẻ hơn 6 tháng tuổi, nhu động ruột hoàn chỉnh, trẻ sẽ trở lại bình thường.
Theo các bác sĩ, hiện tượng khóc về đêm có thể xả ra ở hầu hết trẻ nhỏ. Tuy nhiên chỉ một số trường hợp là khóc dạ đề thực sự, còn hầu hết là khóc do mắc bệnh lý như bệnh còi xương hoặc bệnh lồng ruột.
Nguyên nhân và mẹo chữa khóc dạ đề
- Trẻ bú chưa hết một bên mẹ đã chuyển sang bên kia
Trẻ càng bú lâu một bên vú thì hàm lượng chất béo trong sữa càng tăng. Nếu người mẹ tự ý chuyển cho trẻ bú sang bên kia (trước khi bé bú hết một bên), trẻ sẽ nhận được lượng chất béo ít hơn. Ít chất béo thì ít calo, do đó trẻ nhanh chóng bị đói, và phải bú thường xuyên hơn. Hậu quả là trẻ phải nhận vào một lượng lớn đường lactose trong sữa mẹ.
Do protein (có chức năng tiêu hoá đường lactose) không đủ để chuyển hoá tất cả lượng đường này trong một lúc, trẻ sẽ có triệu chứng không hấp thụ được đường lactose như: khóc, đi ngoài phân xanh, lỏng, có nhiều bọt khí…
Cách khắc phục: Không cho trẻ bú theo giờ. Cho trẻ bú một bên cho đến khi trẻ tự thôi hoặc ngủ giữa chừng khi bú. Nếu trẻ chỉ bú trong một thời gian ngắn (vài phút) thì mẹ có thể vắt bỏ bớt phần sữa trong, tiết ra đầu tiên, để trẻ bú phần sữa giàu dinh dưỡng hơn… Nếu sau khi bú hết sữa một bên, trẻ vẫn muốn bú tiếp thì mới chuyển sang bên kia.
2. Sữa mẹ chảy quá nhanh hoặc quá chậm
Một đứa trẻ bú quá nhanh và quá nhiều sữa một lúc có thể sẽ dễ trở nên cáu kỉnh và quấy khóc. Đây cũng được coi là một dạng khóc dạ đề. Biểu hiện sau khi bú được vài giây hoặc vài phút, trẻ bắt đầu ho, cảm thấy ngột ngạt và gặp khó khăn khi bú. Vì vậy, những đứa trẻ này muốn ngừng bú, rồi bú trở lại; hiện tượng này lặp đi lặp lại nhiều lần do trẻ không thích sữa chảy nhanh, nhưng lại nóng ruột khi sữa chảy chậm.
Trong một vài trường hợp hiếm gặp, trẻ có thể sẽ bỏ bú mất vài tuần, đặc biệt là đối với những trẻ 3 tháng tuổi.
Cách khắc phục: Cố gắng cho trẻ bú hết một bên trước khi chuyển sang bên kia.
Cho trẻ bú ngay khi thấy trẻ có biểu hiện đói. Nếu bị để quá đói, trẻ sẽ bú ngấu nghiến và gây nên hiện tượng trên. Tránh ngừng cho bú để cho trẻ uống nước (một đứa trẻ bú mẹ không cần phải uống nước ngay cả khi thời tiết nóng nực) hoặc cho bé ngậm ti giả.
Cho bú trong một không gian yên tĩnh và thư giãn. Nhạc bật to, ánh sáng chói và quá nhiều hoạt động diễn ra xung quanh sẽ không có lợi khi trẻ bú.
Mẹ nằm cho trẻ bú đôi khi cũng rất tốt. Nếu như nằm nghiêng cho bú không tiện thì cố gắng nằm thẳng lưng, đặt trẻ nằm trên và cho bú. Trọng lực sẽ giúp làm giảm tốc độ sữa chảy.
Nếu mẹ có thời gian, vắt bớt sữa (khoảng 30ml hoặc hơn) trước khi cho trẻ bú.
Trẻ không thích sữa chảy nhanh, nhưng có thể cũng nôn nóng, khó chịu nếu sữa chảy quá chậm. Khi đó, mẹ nên bóp để sữa chảy ra nhiều hơn.
Trước khi nghĩ đến việc chuyển sang sữa bột, cách cuối cùng là vắt sữa của mẹ ra bình rồi cho trẻ bú.
3. Trẻ dị ứng với một số protein lạ trong sữa mẹ
Một số protein trong thức ăn của mẹ có thể được bài tiết vào sữa và gây ảnh hưởng đến bé, phổ biến nhất là protein sữa bò. Nếu trẻ khóc dạ đề do nguyên nhân này, người mẹ nên ngừng ăn các sản phẩm làm từ sữa như sữa, pho mát, sữa chua, kem… Tuy nhiên nếu protein sữa đã bị làm cho biến chất (như qua nấu nướng) thì không phải lo lắng gì.
Cách khắc phục:
Mẹ nên loại bỏ các sản phẩm làm từ sữa ra khỏi chế độ ăn uống trong 7-10 ngày. Sau khoảng thời gian trên, nếu không có gì thay đổi, mẹ lại có thể tiếp tục sử dụng các sản phẩm từ sữa.
Nếu có sự thay đổi theo chiều hướng tốt, người mẹ nên từ từ sử dụng lại các sản phẩm từ sữa nếu như những sản phẩm này nằm trong chế độ ăn thường xuyên của mình. (Lưu ý rằng để sản xuất ra sữa, không nhất thiết phải uống sữa).
Một số loại thực phẩm có thể gây dị ứng protein qua sữa mẹ cho trẻ:
- Các sản phẩm từ sữa
- Các chất chứa caffein - cafe, trà, soda
- Các sản phẩm từ đậu nành
- Lạc
- Tôm, cua
- Chocolate
- Cam, quýt
- Bột mì
- Thịt gà
- Thịt bò
- Trứng
- Các vitamin người mẹ uống trước khi sinh (chất sắt có thể kích ứng cho trẻ).
- Một số loại rau như: hoa lơ xanh, hoa lơ trắng, bắp cải, hành tây, cà chua…
Trước hiện tượng trẻ khóc dạ đề, các bà mẹ cần kiên nhẫn. Sữa bột không phải là giải pháp lý tưởng mặc dù nhiều đứa trẻ thích bú bình (với dòng chảy của sữa đều đặn hơn). Tuy nhiên trẻ vẫn có thể được nuôi bằng sữa mẹ nếu người mẹ vắt sữa ra bình cho trẻ bú. Nếu mọi biện pháp trên đều không đem lại kết quả thì vẫn chưa nên nản chí. Qua thời gian, trẻ sẽ tự hết chứng khóc dạ đề, khoẻ ra và lớn lên.