Bệnh viêm xương chũm có nguy hiểm không

seminoon seminoon @seminoon

Bệnh viêm xương chũm có nguy hiểm không

03/09/2015 12:00 AM
157

Viêm tai xương chũm là một bệnh lý của tai giữa, khi vi khuẩn tấn công qua lớp niêm mạc hòm tai và các thông bào xương chũm, bệnh diễn biến thành viêm xương chũm hoặc với một số trường hợp,

Viêm tai xương chũm là một bệnh lý của tai giữa, khi vi khuẩn tấn công qua lớp niêm mạc hòm tai và các thông bào xương chũm, bệnh diễn biến thành viêm xương chũm hoặc với một số trường hợp, do độc tố của vi khuẩn quá mạnh hoặc ở trẻ suy dinh dưỡng, quá trình viêm không ở tai giữa mà tiến thẳng vào xương chũm. Trong thời đại kháng sinh phát triển, bệnh viêm tai xương chũm và biến chứng của nó ít gặp so với thập niên 70-80, chỉ chiếm khoảng 0,1% các cấp cứu tai mũi họng.

Viêm tai xương chũm là bệnh lý hay gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh tích tổn thương tìm thấy ở xương chủ yếu là viêm loãng xương và viêm tắc mạch máu xương làm các vách ngăn giữa các tế bào xương bị phá vỡ dần, các ổ mủ tập trung lại thành túi mủ, đôi khi có những khối xương mục. Lớp vỏ ngoài của xương có thể bị thủng và mủ chảy ra ngoài ngay dưới da hoặc có thể đổ vào nội sọ gây những biến chứng nguy hiểm.

Viêm tai xương chũm có nguy hiểm? 1

Viêm tai xương chũm nhìn bên ngoài.

Biểu hiện của bệnh

Biểu hiện điển hình hay gặp trên lâm sàng là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, đang được chẩn đoán là viêm mũi họng và viêm tai, đang có tiến triển giảm dần đột nhiên sốt cao tăng trở lại, có thể có triệu chứng màng não như nôn, co giật, cứng gáy. Tại tai: mủ trở nên đặc và nhiều thêm, đau tai tăng, lan xuống cổ và nửa bên đầu. Nghe kém dần. Màng nhĩ đỏ trở lại. Da trên bề mặt xương chũm sưng, đỏ, ấn đau.

Viêm tai xương chũm cấp nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây biến chứng hoặc trở thành viêm tai xương chũm mạn tính.

Viêm tai xương chũm gây biến chứng gì?

Một trong các mối nguy hiểm của viêm tai xương chũm mạn tính là viêm tai xương chũm hồi viêm. Đây là đợt cấp của viêm tai xương chũm mạn tính, tuy nhiên, loại này ẩn chứa những biến chứng có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh (viêm màng não, áp-xe não, viêm tĩnh mạch bên…) nên được xếp vào loại viêm tai nguy hiểm, đây là một trong những cấp cứu của chuyên khoa tai mũi họng. Xương chũm hay bị viêm và gây biến chứng là xương chũm có một chất gọi là cholesteatoma hoặc xương chũm có cấu tạo quá thông bào. Cholesteatoma là một khối có khả năng ăn mòn xương, chiếm 70% các nguyên nhân gây biến chứng nội sọ… Vi khuẩn gây bệnh viêm xương chũm hay gặp là tụ cầu. Viêm xương chũm thường gặp ở những trẻ bị thể trạng suy yếu như sau các nhiễm khuẩn lây truyền như sởi, sốt xuất huyết, quai bị, bệnh đái tháo đường, HIV/AIDS.

Biểu hiện của viêm tai xương chũm mạn tính hồi viêm: bệnh gặp ở mọi lứa tuổi nhưng hay gặp ở trẻ em. Tiền sử chảy mủ tai thối, nghe kém tăng rõ rệt. Sốt cao kéo dài, dùng thuốc hạ nhiệt không hiệu quả, thể trạng nhiễm khuẩn nặng. Chóng mặt, ù tai rõ rệt.

Soi tai: ống tai ngoài nhiều mủ thối, có vảy óng ánh khi có cholesteatoma, màng tai thủng rộng, không đều, sát thành xương, da thành sau ống tai ngoài bong ra làm cho thành sau ống tai như sập xuống, che lấp một phần màng tai (nhĩ). Viêm tai xương chũm xuất ngoại: sau tai (rãnh sau tai mất, vành tai bị đẩy ra trước). Sưng vùng thái dương, vùng trán kèm theo phù nề mi mắt. Phần trên cơ ức đòn chũm đầy, phồng.

Một số phương pháp cận lâm sàng hỗ trợ

Xét nghiệm máu: công thức máu bạch cầu cao. Người cao tuổi cần thử đường huyết; Xquang thường: để chẩn đoán viêm tai xương chũm, người ta thường sử dụng 2 phim: phim Schüller thấy toàn bộ xương chũm mờ đều, vách ngăn tế bào bị bào mòn, một số tế bào nhỏ ăn thông với nhau hoặc biến thành những đám mờ hoặc ổ tiêu xương (nếu có cholesteatoma). Phim Chausse III có thể thấy tiêu hủy xương con, rò ống bán khuyên ngoài, mất cựa sau trên nhĩ; Chụp cắt lớp vi tính tai: xác định chính xác tình trạng viêm của tai và xương chũm một cách chính xác nhất. Thính lực đồ biểu hiện điếc dẫn truyền, tiếp nhận hoặc hỗn hợp tùy theo tình trạng và mức độ tổn thương của bệnh.

Để chẩn đoán bệnh, người ta dựa vào các dấu hiệu lâm sàng gợi ý và các xét nghiệm cận lâm sàng hỗ trợ như đã trình bày ở trên.

Xử trí thế nào?

Viêm tai xương chũm mạn tính hồi viêm nếu không được xử trí đúng sẽ đưa đến viêm tai xương chũm xuất ngoại và các biến chứng. Vì vậy, việc cơ bản là phát hiện sớm và điều trị đúng: trên bệnh nhân chảy mủ tai xuất hiện sốt, đau tai, nhức đầu, cần khám và xác định xem có viêm xương chũm hay không? Phẫu thuật chữa viêm hoặc biến chứng (nếu có) và điều trị nội khoa sau phẫu thuật. Điều trị nội khoa: dùng kháng sinh, chống viêm, hạ sốt, giảm đau. Tránh để biến chứng viêm tai và điều trị triệt để, đúng phác đồ bệnh lý tai khi đã bị viêm.

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý