Oải hương không chỉ có tác dụng trị mụn mà còn có thể làm mờ sẹo.
Cây oải hương (Lavandula) có nguồn gốc từ vùng Địa Trung Hải, được người La Mã dùng làm thơm quần áo và nước tắm. Người vùng Provence, miền nam nước Pháp, thời Trung cổ thì dùng hoa oải hương trong các công thức nước hoa và thuốc trị liệu. Nhưng phải đến tận thế kỷ thứ 19 thì cây oải hương mới được trồng trọt một cách rộng rãi. Ngày nay, người ta sử dụng oải hương cho sức khỏe dưới dạng nước hãm, tinh dầu hay viên mềm để phòng chống cúm, mụn, xoa dịu và giúp liền sẹo.
Cây được thu hoạch khi đang trổ hoa, phơi khô và cho vào túi chân không để bảo quản lâu dài. Được mệnh danh là loài hoa của sự êm ái và tinh khiết như ánh nắng mặt trời, oải hương trong tiếng cổ có nghĩa là “rửa”, mang lại hiệu quả rõ rệt đối với sức khỏe. Mật ong từ hoa oải hương rất thơm ngon và tốt cho hệ thần kinh, phổ biến trong điều trị các bệnh như mất ngủ, lo lắng, stress...
Để ngủ ngon hơn, người ta nhỏ vài giọt tinh dầu oải hương lên gối hoặc nhét túi hoa oải hương khô vào áo gối. Hơi ấm của cơ thể và giường ngủ sẽ giúp phân tán các phân tử xoa dịu của hoa. Thoa một chút tinh dầu oải hương lên màng tang và massage nhẹ sẽ giảm được cơn đau nửa đầu và cơn chóng mặt.
Nước hãm hoa oải hương giúp loại bỏ chướng hơi và giảm quá trình lên men trong ruột. Xông tinh dầu oải hương có thể sát trùng, kháng khuẩn không gian phòng ốc; phòng chống các rối loạn đường hô hấp như cảm, ho, viêm xoang, hạ sốt, xoa dịu viêm họng và hen suyễn. Dùng tinh dầu để massage hoặc pha loãng để đắp trong các trường hợp đau khớp, phong thấp hay vọp bẻ là rất tốt. Đối với vết phỏng, vết cắn côn trùng, phỏng nắng, eczema, vết thương nhỏ hay mụn thì có thể thoa trực tiếp nước giấm oải hương (ngâm 100 gr hoa oải hương với một lít giấm trong 8 ngày) pha với nước hoa hồng lên da.
Tinh dầu oải hương còn được sử dụng trong các món bánh, kem, mứt. Riêng các món mặn thì người ta cho một nhánh oải hương tươi để làm dậy mùi thức ăn thay thế cho ngò.