Hiện nhu cầu tiêu thụ một số loại cây có xuất xứ từ Tây Ninh ở các tỉnh miền ngoài rất cao. Ngoài ra, một số cây cảnh có giá trị còn được đưa từ Tây Ninh sang… Trung Quốc.
Một vựa cây cảnh có nhiều cây khai thác từ thiên nhiên
Thời gian gần đây, nhiều người dân Tây Ninh đổ xô nhau làm nghề “săn lùng” mua bán cây cảnh. Trên những tuyến đường chính như 781, 782, 784, quốc lộ 22 và 22B… nhiều vựa cây cảnh có quy mô lớn liên tiếp xuất hiện. Theo những người buôn cây cảnh cho biết, hiện nhu cầu tiêu thụ một số loại cây có xuất xứ từ Tây Ninh ở các tỉnh miền ngoài rất cao. Ngoài ra, một số cây cảnh có giá trị còn được đưa từ Tây Ninh sang… Trung Quốc.
Nếu như khoảng 2 năm về trước, loại cây cảnh được lùng mua nhiều nhất ở Tây Ninh là cây sanh (được trồng nhiều ở nhà dân), thì hơn một năm trở lại đây, trong “danh sách” cây cảnh chủ yếu là những loại cây tự nhiên có nguồn gốc hoang dã (cây rừng). Bên cạnh đó, nhiều loại cây thân gỗ, vốn là cây… ăn quả cũng được “đào” bán làm cây cảnh.
Anh Nguyễn Văn Mạnh (Gò Dầu), chuyên mua gom cây cảnh về sang lại cho một số vựa lớn cho biết: Dù giá không còn cao ngất ngưỡng và thị trường không còn “sốt” như hơn 1 năm trước, hiện cây sanh vẫn còn giá trị, cây có thế “độc” có giá từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Tuy nhiên, giới chơi cây cảnh hiện nay đang có xu hướng chơi cây sanh bonsai, không cần cây lớn, miễn có thế đẹp. Mỗi cây “bình dân” có giá khoảng trên 3 triệu đồng. Trong khi đó, một bộ phận người chơi cây cảnh “có tiền” lại thích săn lùng những cây cổ thụ có dáng lạ, cây càng “độc” càng có giá cao. Hiện cây được lùng mua làm cảnh chủ yếu có nguồn gốc tự nhiên như cây lộc vừng, bồ đề, cây cần sen, cây duối, cây mù u, cây sao, gõ, lim, cây lá lụa… cho đến cây ăn quả như vú sữa, ổi, nhãn, khế, me, quýt…
Tìm hiểu tại một số điểm bán cây cảnh ven đường 781 (đoạn qua xã Trí Bình, Châu Thành), người bán cây cảnh cho phóng viên biết: Mỗi gốc cây cần sen đẹp có giá từ mười triệu đến vài chục triệu đồng hoặc hơn, gốc cây duối cũng tương tự. Cây cần sen và cây duối có tuổi thọ rất cao, cây được chọn làm cảnh ít nhất cũng phải có từ 30 năm tuổi trở lên. Nếu được chăm sóc tốt, cây được làm cảnh có thể sống “ngoài trăm tuổi”. Các loài cây như sung, bồ đề vốn thuộc dòng “quý tộc” trong “họ hàng cây cảnh” vốn đã bị “vét” gần như sạch trong nhiều năm qua nên ngày càng hiếm, có giá rất cao. Cây sung, cây bồ đề lớn, “có thế có thần” được bán với giá từ khoảng năm chục triệu đến vài trăm triệu đồng. Các loài cây vốn được dùng lấy gỗ như lim, gõ, cẩm lai, sao đen… cũng được “lục lọi” từ khắp nơi đưa về các vựa cây cảnh. Các loài cây lấy gỗ này trở nên “cao giá” hơn nhiều lần khi được dùng làm cây cảnh.
Cây cần sen (trái) và cây vú sữa
Hầu hết những gốc duối, cần sen cũng như nhiều cây tự nhiên khác được bứng về làm cảnh đều có dáng, có thế rất đẹp, “hút hồn” người mê cây cảnh. Do đó, khoảng hơn 1 năm trở lại đây, sau lộc vừng, đến lượt một số cây tự nhiên, cây rừng bị săn tìm ráo riết, có nguy cơ bị “bứng sạch” để cung cấp cho thị trường cây cảnh, trong đó có cây cần sen, cây duối, bồ đề, sung.
Chúng tôi khá bất ngờ khi được một người mua cây cảnh chỉ vào một gốc… nhãn khoảng 15 năm tuổi khá đẹp, cho biết có giá… 30 triệu đồng. “Thỉnh thoảng mới tìm được gốc đẹp như thế này. Những loại cây như thế này chủ yếu bán cho các “đại gia” mua về trồng ở sân vườn biệt thự. Cây vừa có dáng đẹp, gốc “cổ”, lại sống lâu”. Cây khế và me “cổ”, đẹp cũng có giá vài chục triệu đồng. Cây vú sữa thường có giá thấp hơn, từ vài triệu đến trên mười triệu đồng. Một loài cây khác khá hiếm cũng được giới mua cây cảnh săn lùng ráo riết là phượng. Cây này cũng có tuổi thọ cao, mỗi cây có từ trên 20 năm tuổi, có thế đẹp cũng có giá từ 20 triệu đồng trở lên.
Anh Hồ Văn Nhựt, một thợ sửa xe gắn máy đã bỏ nghề, đi mua cây cảnh được hai năm nay cho biết. Người giàu bây giờ nhiều, mà mức độ giàu của họ cũng cao hơn trước. Do đó nhu cầu, đòi hỏi về cây cảnh cũng nhiều hơn, cao hơn. Hầu hết họ chơi cây cảnh để thể hiện sự thịnh vượng, sung túc của mình. Mặt khác, việc chơi cây cảnh còn mang tính “phong thuỷ”, nhằm làm cho chủ nhân của chúng càng thêm sung túc, thịnh vượng. Do đó, cây cảnh đôi khi trở thành vật “vô giá”. Tuy nhiên đối với một số người có tiền, nếu họ thấy “mãn nhãn, ưng bụng” thì sẵn sàng chi ra vài trăm triệu để mua một cây cảnh về trang trí.
Theo một số tài liệu, cây cần sen là một cây thuốc quý chữa được nhiều bệnh. Cây này được một số cơ sở đông y từ thiện dùng làm thuốc cấp miễn phí cho người nghèo để chữa một số bệnh như: cầm máu vết thương, đau dạ dày, ho suyễn, viêm xoang. Thậm chí một số trang web còn “rao” cây cần sen chữa được bệnh… ung thư. Không biết có phải vì tin đồn này mà gần đây cây cần sen bỗng dưng “lên ngôi”, nhưng lại đứng trước nguy cơ bị tuyệt diệt ngoài tự nhiên? Theo một trang web, một cơ sở đông y ở TP.HCM còn “kiêm” thêm nghề… bán cây cần sen nhỏ cho bệnh nhân mua về trồng làm thuốc. Cây cao khoảng 3 tấc được bán với giá khoảng 100.000 đồng.
Cây duối cũng được xem là một cây thuốc quý đã được nhiều nước sử dụng. Chất đắng của vỏ duối có tác dụng trợ tim. Theo một trang web, y học cổ truyền và y học dân gian nhiều nước đã sử dụng cây duối để chữa các bệnh giun chỉ, hủi, đau răng, tiêu chảy và chế các sản phẩm làm sạch răng… Một số tài liệu còn cho biết, một nhóm các nhà nghiên cứu Trường đại học Khoa học Malaysia (USM) đã nghiên cứu thành công nước súc miệng không cồn từ rễ cây duối giúp làm sạch và ngăn ngừa ung thư miệng.
Như vậy, có thể nói rằng, cây xanh trong tự nhiên không chỉ là “lá phổi” của trái đất, làm sạch không khí, điều hoà khí hậu, thời tiết, ngăn ngừa thiên tai… nhiều cây xanh còn là vị thuốc quý được dân gian bao đời dùng để chữa lành nhiều bệnh. Tuy nhiên, do nhu cầu “thưởng ngoạn” của một số người, đồng thời cũng do lợi nhuận cao ngất ngưỡng từ việc bán cây cảnh nên một số người hoặc cố ý, hoặc vô tình đang “tàn sát” thiên nhiên, để lại nhiều hậu quả về lâu dài.
Cuối năm 2010, Thủ tướng Chính phủ có Văn bản số 2230/TTg-KTN chỉ đạo nghiêm cấm các hoạt động khai thác, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, xuất khẩu các loại cây cảnh, cây bóng mát thân gỗ có đường kính đủ quy cách gỗ tròn, có nguồn gốc khai thác từ rừng tự nhiên trong nước. Đối với cây cảnh gây trồng trong dân; cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ có nguồn gốc nhập khẩu (tạm nhập tái xuất), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khi xuất, nhập khẩu (XNK) phải được kiểm tra chặt chẽ; việc cấp phép XNK phải bảo đảm đúng theo quy định hiện hành của Nhà nước và công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết. Đồng thời để có căn cứ kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải phối hợp với các bộ ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế về XNK đối với các loại cây này.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các Bộ: Công an, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo kiểm tra phát hiện xử lý nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân có các hành vi tổ chức khai thác, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán, XNK cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ trái với quy định của Nhà nước.