Cách dỗ trẻ sơ sinh ngủ ngon vào ban đêm

Nhanluu1294 Nhanluu1294 @Nhanluu1294

Cách dỗ trẻ sơ sinh ngủ ngon vào ban đêm

22/09/2015 12:00 AM
258

Làm sao giúp trẻ sơ sinh ngủ ngon giấc vào ban đêm và thời gian ngủ chuẩn của bé theo tháng tuổi. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ muốn phát triển tốt cần phải ăn đủ chất ngủ đủ giấc trong đó giấc ngủ của trẻ rất quan trọng đến sự phát triển của trẻ sơ sinh. Các bậc cha mẹ cần phải biết bé ngủ thời gian bao nhiêu là đủ cũng như cách giúp bé ngủ ngon. Hãy cùng mecuteo.vn tham khảo những thông tin dưới đây để có thêm kiến thức cũng như kinh nghiệm chăm sóc tốt cho giấc ngủ của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

1. Cách giúp bé ngủ ngon giấc

Thời gian ngủ chuẩn của trẻ theo tháng

Không phải đứa trẻ nào cũng cần ngủ một thời gian như nhau. Bảng dưới đây biểu thị thời gian ngủ điển hình của đa số bé. Thời gian ngủ của con bạn có thể khác với thời gian trung bình khoảng 4 đến 5 giờ.

Bé 1 tháng tuổi – Thời gian ngủ đêm 8,5 giờ – Thời gian ngủ ngày 8 giờ

Bé 6 tháng tuổi – Thời gian ngủ đêm 10,5 giờ – Thời gian ngủ ngày 4 giờ

Bé 12 tháng tuổi – Thời gian ngủ đêm 11 giờ – Thời gian ngủ ngày 2,5 giờ

Bé 24 tháng tuổi – Thời gian ngủ đêm 11 giờ – Thời gian ngủ ngày 2 giờ

Trẻ sơ sinh đến khoảng 4 tháng tuổi khóc chủ yếu vì nhu cầu của cơ thể. Chúng không thể bị “làm hư” ở tuổi này, vì vậy, khi đang ngủ mà bé khóc, bạn hãy bồng bé lên và làm cho bé dễ chịu bằng cách ru hoặc âu yếm.

Giấc ngủ của bé giai đoạn này thay đổi nhiều mỗi ngày. Những âm thanh quen thuộc của người hoặc sinh hoạt ở gần đó sẽ đánh thức bé đang ngủ, vì vậy nên để bé ngủ ở một nơi tối và yên tĩnh. Trẻ có xu hướng hay thức giấc khi ngủ chung với cha mẹ trong một thời gian dài, do đó hãy đưa bé sang phòng khác ngay khi có thể được.

Bạn có lẽ cần dỗ hoặc ru trẻ nhỏ đi vào giấc ngủ, nhưng những trẻ lớn hơn thì phải học cách tự thư giãn và ngủ mà không cần ai giúp. Nếu con của bạn không thể ngủ một mình, không có gì ngạc nhiên là bé sẽ không ngủ lại được sau khi thức giấc vào nửa đêm.

Làm sao giúp trẻ sơ sinh ngủ ngon giấc vào ban đêm các mẹ nên biết phần 1

Sau trình tự tắm, chơi yên lặng và cho bú, đặt trẻ lớn vào giường cũi trong khi bé còn đang thức. Bé sẽ trở nên thư giãn và đi vào giấc ngủ tốt hơn mà không cần bạn dỗ hoặc ru.

Khi bé thức giấc vào nửa đêm, bạn hãy chăm sóc bé nhanh và đơn giản, không cần nhiều giao tiếp hoặc chơi. Sau đó đặt bé trở lại vào trong giường cũi và rời khỏi phòng, đừng để bé nghĩ rằng thức dậy là được thưởng bằng các trò chơi và sự quan tâm của bạn.

Nhiều bé thường thức giấc vào ban đêm vì được ưu ái ngủ trên giường của cha mẹ. Điều này có thể tiếp tục xảy ra trong suốt thời thơ ấu. Bạn cần tránh những đáp ứng hấp dẫn đối với việc thức giấc vào ban đêm của bé bằng mọi giá. Nếu bé ngủ trên giường của bạn do hoàn cảnh đặc biệt – bị ốm, hoặc ngủ ở khách sạn – sau đó hãy cho bé ngủ ở vị trí cũ khi mọi việc trở lại bình thường.

Nếu bé khóc thút thít vào ban đêm, chờ vài phút để xem đây có phải chỉ là một giai đoạn trong giấc ngủ của bé hay không. Bé cần được quan tâm nếu như tiếng khóc từ nhỏ trở nên to và không thể tự ngưng lại được. Đừng để cho bé dưới 5 hoặc 6 tháng tuổi “khóc thét lên” như vậy vào ban đêm. Nếu bé khóc không kiểm soát được, hãy cố dỗ và ru cho bé ngủ lại mà không cần cho bú, nếu có thể được.

Tránh để cho bé ngủ ban ngày nhiều có thể giúp bé ngủ ngon hơn vào ban đêm. Bé nên ngủ ngày bao lâu còn tùy thuộc vào độ tuổi của bé nữa. Trẻ nhũ nhi có lẽ nên ngủ ngày ít nhất 4 tiếng mỗi ngày; đa số trẻ mới t��p đi không cần ngủ ngày nhiều hơn 2 hoặc 2 tiếng rưỡi. Nếu con của bạn ngủ ngon vào ban đêm, bé có thể ngủ ngày bao lâu tùy thích. Nếu bé khó ngủ vào ban đêm, bạn nên giảm bớt thời gian ngủ ngày của bé.

Cách giúp bé ngủ ngon hơn

Khoảng 6 tháng tuổi, bạn cần cho thêm những đồ vật vào giường cũi của bé. Giúp con bạn chơi với gấu nhồi bông hoặc đồ vật mềm khác. Sự hiện diện của “bạn” trong giường cũi của bé vào ban đêm cũng có thể làm bé cảm thấy dễ chịu.

Khi con của bạn gần một tuổi, bắt đầu trình tự đi ngủ đúng giờ và dễ chịu, đặt bé vào giường cũi vào một giờ nhất định mỗi tối. Khoảng thời gian này nên cho bé yên tĩnh, không kích thích bé. Sau khi bé được tắm và mặc quần áo để đi ngủ, cho bé chơi thú nhồi bông, đọc sách hoặc chỉ nói chuyện thôi. Chia sẻ thời gian yên lặng có thể giúp bé thư giãn và sẵn sàng để ngủ. Cho bé ăn bữa cuối trong ngày trước khi bạn đưa bé vào giường.

Đừng trì hoãn giờ đi ngủ với hy vọng rằng khi bé mệt sẽ dễ ngủ hơn. Khi một đứa trẻ quá mệt sẽ dễ mất tự chủ, hầu như không thể đáp ứng được nhu cầu của bé và bé không thể ngủ một cách thoải mái được. Duy trì một giờ đi ngủ đều đặn phù hợp với lứa tuổi của bé là điều thật sự cần thiết.

2. Tìm hiểu phương pháp 7 ngày giúp trẻ ngủ ngon và sâu hơn

Để đảm bảo cho trẻ phát triển tốt một cách toàn diện thì việc cho con ngủ vào thời điểm nào, ngủ ở đâu là rất quan trọng. Việc đó đôi khi còn cần được mẹ quan tâm hơn cả chuyện con ăn gì, con nặng bao nhiêu kí lô.

Tạo không gian ngủ phù hợp

Nguyên tắc vàng khi tập thói quen ngủ đúng giờ cho trẻ đó là mẹ cần có một không gian lý tưởng, hoặc là thật yên tĩnh hoặc là có âm thanh du dương và ánh sáng dịu nhẹ. Bé sẽ tự làm dịu và ngủ thiếp đi lúc nào không biết mà không cần đến sự tác động nhiều của mẹ. Trẻ sẽ bắt đầu giấc ngủ một cách ít căng thẳng nhất cũng như dễ dàng quay lại giấc ngủ sau mỗi lần thức dậy để ăn đêm. Như vậy, ba mẹ cũng sẽ có một giấc ngủ ngon cùng bé.

Cách giúp trẻ nhận thức được đã đến giờ đi ngủ bao gồm việc làm vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, mát xa, cho bé uống sữa và hát ru hoặc đọc truyện cho trẻ nghe. Các hoạt động đó sẽ được lặp lại mỗi tối và sẽ thành thói quen, mẹ chỉ việc đặt bé lên giường, vỗ về bé là bé ngủ ngay. Mẹ lưu ý nhớ đặt bé nằm ngửa để giảm thiểu nguy cơ SIDS (Hội chứng trẻ sơ sinh đột tử trong lúc ngủ).

Làm sao giúp trẻ sơ sinh ngủ ngon giấc vào ban đêm các mẹ nên biết phần 2

Đưa bé vào giấc ngủ một cách nhẹ nhàng nhất có thể

Ngủ là một nhu cầu tất yếu hoàn toàn tự nhiên của trẻ. Nhưng không phải trong hoàn cảnh nào trẻ cũng tìm được cái bản năng trời sinh ấy. Nếu bé đang lim dim buồn ngủ mà mẹ đặt bé nằm phịch vào giường hay bất chợt có một tiếng động mạnh thì bé giật mình tỉnh giấc là chuyện đương nhiên. Khi bé gắt ngủ thì đúng là một thách thức đối với cả mẹ và bé.

Chuẩn bị đến giờ đi ngủ, mẹ có thể cho bé ti sữa, bú bình hoặc ngậm núm vú giả. Khi bé đã ngà ngà, mẹ hãy hạn chế tất cả các âm thanh đột ngột bằng cách hát hoặc mở nhạc ru to hơn một chút, từng bước đi của mẹ rồi cách mẹ đặt bé xuống giường hay vào trong nôi cũng phải thật từ từ và nhẹ nhàng. Lưu ý lớn nhất đó là lúc mẹ rời cánh tay để đặt bé nằm xuống. Một mẹo hay cho các mẹ đó là: đối với các bé nhạy cảm, mẹ hãy giữ một tấm chăn ngay khi bế bé để bé vẫn cảm thấy ấm áp khi rời đôi tay mẹ.

Cho bé ngủ chung giường với mẹ

Bé ngủ chung với bố mẹ có rất nhiều ưu điểm, nó không chỉ giúp gắn kết thêm tình yêu thương giữa mẹ và bé mà còn tạo ra những liên kết vật lý vô hình giữa hai mẹ con. Với các mẹ cho con bú thì việc ngủ chung giường sẽ rất tiện mỗi khi mẹ cho bé ăn đêm. Nhiều mẹ thấy rằng nếu ngủ cạnh con mẹ có thể nhanh chóng vỗ về, dỗ dành để trẻ ngủ tiếp mỗi khi con tỉnh giấc. Đối với các trẻ nhút nhát hay sống nội tâm, việc tăng cường sự thân mật bằng cách ngủ chung với con là rất tốt.

Tuy nhiên, có nhiều bé ngủ cùng bố mẹ lại dễ bị tác động hơn là khi con ngủ riêng. Đồng thời, theo một số nghiên cứu khoa học đáng tin cậy thì trẻ em ngủ chung giường với người lớn sẽ có nguy cơ SIDS cao hơn trẻ ngủ một mình. Trên thực tế, trong tổng số các trường hợp SIDS thì có đến 50% số ca tử vong khi trẻ ngủ chung với bố mẹ.

Theo một hướng dẫn mới của Học viện nhi khoa Hoa Kỳ thì bố mẹ nên cho bé ngủ trong nôi hoặc là trên giường riêng nhưng được đặt ngay cạnh giường của bố mẹ là an toàn nhất. Và bạn cần phải đảm bảo các nguyên tắc cơ bản sau:

Đặt bé nằm ngửa khi ngủ;

Để xa các đồ vật có thể làm vật cản khi trẻ trở mình;

Không để bé ngủ trên giường nước, trên ghế sofa hay ghế bành

Duy trì môi trường không khói thuốc;

Cha mẹ tuyệt đối không được sử dụng rượu, ma túy hoặc bất kỳ loại chất kích thích nào khi có sự hiện diện của trẻ;

Tránh đặt bé nằm giữa cả bố và mẹ.

Tập cho bé bỏ thói quen đòi bế khi ngủ

Nếu mẹ đã tạo cho trẻ thói quen được bế khi ngủ trong những tháng đầu đời (thông thường là dưới 5 tháng tuổi) thì trẻ rất dễ dính mẹ ngay cả khi ngủ. Nếu không có vòng tay ấm áp và êm ái của mẹ thì trẻ không ngủ, quấy khóc đòi mẹ hoặc rất dễ tỉnh giấc. Cũng giống như cai sữa cho trẻ, tập cho bé nằm ngủ một mình mất khoảng vài tuần và đòi hỏi sự kiên nhẫn rất lớn của mẹ. Nhưng tác dụng của việc này sẽ rất lớn, bé sẽ độc lập hơn và mẹ không quá mệt mỏi vì mất ngủ khi chăm bé về đêm.

Cách thức để loại bỏ thói quen đòi bế khi ngủ của trẻ như sau: Đầu tiên, mẹ vẫn lặp lại các công việc quen thuộc để chuẩn bị cho bé đi ngủ như: cho bé ti sữa, đọc truyện hoặc hát ru. Không cần chờ bé ngủ, khi bé vẫn còn tỉnh táo, mẹ đặt bé vào nôi và ngồi cạnh nôi để đong đưa cho bé ngủ. Nếu bé khóc, mẹ chỉ nên dỗ bé bằng cách nói chuyện và vỗ về để làm dịu trẻ và không nên bế bé dậy chỉ trừ khi trẻ khóc toáng. Mẹ cũng làm tương tự nếu bé thức dậy giữa đêm. Sau 3 đêm thực hiện thói quen này một cách nhất quán, đến đêm thứ tư, mẹ bắt đầu tách dần trẻ và chỉ cần trấn an trẻ khi thực sự cần thiết. Đến ngày thứ chín, nhiều trẻ đã bắt đầu đi vào khuôn phép và mẹ hoàn toàn có thể yên tâm vì trẻ đã ngoan ngoan tự chìm vào giấc ngủ ngon.

Thử nghiệm phương pháp ‘7 ngày giúp bé ngủ ngon’ – Ferberizing

Nếu các mẹ bắt đầu chán và mệt mỏi với việc mất rất nhiều thời gian mỗi tối để cho bé ngủ thì cùng xem xét phương pháp Ferberizing (7 ngày giúp bé ngủ ngon) nhé. Đây là phương pháp được phổ biến bởi Richard Ferber, tác giả của cuốn sách xuất bản năm 1980, “Solve Your Child’s Sleep Problems” (Giải quyết các vấn đề về giấc ngủ của trẻ). Phương pháp này nên áp dụng với trẻ trong độ tuổi từ 4 đến 8 tháng tuổi.

Bắt đầu giờ ngủ của trẻ với những hoạt động trước khi đi ngủ thông thường, nhưng đừng chờ cho đến khi trẻ ngủ rồi bạn mới đặt trẻ vào nôi. Chỉ cần con thiu thiu buồn ngủ, mẹ hãy đặt con vào nôi. Cho dù bé khóc đi chăng nữa thì mẹ cũng đừng bế bé lên mà trấn an bé bằng một giọng nói êm dịu; xoa dịu bé bằng cách vỗ nhẹ vào lưng trẻ. Tiếp theo, mẹ sẽ rời khỏi phòng trong một thời gian ngắn – khoảng 5 phút, sau đó, mẹ trở lại để dỗ trẻ nếu trẻ vẫn còn khó chịu. Lúc này nếu trẻ có khóc to thì mẹ cũng nhất định không được đưa trẻ ra khỏi nôi. Lặp lại công đoạn này cho đến khi bé đi vào giấc ngủ một mình và làm tương tự nếu bé thức dậy vào giữa đêm. Đêm thứ hai, thời gian mà mẹ rời đi sẽ lâu hơn đêm thứ nhất. Và tương tự với các đêm kế tiếp cho đến khi bé học được cách tự an ủi mình thì mẹ có thể không cần chạy lại dỗ dành trẻ mỗi khi trẻ thức giấc.

Nên ghi lại lịch trình 1 ngày của bé một cách thường xuyên, các mẹ sẽ thấy những ngày các bé ngủ ngoan, đúng giờ sẽ có liên quan đến giờ ăn, giờ chơi, giờ tắm … nên sau đó sẽ rút ra giờ hợp với bé. Nguyên tắc quan trọng là lấy bé làm yếu tố quyết định chứ không phải giờ của bố mẹ đâu nhé.

Với ‘kế hoạch’ 7 ngày dưới đây, cha mẹ sẽ nhanh chóng ‘huấn luyện’ bé có giấc ngủ đêm thật sâu và đẫy giấc.

Ngày thứ nhất: Bắt đầu những thói quen thông thường

Nhiều trẻ có thói quen sinh hoạt xáo trộn giữa ngày và đêm – các bé thường ngủ một giấc dài vào buổi chiều sau đó lại muốn chơi đùa vào ban đêm. Tuy nhiên, mẹ hoàn toàn có thể giúp bé thay đổi.

Buổi sáng, mẹ hãy đánh thức bé dậy sớm vào cùng một thời gian mỗi ngày để bé dần hình thành thói quen. Lưu ý, nên đặt bé nằm ngủ gần cửa sổ không che quá kín. Ánh sáng tự nhiên sẽ giúp trẻ điều chỉnh lại đồng hồ sinh học của cơ thể. Khi bé ngủ trưa, mẹ cũng không nên đóng hay kéo rèm che cửa sổ. Sở dĩ, điều này có thể giúp bé thay đổi thói quen ngủ là do nếu bé thức dậy sau giấc ngủ trưa và thấy ánh sáng, bé sẽ hiểu rằng đã đến lúc thức dậy, nhưng nếu bé thức dậy và thấy cảnh vật xung quanh trong bóng tối, bé sẽ ngủ tiếp.

Ban đêm, mẹ cần cho bé ngủ theo một trình tự nhất định. Các bà mẹ nên chọn cho bé một thói quen đi ngủ đặc biệt. Chẳng hạn, mẹ có thể mặc cho bé bộ pyjama và đặt bé vào nôi sau khi đã tắt hết đèn. Trước khi đặt bé vào nôi, bạn nên đọc cho bé nghe một câu chuyện hoặc hát ru để giúp các giác quan của bé hoạt động chậm lại.

Ngày thứ 2: Cùng bé tạo thói quen

Sang ngày thứ 2, mẹ cần tiếp tục lặp lại chính xác những gì đã tập cho bé trong ngày đầu tiên. Nếu bé vẫn đòi bú sữa đêm, hãy tiếp tục cho bé bú nhưng giảm thiểu ánh sáng xung quanh bé. Điều quan trọng là mẹ cần tránh các hành động có thể gây sự chú ý của bé nếu không bé có thể muốn chơi đùa với mẹ. Cùng với đó, vào ban ngày, mẹ nên cho bé bú sữa kết hợp với việc chơi đùa cùng bé như: cù chân hoặc hát những bài hát vui nhộn… làm như vậy, bé dần sẽ phân biệt được ngày – đêm.

Ngoài ra, mẹ cần tiếp tục chú ý tới những thứ có thể dỗ dành bé vào ban đêm. Đối với một số bé, việc tắm có thể giúp bé cảm thấy thư giãn, thả lỏng cơ thể trong khi một số bé khác lại cảm thấy hăng hái, hoạt bát và tỉnh táo hơn.

Các mẹ cũng có thể sử dụng thêm “âm thanh trắng”. Âm thanh đều đều của chiếc quạt máy, máy điều hòa nhiệt độ, hoặc âm thanh của chiếc radio lặp đi lặp lại rất hữu ích với nhiều bé. Một điểm cộng của “âm thanh trắng” là mẹ có thể dừng nó một cách dễ dàng mà không làm bé giật mình.

Ngày thứ 3: Bé bắt đầu khóc

Ở ngày thứ 3 này, mẹ cần phải cứng rắn hơn! Hãy đặt bé vào nôi khi bé vẫn đang thức. Đây là điều đơn giản nhất mẹ có thể làm. Nếu bé ngủ quên khi đang bú sữa mẹ, nên đánh thức bé dậy một cách nhẹ nhàng rồi đặt bé vào nôi. Chắc chắn bé sẽ quấy khóc dù ít hay nhiều.

Các mẹ đương nhiên sẽ cảm thấy xót xa khi bé khóc nhưng hãy nhớ tới mục đích cuối cùng là giúp bé ngủ đẫy giấc và điều độ. Mẹ cũng không cần lo lắng việc bỏ mặc bé khóc sẽ làm ảnh hưởng tới tâm lý của bé.

Thực tế, bé càng nhỏ, thì quá trình tập luyện cho bé càng đơn giản. Các bé từ 5 – 6 tháng tuổi trở lên sẽ cảm thấy khó thích nghi với việc bị thay đổi thói quen. Ngược lại, bé 3 tháng tuổi sẽ chỉ biết tới những thói quen mà mẹ đã hình thành cho bé. Đối với các bé mới sinh, cha mẹ thường cảm thấy các bé khóc lâu hơn thực tế; tuy nhiên, các bé dưới 5 tháng tuổi thường chỉ khóc trong vòng 15 đến 20 phút.

Nếu bé “đấu tranh” quá dữ dội, mẹ hãy kiểm tra bé mỗi 5 phút trong đêm đầu tiên và giúp bé an tâm rằng mẹ luôn bên cạnh bé. Tuy vậy, mẹ cần lưu ý không bật đèn, không bế bé ra khỏi nôi, không đưa cho bé vú ngậm hay bình sữa khi bạn thăm bé… Nếu bé ngủ lại được nhờ một trong những thứ trên, vào những đêm sau, khi tỉnh giấc, bé sẽ lại khóc đòi những thứ đó.

Ngày thứ 4: Quan trọng là sự cứng rắn

Đêm qua quả là một đêm dài phải không nào? Đêm nay, có lẽ mọi việc sẽ khả quan hơn đấy. Trước tiên, bé yêu sẽ có thể ghi nhớ một chút rằng việc quấy khóc sẽ không mang lại kết quả. Nếu bé tiếp tục “đấu tranh”, hãy kéo giãn khoảng thời gian giữa những lần kiểm tra bé, ví dụ như 10 phút mới kiểm tra một lần. Cho dù điều gì xảy ra đi nữa, đừng nhân nhượng! Nếu mẹ không kiên định, bé sẽ nhận ra và càng quấy khóc gấp đôi so với đêm thứ 3 để gây sự chú ý.

Ngày thứ 5: Bé bắt đầu quen dần với thói quen mới

Hầu hết các bé làm quen được với ‘chương trình’ này sau từ 3 – 5 ngày, vì thế, đêm nay có thể là đêm may mắn của mẹ. Nếu bé yêu vẫn tiếp tục quấy khóc ban đêm, mẹ cần tiếp tục kéo dài các lần thăm bé lên 15 phút/ lần.

Một vấn đề khác khi tập thói quen ngủ mới cho bé chính là việc cho bé bú đêm. Khi các bé được 3 hoặc 4 tháng tuổi, đa số các bé không cần bú đêm nữa. Đương nhiên mẹ không thể ngừng đột ngột việc cho bé bú đêm, nhưng cần cho bé bú nhanh và im lặng nhất có thể. Hãy bế bé nhưng đừng hát ru bé, tắt đèn ngay cả khi thay tã, đặt bé trở lại nôi sau khi bé bú xong thật nhanh. Đừng nhầm tưởng rằng các bé lớn hơn thức dậy vào ban đêm là do bé bị đói. Các bé có cân nặng hơn 5kg ít có nhu cầu bú đêm hơn. Các bé lớn hơn nữa thức đêm đôi khi là do các bé bú quá no do bú nhiều làm cho bé đi tiểu nhiều hơn, tã bị ướt là nguyên nhân khiến bé thức giấc.

Ngày thứ 6: Bé ngủ yên suốt đêm

Điều này nghe thật tuyệt vời phải không? Nhưng có khi nào ngay cả khi bé ngủ yên, mẹ vẫn thức dậy và kiểm tra bé không? Hãy thư giãn! Mẹ nên mặc cho bé bộ đồ ấm áp để không cần lo lắng bé bị lạnh nếu bé gạt chăn ra. Mẹ cũng nên hạn chế các âm thanh không cần thiết để có thể nghe thấy bé rõ hơn nếu bé bị khó chịu. Các mẹ đã gần đi đến đích rồi, nhưng đừng phá hỏng những gì mình đã làm được khi vào thăm bé quá vội vàng. Hãy để bé tự tìm ra cách thích nghi, còn mẹ đã đến lúc thư giãn và tự thưởng cho mình một giấc ngủ ngon lành tới sáng hôm sau.

Ngày thứ 7: Mẹ cũng ngủ yên suốt đêm giống bé yêu

Nên tự thưởng cho bản thân một chút matxa nhẹ nhàng ở vùng lưng! Các mẹ đã không chỉ tìm lại được giấc ngủ quý báu ban đêm mà còn mang tới cho bé yêu của bạn một món quà tuyệt vời: thói quen ngủ khoa học cũng quan trọng như vấn đề an toàn thực phẩm đối với sự phát triển của các bé. Đương nhiên, sự phát triển của bé sẽ gặp những khó khăn như đau ốm, có thêm em trai hoặc em gái, hay môi trường sống thay đổi. Ngay cả các bé ngủ tốt cũng vẫn gặp vấn đề về sức khỏe. Tuy nhiên, các bé sẽ có thể đối mặt với những vấn đề mới dễ dàng hơn vì bé đã biết cách tập luyện rồi.

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý