Trang phục vua chúa Chăm ngày xưa rất phong phú và đa dạng. Thế nhưng cho đến nay do biến động của lịch sử vua chúa Chăm đã mất đi, kéo theo sự biến mất về trang phục của họ. Cho đến nay, do chất liệu vải bị huỷ hoại theo thời gian, trang phục vua chúa Chăm không còn tìm ra được hiện vật nào còn nguyên vẹn. Hiện nay chúng ta chỉ tìm thấy trang phục Chăm thông qua tư liệu cổ, bia kí và những tượng thờ, phù điêu trên các đền tháp Chăm.
Từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau, trang phục vua chúa Chăm được mô tả như sau: “Y phục vua Chúa Chăm gồm có áo bào bằng lụa, có hoa bằng vàng, trên nền đen hay xanh lá cây.Áo lót bằng vải trắng, nhỏ sợi mịn màng, đôi khi có thêu dệt hay viền tua bằng vàng; vua chỉ có mặc một áo này không có áo ngoài gì khác trong những buổi chầu, không phải đại lễ (Tân Đường Thư). Ở ngang lưng đeo bên ngoài lễ phục một cái đai vàng nạm ngọc và trang trí những vòng hoa (Nam Tề Thư, LVIII, 66a). Vua đi dép da đỏ (Tống Thư, CCCXXXIX), còn giầy và ủng thì thêu và nạm ngọc (Chư Phiên Chí), cổ, ngón tay, ngực vua thì mang rất nhiều đồ trang sức...”
Ngay từ thời nhà Đường, Thông điển cho chép đàn ông đàn bà Chiêm Thành đều quấn ngang một mảnh vải cổ bối. Đường thư cũng có nói đến “vua choàng một tấm vải trắng mịn”. Ngoài ra, các loại trang phục của vua (và kể cả quí tộc cung đình Chăm) như cái sampot hiện còn trong kho... được dệt chen vào đó các hoa chi tiết bằng lụa trắng và đen có điểm chỉ vàng trên nền chỉ đỏ thành những hình Gảuda trong các dáng điệu nhảy múa hay cầu nguyện, và những con vật kỳ dị khác đã làm tăng vẻ đẹp mượt mà, đa sắc của vải lụa Chăm.
Theo nhiều nguồn tư liệu cổ khác còn nhận xét: “Trang phục Chăm xưa và ngày nay, không khác trang phục của người Mãlai ”, nó là mảnh vải gọi là “Kama”(trích Lương thư, LIV, 54a) quấn quanh người từ phải sang trái và che từ ngang lưng đến chân. Ngoài miếng vải đó ra, cả đàn ông đàn bà không mặc gì thêm nữa, trừ mùa đông họ mặc áo dài (Tuỳ thư,LXXXII, 37a). Người thường dân thì đi chân đất (Cưu đường thư, CXCVII, 32a); và mặc theo một tác giả nói chỉ có vua chúa mới đi giầy (Durand, truyện Galathee, Befeo, v ,336), hình như những người quyền quí cũng đi giầy da thuộc (Lương thư, LIV,54, a). Họ bối tóc (Cựu đường thư,LIV,54a), đàn bà thì bối thành hình cái búa (Văn hiến thông khảo) và xâu lỗ tai để đeo những vòng nhỏ bằng kim loại (Lương thư, LIV,54a). Cũng như người Mãlai, họ rất sạch sẽ; mỗi ngày họ tắm nhiều lần, xoa mình bằng thứ dầu cao làm bằng lông não và xạ hương. Họ cũng dùng gỗ thơm để ướp quần áo (Tân đường thư, CXVII,32a).
Ngoài thư tịch cổ, trên bia kí còn miêu tả trang phục vua Chăm như sau: Vua Chăm Vikrantarman HI điểm trong những miếng vàng đeo lũng lẳng, có những chuỗi hạt ngọc xanh và ngọc trai lóng lánh như ánh trăng hôm rằm, vua được che bằng cái lộng trắng nó trùm lên vòng tròn cả bốn phương trời, Vua đeo vương miệng, đai vòng cổ, hoa tai bằng chuỗi hòn ngọc,bằngvàng, toả ra hào quang giống như những dây leo (Tống Sử, CCCIXXIX,22a).
Trên bia kí lai trung ở Huế, nội dung có phần mô tả về cách ăn mặc của Vua Champa Indravarman III (918) là áo Vua có thêu dính nhiều vàng bạc. Bia kí Pô Nưgar cũng đề cập đến Vua Chăm Wikratavarman III (854) mặc áo đen và xanh, có đính hoa văn và chỉ làm bằng vàng. Áo khác cũng làm bằng vải thô thêu chỉ bằng vàng rất đẹp.
Ngoài bia kí nói trên các nhà khoa học còn tìm thấy nhưng trang phục của người Chăm trên các phù điêu, trên các tượng thờ ở các đền tháp như các tượng thần Siva. Vũ nữ Chăm Apxara với những dãi áo mỏng được trang trí bằng những nét hoa văn thật đẹp mắt, tinh vi. Đi xa hơn nữa là các nhà khoa học còn tìm thấy các loại quần áo được trang bị cho binh lính Chămpa, chẳng hạn như bức phù điêu chạm khắc trên tường tháp Angkor wat, mô tả cảnh chiến đấu đội quân Chămpa tiến vào đánh Angkor vào thế kỷ XIII. Bức phù điêu này cho thấy binh lính Chămpa mặc quần áo ngắn có đeo dải Bàlamôn; mặc áo ngắn cụt tay có dệt hoa văn, đầu đội mũ.
Bên cạnh trang phục, người Chăm còn có nhiều loại đồ trang sức quí giá. Vì là nghề luyện Kim sớm phát triển cho nên, họ đã sản xuất ra nhiều đồ trang sức đa dạng và độc đáo. Sử Trung Quốc còn chép lại, khi vào Chămpa tướng nhà Lương – Đàn Hoa Chi đã cướp được tượng vàng Chămpa “Nấu chảy tượng vàng ra mấy ngàn cân”. Tư liệu trong cuốn Tuỳ thư còn cho biết: Tướng Lưu Phương “cướp được 18 tượng thần đúc bằng vàng của Champa”. Do nghề luyện kim phát triển sớm cho nên người Chăm đã chế tạo ra nhiều hàng thủ công, đặc biệt là đồ trang sức khá tinh xảo. Sản phẩm thủ công đó là những đồ trang sức, vật dụng bằng vàng, bạc, đồng được họ sử dụng để dâng cúng cho thần thánh, phục vụ vua chúa, giai cấp quí tộc... trong đời sống hằng ngày. Những cổ vật Chămpa đáng chú ý được biết đến là các loại vương miện, khuyên tai hai đầu thú, hình vành khăn, bông tai, hạt chuỗi bằng đá, thuỷ tinh, vàng, bạc được tìm thấy ở các di chỉ Sa Huỳnh và các nhóm di tích khác ở dọc dải đất miểnTrung Việt Nam. Chẳng hạn như: Đồ trang sức hình cảnh hoa cở lớn (Đồng Dương- Thăng Bình – Quảng Nam- Đà Nẳng) là một loại vương miện đẹp ở đầu thế kỷ XII – XIII sau công nguyên. Ngoài ra còn có các loại bình bát, vòng tay bằng vàng, bạc... có niên đại ở thế kỷ XVII trở về sau đều là những cổ vật quí giá được trang trí, chạm khắc nhiều dáng vẻ tinh xảo và đẹp mắt, góp phần làm phong phú nền trang phục của người Chăm.
Như vậy, từ các nguồn tư liệu trên, tuy còn ít ỏi nhưng cũng giúp chúng ta hình dung được cách ăn mặc của các vua chúa, các vũ nữ, các tầng lớp trong xã hội Chăm ngày xưa. Với trình độ phát triển kinh tế xã hội thời đó, cách ăn mặc của người Chăm đã định hình và phát triển cao mang đặc trưng văn hoá và văn minh của riêng mình. Sau này với sự biến đổi của lịch sử, tuỳ theo mỗi thời đại của trang phục Chăm về sau có nhiều biến đổi và cho đến nay trên nền tảng đó, người Chăm vẫn còn lưu giữ được trang phục truyền thống của mình.