Dân tộc Ba Na- quê hương của anh hùng Núp, nơi hội tụ những nét văn hóa đặc sắc nhất về kiến trúc nhà ở, phong tục tập quán, lễ hội… Trong đó có nét văn hóa đặc trưng trong trang phục đã tạo nên sự duyên dáng của những chàng trai, cô gái nơi đây.
Hình ảnh những chàng trai, cô gái trong trang phục thổ cẩm với những hoa văn, họa tiết trang trí phong phú đã tạo nên bản sắc rất riêng của núi rừng Tây Nguyên.
Đồng bào Ba Na thường mang trên mình bộ trang phục chất liệu thổ cẩm. Bằng sự khéo léo của đôi bàn tay và những bí quyết đời trước để lại, họ đã thêu dệt lên những bộ trang phục thổ cẩm bền đẹp. Người dân nơi đây đã biết lấy chất liệu bông để chế biến thành vải. Bông sau khi được mọi người thu hoạch được đem về phơi nắng trên nhà 3 ngày. Sau đó, đem vào máy quay để cho tơi sợi bông ra, đây chính là cách khiến những sợi bông mềm hơn. Đặc biệt, họ lấy mật ong làm một thứ sáp để bôi trơn sợi vải. Quan niệm như vậy là để tạo cho những bộ trang phục sau khi dệt sẽ bền đẹp hơn và có màu sắc rất đặc trưng, mùi thơm của vải cũng rất khác lạ. Chính điều đó tạo nên sự khác biệt rõ nét trên trang phục của người Ba Na so với các dân tộc khác.
Họa tiết trên trang phục cũng thể hiện ý nghĩa nhất định và màu sắc tinh vi thể hiện quan niệm đối xứng về trời - đất, vũ trụ, âm - dương.
Để tạo nên cho những bộ trang phục thêm rực rỡ, phong phú về họa tiết hoa văn, thì màu sắc đã được đồng bào nơi đây chọn màu rất cẩn thận và kỹ lưỡng. Nguyên liệu được chọn từ những thứ cây có trong tự nhiên như: rễ, lá, vỏ cây, thảo mộc, màu vàng lấy từ củ Ktron, màu trắng lấy từ củ Kxan. Trang phục của người Ba Na sử dụng 3 màu chính: vàng, đỏ và đen. Màu đỏ tượng trưng cho sức mạnh, tình yêu. Màu trắng tượng trưng cho khát vọng, ước mơ. Màu đen là nguyên lực, sức mạnh của núi rừng, của thiên nhiên. Trong các màu thì đồng bào Ba Na coi trọng màu đen hơn cả và tôn sùng nó như một sức mạnh siêu nhiên. Nhìn vào trang phục, người ta có thể thấy hình ảnh thiên nhiên thu nhỏ của mảnh đất nơi đây.
Về kiểu dáng, trang phục nam nữ của đồng bào Ba Na tương đồng với đồng bào Ê đê hay Giarai, chỉ khác biệt rõ nét ở họa tiết, hoa văn trang trí.
Phụ nữ nơi đây họ thường mặc áo bố cục dải băng, có trang trí ở giữa một đường viền màu đỏ, mảnh hơn nam, và dưới gấu váy là đường kẻ màu trắng. Vẫn là ba màu chủ đạo là đỏ, trắng và đen, nhưng trong dịp lễ hội, trang phục của họ có phần sặc sỡ hơn. Ngoài ba màu chính ra còn điểm thêm những màu khác như màu tràm, vàng, xanh thẫm và phụ kiện đi kèm tô điểm thêm cho trang phục như: hoa tai, lược cài tóc, nhẫn ở 2- 3 ngón tay. Tục lệ đeo nhẫn bắt nguồn từ quan niệm: mỗi ngón tay đều mang một sức mạnh. Ví như ngón cái tượng trưng cho cha, ngón giữa tượng trưng cho sức mạnh, quyền lực, ngón nhẫn tượng trưng cho sức mạnh của tình yêu. Và, đeo nhiều nhẫn ở các ngón tay là thể hiện sức mạnh tối cao. Theo phong tục của dân tộc này thì việc vận những bộ trang phục truyền thống trong các lễ hội trong năm, và việc sử dụng các vật đính kèm như: bông tai, vòng đồng, cườm… vừa mang ý nghĩa trang trí vừa là để trừ tà ma.
Trang phục nam nữ dân tộc Ba Na đều có cổ xẻ, áo ngắn tay, thường là áo cộc tay. Trang phục áo nam thường là những dải băng to hơn. Khác với nữ, nam thường đóng khố hình chữ T, cuốn quanh hông và xung quanh có cuốn tua rua.
Trải qua nhiều năm tháng, nhưng cho đến tận ngày hôm nay, những nét độc đáo trên trang phục của dân tộc Ba Na vẫn được gìn giữ tạo nên bản sắc riêng độc đáo.