Khi uống thuốc mà bị nổi mề đay, phát ban hay sốt, rất có thể bạn đã bị dị ứng thuốc. Hãy gặp bác sĩ ngay nếu bạn gặp một trong các hiện tượng này.
Dị ứng thuốc
Dị ứng thuốc xảy ra khi hệ thống miễn dịch phản ứng bất thường với một loại thuốc. Một số loại thuốc có thể gây dị ứng bao gồm thuốc kê toa và không kê toa. Các dấu hiệu thường gặp là nổi mề đay, phát ban hay sốt. Nhiều người hay nhầm lẫn giữa dị ứng thuốc và phản ứng thuốc vì triệu chứng rất giống nhau. Một số dị ứng thuốc có thể đe dọa tính mạng. Nhiều phản ứng dị ứng bắt đầu vài phút ngay sau khi dùng thuốc bao gồm mẩn đỏ trên da, nổi mề đay ngứa, sốt, sưng mặt, khó thở và sốc phản vệ đe dọa tử vong. Sốc phản vệ rất hiếm nhưng là phản ứng dị ứng thuốc nghiêm trọng và cần cấp cứu nội khoa. Tai biến này thường khởi đầu rất nhanh trong vòng vài phút sau khi dùng thuốc và biểu hiện bằng cơn co thắt đường hô hấp gây khó thở, tụt huyết áp, mạch nhanh yếu, nôn mửa hay tiêu chảy, chóng mặt, hoa mắt và hôn mê. Nguyên nhân do hệ thống miễn dịch phản ứng xem thuốc như kẻ thù nên tiết histamin và các hóa chất gây ra các triệu chứng dị ứng. Dị ứng thuốc thường xảy ra sau khi dùng kháng sinh penicillin và sulfamid, hiếm khi do tiêm phòng vaccin nhưng gần đây đã xảy ra nhiều hơn.
Phản ứng thuốc không do dị ứng nên không liên quan đến hệ thống miễn dịch mà là các tác dụng phụ do thuốc gây ra như mẩn đỏ và ngứa không nghiêm trọng. Một ví dụ về các phản ứng phụ do thuốc là chất cản quang tiêm tĩnh mạch khi cần chụp phim, chụp điện toán cắt lớp hay chụp cộng hưởng từ; chất này có thể gây ngứa, đỏ bừng và tụt huyết áp. Ở một số người, các thuốc giảm đau như aspirin, ibuprofen và naproxen cũng gây tác dụng phụ như khó thở, khò khè và nổi ban. Một số kháng sinh gây phản ứng phụ như đau bụng hay tiêu chảy. Thuốc hạ huyết áp nhóm ức chế men chuyển như captopril, coversyl đôi khi cũng gây ho, phù môi và mặt.
Để xác dịnh phản ứng thuốc, ngoài khám lâm sàng bác sĩ cần hỏi rõ bao lâu sau khi uống thuốc thì bắt đầu có triệu chứng. Một mẫu máu hay test dưới da có thể dùng phát hiện phản ứng dị ứng với một số loại thuốc như kháng sinh, thuốc giãn cơ và insulin. Một lượng nhỏ thuốc được tiêm vào cánh tay hoặc sau lưng. Nếu dị ứng với thuốc, da sẽ có màu đỏ, sưng phù hay sần sùi. Khi bắt buộc phải dùng một thứ thuốc đã từng gây phản ứng, thầy thuốc có thể dùng phương pháp giải cảm ứng, qua đó một liều lượng thuốc tăng dần được đưa vào miệng hoặc tiêm dưới da. Một phản ứng dị ứng nhẹ hay không có phản ứng giúp người bệnh yên tâm dùng thuốc, nhưng vẫn cần phải đề phòng rủi ro bao gồm một phản ứng nghiêm trọng và sốc phản vệ.
Ngưng thuốc ngay
Phương pháp điều trị dị ứng thuốc là ngưng thuốc ngay lập tức, dùng thuốc giảm bớt triệu chứng và trong trường hợp nghiêm trọng cần đưa đi cấp cứu bệnh viện ngay. Khi phản ứng nhẹ như phát ban hay ngứa chỉ cần dùng thuốc kháng dị ứng như cetirizin, clorpheramin. Nếu phản ứng nặng cần điều trị bằng corticoid đường uống hoặc tiêm. Sốc phản vệ là một trường hợp khẩn cấp đòi hỏi phải tiêm epinephrin ngay lập tức và đưa đi bệnh viện để theo dõi huyết áp và tình trạng hô hấp. Trong một số trường hợp, có thể điều trị nhạy cảm với một loại thuốc bằng cách bắt đầu một liều lượng nhỏ và tăng dần theo thời gian nhưng cần theo dõi sát tại bệnh viện hay phòng khám. Trong ví, nên có thẻ ghi tên thuốc gây dị ứng để nhân viên cấp cứu biết khi gặp tai nạn.
Bạn cần biết!
Trong y khoa, có những thuốc mua không cần toa, gọi là thuốc trên quầy: OTC (over the counter) dùng để trị các triệu chứng thông thường như nhức đầu, cảm cúm, ho sổ mũi… Tuy nhiên ở nước ngoài, người bán cũng khuyên nên dùng tối đa ba ngày, nếu có dấu hiệu dị ứng thuốc hay không thuyên giảm thì phải đến gặp thầy thuốc ngay. Ở nước ta, người dân có thói quen ra tiệm thuốc tây kể bệnh và người bán có khi không phải dược sĩ cứ bán tràn lan các loại thuốc như ampicilin, paracetamol và clorpheramin… Nên nhớ ngay thuốc bổ mà uống quá liều cũng ngộ độc, vì vậy tốt hơn hết khi mắc các bệnh thông thường, trước tiên ta dùng biện pháp giải cảm dân gian như xông hay thoa thuốc và theo dõi trong vài ba ngày, nếu không bớt nên đi khám bệnh.
Tác giả: Bác sĩ Đào Ty Tách