Nếu như người miền Bắc kết nhất sấu dầm, bạn trẻ Nam thích ăn vặt với me, xoài, cốc ngâm thì teen miền Tây lại kết nhất là trái cà na ngào đường chua chua, chát chát.
Trái cà na được xem là đặc sản của miền Tây sông nước vì không phải lúc nào cũng có cà na, muốn ăn cà na phải chờ vào khoảng thoáng 8, 9, thời điểm này cũng là mùa nước lũ dâng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Những trái cà na căng tròn có màu xanh nhạt, dài hơn một lóng tay, có vị chua chua hơi chát khi còn sống. Cây cà na thường mọc ở gần mé sông và đặc biệt hơn trái chỉ có nhiều ở phía sông chứ phía bờ thường có rất ít trái và trái cũng nhỏ hơn và chát hơn những trái mọc ở gần sông. Muốn hái được trái cà na người dân miền Tây phải dùng thuyền bơi đi bơi lại mới hái được hết trái trên cây. Trái cà na có thể ăn sống khi vừa hái với muối ớt hay ngon hơn là với nước mắm đường, trái cà na ăn sống thường có vị chát để lại ở đầu lưỡi.
Quen thuộc nhất là những trái cà na được nấu lên cùng với đường. Ngào cà na tưởng chừng đơn giản nhưng lại là cả một kì công, để trái cà na vừa ngon mà không bị nát là tuỳ thuộc rất nhiều vào tay nghề cùng kinh nghiệm của người ngào. Bên cạnh món cà na ngào đường, để bảo quản cà na lâu người miền Tây còn ngâm cà na vào hỗn hợp đường muối, giống na ná cách ngâm me, cốc xoài vậy.
Đầu tiên phải đem cà na rửa thật sạch, dùng dao cắt phần đầu và đuôi trái cà na, kế đến dùng dao khứa bốn đường đều nhau nơi phần cơm từ trên xuống dưới. Sau đó ngâm cà na vào muối khoảng 2 tiếng, rồi xả lại với nước lạnh hai lần để giảm bớt vị chát của cà na. Dùng tay vắt nhẹ cà na cho thật ráo. Sau đó, trụng cà na qua nước sôi hai lần, kế tiếp xếp cà na vào một chiếc keo, cuối cùng là đổ nước đường đã nấu vào keo, chờ cà na ngấm khoảng một ngày là có thể để dành ăn từ từ được.
Thích nhất là những buổi chiều tan học về, vừa chạy xe đạp vừa nhâm nhi cà na ngào chấm muối ớt. Trái cà na lại càng ngon hơn khi được ăn cùng cả nhóm bạn thân, cả hội cùng ngồi nói chuyện, cùng nhâm nhi cà na thì thật là tuyệt vời!