Cứ mặc cho ngực căng tức mà không động chạm gì vào hoặc cứ căng sữa là vắt bỏ đều không phải là những cách làm đúng khi các bà mẹ muốn cai sữa cho con.
Chỉ là chuyện ứng phó với “hai cái bình sữa” sau khi cai sữa cho con, nghe thì rất đơn giản nhưng trên thực tế đã có không ít bà mẹ lúng túng không biết làm thế nào cho đúng. Chị Hồng Thái (phố Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) sau khi cai sữa con, nghe lời mẹ chồng, Thái cách ly con hoàn toàn bằng cách cho sang nhà ngoại.
Đồng thời, dù bầu sữa căng tức nhưng Thái cũng không dám vắt vì sợ sữa sẽ tiếp tục ra. Thế nhưng, được hai ngày thì ngực Thái căng cứng, nhức buốt, chỉ chạm nhẹ cũng khiến cô đau không chịu được. Sang ngày thứ ba thì Thái phát sốt, người nhà phải đưa cô vào bệnh viện.
Ngược lại với Thái, Chị Cúc (phố Nguyễn An Ninh, Quận Hoàng Mai) lại mãi mà vẫn không chấm dứt được tình trạng tiết sữa mặc dù đã cai sữa cho con từ lâu. Bởi vì mỗi khi thấy bầu sữa căng đau, khó chịu là chị lại vắt bỏ hết đi cho bớt căng. Kết quả dù con đã không còn bú sau gần một năm mà hai bên ngực Cúc vẫn tiếp tục tiết sữa.
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Lan, phòng Khám chuyên khoa sản Hải Thanh (Cầu Giấy, Hà Nội) các bà mẹ trẻ khi cai sữa cho con thường mắc một trong hai sai lầm: Thứ nhất là khi cai sữa thấy đau thì ra sức vắt bỏ sữa đi cho bớt căng dẫn đến tình trạng khó chấm dứt được sự tiết sữa tự nhiên của vú. Vì khi vắt đi như vậy cũng giống như khi bé còn bú nên sẽ tiếp tục kích thích các tuyến sữa tiết sữa. Trường hợp ngược lại, dù ngực cương đau, căng cứng nhưng các chị em lại cứ để mặc không động vào thì cũng không phải là cách làm đúng.
Điều này có thể dẫn đến sữa bị ứ đọng, ách tắc lại trong hệ thống các ống dẫn gây cảm giác rất đau đớn do bầu vú bị sưng tấy, viêm tia sữa, nặng hơn có thể bị áp xe vú. Vì thế, theo bác sĩ Thanh Lan, cai sữa theo cả hai trường hợp như trên đều không đúng cách. Muốn cai sữa cho con để con vẫn ngoan mà mẹ cũng vẫn khỏe thì cần phải tiến hành từ từ, từng bước một.
Không nên để trẻ dừng bú một cách đột ngột mà nên giảm dần các cữ bú trong ngày cho bé, thay vào đó là các bữa ăn dặm hoặc sữa ngoài. Như vậy bé sẽ có một khoảng thời gian “chuẩn bị tinh thần” để chính thức quên vú mẹ đi mà không bị “hẫng”, đồng thời cơ thể người mẹ cũng tự nhiên dần điều chỉnh lượng sữa tiết ra giảm bớt khi bé không bú liên tục như trước. Sau khi cai sữa phần lớn chị em đều cảm thấy tình trạng hai bên vú căng lên.
Đó là do sữa được tiết ra bơm đầy vào các ống dẫn sữa chạy dọc trong bầu ngực dẫn ra phía đầu vú. Nếu lượng sữa này được bé bú hay hút đi thì theo cơ chế tự nhiên, nó sẽ tiếp tục kích thích quá trình tạo sữa mới. Nếu càng vắt sữa sẽ càng tiết ra nhiều, đặc biệt là trong thời gian một năm đầu tiên sau khi sinh con.
Tuy nhiên, ngay sau khi cai sữa, nếu thấy ngực căng cứng, sữa về nhiều gây đau đớn, khó chịu thì có thể dùng một chiếc khăn thấm nước ấm nóng chườm nhẹ nhàng hai bên vú cho mềm rồi vắt bớt đi một chút, tránh để sữa đông vón lại trong vú gây viêm, áp xe vú nhưng không nên vắt cạn kiệt. Cũng giống như cai cho bé, việc vắt sữa này cần làm từ từ, giảm dần lượng sữa và thưa dần khoảng cách giữa các lần vắt.
Hiện nay để cai sữa dễ dàng, có một số loại thuốc có thể trợ giúp cho các bà mẹ để bớt đi cảm giác đau đớn, khó chịu vì căng tức sữa. Ví dụ, một số dẫn chất làm giảm nồng độ prolactin trong máu hoặc ức chế hoạt tính của prolactin nên giảm tiết sữa.
Hay có một loại thuốc dùng chữa bệnh Parkinson nhưng cũng có tác dụng giảm tiết sữa, chữa cương tuyến vú là Bromocricptin. Các thuốc tránh thai hỗn hợp chứa estrogen và progesteron cũng có tác dụng làm giảm tiết sữa.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Thanh Lan, chị em không nên tự ý mua và sử dụng các loại thuốc này vì có thể gây ra nhiều tác dụng phụ không mong muốn. Nếu cần thiết phải tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa trước khi quyết định dùng. Nam Thi