Cùng với các dân tộc khác trong tỉnh, người Mông ở Mù Cang Chải có rất nhiều nghi lễ quan trọng, một trong số đó là nghi lễ cưới hỏi. Đám cưới của người Mông thường diễn ra sau mùa thu hoạch lúa, ngô.
Là người am hiểu về những nét văn hóa của dân tộc mình, nghệ nhân dân gian Việt Nam Giàng A Su cho biết: Khi chàng trai thích một cô gái, chàng trai sẽ về thưa chuyện với bố mẹ. Nhà trai sẽ tìm một ông mối (thường là những người có uy tín trong dòng họ) để sang nhà gái làm lễ hỏi. Lễ ăn hỏi thường có rượu, gà, thuốc lá… Khi đi làm lễ hỏi, ông mối cũng không quên mang theo một chiếc ô.
Đến trước cửa nhà gái, ông mối sẽ hát một bài, ý nói rằng Nhà trai giao cho tôi trọng trách đến hỏi con gái của gia đình về làm dâu con trong nhà, đề nghị gia đình mở cửa. Sau khi nhà gái mở cửa thì ông mối cầm chiếc ô treo lên trước cửa chính của ngôi nhà. Sau khi ông mối thưa chuyện với gia đình cô gái thì dù có đồng ý hay không đồng ý, phía gia đình cô gái cũng phải giữ nhà trai ở lại 2-3 ngày mới cho về. Nếu nhà cô gái chưa đồng ý, gia đình nhà trai sẽ phải tiếp tục đến khi nào nhà gái đồng ý mới thôi. Khi nhà gái đồng ý thì họ sẽ lấy một chiếc ghế dài để hướng ra cửa và đặt trên đó 4 chén rượu, một chiếc ô và mời nhà trai uống hết 4 chén rượu.
Nhà trai uống xong thì rót lại 4 chén rượu và mời họ nhà gái. Khi nhà gái uống hết rượu trong chén, ông mối của nhà trai sẽ xoay ngang chiếc ghế lại để khẳng định là nhà gái đã gả con gái cho gia đình mình. Người con trai sẽ phải vái lạy tổ tiên, bố mẹ và anh em trong gia đình cô gái và như thế chàng trai đã được coi cô gái là vợ của mình. Hai bên sẽ tiếp tục uống rượu, trong bữa rượu hôm đó họ sẽ cùng chọn ngày lành tháng tốt để tổ chức lễ cưới và dự tính đồ thách cưới như thế nào. Sau khi đã thống nhất xong, nhà trai sẽ quay về nhưng hôm đó chưa được đưa con dâu về nhà mình ngay.
Đến ngày đón dâu, cô dâu chú rể sẽ mặc trên người những bộ quần áo mới nhất và đẹp nhất. Gia đình chú rể sẽ nhờ ông mối là đại diện (đoàn đón dâu thường từ 6 - 9 người và bố mẹ chồng không được đi đón con dâu). Trong ngày đón dâu, nhà trai sẽ phải mang đầy đủ lễ vật mà gia đình cô dâu thách cưới.
Khi đoàn đón dâu đến nhà gái, ông mối sẽ hát một bài với đại ý: Đến nhà bố mẹ nàng dâu/ Thấy nhà đóng kín cửa…./ Mới nhờ ông mối nhà gái nói với bố mẹ nàng dâu mở cửa/ Đón đoàn dâu chúng tôi vào nhà. Sau đó, ông mối của nhà gái sẽ hát đối trả lời. Khi vào đến nhà gái ông mối sẽ hát tiếp bài giao lễ vật. Gia đình cô dâu sẽ nhận và kiểm tra lại xem lễ vật có đủ như thách cưới không. Sau khi nhận xong lễ vật, nhà gái sẽ làm các thủ tục cúng tổ tiên, nhà trai nộp lễ và xin đón dâu. Mỗi thủ tục đều có các bài hát đối và mời 3 chén rượu. Sau khi làm xong các thủ tục xin dâu, hai gia đình sẽ cùng ngồi vào mâm uống rượu, chúc mừng cô dâu, chú rể và nhà trai sẽ xin đón con dâu về nhà.
Nghệ nhân dân gian Giàng A Su cho biết thêm: Theo phong tục của đồng bào Mông, khi đưa cô dâu về nhà chồng thì dù gần hay xa đều phải tổ chức ăn một bữa cơm ở dọc đường. Họ cho rằng bữa cơm đó là để báo với các vị thần linh là nhà trai đã được đón con gái người ta về làm dâu con trong nhà và mời các vị thần linh chứng kiến và phù hộ cho đôi vợ chồng trẻ chịu khó làm ăn, phát tài, sinh được nhiều con cháu. Khi đoàn đưa, đón dâu về tới nhà, cả đoàn sẽ đứng trước cửa nhà để gia đình nhà trai làm lễ nhập ma cho cô dâu, làm thủ tục báo cáo với tổ tiên, thần linh. Gia đình nhà trai sẽ mời thầy cúng đến làm lễ cho đôi trai gái chính thức thành vợ chồng. Thường thì ông thầy bói sẽ bắt một con gà trống, tay cầm thanh củi tiến hành làm ma nhập cho cô dâu, sau đó em gái của chồng sẽ dẫn cô dâu vào buồng.
Lễ cưới tại nhà trai được tổ chức trong suốt một ngày một đêm hôm ấy với những lời chúc mừng tốt đẹp dành cho đôi vợ chồng trẻ. Tuy nhiên, theo phong tục cô dâu không được ăn cơm cùng gia đình mà phải vào trong buồng ngồi, chỉ có chú rể ra tiếp khách. Mẹ chồng hoặc em chồng sẽ là người mang cơm vào buồng cho cô dâu. Trong 3 ngày đầu tiên, cô dâu có thể đi làm nương, làm rẫy, kiếm củi song không được đi chơi ở nhà người khác, kể cả quay về nhà bố mẹ đẻ.
Trước đây, người Mông có tục kéo vợ, bắt vợ, gia đình nhà gái thách cưới cao và đám cưới thường diễn ra trong nhiều ngày rất linh đình, gây tốn kém về kinh tế của gia đình, nhiều đôi vợ chồng trẻ cưới nhau sau nhiều năm mới trả được hết nợ. Ngày nay, các chàng trai cô gái Mông đã có sự tìm hiểu, xây dựng gia đình trên cơ sở của tình yêu. Những thủ tục trong đám cưới của người Mông vẫn được lưu giữ song đã được thực hiện một cách đơn giản hơn, góp phần tích cực vào phong trào xây dựng đời sống văn hóa mới tại thôn, bản vùng cao.