Chào Bác sĩ! Tôi bị bướu cổ hơn 2 năm nay, xin hỏi tôi phải dùng thuốc gì và chế độ ăn uống như thế nào cho hợp lý?
BS. Nguyễn Thị Vân-Chuyên khoa Nội-Bộ Y tế
Bị bướu cổ nên kiêng ăn gì?
Chào bạn!
Bướu cổ là sự tăng thể tích của tuyến giáp. Có thể phát hiện bướu cổ bằng mắt thường (khi người bệnh nuốt, tuyến giáp sẽ chạy ngược lên nhìn rất rõ) hay sờ nắn thấy. Siêu âm tuyến giáp cần làm để biết rõ thể tích của tuyến giáp, bản chất của tuyến là lan tỏa hay khu trú, bướu thể nang hay thể nhân… Có những loại bướu cổ còn kèm theo cả rối loạn chức năng tuyến giáp.
Vì vậy bạn cần đi khám để chẩn đoán thể bệnh có hường điều trị cụ thể. Có những trường hợp bệnh nhân bị bướu cổ phải điều trị nội khoa bằng thuốc thì tùy theo loại bướu giáp và chức năng tuyến giáp mà có thời gian điều trị khác nhau. Với bướu giáp có kèm theo cường giáp thì thời gian điều trị với thuốc kháng giáp tổng hợp tối thiểu là 6 tháng; bướu giáp thông thường với chức năng tuyến giáp bình thường thì điều trị với hormon tuyến giáp khoảng 2 năm; với bướu giáp có thiểu năng tuyến giáp (suy giáp) thì thời gian điều trị với thuốc là hormon tuyến giáp phải kéo dài, có khi là suốt đời. Tuy nhiên, điều trị nội khoa chỉ là bước đầu, sau đó phải điều trị bằng phẫu thuật hay bằng Iode đồng vị phóng xạ, nếu không tỷ lệ tái phát sẽ khá cao. Và cần được tái khám theo lịch của bác sĩ chuyên khoa.
Chế độ dinh dưỡng và nước uống là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bệnh bướu cổ do thiếu hoặc dư thừa i-ốt trong khẩu phần ăn hàng ngày. Chính vì vậy, bệnh này có thể đề phòng bằng các biện pháp bổ sung muối i-ốt qua một số thực phẩm, nước uống… Trong đó, bổ sung i-ốt qua muối ăn được chứng minh là biện pháp hiệu quả nhất. Tuy nhiên, nếu cung cấp quá nhiều i-ốt trong khẩu phần ăn hàng ngày một thời gian dài cũng đưa đến tính trạng gia tăng bướu cổ. Vì vậy, ở các thành phố lớn, các vùng ven biển… nơi mà trong bữa ăn hàng ngày của người dân đã đủ hàm lượng i-ốt thì không phải cho thêm i-ốt vào trong muối ăn.
Chúc bạn sức khỏe!