Bệnh hen suyễn ở trẻ em
Bệnh suyễn ở trẻ em còn gọi là bệnh hen phế quản (HPQ) là một bệnh mạn tính của đường hô hấp. Bệnh biểu hiện bằng sự co thắt phế quản và làm tăng tiết chất nhầy niêm mạc phế quản. Hai hiện tượng này làm cản trở sự lưu thông của không khí, vì vậy trẻ khó thở. Mức độ khó thở nhiều hay ít còn tùy thuộc vào sự co thắt phế quản và sự bài tiết dịch nhầy nhiều hay ít. Ngoài ra, còn tùy thuộc vào tính chất của bệnh có bị viêm nhiễm do vi sinh vật (vi khuẩn, virus, vi nấm) hay không? Nếu có thì bệnh còn phức tạp hơn nhiều.
Căn nguyên của HPQ là gì?
Một điều dễ nhận thấy là mỗi khi thời thiết thay đổi từ nắng ấm sang lạnh, gió mùa đông bắc, áp thấp nhiệt đới, ẩm ướt, trẻ cảm lạnh do mặc không đủ ấm, tắm khi có gió lùa, mặc quần áo bị ướt (do trẻ nghịch nước hoặc khi trẻ “tè ra quần” mà người lớn không biết...) thì ở các trẻ có tiền sử HPQ rất dễ tái phát.
Viêm đường hô hấp do vi sinh vật (như viêm mũi họng, VA, viêm phế
quản, tiểu phế quản), một số thức ăn (như tôm cua, ốc...), lông của một số động vật nuôi trong nhà (như chó, mèo...), một số côn trùng, tiết túc, đặc biệt là mạt gà, một số dược phẩm hoặc đôi khi gắng sức (khóc, chạy nhảy nhiều, đùa nghịch quá mức...) cũng là một trong các nguy cơ cao làm cho trẻ có tiền sử bị HPQ tái phát.
Vấn đề khói, bụi bẩn cũng là một trong những vấn đề cần quan tâm. Khói thuốc lá, thuốc lào do người lớn phả ra một cách thường xuyên, khói bếp do đun rơm rạ, củi, rác, nhất là khói và khí của bếp than đá (than tổ ong); bụi nhiều nhất là các vùng đô thị vệ sinh môi trường, vệ sinh hoàn cảnh, vệ sinh công nghiệp chưa tốt, là những yếu tố có nguy cơ cao làm cho trẻ xuất hiện cơn HPQ.
Làm thế nào để biết trẻ bị HPQ?
Đối với cơn HPQ nhẹ, thường xuất hiện khi gắng sức (khóc, chạy nhảy quá mức...), biểu hiện là cơn ho như: ho gà, nói được câu dài không bị ngắt quãng. Nghe phổi thấy có tiếng ran rít vào cuối thì thở ra.
Đối với HPQ vừa thì cơn ho xuất hiện khi trẻ gắng sức, tiếng nói ngắt quảng, bắt đầu thấy dấu hiệu co kéo lồng ngực, hõm ức, hố thượng đòn. Nghe thấy ran rít thì thở ra.
Đối với HPQ nặng thì khó thở, ho khi nghỉ ngơi, cánh mũi phập phồng; trẻ nhỏ không thể bú được; hiện tượng co kéo lồng ngực, mũi ức, hố thượng đòn rất rõ; nhìn môi của trẻ thấy tím tái. Nói hoặc khóc rất khó khăn (chỉ từng từ một). Nghe phổi có ran rít to cả 2 thì thở ra và hít vào.
Đối với cơn HPQ rất nặng (ác tính) thì trẻ khó thở dữ dội, không thể khóc hoặc nói và lúc này nghe phổi không còn thấy ran. Cơn hen xảy ra liên tiếp trong nhiều ngày nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời.
Trong HPQ, nếu có kèm theo sốt thì rất có khả năng trẻ bị viêm đường hô hấp (có thể là hô hấp trên hoặc hô hấp dưới) do vi sinh vật (vi khuẩn, vi nấm hoặc virus).
Khi trẻ nghi bị HPQ nên làm gì?
Cần thiết cho trẻ đi khám bệnh, đặc biệt là khám bác sĩ chuyên khoa nhi, tuyệt đối không nên nghe theo mách bảo của bạn bè, người thân không có chuyên môn về y, nhất là không có kinh nghiệm về HPQ ở trẻ em. Không nên tự mua thuốc để điều trị cho trẻ vì không những không khỏi, mà nhiều khi còn gây nguy hiểm cho tính mạng của trẻ.
Những lúc trẻ đang bị lên cơn HPQ không được tắm cho trẻ, tránh cho trẻ chơi, ngồi hoặc bế trẻ ra nơi có gió lùa sẽ làm cho trẻ bị lạnh đột ngột, cơn hen sẽ tăng nặng hơn. Đối với trẻ lớn nên động viên, an ủi, tình cảm với cháu, không nên làm cho trẻ buồn, lo lắng, chán nản.
Khi trẻ lên cơn hen nặng, hen cấp tính (khó thở gấp, dữ dội, môi tím, không bú được, không khóc được, nói ngắt quãng hoặc không nói được...) cần khẩn trương đưa cháu đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu, tránh để xảy ra điều đáng tiếc.
Nên làm gì để phòng bệnhHPQ?
Cần mặc ấm cho trẻ về mùa lạnh, nhất là khi đi ra khỏi nhà. Chỉ nên tắm cho trẻ khi không có cơn hen (trẻ vẫn ăn, chơi bình thường). Tắm ở buồng không có gió lùa, tắm nước ấm, cần tắm nhanh, tắm xong phải lau khô người cho trẻ ngay, lau bằng khăn khô và mặc ngay quần áo cho trẻ. Mùa lạnh mỗi lần chuẩn bị tắm, rửa cho trẻ nên chuẩn bị một số phương tiện như: quần áo sạch, lò sưởi, điều hòa nóng (nếu có điều kiện) để sau khi tắm, rửa xong là cháu được tiếp xúc ngay với khí ấm, hạn chế lạnh đột ngột làm cho trẻ dễ bị cảm lạnh và nguy cơ xuất hiện cơn HPQ trên trẻ có sẵn tiền sử bị hen.
Đối với trẻ có tiền sử HPQ thì không cho trẻ ăn, uống các loại thức ăn có nguy cơ cao xuất hiện cơn hen như: tôm, cua, ốc. Bố, mẹ và người lớn không nên hút thuốc trong nhà. Nếu chưa có điều kiện dùng bếp điện, bếp ga thì nên cải tiến bếp đun củi, rơm, rạ bằng loại bếp ít khói. Không nên nuôi chó, mèo trong nhà. Cần đề phòng có mạt gà chui trong chăn, gối, đệm bằng cách phơi nắng chăn, gối, đệm mỗi khi có điều kiện. Trong phòng ngủ của trẻ không nên quét nhà bằng chổi mà nên lau bụi bằng khăn ướt, hút bụi bằng máy (nếu có thể). Trẻ đã từng bị HPQ, đã được bác sĩ tư vấn và điều trị cần nghe theo chỉ dẫn của thầy thuốc, đặc biệt cần điều trị phòng hen theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Bởi vì khi trẻ bị HPQ, ngoài việc điều trị cắt cơn hen còn có điều trị dự phòng. Mặt khác, điều trị bệnh HPQ trẻ em không giống như người lớn về thuốc, liều lượng, cách dùng... bởi lẽ “trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ lại”.
Nguyên nhân bệnh hen suyễn ở trẻ em
Bệnh suyễn (hay còn gọi là bệnh hen phế quản) là một bệnh mạn tính đường hô hấp thường gặp.
Trẻ con có khi chỉ có biểu hiện ho kéo dài hoặc thở khò khè mỗi khi nhiễm trùng hô hấp cho nên thường bị bỏ sót chẩn đoán, chỉ được chẩn đoán là viêm tiểu phế quản, hoặc viêm phế quản dạng hen... đưa đến điều trị chưa đúng mức (chỉ dùng kháng sinh và thuốc giảm ho vốn là những thuốc không có chỉ định trong điều trị hen).
Đo chức năng phổi là phương tiện hữu dụng trong chẩn đoán và theo dõi tiến triển bệnh hen. Các nghiệm pháp thường được sử dụng là phế dung ký (đo bằng máy, thường để trong các phòng khám hoặc phòng thăm dò chức năng) và lưu lượng đỉnh (đo bằng một dụng cụ gọn nhẹ có thể thực hiện tại nhà). Các nghiệm pháp này nhằm đánh giá mức độ tắc nghẽn đường thở, theo dõi kết quả điều trị, phát hiện sớm những dấu hiệu tiến triển xấu của bệnh hen.
Bạn là bệnh nhân hoặc bố mẹ của bệnh nhi hen cần:
- Hiểu được kế hoạch hành động về hen. Bất cứ một nghi ngờ thắc mắc gì thì đặt ra với bác sĩ của bạn.
- Dùng thuốc đều đặn như toa thuốc đã hướng dẫn. Với bố mẹ bệnh nhi hen phải theo dõi sát sao việc sử dụng thuốc: đúng thuốc, đúng liều.
- Loại bỏ các yếu tố gây hen, nhất là khói thuốc lá do nghiện ngập hay hút thuốc thụ động.
- Định kỳ đến khám Bác sĩ để đánh giá lại hen, có thể tham gia Câu lạc bộ người hen, các phòng quản lý bệnh nhân hen để được hướng dẫn, chăm sóc và nâng cao các kiến thức về hen. Tốt nhất là nên đến khám định kỳ, thầy thuốc vẫn chăm sóc bạn, đã biết rõ độ nặng nhẹ của bệnh, hoàn cảnh gia đình, nghề nghiệp, môi trường sống của bạn.
- Bạn có thể đến thăm, khám bệnh sớm hơn dự định nếu bạn có triệu chứng không đáp ứng với sự tăng liều thuốc như kế hoạch hành động hen của bạn đã chỉ dẫn.
- Bạn có thể có lời khuyên đúng đắn về hen từ bác sĩ chuyên khoa của bạn chứ không phải từ bạn bè, thân thuộc hay hàng xóm. Hen của mỗi người khác nhau. Lời khuyên thích hợp với người này không nhất thiết có ích cho người khác.
Để đề phòng bệnh suyễn cho con:
- Trong lúc có thai mẹ không được hút thuốc.
- Nên cho con bú mẹ
- Điều quan trọng nhất là bảo vệ cháu bé tránh được các tác nhân kích thích đường hô hấp (chiếu lại các tác nhân).
Trong số đó đặc biệt chú ý đến khói thuốc và con mạt nhà.
Do đó trong nhà không được có khói thuốc lá
Con mạt nhà sống trong nệm, gối, giường ghế nên nệm gối của các cháu cần được bọc bằng loại vải không cho không khí vào và kéo bằng dây kéo.
Dẹp các gối, nệm, ghế, màn cửa không cần thiết trong phòng.
Giường ngủ nên lót một tấm lót đơn giản, giặt nước nóng và phơi nắng hàng tuần.
Phòng ngủ nên được chùi bằng khăn ấm hay máy hút bụi, không dùng chổi. Không nuôi chó, mèo.
Cơn hen nặng hay nhẹ tùy ở mỗi người, mỗi lúc. Một đứa trẻ lên cơn hen ngồi trên giường, mặt tím tái, đẫm mồ hôi, cố gắng hít thở khó khăn với những tiếng rít đặc trưng của bệnh. Cần an ủi cháu khi bác sĩ chưa tới và không được dùng thuốc gì nếu không được bác sĩ chỉ định từ trước.
Các thuốc chữa hen có tác dụng chủ yếu làm giãn phế quản để cho cơn hen dịu đi. Nếu cơn hen vẫn tiếp diễn, thì cần phải cho cháu vào bệnh viện.
Bệnh hen là một bệnh phải chữa trị lâu dài. Các cơn hen không giống nhau có thể một năm xảy ra đôi lần, nhưng cũng có thể xảy ra nhiều lần trong một tháng, ảnh hưởng tới việc học hành và cuộc sống lâu dài của trẻ. Bởi vậy phải chữa trị tới cùng.
Tâm lý bi quan của trẻ bị bệnh cũng như sự lo âu của các người thân có ảnh hưởng xấu tới tinh thần và làm bệnh thêm trầm trọng Bởi vậy, việc động viên, khuyến khích an ủi người bệnh là những việc làm có tính chất tâm lý, nhưng lại rất cần thiết.