Dấu hiệu trẻ còi xương và cách chăm sóc trẻ còi xương
Thưa bác sĩ! Con tôi được 4,5 tháng, là bé trai, nặng 7,2kg và dài 65cm. Cháu rất hay ra mồ hôi tay, chân; cháu ngủ không được sâu giâc. Dạo gần đây cháu có hiện tượng rụng tóc ở phía sau gáy (có hình vành khặn). Như thế có phải là cháu bắt đầu xuất hiện hiện tượng còi xương không? Nếu đúng thì phải chữa cho cháu như thế nào?
(Vũ Khắc Minh)
Trả lời:
Dựa vào những triệu chứng mà bạn vừa cung cấp cho chúng tôi, có thể con bạn bị còi xương. Đó chỉ là chẩn đoán lâm sàng, bạn nên đưa cháu đến trung tâm y tế chuyên khoa để bác sĩ chẩn đoán bệnh chính xác.
Bệnh còi xương hay xuất hiện ở trẻ dưới 3 tuổi, nhất là trẻ dưới 1 tuổi, trẻ đẻ non, thiếu cân, hay bị các bệnh nhiễm khuẩn cấp (đặc biệt là tiêu chảy). Đây là bệnh toàn thân, ảnh hưởng không những đến hệ xương mà còn đến cả thần kinh, cơ, máu...
Ở giai đoạn sớm, trẻ hay quấy khóc, ngủ không yên giấc, hay giật mình, vã nhiều mồ hôi cả lúc thức lẫn lúc ngủ. Giai đoạn muộn, xương sọ có dấu hiệu mềm, thóp trước rộng, bờ mềm, chậm kín; có bướu ở trán, ở đỉnh đầu làm đầu to ra. Trẻ chậm mọc răng, lồng ngực có khi biến dạng như ngực gà.
Để điều trị bệnh còi xương, cần cho trẻ tắm nắng buổi sáng và uống vitamin D, chứ không phải uống các chế phẩm có chứa canxi và ăn thêm xương. Những trẻ phải uống vitamin D hoặc có bệnh cấp tính kèm theo như tiêu chảy, viêm phổi... cần được các thầy thuốc chuyên khoa tư vấn và hướng dẫn. Việc điều trị chỉnh hình được đặt ra với những trẻ bị biến dạng xương nặng, khi bệnh đã khỏi.
Cách tốt nhất để phòng bệnh còi xương là trong thời gian mang thai và cho con bú, người mẹ được tắm nắng, có thời gian hoạt động ngoài trời và chế độ ăn uống đầy đủ. Vào các tháng cuối của thai kỳ, nên ăn các thức ăn giàu vitamin D và uống thêm dầu cá. Trẻ sinh ra cần được bú sữa mẹ đầy đủ. Sữa mẹ không chỉ có một hàm lượng vitamin D nhất định mà còn chứa những chất chuyển hóa của vitamin D.
Đối với trẻ đẻ non, thiếu cân, có thể cho uống vitamin D 400 đơn vị mỗi ngày trong suốt năm đầu. Điều quan trọng là phải thường xuyên cho trẻ tiếp xúc với ánh sáng mặt trời buổi sáng. Nhà ở phải có đủ ánh sáng. Ngoài ra, cha mẹ cần quan tâm, để ý đến các biến đổi của trẻ để có cách điều chỉnh kịp thời.
Chúc bạn và gia đình sức khỏe!