Viêm Amidan cấp và mạn tính
Viêm amiđan là nhóm bệnh hay gặp đứng hàng đầu trong những bệnh lý về họng. Bệnh tiến triển có thể cấp tính hay mạn tính, tuy nhiên bệnh rất hay tái phát và thường gây các biến chứng nguy hiểm trong các đ��t này. Tỷ lệ viêm amiđan khá phổ biến, chiếm 10% trong dân số.
Ngã tư đường ăn, đường thở có một hệ thống tổ chức Lympho làm nhiệm vụ bảo vệ bao gồm vòng Waldeyer và hệ thống hạch cổ.
Vòng Waldeyer gồm có:
- Amiđan ở vùng vòm mũi họng (Amiđan Lushka).
- Amiđan vòi còn gọi là Amiđan Gerlach ở quanh vòi nhĩ.
- Amiđan khẩu cái thường gọi tắt là Amiđan có hình hạt hạnh nhân ở 2 bên thành họng, giữa trụ trước và trụ sau.
- Amiđan lưỡi nằm ở 1/3 sau của lưỡi.
Amiđan lúc sinh ra đã có và là tổ chức bình thường của con người. Mặt ngoài của amidan láng màu hồng, không nhức, không to. Lúc mới sinh, hai amidan rất nhỏ nằm sát hai bên thành họng. Amidan lớn dần theo nhu cầu cơ thể. Thể tích tăng lớn nhất vào khoảng từ 7 đến 10 tuổi, sau nhỏ dần đến tuổi dậy thì. Mọi lứa tuổi đều có thể bị viêm amidan nhưng nhiều nhất là từ 6 đến 14 tuổi. Trai hay gái, đều bị viêm ngang nhau.
* Nguyên nhân.
Nguyên nhân chủ yếu của bệnh là do vi rút: Adenovirut, Rhinovirut, vi rút cúm, á cúm, sở, ho gà... Các loại vi khuẩn hay gặp là tụ cầu,liên cầu, hemophilus influenzae, phế cầu đặc biệt là liên cầu khuẩn b tan huyết nhóm A( strepA ) gây biến chứng thấp khớp, thấp tim, viêm cầu thận ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh do những di chứng nặng nề ở tim, khớp để lại gánh nặng cho gia đình và xã hội. Một tác nhân gây bệnh có thể gây ra nhiều bệnh cảnh lâm sàng của viêm amiđan cũng như có thể do nhiều tác nhân gây ra. Bệnh thường bắt đầu bằng nhiễm vi rút, sau đó do cơ thể suy giảm sức đề kháng dẫn đến bội nhiễm vi khuẩn. Ngoài ra, viêm amiđan còn chịu nhiều ảnh hưởng của nhiều yếu tố nguy cơ như cơ địa, các yếu tố thời tiết nóng ẩm, bụi, khói thuốc, sức đề kháng của cơ thể bị giảm, thể tạng suy dinh dưỡng.
1. Viêm Amiđan cấp tính.
Là viêm xung huyết và xuất tiết của Amiđan khẩu cái, thường gặp ở trẻ từ 3-4 tuổi trở lên, do vi khuẩn hoặc virus gây nên, thường thấy ở thời kỳ xâm lấn của nhiều bệnh viêm nhiễm vì vậy có người coi Amiđan là "cửa vào " của một số vi khuẩn hay virus như: viêm khớp cấp, bại liệt, dịch viêm não, viêm màng não…
1.2. Triệu chứng.
1.2.1. Triệu chứng toàn thân: Bắt đầu đột ngột với cảm giác rét hoặc rét run rồi sốt 380-390c. Người mệt mỏi, đau đầu, chán ăn, nước tiểu ít và thẫm màu. Đại tiện thường táo.
1.2.2. Triệu chứng cơ năng: Cảm giác khô, rát, nóng ở trong họng, nhất là thành bên họng vị trí Amiđan, mấy giờ sau biến thành đau họng, đau nhói lên tai, đau tăng lên rõ rệt khi nuốt, khi ho.
Thường kèm theo viêm V.A, viêm mũi hoặc ở trẻ em có Amiđan to thở khò khè, đêm ngáy to, nói giọng mũi.
Viêm nhiễm có thể lan xuống thanh quản, khí quản gây nên ho từng cơn, đau và có đờm nhầy, giọng khàn nhẹ.
1.2.3. Triệu chứng thực thể: Lưỡi trắng, miệng khô, niêm mạc họng đỏ, Amiđan sưng to và đỏ, có khi gần sát nhau ở đường giữa, một số tổ chức lympho ở thành sau họng to và đỏ: đó là thể viêm Amiđan ban đỏ thường do virus gây nên.
Có khi thấy hai Amiđan sưng đỏ và có những chấm mủ trắng ở miệng các hốc, dần biến thành một lớp mủ phủ trên bề mặt Amiđan, không lan đến các trụ, không dính chắc vào Amiđan, dễ chùi sạch không chảy máu để lộ niêm mạc Amiđan đỏ và nguyên vẹn: đó là thể viêm Amiđan mủ do vi khuẩn gây nên (liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn).
1.2.4. Xét nghiệm: Thể viêm do vi khuẩn có Bạch cầu tăng cao, nhiều bạch cầu đa nhân (10 đến 12 nghìn bạch cầu)
1.3. Chẩn đoán phân biệt viêm Amiđan cấp tính với bệnh bạch hầu.
Viêm Amiđan cấp tính
1 Sốt cao, bắt đầu đột ngột
2 Mạch nhanh mạnh
3 Mệt mỏi vừa, mặt đỏ
4 Chấm mủ ở miệng Amiđan hoặc màng mủ, không vượt khỏi Amiđan
5 Màng mủ mềm dễ nát và không dính chắc vào tổ chức Amiđan
6 Hạch cổ thường không sưng trừ trường hợp nặng
7 Nước tiểu rất ít khi có Albumin
8 Không tìm thấy trực khuẩn Klebs-Loeffet
Bệnh bạch hầu
1 Sốt , bắt đầu từ từ
2 Mạch chậm yếu
3 Mệt mỏi rõ rệt, mặt xanh tái
4 Giả mạc không giới hạn ở miệng hốc và có thể vượt ra ngoài Amiđan
5 Giả mạc chắc,dính, khó bóc, nếu bóc dễ chảy máu
6 Hach cổ sưng to, ngay cả trường hợp thông thường
7 Nước tiểu thường có Albumin
8 Có trực khuẩn Klebs-Loeffet
2. Viêm Amiđan mạn tính.
Viêm Amiđan mạn tính là hiện tượng viêm thường xuyên, viêm đi viêm lại nhiều lần. Tuỳ theo mức độ viêm nhiễm và phản ứng của cơ thể, Amiđan có thể (quá phát) thường gặp ở trẻ em hay người trẻ tuổi, hoặc Amiđan có thể nhỏ lại (xơ chìm). Tỷ lệ viêm Amiđan ở nước ta người lớn: 8-10%, trẻ em: 21%.
2.1. Yếu tố thuận lợi.
- Thời tiết thay đổi đột ngột (bị lạnh đột ngột khi mưa, độ ẩm cao...)
- Ô nhiễm môi trường do bụi, khí, điều kiện sinh hoạt thấp, vệ sinh kém.
- Sức đề kháng kém, thể dị ứng.
- Có các ổ viêm nhiễm ở họng, miệng: như sâu răng, viêm lợi, viêm V.A., viêm xoang và do đặc điểm cấu trúc giải phẫu của Amiđan có nhiều khe kẽ, hốc, ngách là nơi cư trú, ẩn nấu và phát triển của vi khuẩn.
2.2. Triệu chứng.
2.2.1. Triệu chứng toàn thân.
- Triệu chứng nghèo nàn.
- Có khi không có triệu chứng gì ngoài những đợt tái phát hoặc hồi viêm có triệu chứng giống như viêm Amiđan cấp tính.
- Đôi khi có toàn trạng gầy yếu, da xanh, sờ lạnh, ngây ngấy sốt về chiều.
2.2.2. Triệu chứng cơ năng.
- Thường có cảm giác nuốt vướng ở họng đôi khi có cảm giác đau như có dị vật trong họng, đau lan lên tai.
- Hơi thở thường xuyên hôi mặc dù vệ sinh răng miệng thường xuyên.
- Thỉnh thoảng có ho và khàn tiếng, trẻ em có thở khò khè, ngủ ngáy to.
2.2.3. Triệu chứng thực thể: Trên bề mặt Amiđan có nhiều khe và hốc. Các khe và hốc này chứa đầy chất bã đậu và thường có mủ màu trắng.
Thể quá phát: Amiđan to như hai hạt hạnh nhân ở 2 bên thành họng lấn vào làm hẹp khoang họng, trụ trước đỏ, thường gặp ở trẻ em.
Xếp loại Amiđan quá phát:
+ Viêm Amiđan quá phát A1 (A+): Amiđan to, tròn, cuống gọn. Chiều ngang Amiđan nhỏ hơn hoặc bằng 1/4 khoảng cách giữa chân 2 trụ trước Amiđan.
+ Viêm Amiđan quá phát A2 (A++): Amiđan to, tròn, cuống gọn. Chiều ngang Amiđan nhỏ hơn hoặc bằng 1/3 khoảng cách giữa chân 2 trụ trước Amiđan.
+ Viêm Amiđan quá phát A3 (A+++): Amiđan to, tròn, cuống gọn. Chiều ngang Amiđan nhỏ hơn hoặc bằng 1/2 khoảng cách giữa chân 2 trụ trước Amiđan.
Thể xơ chìm: Thường gặp ở người lớn, Amiđan nhỏ, mặt gồ ghề, lỗ chỗ hoặc chằng chịt xơ trắng biểu hiện bị viêm nhiễm nhiều lần. Màu đỏ sẫm, trụ trước đỏ, trụ sau dầy. Amiđan mất vẻ mềm mại bình thường, ấn vào Amiđan có thể thấy phòi mủ hôi ở các hốc.
Hạch góc hàm hay sưng to.
2.3. Chẩn đoán:
Viêm Amiđan mạn tính có thể là một ổ viêm nhiễm gây nên những bệnh toàn thân khác, nhưng nhiều khi khẳng định điều đó trong những trường hợp cụ thể lại là vấn đề khó khăn và tế nhị. Người ta đã đề xuất khá nhiều Test Amiđan để chẩn đoán xác định:
- Test Vigo- Schmidt: Thử công thức bạch cầu trước khi làm nghiệm pháp. Dùng ngón tay xoa trên bề mặt Amiđan trong vòng 5 phút, thử lại công thức bạch cầu. Nếu Amiđan viêm sẽ thấy số lượng bạch cầu tăng lên. Bạch cầu tăng dần trong vòng 30 phút, giảm dần trong vòng 2 giờ, sau trở lại bình thường.
- Test Lemée: Nếu Amiđan viêm đã gây các biến chứng, sau khi xoa trên bề mặt Amiđan có khi thấy khớp đau hơn, xuất hiện phù nhẹ hoặc trong nước tiểu có hồng cầu.
- Đo tỷ lệ Antistreptolysin trong máu: Bình thường 200 đơn vị. Khi viêm do liên cầu khuẩn sẽ tăng cao từ 500 - 1000 đơn vị.
3. Biến chứng của viêm Amiđan.
- Viêm tấy quanh Amiđan.
- Viêm tai, mũi, xoang, thanh khí phế quản cấp tính.
- Viêm tấy hạch dưới hàm hoặc thành bên họng.
- Viêm nội tâm mạc.
- Thấp khớp cấp.
- Viêm cầu thận cấp.
- Nhiễm khuẩn huyết.
4. Điều trị viêm Amiđan.
4.1. Điều trị viêm Amiđan cấp tính.
- Nghỉ ngơi, ăn nhẹ, uống nước nhiều.
- Giảm đau, hạ sốt: Paracétamol, aspirin…
Ta có thể điều chế dung dịch nước súc miệng có aspirin, hãy hòa tan 1 viên aspirin trong 1 ly nước. Súc miệng bằng dung dịch này và nuốt từ từ, bạn sẽ thấy giảm đau họng do aspirin được nuốt có tác dụng là chất giảm đau.
Loại dung dịch này rất hiệu quả trong việc điều trị, tuy nhiên theo khuyến cáo, bạn không nên dùng cho trẻ dưới 12 tuổi. Tốt nhất nên sử dụng sau ăn do aspirin sẽ gây khó chịu bao tử nên sử dụng lúc đói. Aspirin có thể tương tác với một số thuốc khác và chống chỉ định trong một số bệnh lý. Cần hỏi ý kiến bác sĩ khi bạn gặp vấn đề về sức khỏe.
- Kháng sinh: chỉ nên dùng cho những trường hợp nặng hoặc có biến chứng hoặc có tiền sử viêm khớp, viêm thận, viêm màng trong tim.
- Nhỏ mũi thuốc sát trùng nhẹ: natriclorid 0,9%, agysol.
- Súc miệng bằng các dung dịch kiềm ấm: Bicarbonat Natri, Borate Natri…(nửa thìa cà phê trong một cốc nước ấm).
- Nâng đỡ cơ thể: yếu tố vi lượng, sinh tố, canxi...
4.2. Điều trị viêm Amiđan mạn tính: Phẫu thuật Amiđan hiện nay là rất phổ biến. Tuy nhiên cần có chỉ định chặt chẽ. Chỉ cắt khi nào Amiđan thực sự trở thành một lò viêm (focal infectin) gây hại cho cơ thể.
Chỉ định:
- Amiđan viêm mạn tính nhiều lần (thường là 5-6 lần trong một năm).
- Amiđan viêm mạn tính gây biến chứng viêm tấy, áp xe quanh amiđan.
- Amiđan viêm mạn tính gây biến chứng viêm mũi, viêm xoang, viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi, viêm tấy hạch dưới hàm hoặc thành bên họng…
- Amiđan viêm mạn tính gây biến chứng xa: viêm màng trong tim, viêm cầu thận, viêm khớp, rối loạn tiêu hóa kéo dài, nhiễm khuẩn huyết.
- Amiđan viêm mạn tính quá phát gây khó thở, khó nuốt.
Chống chỉ định:
Chống chỉ định tuyệt đối:
- Các hội chứng chảy máu: bệnh ưa chảy máu, rối loạn đông máu.
- Các bệnh về tim mạch như: cao huyết áp, suy tim, suy thận giai đoạn mất bù…
Chống chỉ định tương đối:
- Khi đang có viêm họng cấp tính hay đang có biến chứng áp xe Amiđan.
- Khi đang có viêm, nhiễm khuẩn cấp tính như: viêm mũi, viêm xoang, mụn nhọt.
- Khi đang có viêm, nhiễm virút cấp tính như: cúm, sởi, ho gà, bại liệt, sốt xuất huyết...
- Khi đang có biến chứng do viêm amiđan như: viêm thận cấp, thấp khớp cấp... thì phải điều trị ổn định, hết đợt cấp mới được cắt.
- Khi đang có bệnh mạn tính chưa ổn định như: Đái đường, viêm gan, lao, bệnh giang mai, AIDS...
- Phụ nữ đang thời kỳ kinh nguyệt, thời kỳ mang thai hoặc đang nuôi con bú.
- Thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh.
- Các cháu bé dưới 5 tuổi hoặc người lớn trên 30 tuổi.
- Thận trọng: trong các trường hợp dùng các thuốc nội tiết tố, hoặc thuốc giảm đau trước đó, các bệnh nhân đang đợt tiêm chủng.
Phương pháp phẫu thuật:
có 4 phương pháp cắt amiđan. Phương pháp cổ điển là dùng dao, kéo và thòng lọng, nhưng cách này có nhược điểm là bệnh nhân mất nhiều máu. Cách dùng dao điện đơn cực hoặc lưỡng cực có ưu điểm là không chảy máu, nhưng gây bỏng và tổn thương mô xung quanh nhiều vì nhiệt độ cao khoảng 4000C. Nếu dùng dao siêu âm Harmonic scalpel thì ít gây bỏng hơn (nhiệt độ khoảng 700C). Cắt amiđan bằng Coblator được xem là phương pháp ưu việt nhất hiện nay vì ít gây bỏng nhất (nhiệt độ khoảng 700C) và ít tổn thương mô xung quanh. Đặc biệt, sau khi cắt amiđan, trẻ có thể nói chuyện, ăn uống bình thường được ngay. Mặc dù vậy, các bác sĩ vẫn khuyên không được la hét lớn và nằm viện thêm 1 ngày để theo dõi. Ngoài ra, trẻ cần có chế độ ăn uống đặc biệt: kiêng các thức ăn cứng, nóng, chua, cay. Nên ăn các thức ăn: lỏng, nguội, mềm trong vòng 15 ngày đầu để tránh chảy máu sau mổ.
Thời gian thực hiện một ca phẫu thuật amiđan bằng phương pháp Coblator chỉ mất 30 phút. Do được chụp thuốc mê để cắt nên khi cắt xong, các bé rất thoải mái, không có cảm giác sợ hãi. Thông thường, sau khi làm hết các xét nghiệm, bác sĩ sẽ hẹn bệnh nhân đến nhập viện trước một ngày; sáng hôm sau bệnh nhân sẽ được xếp lịch mổ. Phẫu thuật thường được tiến hành vào buổi sáng. Không cắt amiđan sau 16 giờ chiều vì thời điểm này khó cầm máu.
5.Để phòng ngừa chứng viêm amiđan, nên vệ sinh đường mũi - họng thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn angisp-ray, eludril, locabiotal, givalex hoặc nước muối pha loãng (NaCl 0,9% .Một muỗng cà phê muối pha với nửa lít nước. Không nên pha quá mặn sẽ làm hư niêm mạc họng.)
Để hạn chế viêm Amiđan phải chú ý giữ gìn vệ sinh, giữ ấm vùng mũi họng , tránh môi trường sống ô nhiễm, tránh dùng những thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh, vệ sinh răng miệng sau khi ăn, súc miệng bằng nước muối pha
Tránh dùng nước đá quá nhiều và ra vào phòng lạnh đột ngột, nhất là khi nhiệt độ ngoài môi trường cao. Nên dùng khẩu trang tránh bụi khi làm việc những nơi có mức độ ô nhiễm cao.
Một số biến chứng do viêm amidan mạn tính
Viêm amiđan mạn tính là tình trạng viêm xơ teo hay quá phát của amiđan khẩu cái sau nhiều đợt viêm cấp tính để lại. Do có cấu tạo lớn nhất và trên bề mặt tự do lại có nhiều khe, rãnh là nơi chứa mủ bã đậu của nhiều lần viêm tích tụ và vi khuẩn nên viêm amiđan có thể đóng vai trò khá quan trọng trong những bệnh lý tai - mũi - họng.
Viêm amiđan có thể do virut (như rhinovirus, coronavirus, virut cúm và á cúm, epstein - Barr virus, cytomegalovirus...) hoặc vi khuẩn (như liên cầu, tụ cầu, phế cầu...). Đặc biệt nguy hiểm là loại liên cầu khuẩn B tan huyết nhóm A, loại vi khuẩn này thường gây biến chứng xa tới thận, tim hoặc khớp nên khi cơ thể sản xuất ra kháng thể chống lại loại vi khuẩn liên cầu này đồng thời sẽ tấn công vào tim, thận và khớp nên gây bệnh. Lúc này amiđan trở thành một ổ chứa vi khuẩn cần phải loại bỏ bằng phẫu thuật.
Viêm khớp, viêm thận, viêm cơ tim theo sát các đợt viêm họng. Do đó cần hết sức lưu ý với những trẻ hay bị những đợt viêm amiđan cấp mủ nhiều đợt trong năm. Để đánh giá đúng và phòng được những biến chứng của bệnh lý này đã ảnh hưởng tới toàn thân trẻ chưa thì bên cạnh việc điều trị dự phòng bằng kháng sinh chống liên cầu khuẩn, sau khi hết liều điều trị khoảng 2 tuần, nên đưa trẻ đến viện tim mạch hoặc một cơ sở y tế có khả năng xét nghiệm để tìm loại kháng thể của loại vi khuẩn gây bệnh nguy hiểm này trong máu (ASLO), đồng thời quệt họng nuôi cấy đánh giá sự có mặt của vi khuẩn tại vùng họng, amiđan. Nếu kết quả dương tính thì nên chủ động cắt amiđan kết hợp kiểm tra chức năng thận và tim mạch để có được chẩn đoán sớm, tránh cho trẻ những căn bệnh đáng tiếc xảy ra như thấp tim, viêm cầu thận mạn tác động xấu đến cuộc đời trẻ sau này.
(ST)