Vốn tự hào về mái tóc dày, mượt, khi đi làm trở lại sau sinh, chị Hằng (Doãn Kế Thiện, Hà Nội) hoảng hốt mỗi sáng dậy thấy tóc vương đầy trên gối. Đặc biệt, sau khi gội đầu, tóc chị rụng vo lại cả nắm.
"Mình chưa bao giờ bị rụng tóc nhiều như thế này. Ông xã còn kêu ầm lên vì trong nhà, từ giường, tới sofa, nền nhà, thậm chí bát canh... cũng có tóc của vợ. Tóc mình giờ mỏng hẳn và xơ xác", chị Hằng xót xa.
Dù đã đầu tư mua dầu gội xả "xịn" và cắt tóc ngắn đi, nhưng tình trạng tóc rụng vẫn chưa cải thiện khiến chị Hằng lo lắng.
Tóc vốn đã mỏng, chị Lan (Nguyên Hồng, Hà Nội) càng xót xa hơn khi mỗi lần chải đầu lại thấy tóc rơi lả tả. Lo lắng, bà mẹ đang thời kỳ cho con bú đã mua vitamin tổng hợp về uống, cũng thử sử dụng loại thuốc kích thích mọc tóc nhưng vẫn chưa ăn thua. "Cô bạn còn bảo, sao tóc mày đâu hết mà nhìn trơ cả da đầu. Tóc rụng nhiều tới nỗi mình không dám chải tóc", chị Lan thổ lộ.
Ảnh minh họa: Prevention.com.
Bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, Trung tâm y tế lao động (Hà Nội) cho biết, hiện tượng rụng tóc sau sinh khá phổ biến, có tới 30-40% chị em gặp tình trạng này. Có khá nhiều "thủ phạm" như: rối loạn nội tiết tố, stress, thiếu chất...
Ở người bình thường, cứ cách 5 năm lại thay đổi toàn bộ tóc một lần, và bình thường việc thay tóc được tiến hành theo giai đoạn, chia theo khu vực nên chúng ta không dễ nhận ra. Tốc độ thay tóc ở phụ nữ có liên quan đến lượng estrogen trong cơ thể. Khi lượng estrogen cao, tốc độ thay tóc sẽ chậm lại, khi lượng estrogen thấp thì tốc độ thay tóc sẽ tăng nhanh.
Theo bác sĩ, trong thời gian mang thai, lượng estrogen tiết ra nhiều hơn, tuổi thọ của tóc được kéo dài, tốc độ rụng giảm. Vì thế, đa số phụ nữ khi ở quý 2 thai kỳ thấy mái tóc mình dày, bóng mướt. Sau khi sinh con, hàm lượng estrogen trong cơ thể chị em bắt đầu giảm, và tóc không chỉ rụng như bình thường mà cả số tóc không rụng trong thời kỳ có thai giờ đây cũng rời da đầu. Vì thế, nhiều chị em thấy tóc rụng rất nhiều sau 3-4 tháng sinh con.
Ngoài ra, trong thời kỳ cho con bú, loại nội tiết làm cho sữa mẹ dồi dào là prolactin - một chất ức chế estrogen - càng khiến tóc rụng nhiều hơn. Cộng với sự mệt mỏi, thiếu ngủ vì chăm con, lo lắng mỗi khi con ốm, căng thẳng trong công việc khi đi làm lại... cũng khiến chị em bị rụng tóc nhiều.
Bác sĩ Nguyễn Thành, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu trung cho biết, tóc là một cơ quan bình thường, cũng có quá trình sinh ra, phát triển, già cỗi và chết (rụng). Nếu rụng trên 100 sợi tóc mỗi ngày mới gọi là bệnh lý, còn ít hơn vẫn là bình thường. Với phụ nữ sau sinh, việc rụng tóc là do sự thay đổi nội tiết và sau sang chấn tâm lý trong thời kỳ có thai, sinh con (phải lo lắng cho cuộc sống của hai mẹ con, sức khỏe của trẻ, việc chăm sóc con và những biến đổi trong gia đình...).
Ngoài ra, một số yếu tố khác có thể gây rụng tóc như dùng chất tẩy rửa mạnh, gội đầu quá thường xuyên (bình thường một tuần chỉ nên gội 2-3 lần)... Nhiều trường hợp sau sinh rụng tóc do nấm với các biểu hiện kèm theo như luôn ngứa da đầu và phải gãi, tóc rụng thành từng mảng... Khi đó, cần đi khám để xác định.
Theo bác sĩ, để có thể điều trị rụng tóc hiệu quả, điều quan trọng nhất là xác định được đúng nguyên nhân. Một phụ nữ sau sinh rụng tới thưa hẳn đầu phải đến bác sĩ da liễu hay bác sĩ nội tiết để điều trị nghiêm túc.
Khi phụ nữ không cho con bú nữa, nội tiết ổn định thì mọi thứ quay trở lại như trước và tóc có thể sẽ bớt rụng. Ngoài ra, để hạn chế lượng tóc rụng và kích thích tóc mọc lại, chị em nên:
- Giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ trong thời gian mang thai và cho con bú.
- Có chế độ ăn uống cân bằng, hạn chế đồ ngọt, ăn nhiều rau tươi, trái cây, đồ hải sản, cá, trứng, các loại đậu, những thực phẩm giàu sắt, kẽm, canxi, vitamin nhóm B...
- Dùng lược chải tóc nhẹ nhàng, kết hợp massage da đầu giúp máu lưu thông, thúc đẩy sự tăng trưởng của tóc mới.
- Tránh kiêng khem quá mức việc tắm, gội đầu, chải tóc trong thời gian ở cữ sau sinh. Cần đảm bảo vệ sinh, giữ thông thoáng cho tóc và da đầu.
- Hạn chế sử dụng các loại dầu gội có chất tẩy rửa mạnh, tốt nhất nên dùng loại có nguồn gốc từ thiên nhiên.