Việc uốn sửa cây kiểng nói chung, cây mai nói riêng, với một số bạn mới bước vào nghề trồng mai có lẽ chưa được dạn dày kinh nghiệm cho mấy. Tôi xin mạnh dạn nêu một số ý kiến để các bạn tham khảo rồi tự tạo tác cho những cây mai của vườn nhà trở nên duyên dáng, đẹp mắt.
Phân tầng cành như thế nào?
Những cây mai có thân gốc đã lớn bằng chiếc đũa con hay như điếu thuốc lá thì nên tạo dáng cho chúng vào thời điểm nào, vào mùa nào cũng được, nhất là trong giai đoạn trời đang nắng.
- Nếu cây mai đã sinh ra nhiều tược thì chọn cái nào ở cách bộ rễ 6-8cm, tối đa là 10cm để là tầng cành thứ nhất
- Nếu cây có tược ở hơi cao, thì có thể đè bẹp thân gốc nằm sát với rễ để uốn thành cung bán nguyệt, cho tược hạ thấp xuống
- Nếu cây không có tược (suông đuột) thì cứ uốn rồi hãy ghép bổ sung sau.
Lưu ý: Trong 3 trường hợp trên phải moi đất chung quanh gốc để thăm dò bộ rễ nằm sâu hay cạn mà nhắm để tầng cành thứ nhất cho vừa tầm.
Thao tác uốn sửa
- Sử dụng tược sẵn có mà phân đoạn từng tầng cành sao cho tương đối đều đặn. Mỗi đoạn thân dài tối đa 20cm, tối thiểu 16cm, trung bình 18cm là đẹp.
- Những tược định sử dụng cần phải bảo vệ cho trọn vẹn, còn các tược khác không cần đến thì cắt bỏ cho gọn.
- Dùng lạt (tre non) buộc hết các tược đã chọn, luồn lạt chéo qua nách theo dạng con số 8 nhiều lượt, xoắn nối thật chặt, đề phòng lúc tỳ uốn có thể gãy. Sau đó lấy cọc cắm sát gốc và lạt buộc cổ gốc với cọc lại, để giữ lấy bộ rễ thăng bằng không bị xô đẩy.
- Tiếp theo là nắn uốn cái gốc nghiêng thuận chiều với tược để ra phía vành chậu từ 35 – 450. Một tay giữ, tay kia cắm cọc chính thứ nhất (loại cọc dài) tỳ vào điểm xuất phát của tầng cành dưới, đồng thời dùng lạt buộc cố định rồi tiếp tục nắn uốn từ từ, thân mai sẽ mềm dần, gập tạo thành góc tù ngay tại vị trí của cái tược. Cứ thế mà lần lượt cắm hai cọc chính nữa, cả thảy là ba cọc ở ba điểm tam giác đều trên mặt chậu. Buộc chụm 3 đầu cọc ấy lại sẽ vững chắc thêm để uốn và tựa các góc vào với cọc sao cho những tầng cành theo 3 hướng, gọi là nhân, thiên, địa. Cố gắng xoay thân cây cho nó chuyển ra ngoài, thuận chiều. Nếu cứng thì dùng dây kim loại quấn theo thân mà xoay. Uốn sửa đến đâu, buộc lạt cố định theo thân đến đó, từ gốc lên ngọn.
Lưu ý: Nếu dùng dây kim loại thì sau 3 tháng phải tháo gỡ, chớ để lâu sẽ có lằn xấu khó coi.
- Làm cho cây lùn thấp (đầu tượng đuôi tý), tạo dưỡng cây mai đủ 3 tầng cành, cắt bỏ bớt phần thân quá cao. Trước tiên, chọn cái tược nào hợp lý, khỏe để thay thế cho ngọn chủ. Cái tược ấy phải vào khoảng giữa 1/3, so với chiều dài đã phân từng đoạn cho các tầng cành. Lúc cắt bỏ thân trên phải chừa thêm 15mm để có cái thế mà buộc lạt ép cái tược xuôi theo cùng chiều, đến khi nó cứng cỏi rồi thì gọt xóa.
- Làm cho cành mai phát triển nhiều nhánh con, cháu, chắt… như vậy mới có nhiều hoa rực rỡ. Ngay từ khi cây mai còn đang tơ, tức là mới uốn sửa lần đầu tiên, thấy cành nào đủ lớn rồi thì cắt bỏ bớt phần đọt, để lại một đoạn ngắn có hai mắt lá hoặc hai nút lá rụng cũng được, ở vào khoảng từ nách thân mẹ trở ra từ 5 - 6cm, cắt cách mắt lá 5mm, cắt từ dưới lên ngọn theo dạng hình chóp nón.
Vài ba tuần sau mỗi cành mọc cho hai nhánh, cứ thế lại cắt tiếp hai nhánh đó, chừng nào cảm thấy vừa ý rồi thì để cho cành nhánh của nó kịp trổ hoa đón tết.
Mua bán Bonsai