Nói lắp (hay còn gọi là nói cà lăm) là một tật do rối loạn ngôn ngữ, trong đó có sự ấp úng khi nói khiến các từ phát ra chậm, kéo dài hoặc các từ được lặp đi, lặp lại. Nói lắp thường gặp ở các bạn nam nhiều hơn các bạn nữ, ở người thuận tay trái nhiều hơn người thuận tay phải. Chứng nói lắp cũng có tính di truyền. Nguyên nhân của nói lắp hiện nay vẫn chưa rõ. Một vài giả thuyết cho rằng có thể nói lắp là do tổn thương nào đó ở vùng ngôn ngữ của não. Nhưng có nhiều ý kiến đề cập đến yếu tố tâm lí trong việc nói lắp vì người ta thường nói lắp khi tâm trạng căng thẳng, hồi hộp hay lo lắng, run sợ... hoặc vì tò mò, thích bắt chước người khác nói lắp, hoặc thường tiếp xúc với những người nói lắp nên tiếp thu phải những ám thị không tốt, kết quả tự mình dần dần cũng biến thành nói lắp. Bị quở phạt hay uy hiếp quá mức, hoặc tinh thần bị tổn thương mà gây nên nói lắp. Cách chữa nói lắp:
Điều trị bằng cách luyện tập: Nhiều chuyên gia tâm lý chuyên chữa trị tật nói lắp cho thanh thiếu niên và người lớn thường tập trung vào các biện pháp giúp bệnh nhân giảm thiểu tối đa tình trạng lắp bắp, chẳng hạn như nói chậm, điều chỉnh nhịp thở, luyện tập nói suôn sẻ từ những câu phát âm đơn giản cho đến những câu nói phức tạp hơn. Hầu hết những bài tập này cũng đồng thời giúp người nói lắp giảm lo âu trong những hoạt động dễ gây căng thẳng như giao tiếp với mọi người hoặc nói trước đám đông.
Dùng thuốc: Ủy Ban Thực Phẩm và Thuốc Men Hoa Kỳ (FDA) chưa xác nhận bất kỳ loại thuốc nào dành cho việc điều trị nói lắp. Tuy nhiên, đã có những trường hợp chữa nói lắp bằng các loại thuốc chống động kinh, thuốc chống trầm cảm hoặc giảm lo âu. Tuy nhiên, những loại thuốc này có tác dụng phụ và đều được khuyến cáo không nên sử dụng lâu dài. Trong một nghiên cứu gần đây của NIDCD, các nhà khoa học đã chứng minh rằng liệu pháp dùng thuốc gần như không có tác dụng trong việc cải thiện tật nói lắp.
Tham gia các nhóm tự giúp: Đã có nhiều trường hợp người nói lắp tự khắc phục được tật của mình nhờ tham gia các đội nhóm nhằm tự chữa cho mình. Các nhóm tự giúp – thường gồm những người đồng cảnh ngộ hoặc có kinh nghiệm về tật nói lắp – thường xuyên có nhiều hoạt động chia sẻ thông tin, kinh nghiệm bổ ích và hỗ trợ, động viên các thành viên vượt qua tật nói lắp của bản thân.
Điều trị tật nói lắp ở trẻ em: Đối với trẻ em, việc can thiệp điều trị là vô cùng quan trọng, để trẻ không chỉ sớm khắc phục được tật nói lắp, mà còn để các em không phải gặp khó khăn lâu dài với chứng tật đầy bất lợi này khi lớn lên. Có một số những chiến lược điều trị nhất định sẽ giúp trẻ vừa cải thiện được khả năng nói, vừa giúp các em hình thành thái độ tích cực và không e sợ việc giao tiếp nữa. Nhiều chuyên gia khuyến cáo rằng các bậc cha mẹ cần phải lưu tâm ngay khi trẻ có dấu hiệu nói lắp kéo dài từ 3 đến 6 tháng, hoặc có biểu hiện khó khăn khổ sở trong việc giao tiếp, hoặc có người thân trong gia đình cũng có tật nói lắp hay các rối loạn về giao tiếp khác. Một số chuyên gia khác lại cho rằng trẻ nhỏ cần được chẩn đoán tật nói lắp định kỳ 3 tháng/lần, vừa để phát hiện sớm tật nói lắp, vừa để theo dõi xem tật nói lắp có dấu hiệu trầm trọng hơn hay thuyên giảm đi hay không.
Các bậc cha mẹ cần phải đóng vai trò chủ đạo trong việc giúp con mình khắc phục tật nói lắp và rèn luyện kỹ năng giao tiếp lưu loát. Cụ thể, bố mẹ nên:
Tạo bầu không khí thoải mái, không làm áp lực hay phán xét để trẻ có thể nói chuyện một cách cởi mở, tự nhiên. Việc này cần phải được xác lập một khoảng thời gian phù hợp trong ngày, tốt nhất là vào thời điểm trẻ cảm thấy háo hức và có nhiều điều muốn chia sẻ với bố mẹ nhất.
Không nên có những phản ứng tiêu cực khi trẻ nói lắp. Thay vào đó, bố mẹ nên nhìn nhận tật nói lắp của trẻ một cách công bằng như những khó khăn khác trong cuộc sống mà trẻ sẽ gặp phải trên đường đời. Hãy giúp trẻ sửa chữa sự lắp bắp một cách dịu dàng, đầy thiện chí và khen ngợi mọi nỗ lực nói lưu loát của trẻ.
Đừng tạo áp lực hay yêu cầu trẻ phải nói được như thế này thế kia, đặc biệt với những trẻ có tính cách nhạy cảm và dễ lúng túng khi phải đối mặt với áp lực lớn.
Trò chuyện với trẻ một cách chậm rãi và từ tốn. Bản thân trẻ có tật nói lắp sẽ cảm thấy tự ti và áp lực hơn nếu bạn nói quá lưu loát hoặc quá nhanh.
Lắng nghe trẻ một cách tập trung và kiên nhẫn đợi các em nói hết câu trước khi hồi đáp. Đừng nóng vội hoàn thành câu chuyện thay cho trẻ. Hãy giúp trẻ nhận ra rằng, trong cuộc sống có rất nhiều người vẫn thành đạt và giỏi giang dù họ mắc phải tật nói lắp.
Mỗi khi bé hỏi bạn về tật nói lắp của mình, hãy trò chuyện và tham vấn cho trẻ một cách chân thành. Hãy động viên bé rằng tật nói lắp thực ra cũng như bao vấn đế khó khăn trong cuộc sống, rằng nó không phải là một điều gì quá ghê gớm và hoàn toàn có thể vượt qua được nếu trẻ cố gắng.