Điều trị bệnh viêm mũi dị ứng
Bác sĩ cho cháu hỏi, mẹ cháu bị viêm mũi dị ứng đã nhiều năm nay, có lẽ do làm việc trong môi trường độc hại. trước mẹ cháu làm ở nhà máy thuốc lá, suốt ngày cháu thấy mẹ hắt hơi liên tục, chảy nước mũi nhiều... Mẹ cháu đã chữa nhiều nơi, uống nhiều thuốc Nam, thuốc Bắc và cả thuốc Tây nữa mà chẳng khỏi. Bác sĩ cho cháu hỏi viêm mũi dị ứng có khỏi hẳn đượac không và phải khám ở đâu, uống thuốc và điều trị như thế nào mới khỏi được ạ. Cháu cảm ơn bác sĩ ạ! (nguyen thi huyen) Trả lời: Viêm mũi dị ứng là bệnh thường gặp nhất trong các bệnh lý của đường hô hấp, chiếm tỷ lệ 17-25% dân số, có tần suất cao ở những người đi làm, đi học. Bệnh ngày càng tăng ở các nước công nghiệp phát triển do sự ô nhiễm không khí với nhiều kháng nguyên lạ xuất hiện. Những yếu tố thuận lợi khác gây dị ứng là: thời gian tiếp xúc với dị nguyên, nhiễm trùng; yếu tố di truyền, nhân chủng học. Tùy theo yếu tố gây dị ứng, người ta chia bệnh viêm mũi dị ứng thành các dạng sau: - Viêm mũi dị ứng theo mùa: Yếu tố gây dị ứng thường gặp là phấn hoa và bụi nấm mốc ngoài trời. Một người dị ứng với loại phấn hoa này cũng có thể dị ứng với nhiều loại phấn hoa khác. - Viêm mũi dị ứng quanh năm: Yếu tố gây dị ứng thường là bụi trong nhà (hoặc bụi ngoài trời nếu bụi này có trong không khí quanh năm), lông chó mèo, con mọt (có trong không khí, da người, lông vật nuôi, chăn nệm, đồ chơi...). Con gián và các loài gặm nhấm trong nhà cũng được coi là nguyên nhân gây hen và viêm mũi dị ứng quanh năm. - Viêm mũi dị ứng không thường xuyên: Xảy ra khi bệnh nhân tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng như bụi nhà, nấm mốc, phấn hoa. Khi hết tiếp xúc thì không còn triệu chứng dị ứng. Dị ứng không thường xuyên còn có thể xảy ra đối với thức ăn. Trong trường hợp này, bệnh nhân còn có triệu chứng nổi mề đay, ngứa hoặc đau bụng, tiêu chảy. - Viêm mũi dị ứng nghề nghiệp: Do tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng tại nơi làm việc (bụi phấn, bụi gỗ, lông thú, găng tay nhựa...). Các triệu chứng bệnh bao gồm: - Ngứa mũi (có thể kèm theo ngứa mắt, tai và vòm họng). - Nhảy mũi (thường thành từng tràng dài liên tục). - Chảy nước mũi. - Nghẹt mũi (đôi khi gây mệt mỏi, nhức đầu, buồn ngủ). Có thể chẩn đoán chính xác viêm mũi dị ứng bằng cách xét nghiệm dịch trong mũi, hoặc tìm phản ứng dị ứng bằng cách tiêm một số kháng nguyên nghi ngờ vào da bệnh nhân (nếu nơi tiêm có quầng đỏ lớn hơn giới hạn bình thường thì đó là dị ứng). Một người có thể phản ứng dương tính với nhiều loại kháng nguyên. Tuy không đe dọa đến tính mạng nhưng viêm mũi dị ứng khiến người bệnh luôn nhức đầu, buồn ngủ, khó chịu, uể oải, ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt. Nếu để lâu không điều trị, bệnh nhân có thể bị viêm đường hô hấp trên, viêm tai giữa, viêm xoang, có polyp trong mũi... Việc phòng ngừa và điều trị viêm mũi dị ứng gồm 3 bước chủ yếu: - Kiểm soát môi trường - tránh tác nhân gây dị ứng: Đeo khẩu trang, rửa mũi bằng nước muối sinh lý, tắm gội sạch sẽ (để loại hết bụi trên tóc, trên da) sau khi ra ngoài trời. Thường xuyên làm vệ sinh nhà cửa, giặt chăn màn, bao gối, màn cửa và phơi dưới ánh sáng mặt trời. Không nên dùng thảm và nệm ghế bằng vải. Không nuôi chó mèo hoặc những vật có lông khác trong nhà. Nếu trẻ bị dị ứng nhiều, hạn chế cho chơi thú nhồi bông. Ngoài ra, bệnh nhân cần hạn chế tối đa sự tiếp xúc với khói thuốc, khói xe, nước hoa, hương liệu hay những chất nặng mùi khác. Đối với dị ứng nghề nghiệp, nếu không thể đổi nghề, nên dùng khẩu trang, mặt nạ hoặc sử dụng các vật liệu thay thế. - Dùng thuốc: Hầu hết các trường hợp viêm mũi dị ứng đều đáp ứng với điều trị bằng thuốc. Thuốc chống nghẹt mũi có thể dùng đơn độc hoặc kết hợp với Antihistamines. Thuốc có thể gây tác dụng phụ như hồi hộp, lo âu, mất ngủ và quánh đàm. Không nên dùng thuốc chống nghẹt mũi dạng xịt hoặc nhỏ quá 7 ngày. Việc lạm dụng nó sẽ gây hiện tượng sinh lý phản hồi, khiến bệnh nhân nghẹt mũi nặng hơn, phải tăng liều, dẫn đến tình trạng viêm mũi do thuốc và nghiện thuốc, rất khó điều trị. - Miễn dịch liệu pháp (còn gọi là giải mẫn cảm đặc hiệu): Sau khi thử test, biết chính xác là dị ứng với loại kháng nguyên nào, bệnh nhân sẽ được tiêm chất kháng nguyên gây bệnh với liều tăng dần, làm cho cơ thể thích ứng dần với chất đó và không dị ứng nữa. Tỷ lệ thành công của phương pháp này là 80-90% (có hiệu quả cao nhất với các trường hợp dị ứng do phấn hoa, bụi nhà và lông chó mèo). Thời gian điều trị phải kéo dài 4-5 năm mới đạt được hiệu quả mong muốn; các triệu chứng chỉ bắt đầu cải thiện rõ sau 6-12 tháng. Bạn nên đưa mẹ đi khám tại bệnh viện Tai - Mũi - Họng, bạn nên trình bày kỹ với bác sĩ về quá trình diễn biến bệnh của mẹ bạn để các bác sĩ có hướng điều trị tích cực. Điều trị bệnh viêm mũi dị ứng Tôi thường xuyên bị ngạt mũi kéo dài khoảng 1 năm, ban đầu bị nhẹ không ảnh hưởng nhiều tuy nhiên gần đây tôi bị nặng hơn, đi khám và chụp Xquang tại Bệnh viện Bắc Ninh thì các bác sỹ cho biết tôi bị viêm mũi dị ứng. Sau đó tôi có uống một số thuốc chống dị ứng như CTZ, uống C, nhỏ nước muối sinh lý, neo-dexa. Kết quả là chỉ đỡ các triệu chứng, tuy nhiên nếu không dùng thuốc nhỏ mũi thì vẫn bị ngạt. Xin các bác sỹ cho lời khuyên! Trân trọng cảm ơn! (Đỗ Đăng Khoa) Trả lời: Các thuốc bạn đang sử dụng điều trị chỉ có tác dụng điều trị triệu chứng của bệnh viêm mũi dị ứng chứ không điều trị triệt để nguyên nhân gây ra bệnh này.
Những loại thuốc có tác dụng làm co mạch
tại chỗ, nên rất hiệu nghiệm đối với những trường hợp bị nghẹt mũi do
viêm. Tuy nhiên, nếu tự ý dùng lâu dài thuốc nhỏ mũi sẽ dẫn đến suy yếu
niêm mạc mũi, bệnh trở nên nặng thêm! Phần lớn điều trị viêm mũi dị ứng là điều trị nội khoa. Thông thường thời gian điều trị từ 3 - 7 ngày bệnh sẽ lui. Tuy nhiên, bệnh này thường hay tái lại khi gặp môi trường thuận lợi. Theo dân gian, phương pháp nấu một số loại lá có tinh dầu để xông mũi cũng rất hiệu nghiệm đối với bệnh viêm mũi dị ứng. Để phòng bệnh viêm mũi dị ứng, phải thường xuyên vận động, tập thể dục, chơi thể thao nhằm tạo sức đề kháng cho cơ thể. Khi đi ngoài trời nắng, bụi và gió thì phải mang khẩu trang. Bệnh cũng có thể tự khỏi trong vòng vài ngày (nếu cơ thể có sức khỏe tốt). Nếu quá 3 ngày mà bệnh không thuyên giảm, thì cần đến chuyên khoa để chữa trị, nhằm tránh việc dẫn đến bệnh trầm trọng hơn. Bài thuốc trị viêm mũi dị ứng Căn bệnh này cực kỳ khó chịu và không thể chữa khỏi hoàn toàn. Hễ gặp phải tác nhân gây dị ứng hoặc cứ đến thời tiết bất lợi là bệnh nhân lại lên cơn sụt sịt. Một số bài thuốc Đông y có thể làm giảm triệu chứng này.Viêm mũi dị ứng do những nguyên nhân ngoại lai gây ra mà con đường xâm nhập chủ yếu là mũi. Có thể chia bệnh làm hai nhóm chính: theo mùa và quanh năm. Nhóm bệnh theo mùa thường xuất hiện vào mùa xuân hoặc mùa hè hàng năm; thời điểm mắc bệnh này gần như đã trở thành quy luật. Nhóm bệnh quanh năm thường xuất hiện do những dị nguyên mà bệnh nhân gặp phải gây ra như khói bụi... Một số bài thuốc chữa viêm mũi dị ứng đơn giản: - Bệnh do phong hàn phạm phế (chảy nước mũi trong): Quế chi 6 g, cam thảo 4 g, gừng 4 g, tang bì 10 g, bạch chỉ 12 g, tế tân 6 g, phòng phong 12 g, kinh giới 10 g. Sắc uống. - Bệnh do phong nhiệt phạm phế (nước mũi đục): Ngưu bàng tử, cúc hoa, tang diệp, cát căn mỗi thứ 12 g; bạc hà 6 g, thuyền toái 6 g, cam thảo 4 g. Sắc uống. - Bệnh lâu ngày (phế khí hư): Hạnh nhân, rễ cây bách bộ, cát cánh, nhân sâm mỗi thứ 6 g; tang bì (vỏ rễ cây dâu), đẳng sâm, hoàng kỳ, hoài sơn, bạch truật mỗi thứ 12 g. Sắc uống. BS Nguyễn Minh Phương, Sức Khỏe & Đời Sống Khó điều trị dứt điểm viêm mũi dị ứng TP - Khi thời tiết thay đổi, tôi hay bị hắt hơi sổ mũi, khó thở, ho và hiện tượng đó kéo dài, đặc biệt là vào buổi sáng khiến tôi rất khó chịu. Tôi đã uống thuốc để giảm triệu chứng dị ứng nhưng bệnh vẫn tái phát. Có cách nào trị dứt điểm được không? (Thu Hằng - Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk) Theo mô tả của bạn, có thể nghĩ tới chứng viêm mũi dị ứng. Đây là một trong những bệnh phổ biến nhất hiện nay. Bệnh không gây hậu quả nghiêm trọng nhưng ảnh hưởng nhiều đến tâm lý và sức khỏe của người bệnh. Nó cũng được cho là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến viêm xoang mạn tính. Bệnh xuất hiện do những chất dị nguyên trong môi trường sống như bụi, lông súc vật, nấm mốc, phấn hoa… Bệnh phát sinh không phải do vi khuẩn, viêm nhiễm, tổn thương mà hoàn toàn phụ thuộc vào cơ địa của mỗi người. Triệu chứng rõ ràng nhất của viêm mũi dị ứng là ngứa mũi, hắt hơi liên tục thành tràng dài, không thể kiểm soát được. Khi hắt hơi nhiều kéo theo cảm giác đau đầu do các cơ phải co thắt; chảy nước mũi, dịch trong suốt không có mùi; ngạt mũi. Đối với người mắc viêm mũi dị ứng, rất khó tiên lượng khi nào có cơn viêm mũi dị ứng vì các dị nguyên trong không khí quá nhỏ, không nhìn thấy được. Việc điều trị viêm mũi dị ứng hiện nay đối với cả Đông và Tây y đều rất khó khăn, hầu như chỉ có thể giúp thoát khỏi các triệu chứng khó chịu trong một thời gian nhất định và bệnh sẽ tái phát khi gặp các tác nhân gây dị ứng. Đối với người mắc chứng này, các bác sĩ chuyên khoa có đưa ra một số lưu ý để giúp hạn chế cơn khởi phát. + Nên hạn chế đi lại vào mùa phấn hoa. Tránh tiếp xúc các tác nhân dị ứng như giảm bụi trong nhà cũng như ngoài đường, tránh tiếp xúc lông động vật, hoa có mùi thơm hoặc nhiều phấn, mùi lạ, khói thuốc lá. + Khi có hiện tượng ngứa mắt mũi, tránh dụi mắt, mũi. Đặc biệt, phải giữ ấm cơ thể vào buổi sáng. + Nhỏ xịt mũi khi ngạt bằng các thuốc co mạch giúp thông mũi (lưu ý sử dụng theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ). + Tăng sức đề kháng cho cơ thể bằng cách bổ sung vitamin C, vitamin qua thực phẩm hoặc vitamin tổng hợp. (ST) |