Thạc sĩ, Bác sỹ Nguyễn Năng Tấn - Chuyên khoa Nội thần kinh
Đau thần kinh tọa là một hội chứng thần kinh có đặc điểm đau dọc theo lộ trình dây thần kinh tọa (hay còn gọi là dây hông to) và các nhánh của nó. Nguyên nhân thường do bệnh lý đĩa đệm chèn ép vào rễ dây thần kinh tọa, chiếm khoảng 80% trường hợp.
Đau thần kinh tọa do rất nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là những tổn thương ở cột sống thắt lưng.
Bệnh hay gặp ở lứa tuổi từ 30 đến 60, nam gặp nhiều gấp 3 lần so với nữ giới.
Nguyên nhân gây đau thần kinh tọa
Thoát vị đĩa đệm: là nguyên nhân hay gặp nhất.
Bất thường cột sống thắt lưng cùng (mắc phải hoặc bẩm sinh):
Mắc phải: Viêm nhiễm tại chỗ hoặc vùng lân cận (nhiễm lạnh, nhiễm trùng: giang mai, nhiễm virus herpes, HIV CMV virus, nhiễm độc chì, bệnh lý đái tháo đường. Viêm cơ tháp vùng chậu (thường gặp ở các vận động viên chơi thể thao khi có các động tác sai tư thế). Hội chứng hẹp ống sống (hay gặp ở người già). Hội chứng viêm mặt nhỏ của khớp cột sống: do vận động mạnh hoặc sai tư thế gây chệch khớp cột sống. Do di căn cột sống (ung thư tiền liệt tuyến, ung thư vú di căn, u buồng trứng, u tiểu khung). Chấn thương cột sống thắt lưng như trượt đốt sống, gẫy đốt sống gây chèn ép rễ dây thần kinh tọa.
Bẩm sinh: các tác giả cho rằng trước khi chẩn đoán các nguyên nhân dị tật bẩm sinh gây đau thần kinh tọa nên loại trừ thoát vị đĩa đệm thắt lưng và chỉ xem các yếu tố dị tật là điều kiện thuận lợi.
Các nguyên nhân trong ống sống như: u tủy, u màng não tủy, u dây thần kinh tủy (neurinoma), u mỡ vùng tủy, viêm màng nhện tủy khu trú. Áp xe ngoài màng cứng vùng thắt lưng.
Nguyên nhân hiếm gặp (đôi khi chỉ chẩn đoán được trong cuộc mổ): khó chẩn đoán như dãn tĩnh mạch quanh rễ, dãn TM màng cứng, phì đại dây chằng vàng. Rễ Thần kinh L5 và S1 to hơn bình thường.
Một số triệu chứng thường gặp
Bệnh nhân đau thắt lưng kèm theo lan dọc xuống chi dưới theo đường đi của dây tọa, thường đột ngột xuất hiện sau gắng sức hoặc sang chấn vùng thắt lưng hoặc sau cú bước hụt (do căn nguyên thoát vị đĩa đệm).
Cơn đau có thể âm ỉ hay đau cấp tính, thường tăng lên khi bệnh nhân gắng sức, thay đổi tư thế, ho hoặc hắt hơi. Đau thường tăng về đêm.
Triệu chứng kèm theo: dị cảm (tê nóng, đau rát bỏng như dao đâm, hoặc cảm giác kiến bò bên bị bệnh.)
Chẩn đoán
Để chẩn đoán bệnh, bác sỹ nội thần kinh sẽ thăm khám lâm sàng và có thể chỉ định bệnh nhân làm các thăm dò cận lâm sàng như chụp X-quang cột sống thắt lưng thường quy (ở tư thế thẳng nghiêng), chụp cắt lớp vi tính cột sống thắt lưng hoặc chụp cộng hưởng từ cột sống thắt lưng.
Ngoài ra, tùy theo hình ảnh tổn thương mà bác sĩ chuyên khoa sẽ đề nghị làm thêm các thăm dò chuyên sâu khác để tìm nguyên nhân: điện cơ, xét nghịệm máu tìm phản ứng viêm, chọc dịch não tủy…
Chỉ định điều trị
Chỉ định điều trị nội khoa theo nguyên nhân gây bệnh: gồm nghỉ ngơi tại giường, dùng thuốc giảm đau, kết hợp phục hồi chức năng kéo dãn cột sống. Bệnh nhân đeo đai cột sống khi đi lại. Thông thường tình trạng đau sẽ cải thiện sau 2 đến 3 tuần điều trị.
Điều trị ngoại khoa sẽ được chỉ định chủ yếu trong các trường hợp sau:
Liệt và teo cơ: bệnh nhân nên phẫu thuật sớm để tránh tàn phế
Đau dữ dội: Tình trạng bệnh không tiến triển sau điều trị tích cực nhiều tháng (thường là 3 tháng)
Tái phát nhiều lần và tình trạng đau ngày càng nặng lên làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của bệnh nhân.
Hội chứng chùm đuôi ngựa: khi bệnh nhân có biểu hiện rối loạn tiểu tiện, són tiểu khi gắng sức, rối loạn cơ tròn hậu môn, đại tiểu tiện không tự chủ, rối loạn cảm giác vùng yên ngựa, yếu chi dưới. Người bệnh nên được phẫu thuật sớm để tránh để lại di chứng cho người bệnh.
Phòng bệnh
Phòng bệnh bằng cách tập thể dục đều để củng cố cơ lưng và cơ bụng, tập cân đối hai bên, tập bơi, đi xe đạp và duy trì chế độ ăn phong phú đầy đủ canxi và khoáng chất. Tránh lạm dụng bia rượu, cà phê và thuốc lá.
Với các vận động viên thể thao: nên khởi động làm nóng các cơ trước khi bước vào bài tập
Với dân văn phòng: Khi làm việc: nên giữ tư thế thẳng lưng, mắt nhìn thẳng, vai hơi ngả ra sau. Không nên ngồi quá lâu, mà thay đổi tư thể. Để gối phía sau lưng giúp lưng thẳng.
Khi đứng lâu: nên có ghế hoặc điểm tì để kê một bên chân cao lên sau đó đổi chân.
Khi bê đồ: nên ngồi xổm xuống sau đó nhấc đồ, hoặc bước 1 chân lên cao hạ gối thấp xuống để cột sống vẫn luôn thẳng. Và nên bê đồ sát vào người.
Với người làm nghề nông hoặc công việc chân tay: nên lấy điểm tì là đầu gối để cầm cuốc xẻng và cũng bước 1 chân lên cao trùng gối xuống.
Khi đi du lịch: mang balo nên đeo bằng 2 vai cân đối, không xách đồ lệch 1 bên.
Khi nằm nên dùng đệm cứng, tránh đệm mềm. Nên để gối gác chân khi nằm nghiêng trong lúc ngủ (tránh nằm ngửa)…
Tránh đi giày cao gót.
Với người béo phì: nên tăng vận động và giảm cân.