Mâm cỗ ngày cưới

Nhanluu1294 Nhanluu1294 @Nhanluu1294

Mâm cỗ ngày cưới

18/04/2015 10:39 AM
917

Ngày cưới, ngoài việc chuẩn bị cho các nghi lễ cưới, việc chuẩn bị cỗ cưới cũng là vấn đề quan trọng. Ngày xưa, cỗ cưới cũng phải tuân thủ theo các luật lệ, quy định nghiêm ngặt. Hà Nội là được mang danh là đất Kinh Kỳ nên việc chuẩn bị cỗ trong đám cưới cũng mang dáng dấp của một nền văn hoá riêng, văn hoá Hà thành.

- Một đĩa thịt gà úp lật quân cờ vàng rượi liêu phiêu mấy sợi lá chanh non xanh nõn.
- Một đĩa thịt lợn quay xếp hình cánh hoa đều tăm tắp, phần bì màu cánh gián phồng rộp, bóng nhẫy xếp trở ra thành đĩa, phần thịt nạc chụm vào trong lòng đĩa như một vầng nhụy hoa lòng đào.
- Một đĩa nộm thập cẩm đu đủ, su hào, cà rốt, vừng lạc, loáng thoáng mấy sợi thịt bò khô, bên trên gài trái ớt tỉa đỏ chói.
- Một đĩa giò lụa bốn góc bày bốn cánh hoa hình búp măng màu vỏ lạc tươi.
- Một đĩa chả quế màu hoa hiên xếp hoa thị sáu cánh tươi rói, còn cong cong mang hình chiếc ống nướng.
- Một đĩa xôi gấc đỏ thắm úp lật lòng bát ô tô như trái đồi con lơ thơ mấy sợi dừa nạo trắng tinh. Bốn góc mâm bây - bốn bát ô tô canh.
- Một bát măng hầm chân giò hay thịt ngan có mấy sợi miến dong và hành củ trần tái vắt ngang.
- Một bát bóng thả trên nền chân tẩy su hào, cà rốt tỉa hoa cùng nấm hương, tôm he bên trên phơ phất mấy cánh rau mùi.
- Một bát chim bồ câu tần hạt sen nước trong vắt, con chim xoè nguyên đôi cánh, ngóc đầu lên thành bát, trên lưng - cũng vắt mấy sợi miến dong và hành trần.
- Một bát mực nấu rối gồm xu hào, cà rốt thái chỉ, trứng tráng thái chỉ, giò lụa thái chỉ, mực khô thái chỉ xào cháy cạnh với nước mắm đường...

Ðó là hình ảnh của một mâm cỗ đám cưới cổ truyền của Hà Nội trong thế kỷ 20. Thảng hoặc, tuỳ theo thời gian, mùa vụ, gia cảnh, cũng có sự thay đổi chút ít, như đĩa rau củ xào thập cẩm thay cho đĩa thịt quay, bát nấm bao giò hay hay bát mọc thay cho mực nấu rối...Nhưng nhìn chung là mâm cỗ cưới của Hà Nội bao gồm đủ 6 đĩa, 4 bát. Co số 10 tròn trịa tượng trưng cho lời chúc hạnh phúc trọn vẹn cho đôi vợ chồng mới. ấy là chưa kể các loại bát đĩa phụ như đĩa rau thơm mùi, chanh ớt, bát nước mắm hạt tiêu. Sau này còn thêm đĩa hoa quả tráng miệng hay đĩa chè kho...Mỗi mâm đặt một chai rượu trắng và 6 chiếc chén nhỏ, kiểu chén hạt mít cho khách uống rượu. Hầu như đám cưới nào cũng vậy.

Tuy nhiên, cũng tuỳ theo tầng lớp dân cư và hoàn cảnh kinh tế các gia đình mà cơ cấu mâm cỗ cưới cũng có thay đổi. Cụ bà Chính Ký, 82 tuổi, nhà ở phố Hàng Bồ nhớ lại
Nhà giàu thì mâm cỗ có đến 12 hoặc 14 món, thậm chí hơn thế. Thịt lợn là thịt lợn sữa quay. Nộm là nộm sứa Tàu, rau câu, mực xé. Bát nấu có long tu, tôm he bao hoặc vây cá mập...

Những mâm cỗ cưới bằng đồng có chân cao bầy ba tầng thức ăn thường xuất hiện trong những đám cưới nhà giàu và ở những phường phố có truyền thống ăn cỗ to như phố Hàng Ðào, Hàng Bạc trong trung tâm phố cổ hay ở làng Ngũ Xã bên hồ Trúc Bạch chẳng hạn.

Ðương nhiên, những đám cưới của các gia đình nghèo thì cũng tùng tiệm hơn, có thể gồm từ 6 đến 8 món. Canh khoai tây, su hào, canh miến nấu lòng, giò mỡ xào, nộm dưa giá, thịt lợn luộc... Nhưng nhất thiết không thể thiếu hai món chủ đạo. Ðó là thịt gà luộc và xôi gấc, hai món biểu trưng cho sự giàu có, thịnh vượng và may mắn, hạnh phúc.

Ngày trước, các đám cưới Hà Nội thường được tổ chức tại gia đình cô dâu, chú rể. Khách khứa cũng không đông lắm, chỉ trong vòng vài ba mươi mâm cỗ. Hiếm nhà lên tới trăm mâm, trừ các nhà quan quyền hay phú thương.

Khi một gia đình trong họ, trong phường có đám cưới thì tất thảy các con dâu, con gái, chị em bạn bè gái đều đến chung tay đi chợ nấu cỗ, dọn dẹp, bầy biện. Nồi niêu, bát đĩa hầu hết là đi mượn, đi thuê.

Cách thức ăn cỗ cưới ngày xưa ở Hà Nội cũng có lệ luật lưu truyền trong dân gian, dù không viết thành lời. Cụ ông Phúc Lâm, 87 tuổi, nhà ở phố Cửa Ðông cũ kể lại: "Vào mâm, người ta đợi chủ nhà có lời mời, rồi mới bắt đầu mời lại nhau. Trong mâm có một người của gia đình hay họ hàng nhà đám ngồi lẫn thay chủ nhà tiếp khách rót rượu. Sau khi nâng chén và nói mấy lời chúc mừng hạnh phúc cô dâu, chú rể, món đầu tiên người trong mâm gắp mời nhau chính là món nộm chua ngọt. Sau đó đến các món khô như thịt gà luộc, thịt lợn quay, xào thập cẩm. Khi vãn tuần rượu, người nhà bưng âu cơm trắng lên, mới ăn cơm cùng giò chả và các món nấu được chan lại nước dùng nóng. Cuối cùng mới xẻ đến đĩa xôi gấc trước khi ăn đồ tráng miệng. Ai mà khi mới vào mâm đã lỡ gắp miếng giò hay miếng chả tiếp cho nhau, thì bao giờ người khách cùng mâm cũng nói câu: "Xin cứ để cho tự nhiên, người nhà cả mà!" và cảm ơn, nhưng cứ để miếng giò hay miếng chả ấy trong bát, đến cuối bữa có cơm mới dùng đến".

Sau khi rời mâm cỗ, các vị khách cùng ra bàn uống nước trà, thường là trà Thái Nguyên, có nhà ướp hương nhài, ăn trầu, cắn hạt dưa, hạt bí, lấy đôi ba khẩu trầu về làm quà cho người ở nhà, chúc mừng lần nữa bố mẹ cô dâu chú rể rồi chào ra về với lời hẹn chiều đến sẽ trở lại đi đưa dâu( với nhà gái) hoặc là đi đón dâu( với nhà trai).

(Theo muivi.com)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý