Bệnh dạ dày là bệnh thường gặp, trước kia bệnh được coi là nan y vì có nhiều biến chứng và hay đau tái phát.
Dinh dưỡng cho người đau dạ dày
Theo ThS.BS Lê Thị Hải, Giám đốc trung tâm dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, có thể nhịn ăn trong vòng 24 - 48 giờ đối với trường hợp viêm dạ dày cấp tính vì cần có thời gian cho dạ dày lành vết thương.
Người bị đau dạ dày nên hạn chế các món rán xào
Dạ dày là bộ phận quan trọng nhất trong bộ máy tiêu hoá, có hình dáng giống một cái túi để đựng thức ăn, có lỗ mở ở hai đầu, phần trên nối với thực quản gọi là tâm vị, phần dưới nối với ruột gọi là môn vị. Đau dạ dày có thể do viêm dạ dày hoặc loét dạ dày.
Cơ chế sinh bệnh viêm, loét dạ dày đều do axít làm lở loét niêm mạc dạ dày. Những chất axít làm viêm, loét có thể do dạ dày tăng tiết hoặc do bên ngoài đưa vào. Viêm dạ dày cấp tính thường do dùng thuốc giảm đau như Aspirin và các thuốc giảm đau chống viêm trong bệnh xương khớp. Ngoài thuốc còn do các loại thực phẩm gây kích thích niêm mạc dạ dày như: rượu, càphê, ớt, tiêu... Thêm nữa, các yếu tố tâm lý căng thẳng, xúc động mạnh, lo âu… cũng làm thần kinh kích thích, dẫn tới tiết nhiều axít.
Trọng tâm của dinh dưỡng trong điều trị viêm, loét dạ dày là dùng những thức ăn giảm tiết dịch vị, giảm tác dụng của axít tiết lên niêm mạc dạ dày. Chất ngọt, chất béo là những chất ít gây tiết dịch vị. Dùng những thức ăn có tính bọc niêm mạc dạ dày, thấm dịch vị như gạo nếp, bột sắn, bánh mì, bánh quy, sữa, lòng trắng trứng. Dùng thức ăn mềm, ít có tác dụng cơ giới. Không để đói, không ăn quá no. Cần ăn nhiều bữa trong ngày, mỗi bữa cách nhau từ 2 – 3 giờ. Khi chế biến thức ăn cần nghiền, xay, băm nhỏ, nấu nhừ, tăng cường luộc, hấp và hạn chế chiên, xào.
Thực phẩm nên ăn: cháo, cơm nát, bánh mì, bánh quy, cơm nếp, bánh chưng, khoai tây, khoai sọ (luộc chín hoặc hầm nhừ dưới dạng xúp); thịt cá nghiền nát, hấp hoặc om; sữa bò hộp, sữa bò tươi, sữa bột, bơ, pho mát; đường, bánh, mứt, mật ong, kem, thạch, chè, nước lọc, nước khoáng...
Thực phẩm nên kiêng: các loại thực phẩm có độ axít cao; các loại quả chua (như chanh, cam, bưởi), cà muối, giấm, mẻ, tương ớt...; các loại thực phẩm tạo hơi trong dạ dày (các loại đậu đỗ, các loại dưa cà muối, hành...); các loại thực phẩm làm hư hại niêm mạc dạ dày (rượu, bia, ớt, tỏi, càphê, trà...); các loại thức ăn tăng tiết axít như các loại nước xốt thịt, cá đậm đặc... Ngoài ra cũng không nên ăn các loại hoa quả (chuối tiêu, đu đủ, táo...) và các loại thức ăn chế biến sẵn (giăm bông, lạp xưởng, xúc xích...); không ăn sữa chua, không uống các loại nước ngọt có gas.
Trường hợp viêm dạ dày cấp tính cần có thời gian cho dạ dày lành vết thương. Vì vậy có thể nhịn ăn trong vòng 24 – 48 giờ vì thức ăn vào dạ dày sẽ làm kích thích tiết axít càng làm loét vết thương. Chỉ nên uống nước khoáng với số lượng vừa phải để khỏi khát và mất nước. Sau thời gian nhịn ăn nên ăn xúp nấu với rau, thịt nghiền; uống sữa hoặc ăn kem với năng lượng từ 1.200 – 1.300kcal.
Mỗi lần ăn với số lượng ít và ăn nhiều lần, cách nhau một giờ. Sau đó dần dần tăng số lượng cho đến khi không còn triệu chứng đau bụng, đầy hơi, ợ hơi, ợ chua thì ăn uống gần như bình thường. Nếu là viêm dạ dày mạn tính, người bệnh thường bị thiếu dinh dưỡng do tiêu hoá hấp thu kém, không hấp thu được các loại vitamin cần thiết, đặc biệt là vitamin B12 và sắt, chất đạm, dẫn tới thiếu máu.
Chế độ ăn khi đó cần cung cấp đầy đủ năng lượng và chất đạm, đặc biệt cần bổ sung thêm các loại vitamin và muối khoáng như: axít folic, vitamin A, D, K, canxi, sắt, kẽm, magiê.
Tuỳ giai đoạn đau, cách ăn riêng
Giai đoạn 1: Bắt đầu điều trị cho người loét dạ dày, chỉ nên ăn sữa, cứ 1 – 2 giờ uống sữa một lần, mỗi lần khoảng 1/3 – 1/2 ly (khoảng 100ml). Tổng năng lượng chỉ cần 1.200kcal. Sau từ 2 – 3 ngày, nếu dạ dày không thấy đau thì trộn thêm kem vào sữa để tăng năng lượng.
Giai đoạn 2: Khi dạ dày hết đau thì ăn những đồ mềm nhuyễn như cháo, xúp… mỗi lần 100ml sau đó tăng dần, nên ăn sáu bữa/ngày. Sau đó ăn các loại thức ăn khác như: cơm nếp, bánh mì, bánh quy; thịt, cá nghiền nát. Khi ăn nhai kỹ để thức ăn thấm nước bọt trước khi nuốt.
Giai đoạn 3: Vẫn tiếp tục ăn từ 5 - 6 bữa/ngày, ăn thức ăn mềm, nấu chín nhừ cho đến khi cơn đau dứt hẳn.
Lời khuyên dành cho người bị đau dạ dày
TinMoi - Không nên uống nước chanh, nước mơ, nước dứa vì chúng có tính kích thích dạ dày tiết dịch axít, gây tổn hại niêm mạc dạ dày, làm vết thương khó lành.
Điều trị tận gốc bệnh dạ dày đòi hỏi thời gian dài và lòng quyết tâm cao. Trong đó, ăn uống có tác dụng rất quan trọng. Sau đây là một số lời khuyên cho người bị đau dạ dày:
- Kiêng uống các đồ uống có vị chua: Không nên uống nước chanh, nước mơ, nước dứa vì chúng có tính kích thích dạ dày tiết dịch axít, gây tổn hại niêm mạc dạ dày, làm vết thương khó lành. Các loại đồ uống có cồn cũng làm tăng nồng độ axít trong dạ dày khiến chỗ viêm loét nặng thêm. Uống nước có gas sẽ sinh khí trong dạ dày, làm phình trướng nên dễ bục dạ dày nếu vết loét nặng.
(Ảnh minh họa)
- Hết sức chú ý việc ăn: Không nên ăn quá no, khi ăn nên nhai kỹ, nuốt chậm, vì khi nhai sẽ tăng sự bài tiết của nước bọt, có tác dụng làm giảm và bão hoà axít trong dạ dày. Nên ăn các loại thức ăn mềm, dễ tiêu hoá như cháo, mỳ, cơm nhão. Bổ sung chất protit với một lượng thích hợp có tác dụng làm giảm bớt và bão hòa axít như: Sữa bò, trứng gà, thịt nạc, tôm, cá, các loại thức ăn làm bằng đỗ.
Ăn các loại rau tươi, hoa quả sẽ cung cấp lượng Vitamin A, B, C có tác dụng làm lành chỗ loét. Không nên ăn các loại thức ăn cứng và nhiều xơ; như: Quả khô, rau cần, hẹ, rau dưa, măng... Không nên ăn những thứ có chất hoá học kích thích niêm mạc dạ dày như thức ăn cay, thức ăn dễ sản sinh vị chua và hơi như khoai lang, khoai tây, bánh kẹo, đường, giấm, hành, gừng, hành tây...
- Nên ăn những thức ăn hấp, ninh: Không nên dùng những thức ăn rán, chiên, muối, trộn nộm vì chúng khó tiêu hóa, đọng lại trong dạ dày lâu, tăng thêm gánh nặng cho dạ dày. Không nên ăn những thức ăn sống, lạnh, mất vệ sinh, thức ăn đã biến chất.
- Giữ tinh thần luôn vui vẻ: Không nên quá mệt mỏi và căng thẳng, không nên hút thuốc lá, hạn chế dùng thuốc giảm đau. Người bệnh trên 45 tuổi cần lưu ý kiểm soát ung thư dạ dày.
Một số món ăn cho người bị viêm loét dạ dày
Viêm loét dạ dày, tá tràng là bệnh đường tiêu hóa mạn tính, thường gặp ở nam giới trung niên nhiều hơn phái nữ. Dưới đây là những món ăn thích hợp với người bệnh.
Khoai tây nấu bạch cập
Thành phần: Nước khoai tây 100 ml, vị thuốc bạch cập 100g, một ít mật ong.
Cách chế biến: Bạch cập tán bột; nước khoai tây và bột bạch trộn đều với mật ong, dùng dần.
Cách dùng: Mỗi ngày dùng 3 lần, mỗi lần dùng một muỗng canh, hai tuần lễ là một liệu trình. Thích hợp dùng cho người bệnh viêm loét dạ dày và viêm loét tá tràng xuất huyết.
Canh bao tử heo nấu tiêu
Thành phần: 1 bao tử heo, một ít tiêu, 60g đậu phộng, gia vị.
Cách làm: Bao tử heo làm sạch, rồi cho tiêu và đậu phộng vào bao tử heo, thêm nước, hầm với lửa lớn cho đến khi bao tử chín thì nêm nếm gia vị.
Cách dùng: Chia vài lần dùng, có tác dụng dưỡng vị (bồi bổ cho dạ dày), bổ khí.
Canh bao tử heo nấu quýt
Thành phần: Quýt tiều 5 múi, bột trần bì (bột vỏ quýt) 10g, bao tử heo 250g, gia vị, tiêu.
Cách làm: Bao tử heo sau khi rửa sạch, cắt lát dài. Cho bột trần bì, bao tử heo, quýt vào nồi cùng nước nấu với lửa nhỏ cho đến khi canh chín và đặc, nêm nếm gia vị.
Cách dùng: Dùng canh bất cứ lúc nào, có tác dụng thuận khí khai vị, điều trị viêm loét dạ dày - tá tràng.
Trứng gà tam thất
Thành phần: Củ sen tươi 100g, bột tam thất lượng vừa, trứng gà 1 quả, gia vị.
Cách làm: Củ sen rửa sạch, cho vào máy xay lấy nước, bỏ bã, nước cốt trộn với bột tam thất và trứng gà, dùng lửa nhỏ để nấu, nêm gia vị cho vừa ăn.
Cách dùng: Mỗi ngày 1 mẻ chia 2 lần dùng, có tác dụng kiện tỳ, dưỡng vị.
Cháo hạt sen
Thành phần: Hạt sen 20g, khiếm thực 30g, gạo 30g, một ít đường trắng.
Cách làm: Hạt sen bỏ tim ngâm trong nước độ 1 giờ đồng hồ, rồi cho hạt sen, khiếm thực và gạo vào nồi cùng nước nấu thành cháo, khuấy đều, thêm đường trắng. Cháo này có tác dụng bổ ích tỳ vị.
Cháo nếp nấu táo đỏ
Thành phần: Táo đỏ 7 quả, nếp lượng vừa, một ít đường trắng.
Cách làm: Táo đỏ cho vào nước sôi nấu trong 10 phút, sau đó cho nếp vào nấu cháo, sau cùng cho thêm ít đường. Cháo này có tác dụng kiện tỳ.
Gà nấu tử lương khương
Thành phần: Một con gà trống, vị thuốc tử lương khương 6g, trần bì (vỏ quýt) 3g, tiêu 3g, gia vị.
Cách làm: Gà trống sau khi làm sạch, bỏ nội tạng, bỏ đầu, bỏ móng, đem hầm lửa nhỏ với các nguyên liệu trên cho đến khi thịt gà mềm, nước sệt lại, nêm nếm gia vị.
Cách dùng: Dùng canh gà này như món ăn, có tác dụng ích khí, dưỡng vị.
(ST)