Thịt ếch được xem là món ăn ngon, bổ dưỡng. Tuy nhiên, nếu chúng ta ăn thịt ếch chưa chín kỹ có thể bị mù lòa.
Lợi ích sức khỏe của thịt ếch
Ếch thường thấy nhiều ở đồng ruộng, đầm lầy và được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau. Ếch đồng Việt Nam có tên khoa học là Rana tigrina và một số tên khác như điền oa, điền kê, trường cổ, thanh kê.
Thịt ếch chứa nhiều chất dinh dưỡng. Trong 100g thịt ếch có 75g nước, 20g protit, 1,1g lipit, 3,9g tro, 22mg canxi, 159mg photpho, 1,3mg sắt, 0,04mg vitamin B1, 0,22mg vitamin B12, 2,1mg vitamin PP... cung cấp cho cơ thể khoảng 92kcal.
Thịt ếch từ lâu đã được biết đến với nhiều tác dụng chữa bệnh, rất tốt cho sức khỏe. Theo Đông Y, thịt ếch được biết đến với vị ngọt, tính hàn, không độc, có tác dụng bổ dưỡng, cường tráng, an thai, lợi tiểu, chữa cam tích ở trẻ em, suy dinh dưỡng, phiền nhiệt, hư lao, chứng ngứa lở... Giúp cơ thể khỏe mạnh, ăn ngon ngủ ngon mỗi ngày để tăng cân.
Ăn thịt ếch chưa chín kỹ có thể bị mù lòa. Ảnh minh họa.
Trong dân gian, ếch thường được dùng các trường hợp bao gồm trẻ em bị cam tích, những trẻ bị còi xương, suy dinh dưỡng; trẻ em về mùa hè hay bị rôm sẩy, mụn nhọt, ngứa lở, quấy khóc, ngủ không yên; phụ nữ sau sinh bị phù, sức khỏe kém, da mặt vàng sạm; bệnh nhân lao phổi lâu ngày hay các bệnh viêm loét miệng và họng do nhiệt, bệnh ngoài da viêm tấy, sưng đau.
Nguy cơ mù lòa khi ăn thịt ếch chưa chín kỹ
Theo các tài liệu nghiên cứu, do ếch sống ở ngoài đồng ruộng nên tỷ lệ ếch nhái có ấu trùng sán ở Việt Nam cao đến 75%.
ThS. BS Lê Thị Tuyết Phượng, Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết trên báo Gia đình và Xã hội, một loại ấu trùng ký sinh độc hại trong thịt ếch có tên là giun đầu gai, sau khi chui xuống dạ dày sẽ chui qua vách dạ dày và di chuyển khắp nơi trong cơ thể.
Loài ấu trùng này di chuyển đến đâu sẽ tiết dịch gây viêm, hoại tử vùng đó. Vì vậy, bệnh nhân sẽ có những cơn đau nhói, thậm chí đau như xé thịt ở các cơ quan tương ứng. Nếu ấu trùng di chuyển đến da sẽ tạo thành những cục u, khi sờ thấy nhúc nhích dưới da và thay đổi vị trí nhanh chóng, biến mất nhanh; đôi khi sưng phù và đỏ ngứa ở nhiều vùng nên bệnh nhân dễ bị chẩn đoán nhầm là dị ứng da.
Nguy hiểm nhất của loại ấu trùng này là có thể chui vào mắt, gan, phổi, ổ bụng... gây đỏ mắt, sưng mắt, xuất huyết trong mắt, nặng hơn là mù mắt. Ngoài ra, nếu chui vào các bộ phận khác như gan, phổi... có thể khiến đau vùng gan, viêm phổi, tràn dịch màng phổi, đau bụng rối loạn tiêu hoá và viêm tuỵ cấp.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Giám đốc Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyên rằng, mọi người cũng nên hạn chế ăn thịt ếch vì loài ếch chủ yếu sinh sống ngoài đồng ruộng, dễ bị lây nhiễm các ký sinh trùng gây bệnh từ môi trường độc hại. Nếu có sử dụng thì phải hết sức chú trọng khi chế biến và phải nấu chín kỹ.