Viêm kết mạc mắt
1.1. Đại cương.
- Viêm kết mạc là nhóm bệnh phổ biến nhất trong số các bệnh về mắt, chúng chiếm tới 70% trường hợp tới khám ở các phòng khám mắt.
- Nhiều loại viêm kết mạc hay lây lan và thậm chí phát triển thành dịch, ảnh hưởng rất lớn tới quân số lao động và chiến đấu.
- Bệnh mắt hột cũng là một trong những viêm kết mạc song do tính chất tổn thương đặc hiệu và sự đặc biệt về dịch tễ học cho nên được đề cập trong một bài riêng.
1.2. Nguyên nhân.
1.2.1. Vi khuẩn, virus:
- Ngoại lai: Theo bụi bặm, dụng cụ, tay bẩn ô nhiễm vào mắt.
- Tại ổ kết mạc: Rối loạn cân bằng sinh thái tại chỗ (sử dụng thuốc tra mắt không đúng chỉ định, nhất là thuốc kháng sinh, sang chấn bội nhiễm thêm).
Các tổng kết về vi sinh vật cho thấy tụ cầu chiếm hàng đầu trong tổng số các tác nhân vi khuẩn gây viêm kết mạc (57% các trường hợp ), đặc biệt là chúng có khả năng kháng lại kháng sinh và có sắc tố đặc trưng cho từng loài. Lậu cầu (Neisseria gonorrheae) một loại vi khuẩn Gram (-) có thể lây từ đường sinh dục, từ tay thầy thuốc đỡ đẻ sang mắt trẻ sơ sinh hoặc lây từ bể bơi .Viêm kết mạc do lậu cầu thường nhanh chóng dẫn đến biến chứng loét giác mạc và rất nhanh thủng mắt.Virus APC (Adeno-pharyngo-conjonctivitis) có thể gây thành các vụ dịch viêm kết mạc, họng, hạch.
1.2.2. Tác nhân lý học:
Gió, bụi, khói, các chất axit, kiềm, tia tử ngoại, chất độc hoá học đều là những tác nhân gây kích thích mạnh gây viêm kết mạc thậm chí tổn thương cả giác mạc.
1.2.3. Dị ứng:Có thể gặp các dạng viêm kết mạc do hai kiểu phản ứng dị ứng.
- Tăng cảm ứng tức thì : Thường gặp do thuốc, tá dược….
- Tăng mẫn cảm muộn : Viêm kết mạc bọng, viêm kết mạc mùa xuân là những ví dụ về bệnh ở nhóm này.
1.3. Triệu chứng:
1.3.1. Triệu chứng cơ năng:
- Ngứa rát cộm. Bệnh nhân thường ví như có cát rắc vào mắt.
- Sợ áng sáng (không nặng lắm).
- Nhiều dử kèm nhèm. Buổi sáng ngủ dậy rất khó mở mắt vì dử dính chặt hai mi với nhau.
- Chảy nước mắt (ít).
- Dịch tễ: Bệnh thường lây lan ở gia đình, đơn vị.
1.3.2. Triệu chứng thực thể:
+ Mi sưng nề, có thể mọng đỏ nếu là viêm cấp. Kết mạc cương tụ đỏ trên diện rộng, mất sắc bóng, dày lên như miếng thạch.
+ Kết mạc: Phù nề và có thể phòi qua khe mi (viêm do lậu rất hay gặp dấu hiệu này). Trên kết mạc còn thấy các hình ảnh tổn thương cơ bản khác như:
- Hột: Rõ nhất ở cùng đồ dưới và ở hai góc trong, ngoài của kết mạc mi trên những hột này có đặc điểm là to, trong, kẹp không vỡ),
- Gai máu: Thấy rõ hơn ở kết mạc mi, trông như những lấm chấm đỏ, dày chi chít, nặng hơn có thể có xuất huyết. Gai máu là tổn thương không đặc hiệu của các viêm kết mạc.
- Nhú gai: Làm cho kết mạc sần sùi trông như hình ảnh đá lát, thấy rõ ở kết mạc sụn mi trên trong bệnh viêm kết mạc mùa xuân .
- Bọng kết mạc: Hay có trong viêm kết mạc dị ứng do sự nề phù khu trú của kết mạc.
+ Dử mắt : Nhiều dử nhưng tuỳ theo tác nhân mà dử có đặc điểm khác nhau, ví dụ: dử mắt nhiều và loãng, hơi dính thường là của viêm kết mạc cấp do virus; viêm do tụ cầu có dử màu vàng; viêm do lậu dử mắt giống như mủ; viêm do liên cầu tan huyết, bạch hầu là những vi khuẩn có độc tính cao thường gây giãn mạch, tạo màng giả bám chặt vào kết mạc mi khi bóc sẽ chảy máu; viêm kết mạc mùa xuân dử mắt có đặc điểm là trong, dai, dính, có thể kéo ra thành sợi…
+ Hạch: Ở trước tai, dưới hàm, to bằng hạt lạc, hạt đậu đen, di động, đau.
+ Triệu chứng âm tính: Các dấu hiệu này cần được xác định để giúp cho việc chẩn đoán phân biệt với những bệnh có tổn thương giác mạc.
- Thị lực không giảm (chú ý lau kỹ dử trước khi đo thị lực).
- Giác mạc trong.
+ Xét nghiệm cận lâm sàng: Cấy khuẩn, soi tươi tiết tố tìm vi khuẩn, xét nghiệm miễn dịch huỳnh quang tìm virus, xét nghiệm máu thấy bạch cầu Eosinophil tăng trong viêm dị ứng…
1.3. Tiến triển và biến chứng:
Nhiều loại viêm kết mạc có xu hướng tự khỏi như viêm kết mạc do virus APC, do chlamydia, một số viêm kết mạc do dị ứng … Tuy nhiên có một số loại viêm kết mạc có diễn biến bệnh lý đáng quan tâm như:
- Viêm kết mạc do cầu khuẩn lậu có thể nhanh chóng chuyển sang viêm loét giác mạc và tiếp đó là biến chứng thủng nhãn cầu.
- Viêm kết mạc do virus APC: khoảng một tuần sau lúc khởi phát viêm kết mạc sẽ xuất hiện viêm giác mạc chấm nông. Bệnh nhân cảm thấy mắt bị kích thích, chói, chảy nước mắt và giảm thị lực.
- Viêm kết mạc mùa xuân: nhú gai quá phát ở kết mạc sụn mi trên kết hợp với các yếu tố bệnh lý khác của tình trạng dị ứng - miễn dịch tại mắt gây ra loét trợt nông ở giác mạc.
- Viêm kết mạc có giả mạc: nếu không được bóc đi và kết hợp dùng thuốc tích cực thì tình trạng viêm sẽ kéo dài và về sau để lại sẹo dúm dó ở kết mạc ….
1.4. Điều trị và dự phòng:
Cần xác định nguyên nhân, tác nhân gây viêm thì việc điều trị mới đạt hiệu quả. Tuy vậy trong điều trị có những điểm chung cho nhiều loại viêm kết mạc:
1.4.1. Dùng thuốc kháng sinh và thuốc sát trùng.
Thuốc nước: Chloromicetin 4%o
Sulfat kẽm 1%o.
Sulfaxylum 10-20%
Có thể dùng đơn độc một loại hoặc phối hợp hai loại, rỏ luân phiên nhiều lần trong ngày (10-20 lần).
Thuốc mỡ : Tetraxyclin 1%
Gentamicin ...
Các thuốc này tra 1lần/ tối (trước khi đi ngủ)
Cho dù là viêm kết mạc do virus, dị ứng, ... thì dùng kháng sinh vẫn có giá trị là chống bội nhiễm. Riêng trong viêm kết mạc do lậu phải rỏ thuốc rất nhiều lần trong ngày, cách quãng 10 phút –15 phút rỏ một lần thậm chí phải tiến hành rỏ giọt liên tục, nên kết hợp 2,3 loại thuốc và chọn theo kháng sinh đồ.
1.4.2. Chống viêm:
* Corticoid dùng dưới dạng thuốc rỏ mắt hoặc tiêm dưới kết mạc nhưng chỉ định phải hết sức thận trọng và dùng trong thời gian ngắn (chỉ 3-5-7 ngày). Trên thị trường hiện nay rất hay gặp loại thuốc rỏ mắt phối hợp kháng sinh với corticoid. Cách phối hợp này tạo ra sự thuận tiện cho người bệnh nhưng nếu phải dùng kéo dài thì cần được theo dõi nhãn áp vì corticoid có thể gây tăng nhãn áp và đục thể thuỷ tinh. Một nguy cơ cần được nhắc tới khi dùng corticoid rỏ mắt kéo dài là gây giảm sức đề kháng dễ dẫn tới bội nhiễm nấm, vi khuẩn, virus herpes…., những bệnh rất nguy hiểm cho mắt.
* Các thuốc có tác dụng ổn định dưỡng bào như Lodoxamide, Olopatadin, Cromoglycate…hoặc kháng thụ cảm thể histamin như Antazoline, Emadastine hoặc kháng histamin như Naphazoline, Chlopheniramine, … có tác dụng tốt đối với những trường hợp viêm kết mạc dị ứng. Đặc biệt, nhóm thuốc ổn định dưỡng bào nên được chỉ định dùng cho viêm kết mạc mùa xuân vì bệnh này thường phải điêù trị kéo dài.
1.4.3.Nâng đỡ cơ thể, tăng tái tạo biểu mô: Các vitamin A, B, C dùng đường uống, rỏ mắt ... Băng che để mắt đỡ bị kích thích.
Viêm kết mạc, nhất là các viêm kết mạc thành dịch, nói chung có xu hướng tự khỏi. Tuy nhiên, có loại viêm kết mạc rất dai dẳng, tương đối khó chữa như viêm kết mạc mùa xuân, viêm kết mạc có hột. Nhiều khi còn thêm cả biến chứng do thuốc điều trị chúng. Có loại viêm kết mạc nhanh chóng dẫn đến tổn thương giác mạc như viêm do cầu khuẩn lậu hoặc ít gặp hơn như viêm do adenovirus. Điều đó cho ta thấy cũng không nên xem nhẹ mặt bệnh này. Khi khám bệnh cần kiểm tra tình trạng thị lực, giác mạc… để tránh có những sự bỏ sót hoặc biến chứng đáng tiếc.
Phòng bệnh :
- Cách ly người bệnh không cho dùng chung chậu, khăn mặt. Khăn mặt của người bệnh cần được giặt xà phòng và phơi nắng.
- Tra thuốc phòng bệnh cho người lành.
- Thầy thuốc: Vệ sinh tay khám và chú ý khử trùng dụng cụ để tránh trở thành trung gian truyền bệnh.
Phân biệt các loại viêm kết mạc
Đây là tình trạng viêm màng nhầy bao phủ tròng trắng của mắt và lớp sau mi mắt. Các nguyên nhân chính gây viêm kết mạc là nhiễm khuẩn, nhiễm virus, dị ứng, mắt khô, viêm bờ mi và những phản ứng độc hại ở mắt...
Viêm kết mạc thường nhẹ và nếu biết rõ nguyên nhân gây bệnh thì việc điều trị cũng dễ dàng. Thường mỗi loại viêm kết mạc sẽ có một dấu hiệu và triệu chứng chuyên biệt. Nếu để ý đến những triệu chứng này, ta có thể chẩn đoán được nguyên nhân và có cách phòng ngừa, điều trị.
1. Viêm kết mạc do vi khuẩn
- Dấu hiệu chủ quan (bệnh nhân thấy): Buổi sáng mắt dính, khó mở, ghèn nhiều.
- Khám nghiệm: Có nhiều ghèn (thường ở một mắt), mắt có màu đỏ như thịt bò tươi.
- Điều trị: Dùng kháng sinh nhỏ và uống.
2. Viêm kết mạc do virus
- Dấu hiệu chủ quan: Chảy nước mắt nhiều, cảm giác có vật lạ ở trong mắt. Lây lan thường xuất hiện vào mùa có dịch.
- Khám nghiệm: Mắt đỏ nhiều, sưng; thường bị cả hai mắt, có thể chảy máu ở tròng trắng, có hạch hai bên dái tai, đôi khi sốt.
- Điều trị: Nhỏ thuốc sát trùng, kháng sinh ngừa bội nhiễm. Giữ vệ sinh mắt để tránh lây lan.
3. Viêm kết mạc do dị ứng
- Dấu hiệu chủ quan: Ngứa nhiều, chảy nước mắt, tái phát thường xuyên. Bệnh không lây lan, thường xuất hiện theo mùa.
- Khám nghiệm: Phù tròng trắng.
- Điều trị: Nhỏ hoặc uống thuốc dị ứng, nhỏ nước mắt nhân tạo. Đắp gạc lạnh lên mắt.
4. Mắt khô
- Dấu hiệu chủ quan: Cảm giác như bỏng, khô, dính mắt, không muốn mở mắt, như có vật lạ trong mắt.
- Khám nghiệm: Tròng trắng không bóng; thấy ở những người ít nhắm mắt, làm việc trong môi trường khô (như làm việc trước màn hình vi tính trong thời gian lâu, nơi gió cát), người cao tuổi, uống các loại thuốc dị ứng, an thần... lâu ngày hay nhỏ thuốc trị cườm nước.
- Điều trị: Nhỏ nước mắt nhân tạo, tránh nơi gió cát, khô.
5. Viêm bờ mi
- Dấu hiệu chủ quan: Mắt đỏ kinh niên (ở bờ mi mắt), cảm giác như có vật lạ, khi nặng sẽ làm mắt toét.
- Khám nghiệm: Có vảy chân lông mi, bờ mi đỏ.
- Điều trị: Uống và nhỏ kháng sinh, chủ yếu dùng nhóm Tetracycline.
6. Viêm do nhiễm độc
- Dấu hiệu chủ quan: Không đỏ nhiều nhưng bị kinh niên không lúc nào dứt. Có tiền căn dùng lâu dài loại thuốc nhỏ chứa chất bảo quản gây độc cho mắt. Mắt có cảm giác khó chịu, không có ghèn, không nhức.
- Khám nghiệm: Lộn mi thấy có sẹo, không đỏ nhiều.
- Điều trị: Xem lại các thuốc đã nhỏ có chứa loại chất bảo quản nào không? (như Benzakonium gây độc cho mắt). Nên dùng các loại thuốc nhỏ không có chất bảo quản.
Nhiều người bị viêm kết mạc vì… bơi
Ảnh minh họa (Nguồn: SKĐS) |
Viêm kết mạc dễ lây cả nhà
Thời gian gần đây, mỗi ngày Bệnh viện Mắt Trung ương tiếp nhận hàng trăm trường hợp viêm kết mạc (đau mắt đỏ) đến khám và điều trị. Theo nhận định của các thầy thuốc chuyên khoa mắt thì hiện đang là thời điểm giao mùa, là mùa nước lên, độ ẩm không khí thay đổi nên bệnh dễ xuất hiện và lây lan thành dịch nếu người dân không biết cách phòng tránh và điều trị sớm.
Khám mắt. |
Tại Khoa kết giác mạc - Bệnh viện Mắt Trung ương, anh N.V.H. (Thanh Xuân - Hà Nội) cho biết: Gia đình anh có 5 người thì hiện đã có đến 4 người bị đau mắt kể cả người già và trẻ nhỏ. Chỉ còn mình anh chưa bị bệnh. Hôm nay, anh đưa cậu con trai lớn học lớp 2 đi khám lại mắt và đưa cậu con thứ hai đến khám lần đầu để lấy thuốc về điều trị. Anh kể, người mắc bệnh đầu tiên trong gia đình là cậu con trai lớn, bị lây bệnh từ một bạn học cùng lớp. Ở lớp của con anh, có mấy cháu cùng mắc bệnh này phải nghỉ học ở nhà. Người bị lây bệnh thứ hai trong nhà là bà nội, tiếp đến là vợ anh và giờ là cậu con trai nhỏ (3 tuổi), đang học mẫu giáo.
BS. Lê Xuân Cung- Phó trưởng Khoa kết giác mạc cho biết: Trường hợp cả nhà cùng mắc bệnh viêm kết mạc đến bệnh viện khám không phải là ít. Ngoài ra, nhiều người làm cùng một cơ quan đến khám vì những biểu hiện khó chịu tại mắt và đều được kết luận mắc bệnh viêm kết mạc.
Khi mắc viêm kết mạc có cần điều trị tại bệnh viện?
Theo BS. Lê Xuân Cung, bệnh viêm kết mạc không cần phải điều trị tại bệnh viện. Người bệnh có thể điều trị tại nhà theo đúng hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa mắt và cần phải tuyệt đối tuân theo những nguyên tắc giữ gìn vệ sinh để tránh lây bệnh cho những thành viên khác trong gia đình và cộng đồng. Cụ thể, người bệnh cần đeo kính để hạn chế phát tán yếu tố gây bệnh, không dùng chung khăn mặt và chậu rửa mặt, rửa sạch tay bằng xà phòng ngay sau khi tiếp xúc với mắt bị bệnh (sau khi tra thuốc, lau mắt...) để tránh lây lan yếu tố gây bệnh qua đồ vật dùng chung (điện thoại cố định, điều khiển từ xa...), đeo khẩu trang khi tiếp xúc gần với người bệnh vì viêm kết mạc cũng có thể lây qua đường hô hấp. Người bị viêm kết mạc cũng không nên đi học, đi làm để tránh lây bệnh cho người khác trong điều kiện bệnh viêm kết mạc dễ lây lan như hiện nay. BS. Cung cũng nhấn mạnh, người bệnh viêm kết mạc sau khi khỏi bệnh từ 7- 10 ngày vẫn có khả năng truyền bệnh nên người nhà và những người xung quanh không nên chủ quan trong việc tiếp xúc.
Kết mạc. |
Khi bị bệnh viêm kết mạc, người bệnh thường có cảm giác cộm như có cát trong mắt. Mi mắt sưng có thể ít hoặc nhiều, kết mạc đỏ toàn bộ, nhiều gỉ mắt. Đặc biệt sáng ngủ dậy khó mở mắt do gỉ dính mi mắt lại. Thị lực ít thay đổi, ngoài ra còn có những dấu hiệu khác như giả mạc, những hột nhỏ, nhú gai... Yếu tố đặc biệt quan trọng là người bệnh phải giữ gìn vệ sinh mắt thật tốt bởi nếu không sẽ là điều kiện thuận lợi khiến bệnh viêm kết mạc nặng thêm do bị bội nhiễm. BS. Cung cho biết, bệnh viêm kết mạc sẽ được điều trị khỏi trong vòng 7-10 ngày nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng. Tốt nhất là điều trị theo nguyên nhân. Nếu viêm kết mạc do vi khuẩn thì sử dụng kháng sinh. Các bác sĩ khuyến cáo, nếu chưa có điều kiện đi khám mà thấy các biểu hiện của viêm kết mạc nêu trên thì bệnh nhân có thể dùng ngay các thuốc thông thường như natriclorid 0,9%, cloramphenicol 0,4% để tra mắt và đi gặp bác sĩ chuyên khoa mắt để khám và dùng thuốc theo chỉ dẫn. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc có chứa corticoid hoặc dexamethazol để tra mắt khi không có chỉ định của bác sĩ. Lưu ý, nếu điều trị muộn và không đúng, bệnh có thể gây ra một số biến chứng: viêm giác mạc, loét giác mạc và có thể dẫn đến mù lòa.
Khi bị viêm kết mạc cần lưu ý những gì?
Khi bị VKM, bệnh nhân cần tránh những thức ăn có tính kích thích (rượu bia, thuốc lá, chất cay như hành tỏi, ớt, thịt chó, các chất tanh như tôm, cua, cá...) vì có thể làm tăng phản ứng viêm. Bác sĩ chuyên khoa mắt cũng nhấn mạnh, sự âu yếm giữa vợ chồng khi hôn, quan hệ tình dục... cũng có thể làm lây bệnh viêm kết mạc do tiếp xúc gần với người bệnh. Bên cạnh đó, người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc giữ gìn vệ sinh cá nhân như không sử dụng chung đồ dùng, không sử dụng chung máy tính, điều khiển... để tránh lây bệnh cho những thành viên khác trong gia đình và cộng đồng. Người bị bệnh viêm kết mạc ngoài việc điều trị theo đơn thuốc của bác sĩ còn có thể thường xuyên nhỏ mắt bằng dung dịch nước muối sinh lý giúp rửa chất bẩn, làm trôi mầm bệnh ra ngoài. Tuy nhiên, trong quá trình tra nước muối sinh lý thấy mắt bị xót thì cần ngưng sử dụng ngay do lọ nước muối có độ PH không đạt chuẩn, nếu tra mắt kéo dài sẽ gây ra tình trạng mắt bị phù, cộm rát nhiều hơn.
(st)