Thực phẩm trị mất ngủ

seminoon seminoon @seminoon

Thực phẩm trị mất ngủ

18/04/2015 03:31 PM
486

Ăn gì để ngủ ngon? các loại thực phẩm hạn chế mất ngủ?

THỨC ĂN CHỮA CHỨNG MẤT NGỦ

BS. HOÀNG XUÂN ĐẠI

Mất ngủ là triệu chứng của nhiều nguyên nhân. Vì vậy muốn chữa tận gốc nguyên nhân sinh bệnh thì phải được các thầy thuốc xác định thì chữa mới có hiệu quả. Ắn uống những thứ sau đây chỉ giúp thúc đẩy quá trình lui bệnh. Dĩ nhiên các thức ăn này lại là những vị thuốc nam mà các lương y vẫn dùng để chữa các chứng mất ngủ.

Theo Đông y, khi lao tâm quá đã làm cho tâm huyết hao tổn, nên tâm không giữ được thần, hỏa không hãm xuống dưới, mà thủy không thể lên trên khiến cho tâm thần bất giao, tinh thần rất kết làm can, đơn hỏa vượng, tì, vị bất hòa gây nên chứng mất ngủ.

Ở tuổi trẻ khí huyết thịnh, cơ nhục trơn chu, kinh mạch thông sướng, hai khí doanh vệ cận hành đúng quy luật nên ban ngày sảng khoái ban đêm ngủ ngon, người ta thường độ tuổi trên 50 khí huyết bắt đầu suy nhược, cơ nhục khô héo, kinh mạch trì trệ, hai khí doanh vệ bắt đầu vận hành lệch lạc do đó làm cho khó ngủ về đêm nên ngày mệt mỏi.

Mất ngủ có thể chia làm hai loại: hư chứng và thực chứng vì vậy phép chữa trị cũng có khác nhau. Đối với hư chứng, cần bổ khí, dưỡng huyết, tư âm giáng hỏa - còn thực chứng lại thanh tiết hỏa ở can, đơn kiện tỳ, hỏa đàm, tiêu trợ.

Thuốc chữa mất ngủ thì nhiều, ở đây xin giới thiệu những thức ăn làm dễ ngủ.

* Rau nhút: Đông y gọi là quyết thái. Nấu canh rau nhút non, lá vông nem, khoai sọ, củ súng, củ sen, tôm hoặc thịt lợn nạc băm hay xay, giã ăn ngon vừa bổ dưỡng lại chữa mất ngủ.

* Củ sen: Là phần cây nằm dưới bùn có tác dụng dưỡng tâm, an thần, bổ tì, cố tinh v.v... Nấu canh ăn chữa được mất ngủ, suy nhược.

* Hạt sen: Nấu chè hạt sen hoặc nhồi hạt sen vào bụng chim, bồ câu con hầm ăn hoặc nhồi hạt sen vào vịt, dạ dày lộn gọi là món tiêm ăn ngon. Hạt sen tác dụng vào các kinh tâm, tì, thận, làm thuốc bổ tì, dưỡng tâm, an thần, cố tinh, chữa mất ngủ và suy nhược thần kinh.

- Lưu ý: các bộ phận của cây sen đều dùng làm thuốc mà lại tác dụng khác nhau nên cần thận trọng khi dùng ví dụ lá sen không có tính an thần.

* Tâm sen: Đông y gọi là liên tâm, là mầm xanh nằm giữa hạt sen đó mới thật là quả sen - có vị đắng, tính hàn, tác dụng thanh tâm, khử nhiệt, chữa bệnh tim hồi hộp, mất ngủ, di mộng tinh thường dùng với liều 4g-10g. Dùng tâm sen khô sắc nước uống. Nước rất đắng nên pha chút mật ong hoặc đường cho dễ uống. Có tác dụng gây ngủ mạnh hơn hạt sen nhiều lần và êm.

* Củ súng: Vị ngọt nhạt, tính bình tác dụng vào các kinh tâm, tì, thận làm dưỡng tâm, bổ tì, ích thận, cố tinh - chữa chứng mất ngủ, suy nhược lấy củ súng nấu canh ăn.

* Nhãn: Vị chua, ngọt, tính bình, nhãn bổ dưỡng tâm, tì nên dùng chữa mất ngủ, thần kinh suy nhược, trí nhớ giảm. Nhãn tươi chế biến thành long nhãn để dùng dần.

* Táo: Vị ngọt, tính ôn tác dụng vào lúc hai kinh tì và vị. Táo bổ tì, vị sinh tân dịch, ích khí, an thần, điều hòa doanh vệ, hòa giải các vị thuốc kết hợp.

* Toan tảo nhân: Là nhân trong hột táo chua, tính an thần rất mạnh liều dùng 1g-2g. Không quá liều vì độc, cần lưu ý: nếu sao vàng sắc uống chữa mất ngủ. Để sống (không sao) lại làm cho không ngủ.

* Vông nem (gọi là lá vông nem vì dùng gói nem chua): Bộ phận dùng làm thuốc là lá, vỏ, thân. Tác dụng an thần mạnh nên Tây y thường chế siro lá vông - không dùng dài gây độc. Liều 4g-10g mỗi ngày.

* Lạc tiên: Mọc hoang ở đồi, rào... Bộ phận dùng phần dây trên mặt đất tức là thân và lá. Lạc tiên vị ngọt nhạt, tính mát, không độc, có công năng đi vào hai kinh can và tâm. Tác dụng dưỡng tâm, an thần. Chữa suy nhược thần kinh mất ngủ. Thành phần là hoạt chất bởi nhiều chất như alcaloid nhóm harman, các flavoinoid; nhóm Isovitexin, Maltol và Ethylmaltol. Dùng dưới dạng thuốc sắc (thân và lá khô), liều dùng trung bình từ 20g-40g. Thân già càng tốt, có mùi thơm đặc trưng.

* Bá tử nhân: Tức nhân trong hạt cây trắc bá, vị cay, tính bình tác dụng vào các kinh tâm, can, thận - dưỡng tâm, an thần, nhuận tràng, thông tiện, thường dùng trong các trường hợp mất ngủ do tâm thận bất giao, lo sợ, hồi hộp. Liều 4g-24g mỗi ngày.

* Nước ép quả cà chua: pha thêm chút mật ong hoặc đường cát với độ ngọt tùy ý, uống vào đêm lúc đi ngủ sẽ ngon giấc.

Ngoài ra còn có thể dùng các loại thuốc như thần sa ha chu sa hoặc các loại tân dược nhưng cần có sự chỉ dẫn kỹ lưỡng của bác sĩ hầu hết các loại thuốc này đều độc gây chết người hoặc gây nghiện.


Thực phẩm thuốc trị mất ngủ

suckhoesuckhoe9875

Mất ngủ nhất thời thường do thời tiết, do công việc bề bộn, lo nghĩ hoặc do cơ thể suy nhược… mà sinh ra chứ chưa phải là bệnh.

Chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt một cách khoa học, không nên lạm dụng thuốc ngủ. Việc tập thể dục, đi bộ, xoa bóp và thường xuyên dùng các món cháo, canh thuốc dưới đây sẽ giúp thần kinh ổn định, giấc ngủ sẽ trở lại với chúng ta.

Cháo long nhãn hạt dẻ: long nhãn 15g, hạt dẻ đã bóc vỏ 20g, gạo tẻ 50g, đường một ít. Đập vụn hạt dẻ, đem nấu với gạo thành cháo; khi cháo chín tới cho long nhãn vào khuấy đều, đun sôi, cháo chín thì cho đường vào ăn.

Cháo trứng gà, hạt kê: trứng gà 1 quả, hạt kê 100g. Hạt kê vo sạch đổ vào nồi với 1 lít nước, đun to lửa sau nhỏ lửa nấu thành cháo, khi cháo gần chín thì đánh trứng gà vào, đun tiếp một lúc nữa là được. Mỗi tối ăn 1 lần. Công hiệu: bổ tim, an thần, chữa thiếu máu, bồn chồn mất ngủ.

Cháo nhân táo chua, hạt kê: hạt kê 100g, nhân táo chua 30g, mật ong 30g. Trước hết xay giã nhân táo chua thành bột. Hạt kê vo sạch, đổ vào nồi cùng với 1 lít nước, đun to lửa cho sôi, sau nhỏ lửa, khi cháo sắp chín đổ mật ong vào. Ngày ăn 2 lần. Công hiệu: bổ tỳ vị, an thần, chữa mất ngủ, ăn không ngon, đại tiện táo.

Canh thịt nấu hạt sen, khiếm thực: thịt lợn 200g, hạt sen 50g, khiếm thực 50g, muối vừa đủ. Thịt rửa sạch cho vào nồi cùng hạt sen, khiếm thực, nước vừa đủ, nấu chín thành canh, cho gia vị, ăn trong ngày. Công hiệu: bổ thận cố tỳ, ninh tâm an thần, chữa tâm phiền mất ngủ, hồi hộp, lo âu, mộng mị, tiểu đêm nhiều.

Canh hến nấu bách hợp, ngọc trúc: thịt hến 50g, bách hợp 30g, ngọc trúc 20g, muối, bột ngọt vừa đủ. Thịt hến rửa sạch, thái nhỏ, bách hợp, ngọc trúc rửa sạch cho vào túi, tất cả cho vào nồi, đổ nước vừa đủ, đun to lửa tới sôi, rồi chuyển đun nhỏ lửa tới chín nhừ, bỏ túi thuốc, cho muối, gia vị, ăn kèm trong bữa, ăn thịt, uống canh. Công hiệu: bổ âm, dưỡng tâm, trị mất ngủ, khát nước, gan bàn tay bàn chân nóng.

Canh vịt trắng, bí xanh, phục thần: vịt trắng 1 con, bí xanh 500g, phục thần 30g, mạch môn 30g. Vịt mổ bỏ ruột làm sạch, chặt miếng cho vào nồi cùng túi vải đựng phục thần, mạch môn, nước, đun sôi một lúc, cho tiếp bí xanh thái miếng vào, đun đến khi thịt, bí chín nhừ nêm vị là được. Ngày ăn 2 - 3 lần. Công hiệu: bổ âm, an thần, thanh nhiệt, ninh tâm, chữa mất ngủ, thần kinh suy nhược.

Canh hạt sen: hạt sen 30g, nước vừa đủ nấu chín thành canh, cho gia vị vừa ăn. Ăn, uống trước khi đi ngủ khoảng 2 giờ. Công hiệu: bổ tỳ vị, an thần, làm ngủ ngon.

Canh hàu, thịt lợn: thịt hàu tươi 150g, thịt lợn nạc 150g, gia vị vừa đủ. Thịt lợn rửa sạch, thái miếng, hàu làm sạch, cho thịt hàu cùng thịt lợn vào nồi, đổ nước vừa đủ, nấu canh, thịt chín thì cho gia vị là được. Ăn trong bữa cơm.

Nấm mèo hấp đường phèn: nấm mèo đen 10g, nấm mèo trắng 10g, đường phèn 30g. Nấm ngâm cho nở, bỏ tạp chất, rửa sạch cho vào bát cùng đường phèn, nước vừa đủ, đem hấp hoặc chưng cách thủy khoảng 1 giờ. Ăn cả cái và nước. Công hiệu: bồi dưỡng cơ thể, giải độc, ngủ tốt.

Gà giò hầm long nhãn: gà giò 1 con làm sạch cho vào nồi với long nhãn 30g, một ít rượu, giấm, hành, gừng, muối, gia vị, đặt trên bếp hầm nhỏ lửa trong khoảng 1 giờ. Ăn trong ngày. Công hiệu: bổ tỳ vị, an thần, ngủ ngon.

Nước quả dâu, đường phèn: quả dâu tươi 50g, đường phèn vừa đủ. Quả dâu rửa sạch cho vào nồi, đổ nước vừa đủ, nấu chín cho đường vào đánh tan là được. Ngày dùng 1 thang. Công hiệu: bổ âm huyết, nhuận tràng, thông tiện, chữa mất ngủ do can thận âm hư, hay quên.

Nước cam thảo, tiểu mạch, táo tàu: tiểu mạch 60g, cam thảo 6g, táo tàu 30g. Tiểu mạch xát vỏ, táo ngâm nở bỏ hạt, cho vào nồi cùng cam thảo, đổ nước vừa đủ, đun to lửa cho sôi rồi chuyển nhỏ lửa đun khoảng 1 giờ, chắt lấy nước, bỏ bã. Uống trong ngày. Công hiệu: bổ dưỡng tâm can, an thần định chí, chữa mất ngủ, hồi hộp, buồn chán, tinh thần hoảng hốt.

Dinh dưỡng cho người mất ngủ

Mất ngủ ngoài việc có thể dùng thuốc hỗ trợ điều trị có chỉ định của bác sĩ, chế độ dinh dưỡng cũng đóng một vai trò quan trọng.
Mất ngủ là chứng bệnh gây suy giảm sức khỏe cho nhiều người. Mất ngủ có nhiều dạng: khó đi vào giấc ngủ, ngủ không yên giấc, dậy sớm không ngủ lại được, hoặc tỉnh dậy nhiều lần trong khi ngủ… Ngoài việc có thể dùng thuốc (theo chỉ định của bác sĩ) hỗ trợ điều trị chứng mất ngủ, chế độ dinh dưỡng cũng đóng một vai trò quan trọng.

Những thực phẩm nên dùng:

Thực phẩm giúp dễ ngủ

Thực phẩm giúp dễ ngủ

- Thực phẩm nhiều vitamin nhóm B (B1, B2, B3, B6, B12…): Vitamin nhóm B giúp chuyển hóa các chất bột, đường thành năng lượng và giúp các dây thần kinh hoạt động tốt, làm cho cơ thể thoải mái. Ở những người mất ngủ, nồng độ vitamin nhóm B trong máu thường thấp. Do đó, nên ăn những thức ăn giàu vitamin nhóm B như gạo lức, thịt, cá, gà, sữa bơ, trứng, ngũ cốc, rau xanh…

- Thực phẩm giàu magiê: Mất ngủ là dấu hiệu của tình trạng thiếu magiê vì chất này có chức năng làm thư giãn cơ bắp tự nhiên… Những thức ăn giàu magiê là: rau mồng tơi, rau muống, rau dền, trái bơ, hạnh nhân, hạt bí…

Tăng cường thực phẩm nhiều tryptophan: Khi cơ thể thiếu tryptophan ảnh hưởng lớn đến tinh thần, suy giảm trí nhớ, dễ cáu giận và gây mất ngủ. Tryptophan giúp làm dịu thần kinh, gây buồn ngủ do làm tăng nồng độ serotonin trong não. Các thực phẩm giàu tryptophan là chuối, đậu phộng, hạt sen, gạo, thịt gà, bí đỏ…
Rau dền

Thực phẩm nên tránh:

Chất béo như bơ, các món xào, chiên nhiều dầu mỡ, thịt xông khói, bánh kem… (vì đây là những thực phẩm cản trở tiến trình tổng hợp tryptophan); Không dùng cà phê và các loại nước ngọt chứa cafein như pepsi, coca…; Không hút thuốc lá…

Ngoài chế độ ăn hợp lý việc tập luyện dưỡng sinh, đi bộ, tránh công việc căng thẳng…là quan trọng vì đây là nhân tố giúp ngủ sâu và ngon giấc hơn.


Dưa bở chữa mất ngủ



Nước ta có nhiều loại dưa khác nhau và dưa bở là một trong những loại quả vừa cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể, vừa có tác dụng giải khát, thanh nhiệt và trị được nhiều bệnh.

Theo Đông y thì dưa bở có vị ngọt, tính lạnh, tác dụng giải khát, trừ phiền, thông khí, lợi tiểu, trong những ngày hè nóng bức ăn dưa bở có thể phòng ngừa được cảm nắng.

Hạt dưa có vị ngọt, tính mát, tác dụng điều hòa trong bụng, thanh phế, nhuận tràng, trị được các chứng kết tụ sinh máu mủ ở tràng vị, chữa ho khan hay đại tiện táo bón...

Hoa dưa bở chữa nấc, đau tim... còn lá tác dụng trị mất kinh ở phụ nữ.

Cuống dưa bở có vị đắng, tính lạnh, có độc, tác dụng gây nôn và thông đại tiểu tiện, giải độc, chữa sốt phát cuồng, sốt rét cơn...

Để tham khảo và áp dụng, sau đây xin giới thiệu vài phương thuốc trị liệu từ dưa bở.

- Chữa mất ngủ: Dưa bở 200g, hạt sen 100g, hoa nhài 20g, đường trắng 200g. Cho hoa nhài vào nước đun thật kỹ, sau gạn lấy 300ml nước sắc hoa nhài, hạt sen giã nhỏ, rồi cho tất cả vào nồi, đun nhỏ lửa, khuấy đều tay cho đến khi thấy hạt sen đã chín nhừ thì cho đường vào trộn đều để đường tan hết là được. Mỗi ngày ăn 1 lần.

- Chữa táo bón: Hạt dưa bở 10g, khoai lang 30g, đường đỏ 10g. Giã nhỏ hạt dưa bở cùng khoai lang rồi cho vào 250ml nước đun nhỏ lửa, khi khoai chín cho đường vào trộn đều là được. Cần ăn vào buổi sáng sớm, khi mới ngủ dậy, ăn liền trong 5 buổi sáng bệnh sẽ khỏi.

- Chữa ho khan, táo bón: Hạt dưa bở mỗi lần ăn 10g, ngày ăn 2 lần.

- Chữa đau tim, ho nấc: Hoa dưa bở 8g, sắc lấy nước uống ngày 1 lần.

- Chữa vô kinh: Lá dưa bở 20g, sử quân tử 20g, cam thảo 20g. Tất cả tán nhỏ uống với rượu mỗi lần 8g hoặc sắc uống.

- Gây nôn, chữa sốt phát cuồng, sốt rét cơn: Cuống dưa bở 4-8g, sắc lấy nước uống nôn mửa ra đờm là khỏi bệnh.

- Giải ngộ độc: Cuống dưa bở 1g, đậu đỏ hạt nhỏ 3g, tán nhỏ cả hai vị này trộn lẫn, chiêu với nước sôi nguội hay uống bằng nước sắc đậu sị (nước sắc đậu đen) sẽ có tác dụng giải độc mạnh hơn.

Lưu ý: Khi uống nước thuốc này sẽ có tác dụng gây nôn, giúp bệnh nhân nôn ra hết chất độc còn lưu trong dạ dày, do vậy uống liều như vừa nêu trên mà không thấy gây nôn được có thể tăng liều hơn một chút sẽ hiệu quả.

Hoặc sử dụng cuống dưa bở tán nhỏ vắt lấy nước côt uống cũng có tác dụng.


Canh hến linh chi chữa mất ngủ

Canh hến linh chi chữa mất ngủ

Canh hến linh chi chữa mất ngủ

Món canh này tốt cho những người hay bị đánh trống ngực, mất ngủ, mệt mỏi, viêm phế quản mạn, hen suyễn, tiêu hóa kém, viêm gan B…

Theo Đông y, linh chi có vị ngọt, tính ôn, với công năng làm ích tinh khí, mạnh gân cốt, công dụng làm thuốc bồi bổ cơ thể, đặc biệt sử dụng cho những người hay bị đánh trống ngực, mất ngủ, mệt mỏi, viêm phế quản mạn, hen suyễn, tiêu hóa kém, viêm gan B…

Ngoài ra, còn có khả năng nâng cao miễn dịch cơ thể, đặc biệt là hệ thống miễn dịch tế bào… Trong Đông y, canh hến linh chi có tác dụng đặc biệt điều trị hen phế quản.

Trong Đông y, canh hến linh chi có tác dụng đặc biệt điều trị hen phế quản.

Nguyên liệu: Linh chi 20 – 30g, thịt hến hoặc trai 200 – 300g, đường phèn 50g.

Chế biến: Linh chi thái lát mỏng cho vào nồi đất đun sôi từ 1 – 1 giờ 30 phút, lọc bỏ bã, thịt trai làm sạch đem nấu chung với nước linh chi. Khi thịt trai chín cho đường phèn vào đun nhẹ cho tới khi đường phèn tan hết múc ra ăn. Mỗi ngày ăn một lần có thể dùng liên tục.

Theo đại danh y Tuệ Tĩnh, thịt trai hến có tính lạnh, không độc, có tác dụng nhuận tràng, thanh nhiệt thông nhuận phế, mát gan, bổ thận, trị lở, thông tiểu, hạ áp, an thần…

Bài thuốc có tác dụng nâng cao miễn dịch, mạnh gân cốt tăng cường quá trình trao đổi chất và cung cấp oxy cho tế bào, đặc biệt là tim, gan và phổi, ức chế cơ thể phóng thích histamin (tác nhân gây dị ứng) và kìm hãm sự phóng thích amin gây co thắt phế quản…

Dùng trị các chứng bệnh: Viêm phế quản người già, hen phế quản, viêm gan mạn tính, giảm bạch cầu, rối loạn thần kinh tim, suy nhược thần kinh, mất ngủ, bệnh mạch vành, xơ gan thời kỳ đầu…

(St)


Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý