Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai, cơ thể trẻ sơ sinh rất nhạy cảm, nóng quá bé cũng ốm, lạnh quá thì cũng bệnh do chưa có khả năng tự điều hòa thân nhiệt. Trong những ngày rét đậm tăng cường thế này, cha mẹ lưu ý mặc quần áo ấm cho con, lớp áo trong nên mặc những chất cotton, các lớp áo ngoài có thể là len hoặc nỉ, cần đội mũ, đi tất cho trẻ, nhất là ban đêm khi nhiệt độ xuống thấp. Với bé sơ sinh không nên dùng đồ cứng như quần áo bò, kaki, áo phao.
Trong trường hợp dùng điều hòa ấm thì không cần phải mặc quá nhiều quần áo, để tránh trẻ bị nóng và rịn mồ hôi. Nhiệt độ điều hòa thích hợp nhất cho trẻ sơ sinh từ 28-30 độ. Việc dùng điều hòa liên tục trong thời gian ngắn không gây ảnh hướng đến da của trẻ như một số thắc mắc của các bà mẹ. Ngoài ra, cần nhỏ nước muối sinh lý 0,05% cho trẻ hàng ngày, vừa giúp trẻ vệ sinh mũi, vừa có tác dụng chống khô mũi.
Với trẻ mới sinh đến 1 tuần tuổi thì việc tắm hàng ngày rất cần thiết, vì lúc này cơ thể trẻ vẫn còn nhiều chất gây bám, nếu không được tắm sạch trẻ dễ bị bít lỗ chân lông, gây viêm nhiễm, ngứa ngáy. Việc tắm cho trẻ là cần thiết, nhưng phải tắm đúng cách, nhanh mà phải sạch để đảm bảo sức khỏe cho trẻ, PGS Dũng cho hay.
Bà mẹ nào cũng tắm được cho con, nhưng không phải ai cũng biết cách. Trẻ cần được tắm trong phòng kín, nếu dùng điều hòa thì nên bật trước đó khoảng 20 phút cho nhiệt độ trong phòng ấm lên (khoảng 28 - 30 độ). Chuẩn bị sẵn khăn khô để lau người, quần áo, mũ, bít tất để mặc cho bé ngay sau khi tắm, cần tắm nhanh những phải đảm bảo sạch.
Nhiệt độ nước để tắm cho trẻ bằng với nhiệt độ cơ thể (36-37độ C). Ở các vùng nông thôn không có nhiệt kế đo nước thì có thể dùng khuỷu tay nhúng vào bồn nước, nếu cảm giác nước vừa (không nóng quá, không lạnh) là được. Đối với trẻ trên 10 ngày tuổi trở đi thì không nhất thiết phải tắm hàng ngày, có thể 3-4 ngày tắm một lần.
Cần chuẩn bị sẵn quần áo, khăn khô lau người cho bé ngay sau tắm
Cách giữ ấm
Phòng trẻ nằm nên thoáng khí, đủ ánh sáng, và ấm áp. Nếu dùng máy lạnh thì giữ nhiệt độ khoảng 28 độ C. Người lớn cần mặc quần áo cho trẻ đủ ấm, đội nón, mang vớ cho trẻ. Ngoài ra, tránh để gió lạnh lùa vào phòng, dù trẻ đã được mặc đủ quần áo ấm nhưng việc tiếp xúc thường xuyên với nguồn gió lạnh sẽ rất nguy hiểm đến trẻ.
Cho
trẻ nằm chung với mẹ. Mẹ ôm trẻ vào lòng sẽ làm tăng tình cảm mẹ
con, thân nhiệt trẻ ổn định. Tiếp xúc "da kề da" cũng rất hữu
ích để giữ trẻ không bị lạnh, đặc biệt là trẻ sinh non. Cho bé
bú mẹ đầy đủ cũng là cách hữu hiệu giữ ấm cho trẻ.
Đo nhiệt độ trẻ hay sờ tay chân trẻ, nếu thấy lạnh thì bạn nên mặc thêm quần áo, đắp thêm chăn, ôm trẻ vào lòng, cho bú mẹ.
Cách vệ sinh
Thường xuyên kiểm tra tã trẻ, khi thấy ướt hãy thay ngay để tránh trẻ bị lạnh.
Rửa tay là biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả phòng nhiễm trùng sơ sinh. Rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi chăm sóc bé.
Khi
tắm bé, bạn cần chuẩn bị đầy đủ quần áo, khăn lau, khăn tắm, xà
phòng, nước ấm (đổ nước lạnh trước rồi pha nước nóng vào sau), phấn
thoa, thuốc nhỏ mắt nhỏ mũi, bông ráy tai. Nơi tắm bé phải kín gió, ấm
áp. Chọn xà phòng có độ kiềm thấp, dùng cho sơ sinh.
Cách tắm:
Tắm bé từng phần. Dùng khăn mềm thấm nước ấm lau mắt bé trước, sau đó
lau mặt, gội đầu, lau khô đầu. Tiếp đến, tắm nửa người trên cho bé, chú ý
các nếp gấp cổ, nách, sau gáy, rồi lau khô. Tắm tiếp phần dưới cơ thể,
chú ý nếp bẹn, vùng hậu môn, sinh dục.
Tắm
xong, lau khô, mặc quần áo sạch, thoáng, ấm, nhỏ mắt, mũi và lau tai
cho bé. Sơ sinh không nhất thiết phải tắm hàng ngày. Khi trời quá lạnh,
bé không dơ quá thì có thể lau cho bé.
Rốn
là ngõ vào quan trọng gây nhiễm trùng sơ sinh. Bạn chăm sóc rốn hàng
ngày với nước muối sinh lý hoặc dùng alcohol 700. Sau khi chăm sóc rốn,
bạn nên để hở rốn sẽ làm rốn mau khô, dễ rụng. Quấn tã dưới rốn.
Lau mắt bằng khăn mềm, thấm nước ấm. Nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý.
Giữ phòng ấm, thoáng khí, mặc quần áo sạch, thoáng, thay tã khi ướt và tắm trẻ sẽ giữ da trẻ sạch, không nhiễm trùng.
Chăm sóc da cho bé
Đến mùa đông, có thể dễ dàng nhận thấy da bé khô hơn. Dưới đây là một số hướng dẫn từ tiến sĩ Sarah Javis để đảm bảo làn da bé không khô từ quá trình tắm rửa đến việc chọn quần áo, kem dưỡng da cho bé...
Vấn đề về da mùa đông
Bé
đặc biệt dễ bị khô da, kích ứng da vào mùa đông. Một số yếu tố góp phần
làm khô da bé là: Quạt sưởi, đèn sưởi làm không khí trong phòng bị khô
và làm khô da bé. Bàn tay và khuôn mặt của bé là nơi ít được bảo vệ
nhất; vì thế, chúng dễ bị khô và nứt nẻ. Gió cũng như bệnh cảm cũng gây
ra khô nẻ.
Gợi ý đơn giản giúp giữ ẩm cho da bé:
- Không
tắm cho bé nhiều hơn mỗi 2 ngày một lần và giảm thời gian tắm xuống.
- Không
ủ ấm bé quá vì điều này gây đổ mồ hôi khiến da bị kích ứng.
- Nhớ
rằng sự chênh lệch giữa nhiệt độ bên ngoài trời và trong phòng là rất
lớn, nhất là trong mùa đông. Mặc cho bé nhiều lớp áo mỏng giúp bạn điều
chỉnh quần áo cho
bé thích hợp.
- Không mặc áo len bên trong,
phải mặc áo lót rồi mới đến áo len.
Chuyện tắm rửa của bé
Làn
da ở bé là khá mỏng manh và rất dễ bị mất nước. Vì thế, chăm sóc da mùa
đông cho con càng cần đặc biệt lưu ý: Với bé, khi thay tã hoặc tắm chỉ
cần dùng nước ấm sạch là đủ, không cần xà phòng hay sữa tắm. Khi bé được
vài tháng tuổi, bé có thể bị khô da hoặc bị chàm. Lúc đó, bạn có thể
dùng sữa tắm không mùi dành cho da bị chàm để tránh khô da cho bé. Sau
khi tắm, có thể thoa kem dưỡng ẩm không mùi trước khi mặc quần áo cho
bé.
Tủ quần áo mùa đông của bé
Hiện tại
có rất nhiều kiểu dáng và chất liệu trang phục dành cho bé. Nhưng bạn
cần nhớ rằng, da của bé rất mỏng và dễ bị kích ứng. Do đó, nên chọn quần
áo có thể hút mồ hôi và thông thoáng:
- Áo len có thể gây kích
ứng da và khiến bệnh chàm xấu đi. Kể cả da đầu của bé cũng có thể bị
kích ứng do mũ len.
- Nên chọn quần áo vải tự nhiên thay cho vải
tổng hợp. Vải tự nhiên giúp da dễ thở, ngăn ngừa đổ mồ hôi, vì thế, hạn
chế kích ứng da.
- Sử dụng nhiều lớp quần áo mỏng hơn là một lớp
quần áo dày. Điều này giúp bạn điều chỉnh quần áo của bé dễ dàng hơn ở
những nền nhiệt khác nhau.
- Luôn đội mũ cho bé khi ra ngoài
trời.
Trị các bệnh về da phổ biến
Rất
ít bé sơ sinh có được làn da hoàn hảo. Khoảng 1/3 bé chào đời với những
rắc rối trên da nhưng hầu hết trong số đó là không có gì phải lo lắng.
Trong vài tháng đầu đời, bé có thể nổi ban hoặc mắc các bệnh về da. Vài
mẹo dưới đây có thể giúp đỡ:
- Nghe có vẻ lạ nhưng nước có thể
làm khô da của bé. Đối với những tháng đầu tiên trong đời, bé không cần
được tắm mỗi ngày. 2-3 ngày một lần tắm là tốt nhất. Nếu con bạn bị
chàm, bác sĩ có thể tư vấn về các sản phẩm tắm cho bé.
- Khá
nhiều bé được sinh ra với mụn nhỏ màu trắng (hoặc màu đỏ) quanh mũi, môi
và mắt. Chúng được gọi là milia (hoặc các mụn sữa) và không cần điều
trị trừ khi những nốt mụn ấy bị viêm.