Tìm hiểu về bệnh thiếu máu cơ tim: cách phòng ngừa

Hoaibui2395 Hoaibui2395 @Hoaibui2395

Tìm hiểu về bệnh thiếu máu cơ tim: cách phòng ngừa

16/11/2015 12:00 AM
201

Thiếu máu cục bộ cơ tim là bệnh tim mạch khá thường gặp ở người sau tuổi trung niên. Ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim  do xơ vữa động mạch vành vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Theo Tổ chức Sức khỏe Thế giới, tình trạng xơ vữa động mạch vành tim có thể đã xuất hiện rất sớm từ những năm 30 - 40 tuổi và tỉ lệ bệnh tim mạch ngày càng cao ở các nước đang phát triển, đứng hàng đầu là cao huyết áp và bệnh lý động mạch vành tim. Cũng như những cơ quan khác trong cơ thể tim được nuôi bởi động mạch có tên là động mạch vành và trong quá trình lão hóa thì động mạch này cũng bị xơ vữa và tắc hẹp. Khi động mạch vành tim bị hẹp sẽ gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ cơ tim và nặng hơn là nhồi máu cơ tim khi động mạch này bị tắc nghẽn hoàn toàn. Tai biến nguy hiểm nhất của thiếu máu cục bộ cơ tim là chết đột ngột có thể do nhồi máu cơ tim hoặc rung thất.

Biểu hiện của Thiếu máu cục bộ cơ tim là gì?

Bệnh có 2 thể biểu hiện:

- Thể có đau ngực: khởi đầu đau ngực lúc gắng sức làm việc nặng sau đó đau ngay cả lúc nghỉ ngơi, trầm trọng hơn là nhồi máu cơ tim hoặc tử vong đột ngột.

- Thể không đau ngực còn gọi là bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim im lặng, cũng khá thường gặp ở người cao tuổi. Trên điện tâm đồ có thể thấy biểu hiện của thiếu máu cục bộ cơ tim nhưng người bệnh hoàn toàn không thấy đau ngực và đa số những người bệnh này rất chủ quan không lo điều trị, do đó người bệnh có thể bị nhồi máu cơ tim và tử vong đột ngột.

2.      Đau ngực do Thiếu máu cục bộ cơ tim có đặc điểm gì?

Đau thắt ngực điển hình do thiếu máu cục bộ cơ tim có một số đặc điểm:

- Hoàn cảnh xuất hiện cơn đau ngực: cơn đau thắt ngực thường xảy ra sau khi gắng sức làm việc nặng, xúc động mạnh, sau bữa tiệc thịnh soạn, sau giao hợp, thời tiết quá lạnh cũng dễ làm xuất hiện cơn đau. Nếu cơn đau thắt ngực xuất hiện lúc nghỉ ngơi, không có gắng sức là dấu hiệu báo động tình trạng bệnh nguy hiểm, cần theo dõi và điều trị tích cực để phòng ngừa nhồi máu cơ tim.

- Tính chất của cơn đau: là cảm giác đau ở ngực trái vùng trước tim, đôi khi chỉ thấy khó chịu, hoặc cảm giác nặng bị đè ép sau xương ức lan đến cổ, hàm, vai trái, cánh tay trái.

- Thời gian cơn đau thắt ngực: thông thường chỉ kéo dài vài giây đến vài phút, thường không quá năm phút. Khi cơn đau thắt ngực kéo dài quá 15 - 20 phút phải nghĩ đến nhồi máu cơ tim. Nếu tình trạng đau ngực kéo dài cả ngày trong nhiều ngày, nhiều tuần nhưng điện tâm đồ vẫn bình thường, cần phải nghĩ đến nguyên nhân khác. Tần suất cơn đau cũng rất thay đổi, có thể vài tuần, vài tháng một lần nhưng nếu nặng hơn là vài lần trong một ngày.

- Triệu chứng kèm theo: đồng thời với đau ngực người bệnh cảm thấy hồi hộp lo âu, cảm giác khó thở, vã mồ hôi, cảm giác nôn, buồn nôn, đánh trống ngực, choáng váng.

- Yếu tố làm giảm cơn đau:

·        Nằm nghỉ ngơi tuyệt đối trong những trường hợp nhẹ có thể qua khỏi cơn đau.

·        Ngậm thuốc điều trị đặc hiệu dưới lưỡi sau vài phút có thể làm giảm cơn đau ngực. Đây cũng là một cách thử nghiệm có phải cơn đau thắt ngực do thiếu máu cục bộ cơ tim hay không.

3.      Yếu tố nguy cơ của Thiếu máu cục bộ cơ tim là gì?

Những người có những yếu tố sau đây sẽ dễ bị thiếu máu cục bộ cơ tim:

·         Trong gia đình có người bị thiếu máu cục bộ cơ tim

·         Hút thuốc lá

·         Rối loạn chuyển hóa lipid máu

·         Tăng huyết áp

·         Tiểu đường

·         Béo phì

·         Ít vận động thể lực

·         Sống trong môi trường dễ bị stress

4.      Xét nghiệm nào giúp phát hiện sớm Thiếu máu cục bộ cơ tim

Đo điện tâm đồ

- Đo điện tâm đồ lúc nghỉ ngơi.

- Ghi điện tâm đồ suốt 24 giờ

- Đo điện tâm đồ sau gắng sức thường là sau đạp xe đạp.

Siêu âm tim có dùng thuốc hỗ trợ

Chụp động mạch vành tim có cản quang

Trong các xét nghiệm nêu trên thì chụp động mạch vành có bơm thuốc cản quang là tiêu chuẩn đáng tin cậy để chẩn đoán thiếu máu cục bộ cơ tim. Phương pháp này có tỉ lệ gây tai biến và tử vong khoảng 0,1-0,2%. Trong điều kiện nước ta hiện nay chụp động mạch có cản quang thường được chỉ định cho những bệnh nhân có nguy cơ nhồi máu cơ tim cao như cơn đau thắt ngực lúc nghỉ ngơi, cơn đau thắt ngực không đáp ứng với thuốc điều trị thông thường. Tại các nước tiến tiến chụp động mạch vành được chỉ định rộng rãi hơn. Đây là xét nghiệm cao cấp và rất tốn kém.

Phòng  ngừa Thiếu máu cục bộ cơ tim như thế nào?

Một số việc sau đây có thể giúp phòng ngừa tình trạng thiếu máu cục bộ cơ tim:

- Giảm thiểu hoặc loại bỏ hẳn các yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá và rối loạn mỡ trong máu có thể giúp phòng ngừa các bệnh mạch vành tim hoặc giúp làm chậm việc xuất hiện các biến chứng nếu đã có bệnh.

- Kiểm soát tốt huyết áp ở những bệnh nhân bị cao huyết áp có thể phòng ngừa được nhồi máu cơ tim ở người cao tuổi, còn ở người trẻ tuổi hơn có thể phòng ngừa được các tai biến về mạch vành sau đó.

- Vai trò của thể dục thể thao cũng góp phần khá quan trọng nhưng hiệu quả chắc chắn vẫn chưa được chứng minh.

 Điều trị Thiếu máu cục bộ cơ tim như thế nào?

Khi điều trị thiếu máu cục bộ cơ tim, cần tiến hành các bước sau đây:

- Giảm thiểu hoặc loại bỏ hẳn các yếu tố nguy cơ như ngưng hút thuốc lá, điều trị tình trạng tăng cholesterol trong máu, phải giữ LDL-c ở mức dưới 100mg%, thay đổi môi trường sống, giảm stress và nghỉ ngơi nhiều.

- Dùng thuốc điều trị thiếu máu cục bộ cơ tim. Các thuốc này khi dùng phải có chỉ định và theo dõi của bác sĩ. Các nhóm thuốc thường dùng trong điều trị thiếu máu cục bộ cơ tim là: nhóm nitrate, nhóm ức chế thụ thể bêta, nhóm ức chế canxi, nhóm ức chế kết tụ tiểu cầu như Aspirin…

- Điều trị bằng phẫu thuật tái tạo hay nong động mạch vành.

Người bệnh cần lưu ý điều gì khi dùng thuốc?

Trong phần điều trị bằng thuốc, bệnh nhân bị thiếu máu cục bộ cơ tim cần lưu ý đến nhóm thuốc nitrate tác dụng nhanh. Đối với các nhóm thuốc này người bệnh cần phải hiểu rõ cách dùng thuốc khi xuất hiện cơn đau thắt ngực và chỉ được sử dụng sau khi được bác sĩ chẩn đoán là Thiếu máu cục bộ cơ tim và hướng dẫn cách dùng thuốc. Không nên tự ý dùng khi chưa có chỉ định của bác sĩ .

Tất cả các thuốc dạng nitrate rất hiệu quả trong điều trị cơn đau thắt ngực nhưng phải dùng đúng cách theo chỉ định của bác sĩ để tránh hiện tượng lờn thuốc.

Tóm lại, người bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim cần lưu ý 3 điểm sau:

1. Bệnh dễ xuất hiện khi gắng sức, xúc động, căng thẳng…

2. Luôn mang theo bên người một trong bốn dạng nitrate tác dụng nhanh, và trước khi dùng các thuốc này phải được sự chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

3. Khi xuất hiện cơn đau thắt ngực phải dùng ngay một trong các loại thuốc tác dụng nhanh nêu trên và tìm cách liên hệ với bác sĩ điều trị hoặc trung tâm cấp cứu gần nhất.

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý