Chữa bệnh đường ruột cho bé hiệu quả

Nhanluu1294 Nhanluu1294 @Nhanluu1294

Chữa bệnh đường ruột cho bé hiệu quả

19/11/2015 12:00 AM
283

Nhiễm khuẩn đường ruột là bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Khi bị nhiễm trùng đường tiêu hóa, trẻ sẽ bị tiêu chảy, phân nhầy, biếng ăn, sút cân, ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển về thể chất và cân nặng của trẻ. Do đó, có biện pháp chăm sóc, điều trị thích hợp và kịp thời là yêu cầu bắt buộc dành cho các bậc cha mẹ để giúp trẻ mau chóng hồi phục sức khỏe.

Trong các bệnh nhiễm khuẩn có tỷ lệ tử vong cao ở trẻ, ngoài nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp còn phải kể đến nhiễm khuẩn đường tiêu hóa. Thời gian gần đây, số trẻ em nhập viện mắc các bệnh đường tiêu hóa có dấu hiệu gia tăng. Bệnh nhi thường tập trung ở trẻ dưới 3 tuổi, thân hình bụ bẫm. Biểu hiện ban đầu là tiêu chảy, sốt nên gia đình thường tự mua thuốc cho trẻ uống, đến giai đoạn sốc (sốt cao, xuất huyết dạ dày) mới đưa vào bệnh viện.

Vì sao trẻ em dễ lây nhiễm bệnh nhiễm khuẩn đường ruột?

Nhiễm khuẩn đường tiêu hóa ở trẻ thường do các vi khuẩn dạng campylobacter và vi khuẩn Escherichia coli (E. coli) hay còn được gọi là vi khuẩn đại tràng gây ra. Ðây cũng là nguyên nhân gây tiêu chảy quan trọng nhất trên toàn thế giới và ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, trẻ nhỏ hay mắc vì hệ tiêu hóa của trẻ trong những năm đầu đời còn non yếu. Ở các nước phát triển, trẻ dưới 5 tuổi và thiếu niên có tỷ lệ mắc cao nhất, còn ở các nước đang phát triển, đối tượng chủ yếu là trẻ dưới 2 tuổi.

Con đường lây nhiễm là do tiếp xúc với các đồ vật có chứa vi khuẩn, ổ chứa vi khuẩn là động vật, gia súc và gia cầm. Người ta cho rằng sự gần gũi của trẻ với các dạng vật nuôi và kháng thể chưa phát triển hoàn thiện là điều kiện khiến trẻ dễ bị nhiễm bệnh.

trẻ bị nhiễm khuẩn đường ruột 1

Biểu hiện, triệu chứng của bệnh nhiễm khuẩn đường ruột ở trẻ em

Thời kỳ lây truyền kéo dài suốt giai đoạn nhiễm khuẩn, thường từ vài ngày đến vài tuần. Nhiễm khuẩn đường tiêu hóa cấp tính với các đặc điểm điển hình như tiêu chảy, đau bụng, mệt mỏi, sốt, buồn nôn và nôn. Thời kỳ ủ bệnh thường từ 2 – 5 ngày, cũng có thể là từ 1 – 10 ngày tuỳ theo thể trạng của từng người. Khi nhiễm khuẩn, trẻ đi đại tiện phân lỏng, có thể lẫn với chất nhày và có bạch cầu. Những người không được điều trị kháng sinh sẽ có thể đào thải vi khuẩn ra ngoài trong vòng từ 2-7 ngày.

Chế độ ăn uống dành cho trẻ bị nhiễm khuẩn đường ruột như thế nào?

– Chia nhỏ bữa ăn trong ngày.

– Nấu các món ăn mềm, dễ tiêu hóa, hấp thu, giàu dinh dưỡng: cháo, súp, sữa, nước trái cây.

– Thường xuyên thay đổi món ăn để hợp với khẩu vị của trẻ.

– Bổ sung thêm men tiêu hóa từ thực phẩm: giá đỗ, các hạt nảy mầm để tăng thêm năng lượng, hóa lỏng thức ăn.

– Trẻ còn bú mẹ: tăng thêm bữa bú và thời gian bú. Trẻ không bú được vắt sữa mẹ cho ăn bằng thìa.

– Cho trẻ uống thêm nhiều nước: nước hoa quả tươi, bù nước nước và điện giải: oresol pha đúng cách.

– Khi khỏi ốm cho trẻ ăn tăng thêm bữa và ăn như bình thường.

Những loại thực phẩm nên dùng khi trẻ mắc bệnh nhiễm khuẩn là: gạo, khoai tây, các loại rau quả có màu vàng và đỏ, xanh thẫm, giá đỗ xanh; thịt gà, bò, thịt thăn lợn, trứng, sữa; Dầu thực vật, mỡ gà, mỡ lợn; Các loại quả tươi: cam, bưởi, chuối, xoài, đu đủ, nước dừa…

Những thực phẩm cần tránh là các thức ăn thô nhiều chất xơ như: ngô hạt, đậu đỗ nguyên hạt, rau cần, rau bí, măng… Nước ngọt có ga, tránh ăn đồ lạnh khi trẻ bị viêm họng: kem, thức ăn quá nguội lạnh.

Khi nào cần đưa trẻ bị nhiễm khuẩn đường ruột đến bệnh viện?

Đối với trường hợp nhẹ, có thể điều trị tại nhà bằng cách cho trẻ uống bù nước, dung dịch oresol, nước trái cây pha loãng, nước cháo muối; ăn uống bình thường theo nhu cầu. Tuy nhiên, cần đi khám bác sĩ ngay khi có những dấu hiệu bất thường hoặc bệnh nặng hơn như: tiêu chảy kèm sốt, phân có nhày lẫn máu. Hoặc trẻ lừ đừ, vã mồ hôi, tay chân lạnh, bỏ bú, không ăn uống được, nôn mửa nhiều. Tiêu chảy nhiều lần (5-6 lần/giờ), phân toàn nước, nước phân đục, không tiểu tiện hoặc tiểu rất ít… nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Phòng bệnh là biện pháp hữu hiệu

Để phòng bệnh, cần ăn chín, uống sôi, nấu chín kỹ các thức ăn có nguồn gốc từ gia cầm, gia súc; chỉ uống sữa đã tiệt khuẩn, tránh để thức ăn bị nhiễm khuẩn lại sau khi đã nấu chín. Khi vật nuôi bị ốm vì bất cứ nguyên nhân gì cũng không nên cho trẻ ôm ấp, gần gũi chúng. Nên thực hiện nghiêm yêu cầu bàn tay sạch, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh bằng xà phòng tiệt khuẩn. Nếu có người bị nhiễm bệnh, cần đưa đến các cơ sở y tế, tránh tự ý dùng kháng sinh mà chỉ dùng khi có chỉ định của thầy thuốc.

trẻ bị nhiễm khuẩn đường ruột 2

Chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc và chữa trị cho trẻ bị nhiễm khuẩn đường tiêu hóa kéo dài

(Mẹ Thanh Nga): Hic, các mẹ ơi, bé nhà em hồi được 2 tháng tuổi đi cầu phân xanh như nước rau ngót giã, và nhầy. Đi xét nghiệm thì bác sĩ bảo bị nhiễm khuẩn đường tiêu hoá (bạch cầu 3+ cơ). Uống ti tỉ các loại thuốc, từ thuốc tây tới thuốc nam, thuốc lá dân tộc, cỏ sữa sắc đố đen… Mà giờ cháu vẫn bị đi ngoài nhầy nhầy, lúc thì có lợn cợn, lúc thì chỉ nhầy không, luc vàng lúc xanh, cháu được 3 tháng 20 ngày rồi, bác sĩ cũng đổi mấy loại thuốc rồi. (Tuy không phai uống kháng sinh nữa) . Em lo quá. Bị lâu thế này em sợ cháu hỏng đường ruột mất. Có mẹ nào biết cách chữa không? Giúp em với.

(Mẹ bé Cà Chua): Chia sẻ với bạn nhé! Em bé nhà mình cũng bị rối loạn tiêu hóa từ lúc mới sinh tới giờ, đi tới viện Nhi không biết bao nhiêu lần để soi phân, cấy phân, uống thuốc, vậy mà vẫn đi ngoài xoèn xoẹt ngày 4-5 lần, phân lỏng, nhầy.

Cuối cùng, mình sắc lá ổi cho con uống thì mới cải tiến tình hình chút ít, đi ngoài 1 lần/ ngày, và phân đặc. Tuy nhiên, bé nhà mình cũng mới đỡ đc 2 tuần thôi, nên vẫn phải theo dõi thêm. Bạn cũng thử xem sao nhé. Lá ổi, sao vàng, hạ thổ, đun 9 ngọn 1 lần ( con trai 7 ngọn), 100ml nước, 3 hạt muối ( cho vài hạt làm phép thôi nhé, muối không nên dùng cho trẻ sơ sinh) sắc lấy 50ml, cho con uống ngày 3 lần, không nhất thiết phải uống hết 50ml đâu, tùy theo nhu cầu của con thôi.

(Mẹ Cẩm Anh): Bé nhà mình gần 2 tháng tuổi, cũng bị phân màu xanh và vàng giống như bé nhà bạn. Có 1 hôm bé bị sốt và ỉa chảy nhiều nước. Ôm con hay nghe thấy tiếng sôi bụng ọc ọc và con rất quấy. Bà ngoại nói có thể do mình ăn uống không cẩn thận nên con bú sữa mới bị như vậy. Mình cũng đã định dùng lá ổi nhưng mấy hôm nay ăn uống thật cẩn thận, trộm vía thấy con không bị sôi bụng nữa, phân vẫn nhầy nhưng không còn màu xanh, con cũng ngoan hơn. Giờ cũng không biết nên thế nào. Có người quen cho thuốc dân tộc nhưng cũng chưa dám uống. Vẫn đang nghe ngóng tình hình đây.

(Mẹ bé Ổi): Bé nhà mình hồi 4 tháng cũng bị tiêu chảy: đi hơn 10 lần/ ngày, đi toàn ra nước hoặc phân sống, nhiều nhầy, có lẫn dây máu. Đi khám ở Việt-Pháp bác sĩ kê cho uống Hydrasec (để ngừng tiêu chảy) và Antibio (bổ sung vi khuẩn có lợi). Sau 3 ngày thì bé đi ít hơn, nhưng vẫn còn lỏng và có nhầy. Mình phải cho bé uống sữa không có Lactose (lactose-free), vì khi niêm mạc ruột bé bị tổn thương thì sẽ không tiêu hóa được đường lactose trong sữa bò, lactose nằm lại trong ruột sẽ kéo nước từ trong tế bào ra, làm tiêu chảy nặng hơn.

Sau khi mình thay sữa 2 ngày thì bé đi ngoài bình thường trở lại. Thêm 2 ngày nữa thì đi phân thành khuôn rất đẹp. Mình ngừng thuốc và cho bé uống lại sữa cũ thì bé cũng không sao cả từ đó tới giờ. Mẹ nó thử xem nhé. À nhưng nếu bé không ăn sữa ngoài thì vẫn cứ bú mẹ như thường, mẹ chỉ cần kiêng đồ ăn tanh, lạnh thôi. Theo mình thì chưa nên tập cho con ăn dặm khi con vẫn đang bị rối loạn tiêu hóa vì thức ăn đặc sẽ làm hệ tiêu hóa đang yếu của bé bị quá tải. Mẹ nó cố tập cho con ăn sữa ngoài thôi, và nên uống sữa lactose-free luôn.

Mẹ bé Jerry chia sẻ cách điều trị cho trẻ bị nhiễm khuẩn đường tiêu hóa kéo dài:

Mình có một kinh nghiệm sâu sắc về bé bị tiêu chảy do nhiễm khuẩn đường ruột, xin kể lể tỉ mỉ để các bố mẹ tham khảo được phần nào nhé !

Mình sinh bé đầu tiên nặng 3,9 kg. Mấy hôm trong bệnh viện con chủ yếu ăn sữa ngoài do mình sinh mổ chưa có đủ sữa ngay. Sau khi hết “phân su su” thì con ị ra phân lỏng, vừa nước vừa phân màu vàng vàng (có lẫn cả xanh xanh nữa), vừa lợn cợn nho nhỏ bên trong màu trắng đục (cặn sữa chưa tiêu hóa hết). Bác sỹ tư vấn là cho con uống thêm nước cho tiêu hóa sữa tốt hơn vì dù ăn sữa mẹ hay sữa ngoài vẫn cần uống thêm chút nước cho dễ tiêu hóa, thiếu nước sẽ táo bón hoặc không hấp thụ hết sữa, ị ra cục cặn sữa nho nhỏ. Mình thấy con cũng đỡ cặn sữa hơn nhưng vẫn ị phân lỏng kiểu ấy. Nghe các cụ nói sơ sinh “hoa cà hoa cải” mình cũng không lo lắng nhiều.

Khi bé về nhà, ị mỗi ngày 6 – 7 lần (có hôm 3 – 4 lần) nhưng phân càng nhiều nước hơn – lúc xanh, lúc vàng, lúc thì cả hai. Lúc này con hoàn toàn dùng sữa mẹ, mình có nhiều sữa, sữa lại tốt (độ ngọt cao, sữa đặc – trộm vía nhỉ !) nhưng tình hình ngày càng xấu đi. Trong phân có nhiều dịch ruột (cái mà nhầy nhầy đó) và thi thoảng có chút xíu máu. Mình cũng đã làm tất cả những gì có thể : đi bác sỹ xịn, làm các xét nghiệm phân thì ban đầu không có vi khuẩn, sau thì có vi khuẩn, rồi có bạch cầu nữa… Rồi bác sỹ cũng kê các loại đơn thuốc từ kháng sinh đường ruột đến men tiêu hóa (dạng nước, dạng bột) và cả Smecta nữa. Nhưng tình hình vẫn xấu, chỉ là chuyển từ cái xấu này sang cái xấu khác. Con tháng đầu tăng 1 kg, tháng thứ 2 tăng 7 lạng và bắt đầu quấy khóc do mệt, trước khi ị bụng sôi lục bục vì khi đi ngoài có dịch ruột tức là có sự co thắt ruột, bé sẽ đau bụng.

Tình hình nhà mình lúc này căng thẳng, buồn thảm và xót xa vô cùng. Mình bị stress nặng, trong tháng đầu tiên mình sút đi 6 kg vì suy nghĩ lo âu và thương con. Hơn nữa bố mẹ chồng mình đổ lỗi này tại mình và mẹ mình đã “không biết cách ăn kiêng” vì mình uống cốc nước cam ( thực ra uống nước cam là tốt ! ). Sau đó ông bà nội cũng cho uống đủ loại thuốc nam như búp ổi, nụ sim, lá gì đó nữa… Nhưng con uống nước lá gì thì ị nguyên ra thứ nước đó. Bởi trẻ sơ sinh còn bé, chưa tiêu hóa được các loại lá thuốc nam (nó cũng giống như lá rau các bạn ạh, trẻ chưa ăn dặm thì chưa có khả năng hấp thụ). Hơn nữa, các loại lá thuốc nam ấy cũng chỉ chứa chất talin (vị chát) mà thôi. Hơn nữa, uống những thứ này không tốt cho trẻ sơ sinh chút nào.

Khi mình quá stress và sụt cân, mất ngủ mấy ngày liên tiếp, có hôm không còn đủ sữa cho con bú phải ăn thêm sữa ngoài thì mình thấy phân có sự thay đổi ngay lập tức, nhưng cũng chỉ là đổi màu, còn lại vẫn nước + dịch ruột và mùi tanh khẳm hôi hôi như cũ. Mình tìm đọc nhiều tài liệu và tham khảo ý kiến nhiều mẹ, nhiều bác sỹ khác nhau cũng chẳng ăn thua. Mình mua tất cả các loại sữa bột có mặt trên thị trường cho con dùng thử – loại nào cũng chỉ khá khẩm được 1 – 3 ngày là lại như cũ.

Cuối cùng, mình tóm được một tài liệu về “trẻ không dung nạp Lactose” – hồi ấy tài liệu về vấn đề này quá ít. Và trên thị trường hồi ấy chỉ có mỗi sản phẩm “sữa dành cho tré sinh non thiếu tháng” Similac Neo Sure của Abbot là không chứa Lactose. Mình mua ngay 1 hộp cho con uống. Và ngay sau đó con dừng hẳn gần 2 ngày không đi ngoài nữa, đến lúc ị thì “ngon lành” luôn ! Vừa thành khuôn, vừa vàng, vừa thúi… Hôm ấy con vừa tròn 3 tháng, mình cũng trút được gánh nặng đè trĩu trên vai, 90 ngày trôi qua mà như cả mấy đời người vậy.

Thì ra khi trẻ không dung nạp Lactose thì ngay cả sữa mẹ cũng không dùng nổi, nhất là khi mẹ thuộc loại sữa ngọt và đặc – con lại càng không tiêu hóa nổi. Ban đầu con sẽ “rối loạn tiêu hóa” nhưng lâu ngày sẽ chuyển thành “có khuẩn” vì khi đó khuẩn có hại lên làm trùm sò trong đường ruột. Và cũng chẳng có thuốc tây, thuốc nam hay men nào chữa khỏi. Chỉ có một cách duy nhất là cho uống sữa không chứa Lactose nữa. Mình thì phải cho con chuyển hẳn sữa và không bú mẹ nữa.

Bây giờ trên thị trường có nhiều sản phẩm sữa không chứa Lactose, và hiện tượng trẻ không dung nạp Lactose cũng rất thường gặp. Nếu các bạn thấy con bú mẹ gặp trường hợp như mình thì hãy nghĩ ngay đến vấn đề “không dung nạp Lactose ở trẻ sơ sinh” nhé ! Đến khi mình sinh bé thứ 2 thì lại khác hẳn, con bú mẹ 100% đến tận 6 tháng. Trộm vía, con mũm mĩm đáng yêu và tăng cân vù vù, tuyệt đối không ốm đau gì hết !

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý