Nước là một phần thiết yếu trong cơ thể người. Tuy nhiên, đó chỉ là đối với người lớn và trẻ trên 6 tháng, còn những trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi thì không cần thiết, thậm chí nước còn có thể nguy hại tới sức khỏe của trẻ.
Theo các chuyên gia, tốt nhất là không nên cho trẻ dưới 6 tháng tuổi uống nước. Ở giai đoạn này, sữa mẹ và sữa bột là nguồn dưỡng chất cần thiết nhất cho trẻ. Mẹ nên cho con bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, sau đó bắt đầu ăn bổ sung và tiếp tục cho bú mẹ đến ít nhất 24 tháng tuổi.
Cơ thể trẻ sơ sinh không giống như người lớn và cần phải “kiêng kỵ” rất nhiều thứ, kể cả nước. Tại sao phải làm vậy?
1. Bé còi cọc, chậm tăng cân vì nước
Sữa mẹ có khoảng 88% nước, vì thế trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi không cần nạp thêm nước lọc. Nếu mẹ cố tình cho con uống thêm nước sẽ cản trở khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng trong sữa mẹ và sữa bột.
Trẻ dưới 6 tháng tuổi có thể còi cọc hơn vì uống nước.
Bên cạnh đó, việc uống thêm nước sẽ làm đầy dạ dày, khiến bé no và không chịu bú sữa mẹ.
Với trẻ bú sữa công thức, có thể cho uống ngụm nhỏ tráng lưỡi sau ăn (không quá 30ml nước/ ngày).
2. Nước làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa
Theo nghiên cứu, những trẻ uống thêm nước bên ngoài có nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy cao hơn gấp 2, 3 lần so với những bé bú mẹ hoàn toàn.
Nguyên nhân là do hệ miễn dịch, hệ tiêu hóa còn khá non yếu nên bé rất dễ bị tiêu chảy nếu sử dụng nguồn nước không được đảm bảo.
Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi chỉ cần được bú sữa mẹ là đủ.
3. Trẻ có nguy cơ nhiễm độc từ nguồn nước
Nếu cho bé uống quá nhiều nước sẽ làm loãng nồng độ natri trong cơ thể. Số natri đó sẽ theo nước thoát ra bên ngoài cơ thể bé vì thận trẻ sơ sinh chưa hoàn thiện từ đó dẫn đến thiếu hụt natri. Trẻ bị thiếu natri có thể ảnh hưởng đến hoạt động của não. Do đó, biểu hiện đầu tiên của nhiễm độc nước ở trẻ sẽ là khó chịu, buồn ngủ và các dấu hiệu thay đổi tâm thần khác.
Nếu cho bé uống sữa công thức, mẹ nên pha sữa theo đùng liều lượng khuyến cáo trên bao bì. Không nên tự ý thêm, bớt lượng nước. Điều này không chỉ làm nguy cơ nhiễm độc nước của trẻ tăng lên mà còn làm giảm lượng chất dinh dưỡng mà trẻ có thể hấp thụ.
Theo bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (Chuyên khoa Niệu, Bệnh viện Nhi đồng 2): “Với trẻ trên 6 tháng thì ngoài chuyện uống sữa, còn ăn dặm thêm cháo nên uống nước lọc là cần thiết. Có thể cho trẻ uống một vài thìa sau khi ăn. Khi trẻ đã dứt sữa dù là 6 tháng – 1 tuổi thì ngoài ăn dặm vẫn cần bổ sung nước lọc. Còn nếu trẻ 2-3 tuổi mà chưa dứt sữa thì nước lọc chỉ thêm và bổ sung thôi, vì nước vẫn được đưa vào cơ thể thông qua sữa”.
Chi Chi (Tổng hợp)
Nguồn: Người đưa tin