Sụp mí mắt
Những hình thái sụp mi thường gặp
Sụp mi được chia làm hai nhóm chính: sụp mi bẩm sinh và sụp mi mắc phải.
Sụp mi bẩm sinh: chiếm khoảng 55 - 75% các trường hợp, trong đó sụp mi đơn thuần thường gặp nhất, có thể kết hợp với tật khúc xạ, không gây nhược thị; Sụp mi bẩm sinh phối hợp với bất thường vận nhãn; Sụp mi bẩm sinh phối hợp với những dị dạng ở mặt.
Sụp mi mắc phải có thể xuất hiện lúc sinh và do đó có thể bị nhầm với sụp mi bẩm sinh. Sụp mi mắc phải chiếm khoảng 25% các trường hợp sụp mi và được chia làm 5 nhóm:
Sụp mi do tổn thương thần kinh, liệt vận nhãn với mức độ khác nhau, liệt thần kinh số III thường kèm theo liệt vận nhãn, thường mất cảm giác do tổn thương dây V; Hội chứng khe dơi, liệt các dây thần kinh số III, IV, V, VI cùng bên làm cho nhãn cầu bên tổn thương bất động nhìn thẳng, mi mắt sụp, giãn đồng tử, mất cảm giác, tê bì vùng dây V chi phối; Hội chứng đỉnh hố mắt: gồm hội chứng khe dơi kèm theo tổn thương thị thần kinh; Hội chứng xoang hang: sụp mi, nhãn cầu đứng yên, đồng tử giãn, mất cảm giác mạc, tê bì trên vùng thuộc nhánh dây V, lồi mắt thẳng trục, không đẩy thụt nhãn cầu vào được, nghe ở vùng mắt và thái dương có tiếng thổi; Hội chứng cuống não: hội chứng Weber liệt dây thần kinh III cùng bên, liệt nửa người đối diện, hội chứng Benedick liệt dây thần kinh III cùng bên, run chân tay bên đối diện; Hội chứng Claude Bernard - Horner: sụp mi, co đồng tử, nhãn cầu thụt.
Sụp mi do cơ: nhược cơ hay gặp ở bệnh nhân nữ, trẻ tuổi, lúc đầu sụp mi một bên là dấu hiệu phát hiện bệnh. Tăng lên khi mệt mỏi, buổi chiều sụp nhiều hơn buổi sáng; rối loạn vận nhãn (song thị); Sụp mi hai bên với mức độ khác nhau nhưng thường nặng, liệt vận nhãn không toàn bộ, sụp mi hai bên, hở mi do tổn thương cơ vòng.
Sụp mi do cân: gặp ở người cao tuổi, chức năng cơ gần như bình thường, khi nhìn xuống mi sụp, nếp gấp da mi cao hơn bình thường, mi mỏng, sụp mi nặng hoặc nhẹ.
Sụp mi do chấn thương: chấn thương đụng dập hoặc đâm xuyên vào cân cơ cũng có thể gây sụp mi vĩnh viễn. Phẫu thuật hốc mắt và phẫu thuật thần kinh cũng có thể gây sụp mi.
Sụp mi do tác nhân cơ giới: u, sa da mi; bệnh lý sẹo như xơ hóa cơ, mắt hột, bỏng.
Các dấu hiệu chứng tỏ sụp mi nặng: lông mi hướng xuống dưới; mất nếp gấp mi trên; co rút cơ trán biểu thị bằng rướn lông mày; ngửa cổ ra sau; giảm thị lực; thử nghiệm lật mi, nếu mi trên luôn ở tư thế đã bị lật chứng tỏ cơ nâng mi yếu hay không còn hoạt động.
Sụp mí mắt bẩm sinh
Mi mắt là một bộ phận có vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo vệ hệ thị giác và tham gia cấu tạo nên vẻ đẹp của khuôn mặt. Sụp mi là sự sa xuống của mi trên thấp hơn so với vị trí bình thường của nó (bình thường bờ mi trên phủ rìa cực trên của giác mạc 1 - 2mm), không những ảnh hưởng đến thẩm mĩ của khuôn mặt mà ảnh hưởng đến chức năng thị giác.
Theo tác giả nước ngoài 19% số ca sụp mi có thị lực kém, và tỉ lệ này theo L.T.N là 24%. Hơn nữa sụp mi có thể gây ra những hiệu quả đáng tiếc như 3,5% sụp mi gây ra lác, loạn thị. Theo L.T.N 63,1% số mắt nhược thị do sụp mi có kèm theo tật khúc xạ.
Phân loại sụp mi: có thể phân loại sụp mi theo nhiều cách
- Sụp mi đơn thuần và sụp mi phối hợp (khi sụp mi đi kèm những dị tật khác như bẹt mi, hẹp khe mi…)
- Sụp mi bẩm sinh và sụp mi do mắc phải.
Sụp mi bẩm sinh chiếm 75% các trường hợp sụp mi, loại sụp mi này thường xuất hiện ngay khi sinh và mức độ sụp mi không thay đổi theo thời gian và tình trạng sức khoẻ.
Sụp mi bẩm sinh có thể gặp ở 1 mắt hoặc 2 mắt và mức độ sụp mi có thể không tương xứng giữa 2 mắt.
Cần phải chẩn đoán phân biệt sụp mi bẩm sinh với một số thể loại khác.
- Sụp mi mắt phải: chiếm 25% các ca, sụp mi mắt phải cũng có thể xuất hiện ngay sau đẻ (gặp ở những ca có tiền sử fooxcep) nên dễ nhầm với sụp mi bẩm sinh.
Nguyên nhân của sụp mi mắc phải có thể do chấn thương, do cơ, do u và điều trị loại này có nét đặc thù riêng tuỳ từng loại nguyên nhân.
- Giả sụp mi do thừa da mi, co rút cơ nâng mi bên kia, lác đứng, 1 mắt lõm hay lồi hơn.
Điều trị sụp mi
1. Tuổi phẫu thuật
Theo tác giả nước ngoài: sụp mi có thể được phẫu thuật ở bất kỳ lứa tuổi nào khi mà trẻ có thể hợp tác để khám, đánh giá được mức độ sụp mi và chức năng của cơ nâng mi, thường là lứa tuổi 5, 6 tuổi.
Tuy nhiên theo chúng tôi không có lứa tuổi cố định để phẫu thuật vì phẫu thuật sụp mi còn phụ thuộc vào tình trạng sức khoẻ toàn thân có cho phép gây mê để mổ hay không, phương pháp mổ, tình trạng thị lực và tư thế bù trừ của khuôn mặt.
2. Phương pháp phẫu thuật
Điều trị sụp mi chủ yếu là phẫu thuật. Có nhiều phương pháp phẫu thuật nhưng có thể sắp xếp làm 3 loại chính:
- Làm khoẻ chính cơ nâng mi bằng phương pháp rút ngắn cơ nâng mi trên.
- Sử dụng các cơ lân cận hỗ trợ cho cơ nâng mi
+ Phẫu thuật treo cơ trán: dùng chỉ, silicon hoặc cân cơ đùi.
+ Phẫu thuật sử dụng cơ trực trên tăng cường cho cơ nâng mi.
Nói chung mỗi loại phẫu thuật đều có ưu nhược điểm riêng và được áp dụng cho từng ca cụ thể. Khi độ sụp mi ít, chức năng cơ nâng mi tốt thì kết quả phẫu thuật khá khả quan. Khi sụp mi nặng, chức năng cơ yếu thì kết quả đạt được thường kém.
3. Biến chứng phẫu thuật:
Sụp mi bẩm sinh là một loại bệnh yêu cầu thầy thuốc và bệnh nhân cần theo dõi sau phẫu thuật chặt chẽ và có hướng điều trị kịp thời nếu có biến chứng xảy ra.
Những biến chứng hay gặp
- Không cân đối 2 bên mi mắt sau mổ: mi nâng quá, hay không nâng. Bờ mi không đều, hàng lông mi vểnh quá so với bên không mổ.
- Hở nhãn cầu khi ngủ (nhắm mắt không kín) dễ dẫn đến loét giác mạc.
- Mổ tạo nếp mi không đẹp
Vì vậy sau mổ một số bệnh nhân cần được điều trị lâu dài: tra thuốc, băng ép.
(St)