Đó là cách giáo dục học sinh cá biệt của nhà trường THPT Tư thục Phạm Văn Đồng, xã Hương An, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam.
Hiện nay nhiều trường luôn lấy thành thích và chạy đua theo thành tích học tập mà quên đi nhiệm vụ cao cả của nghề dạy học là giáo dục nhân cách, đạo đức cho học sinh, từng bước hoàn thiện, từ cái chưa có thành cái có, giáo dục, cảm hóa học sinh hư hỏng, nghịch ngợm thành học sinh ngoan. Vì vậy nên khi tuyển đầu vào, đặc biệt là cấp THPT, nhiều trường đã cân nhắc rất kĩ. Thậm chí vì sợ ảnh hưởng thành tích của trường mà nhiều trường đã phũ phàng khước từ nhiều học sinh học lực kém, hay hạnh kiểm yếu, tạm gọi là thành phần học sinh “cá biệt”.
Trường THPT Tư thục Phạm Văn Đồng từng đón nhận nhiều học sinh cá biệt từ các trường khác.
Tuy nhiên, trường THPT Tư thục Phạm Văn Đồng luôn sẵn sàng dang tay đón nhận và trao cho các em cơ hội phát triển, học tập để tiếp thu tri thức sau này trở thành người công dân có ích của xã hội. Đặc biệt, nhà trường còn tiếp nhận cả những học sinh bị kỷ luật, quậy phá bị các trường khác đuổi học, hoặc bỏ học nhiều năm mà có nguyện vọng được đi học lại. Trong vòng hơn 12 năm tồn tại, những học sinh “cá biệt” từ các trường khác trong tỉnh và ngoài tỉnh luôn được trường tiếp nhận để có cơ hội học tập.
Ông Trần Hàn Vũ, hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trường luôn lồng ghép các bộ môn như giáo dục công dân, giáo dục quốc phòng, giáo dục thể chất, ngữ văn,… để giáo dục nhận thức cho học sinh. Các môn học xã hội cũng như tự nhiên không ép học sinh học nhiều, làm nhiều. Trong các giờ dạy, các thầy cô luôn đặt ra các tình huống sư phạm, tình huống đời thường để học sinh giải quyết. Phương pháp nhà trường là gắn thực tiễn vào bài học, phát huy khả năng tư duy độc lập, tập cho học sinh làm quen với những kỹ năng mềm trong cuộc sống.”
Kịp thời tuyên dương khen thưởng những học sinh có nhiều đóng góp, cũng như học tập giỏi.
Ông Vũ còn nhấn mạnh: “Các em học sinh cá biệt tuy học lực yếu nhưng bù lại lại có những năng khiếu đặc biệt như văn nghệ, thể dục, thể thao, vi tính,… Những khả năng này, nhà trường có thể phát huy để các em có thể góp sức vào phong trào hoạt động của nhà trường và từ đó có thể định hướng cho các em theo đúng sở trường… Giáo dục học sinh cá biệt chỉ có thể “Bớt lời, nới tay” mới hiệu quả.”
Nhiều khi, các việc làm nhỏ nhặt nhất như lau bảng, giặt khăn, chính các thầy cô cũng phải tự thân làm. Chính những việc làm giản đơn này sẽ dần dần hình thành ý thức tự giác trong mỗi em học sinh. Và trong giờ học cũng thế, mỗi khi những em học sinh này đùa nghịch thì thầy cô không phải dùng gậy gộc hay lời mắng chửi cay cú mà thay vào đó là lời nói nhỏ nhẹ, tình cảm như những người bạn.
Dĩ nhiên, trong trường vẫn có nhiều học sinh “cá biệt”, bị cám dỗ, còn sa ngã vào những trò ăn chơi vô bổ, thậm chí hút hít, cờ bạc, trộm cắp,... Nhưng đó chỉ là con số nhỏ.
Bên cạnh đó, nhà trường còn thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt, cắm trại, ngoại khóa, tạo nên sân chơi bổ ích cho học sinh toàn trường.
Hiện nay trường có số lượng học sinh khá khiêm tốn. Tỉ lệ học sinh cá biệt mà trường thu nhận hầu hết là những em từng lầm lỡ, thậm chí từng ra tòa vì tội trộm cắp. Với sự giáo dục hết mình của nhà trường, các em đều đã lấy lại nghị lực, học tập, tất cả đều tốt nghiệp THPT và thi đậu vào các trường trung học, cao đẳng, đại học. Năm học 2011-2012, nhà trường có đến 20% học sinh đỗ vào các trường Đại học, Cao đẳng và số còn lại theo học các trường TCCN, trường nghề.