Chào các bạn! Các bạn có tin là ngày ngày chúng ta vẫn đang hít thở sai cách không? Nghe có vẻ buồn cười nhỉ? Hít là hít mà thở là thở, ai chẳng thở ra hít vào hàng ngày mà đúng với chẳng sai, mà chẳng cần dạy thì từ lúc sinh ra cho đến bây giờ, chúng ta vẫn hít thở đều đặn hàng ngày đó thôi. Đúng vậy, hít thở là điều tất lẽ dĩ ngẫu mà ai ai trong chúng ta vẫn thực hiện bởi không thở cái là… đi ngay. Tuy nhiên, chính vì thế mà chúng ta lại chủ quan việc thở và mặc định việc hít thở của mình là đúng rồi. Song, các bạn hãy dành ra 3 phút thôi để xem lại xem mình đã biết thở đúng cách chưa và cơ chế của việc thở đúng là như thế nào nhé!
Một lần Chap lang thang trên mạng và tìm được một bài viết rất chi tiết của Yogi Mai Văn Như, một bậc thầy yoga của Việt Nam, mô tả về cơ chế hít thở cũng như hướng dẫn chi tiết về một trong những cách thở đúng, có lợi cho sức khỏe con người đó là thở bằng cơ hoành, hay còn gọi là thở bụng. Chap đã xin phép tác giả để đăng lại bài lên Hơi Thở. Vì bài khá dài nên mình chia làm 2 phần nhỏ cho các bạn tiện theo dõi và “tiêu hóa” kiến thức nhé! Giờ thì bắt đầu khám phá nào!!!
Thở như thế nào mới đúng?
Hít thở là phản xạ tự nhiên vô điều kiện của con người, nhưng không phải ai cũng biết cách thở để phát huy tối đa khả năng của cơ quan hô hấp. Đa số chúng ta thở không đúng cách, chúng ta thường thở nông và cạn, chỉ dùng cơ ngực và cơ vai trong lúc thở, chính vì vậy không khí không thể vào làm đầy hai lá phổi. Theo cách thở thông thường, khi ta hít vào, thở ra… chúng ta chỉ dùng 1/3 hay một nửa thể tích của phổi, tức là ta chỉ sử dụng phần giữa và phần trên của phổi, còn phần dưới của cuống phổi và đáy phổi thì không hoạt động, vì vậy mà phổi của ta luôn luôn chứa đầy không khí cũ tồn đọng. Với cách thở thụ động như trên, sẽ làm cho tế bào của ta luôn luôn thiếu dưỡng khí, và đương nhiên là tế bào sẽ bị lão hoá nhanh. Các chức năng tiêu hoá, chức năng loại bỏ các chất thải, các độc tố sẽ bị ngăn trở. Đó cũng là nguyên nhân phát sinh gây ra cảm lạnh và các bệnh thuộc về hô hấp.
Với một con người có sức khoẻ bình thường, dung tích của phổi có sức chứa khoảng 5 lít không khí. Khi chúng ta hít vào, thở ra một cách thụ động [tức là thở tự nhiên] thì có khoảng 3 lít không khí được lưu chuyển, như vậy sẽ còn 1 lít rưỡi đến 2 lít không khí không được lưu chuyển và nó sẽ nằm tù hãm trong phổi và hoàn toàn không được sử dụng đến.
Theo báo cáo của ngành Y khoa, lao phổi là do giảm sinh khí, do dưỡng khí không được cung cấp đầy đủ, vì vậy quá trình trao đổi khí cần phải có một thời gian nhất định. Các nhà sinh lý học cho rằng một hơi thở tốt nên kéo dài khoảng 20 giây cho một lần hít vào, thở ra. Nếu ta thở nhanh quá hoặc cạn quá thì thời gian trao đổi khí quá ngắn, không tận dụng được lượng dưỡng khí ở trong máu đưa vào tế bào, cũng như không thải được thán khí ra khỏi cơ thể.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu trong giới sinh vật rằng “loài sinh vật nào có chu kỳ hô hấp dài, đều là những loài có đời sống rất lâu”. Chẳng hạn như con chó trung bình mỗi ngày thở 50.400 lần, và nó có đời sống khoảng 12 năm. Con ngựa một ngày thở 29.000 lần, và có đời sống khoảng 25 năm. Con rùa một ngày thở 8.200 lần, và có đời sống trên một thế kỷ hoặc hơn nữa.
Cơ chế thở bụng
Trong tất cả các họat động nội tạng, chỉ có thở là vừa tự phát vừa có thể tùy ý. Động tác thở bụng được thực hiện chủ yếu bởi cơ hoành, một cơ chắn ngang giữa ngực và bụng. Mặt trên tiếp giáp tim và phổi, mặt dưới với gan và khoang bụng. Khi chúng ta hô hấp, cơ này cử động lên xuống, đồng thời dồn ép hoặc kéo giãn các cơ quan nội tạng.
Theo cách thông thường, người ta thường hay thở cạn, nhanh và không có sử dụng cơ này. Chỉ có cách thở bụng mới tận dụng được nó, theo cách thở này khi ta hít vào thật chậm, sâu thì không khí đi vào phần dưới đáy phổi, cơ hoành đẩy xuống làm cho thận, gan, dạ dày bị ép liên tục. Khi thở ra nó lại co lên kéo giãn các tạng phủ. Như vậy toàn bộ các cơ quan nội tạng bên trong được mátxa liên tục.
Nói theo lời của B/S Đỗ hồng Ngọc thì sự “hô hấp sâu sẽ tác động trên từng tế bào của cơ thể chứ không phải chỉ là ở hai lá phổi”. Phổi thực chất là một cái bơm, bơm không khí vào ra “phình xẹp” vậy thôi. Để cho cái máy bơm đó làm việc tốt, ta cần phải biết một chút về cơ chế của nó
Lồng ngực là cái xy-lanh (cylindre), còn pít-tông (piston) chính là cơ hoành, một cơ trơn nằm vắt ngang giữa bụng và ngực. Khi cơ hoành thụt lên thụt xuống (như cái bể lò rèn) thì không khí được hút vào đẩy ra ở phổi. Khi cơ hoành hoạt động càng mạnh thì trái tim càng khỏe, có người ví von rằng cơ hoành là “trái tim thứ hai”, là một thành phần tưởng không giữ vai trò nào nổi bật trong cơ thể, ấy vậy mà lại có thể trở thành đòn bẩy cho trái tim khỏe mạnh.
Và nói theo lời của các đạo sư Yoga: “Không phải sự hô hấp sinh ra vận động của phổi, mà ngược lại chính sự vận động của phổi và cơ hoành mới tạo ra sự hô hấp”. Điều này ta có thể chứng minh bằng cách là “dùng hai ngón tay bóp vào hai lỗ mũi một người đang ngủ” ta sẽ thấy phần ngực và cơ hoành chuyển động rất mạnh.
Bác sĩ Dean Ornish, tác giả cuốn sách nổi tiếng “Program for Reversing Heart Disease” (Chương trình phục hồi bệnh tim) hướng dẫn cách thở bụng rất đơn giản, dễ làm. Hãy đặt một bàn tay lên bụng, khi thở vào thở ra, ta thấy bàn tay mình nhích lên nhích xuống là được.
Ngày nay, ở phương Tây, rất nhiều trung tâm dạy thiền, yoga, khí công… để chữa bệnh cũng chủ yếu là dạy phương pháp thở bụng. Các phương pháp trị liệu nổi tiếng của các bác sĩ như Dean Ornish, Deepak Chopra v.v… căn bản cũng không ngoài cách… thở bụng. Phương pháp thở bụng không chỉ giúp để chữa một số bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa… mà còn làm cho tâm được an lạc, giảm stress trong cuộc sống hiện tại.