Hội chứng ngất xỉu hàng loạt
* Ngất xỉu hàng loạt - Vì sao?
Thực ra không phải gần đây mới xuất hiện hội chứng bệnh này mà cách đây khoảng 50 năm, những nữ sinh của một ngôi trường nội trú ở Tanganyika (ngày nay là Tanzania) đã bất ngờ bị lâm vào một dạng bệnh với các triệu chứng biểu hiện ra bên ngoài như ngất xỉu, buồn nôn và cười thành tiếng dài không dứt, từ ngôi trường nội trú này đã nhanh chóng lan sang các cộng đồng khác. Hoặc liên quan đến nó là hội chứng Bệnh lây Pokémon xảy ra vào năm 1997, khi 12.000 trẻ em Nhật Bản thích xem loại phim hoạt hình này đã đột nhiên trở bệnh với những triệu chứng như buồn nôn và khó thở. Một số người đã mắc phải căn bệnh lạ gọi là “Hội chứng Trung tâm thương mại thế giới” khi từng đến tham quan có những triệu chứng ho và có những trục trặc về đường thở trong một thời gian dài, ảnh hưởng không ít đến sức khỏe.
Những hiện tượng trên đây là một dạng chung của cái gọi là “Cuồng loạn đại chúng” nhưng đáng ngạc nhiên là căn bệnh này đang ngày càng trở nên phổ biến và làm gia tăng các mối lo đối với xã hội và sức khỏe. Trong nhiều thế kỷ, căn bệnh đã vượt qua những thể chế tôn giáo và văn hoá, thể hiện dưới nhiều dạng thức khác nhau và bắt kịp với nỗi ám ảnh và sợ hãi mang tính phổ biến. Theo ông Simon Wessely, giáo sư tâm lý học công tác tại Viện Tâm thần học thuộc Trường cao đẳng King’s London, cho biết: “Tại bất kỳ thời khắc nào cũng đều có đến hàng trăm triệu chứng bệnh xảy ra nhưng đơn giản ít người quan tâm vì bệnh nhân không chịu báo cáo về hiện trạng sức khỏe của mình”.
* Nguyên nhân
Nguyên nhân chủ yếu của rối loạn phân ly là các chấn thương tâm lý, các hoàn cảnh xung đột. Các chấn thương tâm lý là các chấn thương gây cảm xúc mạnh như lo sợ cao độ, tức giận quá mức, thất vọng nặng nề... các rối loạn phân ly thường phát sinh một thời gian ngắn sau chấn thương tâm lý. Đôi khi khó tìm thấy dấu vết của chấn thương tâm lý, nhất là trong trường hợp bệnh đã tái phát nhiều lần.
Bệnh phân ly thường xảy ra trên các cháu học sinh phải học hành căng thẳng, cộng thêm thể lực yếu là yếu tố thuận lợi cho bệnh phát sinh.
Các nhân tố thuận lợi cho rối loạn phân ly, trước hết là nhân cách yếu, thiếu tự chủ, thiếu kiềm chế, tinh thần chịu đựng khó khăn kém, thiếu lý tưởng sống lành mạnh. Ngoài ra, còn gặp các yếu tố khác như nhiễm khuẩn, suy dinh dưỡng, chấn thương sọ não, thời tiết oi bức... các yếu tố này làm suy yếu hệ thần kinh, dẫn tới phát sinh ra rối loạn phân ly.
* Nguồn gốc và diễn biến căn bệnh
Nhiều cuộc nghiên cứu trước đây đã chứng minh rằng, chứng “cuồng loạn hàng loạt” có nguồn gốc từ thời Trung cổ. Trong các thế kỷ trước, những báo cáo về căn bệnh “cuồng loạn hàng loạt” đã xuất hiện trong các tu viện ở châu Âu. Phụ nữ trẻ mắc phải căn bệnh này thường bị bỏ đói, lâm vào trạng thái chán nản và bị đánh đập. Họ đã nổi loạn chống lại những chế độ hà khắc mà hành vi của họ tại thời điểm đó đã bị cáo buộc là hành vi do quỷ sứ xui khiến. Mặc, những người phụ nữ nạn nhân đã cởi bỏ tấm mạng che mặt, chửi thề và báng bổ. Một số nữ tu bị buộc tội hành nghề phù thủy và đã bị chặt đầu hoặc chôn sống.
Tuy nhiên, hội chứng bệnh này không chỉ giới hạn trong các cơ sở Kitô giáo của thời xa xưa. Các nhà xưởng cũng là mảnh đất màu mỡ cho việc phát sinh bệnh “cuồng loạn hàng loạt”. Đợt phát bệnh đầu tiên xảy ra tại một xưởng bông Lancashire vào năm 1787, khi 24 công nhân - trong đó có một nữ công nhân bị co giật dữ dội và rơi vào trạng thái ngạt thở. Những tình huống tương tự đã xảy ra ở Pháp, Đức, Italia và Nga, nhưng vào thế kỷ 20, số trường hợp phát bệnh giảm dần do vấn đề y tế và an toàn của các công nhân được cải thiện.
Trong thế kỷ qua, những trường hợp “cuồng loạn hàng loạt” đã được ghi nhận bởi các báo cáo về mùi lạ và nỗi e ngại khí độc. Trong các thập niên 1930 và 1940, hàng chục người ở bang Virginia và Illinois báo cáo rằng, họ bị tấn công bởi “khí điên loạn” khi có ai đó xịt khí độc hại vào nhà của họ; nguyên nhân được tìm thấy chính là ống khói nhà họ bị bịt lại đã khiến cho khí độc không được đối lưu. Kế đó là vụ 11/9 làm dấy lên nỗi e ngại về những vụ tấn công về khuẩn bệnh than. Ở Campuchia, một mùi hôi đã được phát hiện tại một nhà xưởng chuyên sản xuất sản phẩm của thương hiệu H&M, trước đó có 198 công nhân đã bị ngất xỉu trong hai sự cố liên tiếp vào tháng 8/2011.
Giải thích cho hiện tượng ngất xỉu hàng loạt của công nhân Campuchia mới đây, Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) cho rằng, điều kiện cho giới công nhân đã được cải thiện đáng kể trong những năm qua, nhưng rất ít công nhân bằng lòng với nghề nghiệp của họ. Vì đồng lương eo hẹp nên công nhân buộc phải sống trong các khu nhà trọ tồi tàn, ăn rất ít và để dành càng nhiều tiền càng tốt để gửi về quê nhà phụ giúp gia đình của mình. Ông Ruth Engs, giáo sư Khoa học y tế ứng dụng tại Trường đại học Indiana (Mỹ) cho rằng: “Trầm cảm, chán nản, lo lắng về con cái và các nhân tố khác khiến cho các nữ công nhân rơi vào trạng thái nặng nề và dẫn đến việc ngất xỉu hàng loạt hay các triệu chứng bệnh khác. Chưa hết, hệ thống thông gió tại nhà xưởng nghèo nàn và lạc hậu, không gian lao động ngột ngạt, tâm lý căng thẳng từ việc ăn lương theo sản phẩm và các điều kiện làm việc khác”.
* Các đặc trưng của rối loạn phân ly
- Khởi phát sau một tình huống chấn thương tâm lý hoặc sau một tổn thương trong quan hệ xã hội (ví dụ sức ép quá lớn trong học tập).
- Các triệu chứng biểu hiện một cách kỳ dị.
- Thời gian bị bệnh liên quan đến độ bền của các mâu thuẫn được bệnh nhân thừa nhận hay không thừa nhận. Khi các mâu thuẫn được giải quyết thì bệnh có xu hướng nhẹ đi và hết.
- Không tìm thấy một tổn thương thực tổn tương ứng trên lâm sàng và cận lâm sàng.
- Các triệu chứng có thể mất đi khi ám thị nhưng có thể trở lại với cường độ cao.
- Biểu hiện bệnh rất đa dạng.
* Điều trị và dự phòng
- Điều trị bằng liệu pháp tâm lý, liệu pháp ám thị thường cho kết quả tốt. Cần phải có thái độ tôn trọng người bệnh, không được xem họ là người giả bệnh. Tránh thái độ chiều chuộng, lo lắng quá mức, theo dõi quá chặt chẽ, vô tình ám thị cho bệnh nhân rằng bệnh quá nặng.
- Kết hợp các biện pháp điều trị toàn diện khác như âm nhạc, thể thao, lao động, thư giãn...
- Rèn luyện tính cách ngay từ khi còn nhỏ, giáo dục tính đoàn kết, thân ái, tính tập thể, tránh các stress trong học tập, sinh hoạt.
Trong trường hợp cụ thể của trường học, nên làm như sau:
- Trong lớp học nên có cả học sinh nam và nữ. Có thể chính các học sinh nam có thần kinh mạnh mẽ và vững vàng hơn sẽ ảnh hưởng tốt đến các bạn nữ, họ sẽ là chỗ dựa tinh thần cho các nữ sinh.
- Nhanh chóng cách ly học sinh bị bệnh bằng cách khiêng các cháu vào chỗ râm, mát, thoáng khí và yên tĩnh.
- Cho các cháu nghỉ học một thời gian ngắn để cách ly và bệnh nhân được nghỉ ngơi. Trong thời gian đó, nhà trường rà soát lại các vấn đề gây ra căng thẳng tâm lý cho các cháu. Vấn đề khi được tìm ra thì cần loại bỏ.
- Các buổi sinh hoạt tập thể và chào cờ không nên kéo dài quá (15 - 20 phút là đủ).
- Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thể thao trong trường học. Về lâu dài, cần phải giảm bớt áp lực học tập cho các cháu. TS. Bùi Quang Huy (Chủ nhiệm Khoa tâm thần - Bệnh viện 103)
Cách phòng ngừa ngất xỉu hàng loạt do ôn thi:
Căng thẳng trong thi cử
Nhiều nữ sinh bỗng dưng ngất đột ngột trong giờ học, có khi cả trăm em cùng ngất khiến gia đình và nhà trường lo lắng.
Em N.T.S (17 tuổi, học lớp 12 tại một trường THPT ở quận Bình Thạnh – TP.HCM) đã 3 lần ngất xỉu trong giờ học. Bà T.M, mẹ của S., rất lo lắng nên đưa em đi khám ở nhiều nơi.
Kết quả tại một phòng khám tâm lý – tâm thần cho thấy S. mắc chứng rối loạn phân ly. Áp lực từ gia đình muốn S. đậu vào một trường ĐH tốp trên, trong khi sức học chỉ ở mức khá khiến em căng thẳng kéo dài dẫn đến ngất xỉu.
Ngất xỉu hàng loạt
Trường hợp như nữ sinh không phải hiếm gặp. Gần đây ở nhiều địa phương đã xảy ra một số vụ nữ sinh ngất hàng loạt, có khi lên đến hơn trăm em và đều được các chuyên gia y tế kết luận do chứng rối loạn phân ly.
Theo một số bác sĩ chuyên khoa tâm thần, hiện tượng này thường xảy ra ở những nơi tập trung nhiều phụ nữ trẻ như trường học, nhà máy… Khi một người ngất vì hội chứng này, sự lây lan tâm lý dễ dẫn đến ngất xỉu hàng loạt.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Giám định Pháp y tâm thần TP.HCM cho biết: Rối loạn phân ly thường xuất hiện trên chủ thể có loại hình thần kinh yếu; muốn nhận được sự quan tâm nhiều hơn của mọi người; sống trong môi trường tập thể đông, xa nhà, thiếu tình cảm; điều kiện sống khó khăn, gặp chuyện buồn trong tình cảm; căng thẳng trong học tập, công việc…
Tất cả những yếu tố này cộng dồn và khi gặp thêm một vấn đề gì đó, họ chợt có một phản ứng bất thường, chẳng hạn ngất xỉu hoặc lên cơn co giật như động kinh. Nếu trong môi trường đó có nhiều người thần kinh yếu và cùng gặp phải khó khăn như trên, một người ngất sẽ như một mồi lửa tạo nên phản ứng dây chuyền. Thế nên, mới có hiện tượng ngất hàng loạt tại trường học, nhà máy.
Theo bác sĩ Vũ Đình Vương, Trưởng Khoa Nội trú Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, rối loạn phân ly hiếm gặp ở nam giới. Người bệnh thường biểu hiện bằng cơn ngất; cơn không nói; bỗng dưng liệt, yếu tay, chân; co giật… Cơn này thường hết trong thời gian ngắn nhưng cũng có trường hợp cá biệt bệnh nhân không chịu nói trong nhiều ngày liền sau khi học thi quá căng thẳng.
Bác sĩ của Bệnh viện Tâm thần TP.HCM tư vấn cho một nữ bệnh nhân |
Mục đích gây chú ý
Theo bác sĩ Quang, các cơn ngất, co giật, mất tiếng, ủ rũ… ở người bị rối loạn phân ly khác với người mang các bệnh thực thể ở chỗ đây là một phản ứng nhằm gây chú ý tới mọi người xung quanh và thường người bệnh có thể ý thức được sự việc đang xảy ra.
“Người mắc bệnh thực thể có thể ngất ở bất cứ đâu, bất kỳ lúc nào, còn người bị chứng rối loạn phân ly sẽ ngất ở chỗ đông người và sạch sẽ, an toàn” – bác sĩ Quang cho biết. Tuy nhiên, do hiện tượng “sao chép” triệu chứng này, khi xảy ra hiện tượng ngất xỉu, co giật đột ngột, nghi ngờ là rối loạn phân ly, trước tiên phải loại trừ các nguyên nhân thực thể như bệnh tim, động kinh vốn cần cấp cứu kịp thời.
Các biểu hiện của bệnh thường xảy ra do một tác nhân không thuận lợi trong thực tại đưa đến, gây ra phản ứng trong lúc cao độ. Đây chỉ là những “triệu chứng giả đò” nên trong nhiều trường hợp, mọi người càng lo lắng, vỗ về thì người bệnh càng lâu tỉnh. Bác sĩ Quang lưu ý thêm rằng do điều kiện sống cũng liên quan đến bệnh nên các trường hợp ngất hàng loạt thường xảy ra tại các địa phương nghèo.
(St)