Thời kỳ hậu sản và cho con bú các bà mẹ tuyệt đối không nên ăn uống kiêng khem quá mức vì lúc này người mẹ cần hồi phục năng lượng cho mình đồng thời chuẩn bị nguồn năng lượng tạo sữa cho nuôi con.
Vì vậy cần một chế độ dinh dưỡng hợp lý sao cho mẹ khỏe và bé có đủ sữa bú. Một chế độ dinh dưỡng khoa học và hợp lý trong giai đoạn này không chỉ tốt cho mẹ mà còn giúp cho sự phát triển của trẻ.
Mẹ nên ăn gì sau khi sinh?
Tinh bột : giúp tăng cường năng lượng như cơm, bánh mì, khoai tây, các loại đậu … Các mẹ nên ăn ít nhất 2 chén cơm mỗi bữa mới đủ năng lượng.
Nên ăn ít nhất 2 chén cơm trong mỗi bữa ăn
Protein : rất cần thiết cho sự phát triển của cơ, vì thế protein cũng không thể thiếu trong chế độ dinh dưỡng của bà mẹ cho con bú, có thể tìm thấy trong các loại thịt, cá, trứng. Ăn cá rất tốt cho cả mẹ và con, tối thiểu nên ăn 2 lần mỗi tuần. Tuy nhiên lưu ý hạn chế các loại cá biển đại dương sâu như cá ngừ vì trong chúng có hàm lượng thủy ngân rất cao, qua sữa mẹ có thể gây độc thần kinh của trẻ.
Vitamin, khoáng chất có trong các loại rau quả và trái cây tươi luôn cần quan tâm bổ sung. Không nên chỉ dùng 1 loại trái cây hay rau củ mà nên đa dạng. Uống thêm 1-2 ly sữa một ngày sẽ cung cấp calci có tác dụng quan trọng đến sự phát triển của xương và răng trẻ. Cũng có thế cung cấp calci qua các sản phẩm bơ, sữa, phômai …
Nên đa dạng hóa các loại trái cây rau củ trong thực đơn
Nước : uống khoảng 1,5 – 2 lít nước/ngày, có thể nhiều hơn nếu thời tiết nóng, mẹ ra mồ hôi nhiều. Uống nước nhiều cũng giúp đỡ bị táo bón. Bia, trà, café và các chất kích thích khác hoàn toàn không phải là thức uống lợi sữa, chống chỉ định hoàn toàn.
Bên cạnh 3 bữa chính có thể ăn thêm 2 bữa phụ, uống thêm 1-2 ly sữa mỗi ngày nhưng nên nhớ rằng sữa không thể thay thế được thức ăn.
Uống sữa là rất tốt nhưng sữa không thể thay thế được thức ăn
Hạn chế uống thuốc nếu không thật sự cần thiết. Nếu bắt buộc dùng thuốc cần phải có chỉ định của bác sĩ và lưu ý tác động đến chất lượng, số lượng sữa.
Nói chung, khẩu phần ăn trong thời kỳ hậu sản và cho con bú nên được thay đổi thường xuyên cho đa dạng nhưng vẫn bảo đảm đầy đủ 4 nhóm dinh dưỡng : bột đường + đạm + béo + vitamin khoáng chất, cũng như các món ăn phải luôn được nấu chín vệ sinh. Tuyệt đối không kiêng khem, giảm cân trong thời kỳ này.
Kết luận : việc bà mẹ đầu tư cho chế độ ăn uống như thế nào trong giai đoạn này sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của trẻ. Chính vì thế các bà mẹ không nên xem thường việc lựa chọn và sử dụng thực phẩm trong bữa ăn hằng ngày. Đừng chần chừ tìm đến bác sĩ hay chuyên gia dinh dưỡng để có được những lựa chọn đúng đắn nhất.
Ngọc Linh – YduocLH