Chúng ta thường gọi kiết lỵ là chỉ bệnh đau quặn bụng, đi cầu nhiều lần, phân có chất nhầy, máu. Thật ra kiết lỵ có hai loại: lỵ trực trùng do vi khuẩn có tên là Shigella, còn lỵ amibe là do ký sinh trùng Entamoeba hystolitica gây ra. Vì thế danh từ chuyên môn gọi là lỵ trực trùng hay lỵ amibe.
Lỵ trực trùng: thường có triệu chứng ồ ạt. Biểu hiện của lỵ trực trùng là hai dấu hiệu: nhiễm trùng và đi cầu. Trẻ em chán ăn, sốt cao, có thể co giật, tiếp đến là đau bụng quanh rốn rồi đau quặn ruột, đi cầu ban đầu phân lỏng, sau đi ra toàn chất nhầy lẫn máu. Bé đi cầu một ngày 10-12 lần, có tình trạng quấy khóc, mất nước.
Đó là do vi khuẩn shigella gây viêm toàn bộ đại tràng và trực tràng. Bệnh thường lây truyền qua phân. Người thân trong gia đình bị bệnh, đi cầu không rửa tay, lấy thực phẩm cho bé ăn hoặc mua thực phẩm đường phố có nhiễm shigella. Cũng có thể trong nhà nuôi chó, mèo, phân chó, mèo cũng chứa vi khuẩn gây bệnh. Trẻ thích chơi với súc vật, sờ vào lông, bò ra nền nhà rồi đưa tay vào miệng…Trong nhà có ruồi, ruồi bu vào phân người chứa vi khuẩn rồi bu trên thức ăn…
Lỵ amibe: không rầm rộ mà âm ỷ. Người bệnh có thể sốt nhẹ, có thể không nhưng chủ yếu là đau quặn bụng, mót rặn. Phân ban đầu còn lỏng, sau toàn nhầy và máu, ngày đi 5-10 lần.
Tác hại của bệnh lỵ: trẻ nhỏ rặn nhiều sẽ bị sa hậu môn. Vì mất nhiều chất bổ dưỡng nên trẻ dễ bị viêm đa dây thần kinh. Hội chứng viêm niệu đạo kết mạc mắt có thể xuất hiện sau khi bị lỵ. Trẻ có thể bị viêm khớp rồi để lại di chứng teo cơ.
Lỵ amibe: có thể gây rối loạn chức năng vận động của ruột, viêm đại tràng, trĩ, sa hậu môn. Nặng nhất là ký sinh trùng amibe lên gan gây ápxe gan do amibe.
Nguyên nhân gây bệnh lỵ
Do người chăm sóc không vệ sinh sạch sẽ sau khi đi cầu, do thực phẩm bị nhiễm trùng. Bởi thế phòng tránh lây nhiễm là việc rất quan trọng.
Điều trị bệnh như thế nào?
Khi phát hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh kiết lỵ, bệnh nhân phải vào bệnh viện ngay để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, không để bệnh chuyển thành nặng và có nguy cơ lây lan bệnh cho cộng đồng ở xung quanh. Bệnh lỵ trực trùng thường sử dụng các loại thuốc thuộc nhóm sulfamide Cotrimoxazole (Bactrim, Lidaprim, Septril. Eusaprim…) và các kháng sinh (Ampicilline, Chloramphenicol, Tetracycline…) để điều trị. Bệnh lỵ amíp thường sử dụng loại thuốc như Metronidazole (Flagyl, Klion …) để điều trị. Việc điều trị phải có sự theo dõi, giám sát chặt chẽ của cán bộ y tế.
Theo Sức khỏe gia đình