Phụ nữ khi bị sảy thai thường bị tổn thương nặng nề về cả tinh thần và thể chất. Nhưng đừng quá bi quan, hãy chuẩn bị cho mình một sức khỏe thật tốt để chào đón em bé vào lần sau.
Nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng
Dân gian thường ví một lần sảy bằng bẩy lần đẻ, nên sau khi bị sảy thai, bạn cần được nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng và bồi bổ sức khỏe. Tránh làm việc nặng, đi lại gắng sức.
Ăn uống thức ăn lành tính, kiêng những món hàn như hải sản, rau sống, đồ chua. Có người khuyên nên uống 1 chút champage sau khi ăn để ấm bụng, ra hết huyết ứ trong người và giúp tử cung mau co lại như cũ.
Lúc này, vai trò của người chồng hết sức quan trọng. Hãy động viên vợ, tạo ra không khí thoải mãi trong gia đình, có thể đưa vợ đi dạo, đi du lịch những địa điểm gần để vợ thư giãn tinh thần.
Cùng với đó, bạn hãy bổ sung vào cơ thể một chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học với đầy đủ các dưỡng chất cần thiết như các loại vitamin và acid folic.
Giữ gìn vệ sinh vùng kín
Sau khi sảy thai, bạn cũng cần đặc biệt vệ sinh vùng kín sạch sẽ và lưu ý trong chuyện chăn gối vợ chồng. Nếu sau khi sảy thai bạn không còn gặp các rắc rối như chảy máu, đau vùng xương chậu, … bạn có thể tiến hành “giao ban” lại sau khoảng 2 – 3 tuần đối với trường hợp sảy thai trong ba tháng đầu. Trường hợp sảy thai ở tháng thứ 4 trở đi, bạn chỉ có thể làm ‘chuyện ấy’ lại sau từ 5 - 6 tuần.
Đi khám sức khỏe
Sau khi sảy thai, cần nhất là phải đi khám tổng quát trước khi muốn có thai lại (nên để 3 - 6 tháng sau trở đi là tốt nhất để cơ thể hồi phục hoàn toàn), nên tìm hiểu nguyên nhân gây nên sảy thai để phòng trị trước. Các bác sĩ chuyên khoa sẽ giúp bạn việc này qua thăm khám và các xét nghiệm cụ thể.
Nên làm gì để hạn chế việc sảy thai
Đa số việc sảy thai diễn ra trong khoảng 12 tuần đầu của thai kỳ, một số trường hợp khác là do thai phát triển không đúng tiêu chuẩn.
Việc khám sức khỏe tiền hôn nhân là cách để các bạn tránh được viêm nhiễm vùng kín có khả năng gây sảy thai. Trong thời gian có thai, cố gắng không để bị các bệnh như cảm cúm, bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Nên có con trước tuổi 35 để hạn chế những bất thường trong nhiễm sắc thể phôi thai. Sau mỗi lần sảy thai, nên dành thời gian nghỉ ngơi (từ 6 tháng đến 1 năm) để cơ quan sinh sản hồi phục rồi mới nên có thai lại.
Cần làm gì để nhanh có thai lại?
Sau thời gian nghỉ ngơi từ 3 – 6 tháng, cơ thể bạn đã hồi phục và sẵn sàng chào đón em bé. Để nhanh chóng thụ thai, bạn cần chú ý đến việc bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, đây là cách để thúc đẩy khả năng sinh sản tự nhiên. Bạn nên chọn ăn thực phẩm hữu cơ, uống bổ sung kẽm, selen, axit folic. Cả vợ và chồng nên tránh căng thẳng, bỏ rượu và thuốc lá để tốt cho sức khỏe.
Tinh thần cũng rất quan trọng trong việc thụ thai. Bạn không nên quá nôn nóng, việc giữ tinh thần thoải mái, tích cực là yếu tố rất quan trọng trong quá trình có thai lại. Nếu có thể, bạn nên thường xuyên tới khám bác sĩ để đảm bảo cơ thể mình đã đầy đủ điều kiện cho việc mang thai.
Nến bạn mới có thai lại, hãy chú ý các dấu hiệu máu báo, phù chân tay, dịch tiết âm đạo nhiều, đau bụng râm ran. Nên đi khám bác sĩ sớm nếu cảm thấy lo lắng. Ngoài ra, cần chú ý khám thai đầy đủ nếu bạn đã thực sự có thai lại để đảm bảo cho sự phát triển khỏe mạnh của em bé sau này.