Bé 5 tháng tuổi biết làm gì - những cột mốc đầu tiên

Nhanluu1294 Nhanluu1294 @Nhanluu1294

Bé 5 tháng tuổi biết làm gì - những cột mốc đầu tiên

07/12/2015 12:00 AM
119

Bạn đã thấy rõ được sự phát triển của bé vào khoảng thời gian bé được 5 tháng tuổi, khi mà bé bắt đầu hướng ngoại và tiếp xúc với mọi người. Bé biết cách thu hút sự chú ý, và ngay cả một người khó tính nhất cũng phải mềm lòng trước sự cuốn hút đáng yêu của bé. Đây không chỉ là một kỹ năng sống quan trọng, mà còn là nền móng để bé học hỏi các kỹ năng xã hội. Bạn đừng nghĩ rằng thời gian ở bên cạnh bé chẳng có chút giá trị gì. Não bộ của bé được hình thành từ chính tình yêu thương và sự khuyến khích mà bé nhận được từ những người yêu thương mình.

Có thể bạn đã quay trở lại làm việc, hoặc cũng sắp rồi. Cuộc sống của bạn sẽ bận rộn hơn rất nhiều khi phải vừa chăm bé vừa đi làm. Để có thể đảm đương cùng lúc cả hai vai trò, bạn phải sắp xếp mọi thứ và đừng quá tham công tiếc việc. Nếu không thì chắc chắn bạn sẽ bị kiệt sức và suy sụp. Vì thế bạn hãy tỏ ra cương quyết khi thỏa thuận thời gian làm việc sau khi sinh với sếp, chẳng hạn như  bạn có thể chuyển sang chế độ làm việc bán thời gian, hay cho bạn khoảng thời gian về nhà cho bé bú, giờ giấc làm việc cũng phải linh hoạt và bạn có thể nghỉ khi em bé của bạn bị ốm, cần bạn chăm sóc.

Chăm sóc bữa ăn và giấc ngủ của bé

Em bé của bạn có thể sẽ nhìn chằm chằm khi bạn ăn, chăm chú theo dõi bạn đút muỗng hay nĩa vào miệng và nhai. Tuy nhiên bạn vẫn không nên cho bé ăn thức ăn dặm sớm quá; bởi vì sữa vẫn là nguồn dưỡng chất thiết yếu cho bé cho đến thời điểm này, đảm bảo đủ mọi nhu cầu dinh dưỡng của bé. Nếu bạn đang cho bé bú sữa mẹ, bạn cũng đừng ép bé phải bú sữa mỗi lần ngậm ti mẹ. Bé 5 tháng tuổi và biết rõ khi nào đói bụng cần phải bú mẹ, khi nào thì chỉ ngậm ti để giải khuây thôi.

Vào thời gian này em bé của bạn đã biết lật rất dễ dàng nên bạn cũng khó mà giữ bé nằm nguyên một tư thế ngửa suốt thời gian bé ngủ. Nhưng lưu ý là bạn vẫn phải đặt bé nằm ngửa khi ru bé. Đến khi bé đã có thể lật sấp, ngửa thành thục thì bạn hãy ngưng quấn khăn cho bé khi ngủ. Khăn có thể quấn lên mặt và khiến bé ngạt thở khi bé cứ lăn qua lăn lại.

Nếu bạn vẫn ru bé ngủ bằng cách cho ngậm ti mẹ, bạn sẽ thấy con bạn chỉ chịu đi ngủ khi được cho bú ti thôi. Nếu việc này không phiền hà gì cho cả hai mẹ con thì hãy cứ tiếp tục. Tuy nhiên, nếu bé đã trở nên lệ thuộc vào việc phải ti mẹ mới chịu ngủ, và sẽ rất khó ngủ mỗi khi chuyển sang một giai đoạn thức, ngủ khác mà không được bú, thì bạn cần phải ngưng cho bé bú mỗi khi ru ngủ thôi. Hãy tìm kiếm thêm thông tin về giấc ngù của bé trên trang HUGGIES® và áp dụng cho hai mẹ con bạn.

Nếu bé uống sữa công thức thì bé vẫn cần phải bú khoảng 5 bình/24 giờ. Nếu bạn cảm thấy cần phải tăng thêm lượng sữa cho bé bú, thì hãy đảm bảo rằng bạn lấy sữa trực tiếp từ hộp sữa của bé để pha. Hãy tuân thủ chính xác tỷ lệ pha sữa công thức và nước, điều này sẽ giúp cho bé không bị táo bón và lên cân quá mức.

chăm sóc bé 5 tháng tuổi

Hành vi ứng xử

Em bé 5 tháng tuổi rất vui vẻ và dễ chịu, bởi vì bé đã tự nâng được đầu của mình. Bé là trung tâm thu hút mọi sự chú ý của những người xung quanh, khiến bạn cảm thấy hạnh phúc. Và có vẻ như chính bạn cũng bị hấp dẫn bởi những cử chỉ đáng yêu của em bé.

Nhưng ở 5 tháng tuổi, bé cũng tỏ ra rất cáu kỉnh  mỗi khi không khỏe, không vui, hay chỉ đơn giản là không biết mình muốn gì. Cá tính của bé đã định hình khá rõ ràng từ bây giờ. Bé có thể rất trầm lắng, dễ hiểu dễ chiều, hoặc cũng có thể rất nhạy cảm, kích động, và cần được bạn vỗ về thường xuyên để làm dịu đi tính khí của mình. Em bé của bạn rõ ràng là một con người bé nhỏ độc lập, và mặc dù bạn có cảm giác cực kỳ gắn bó với bé thì vẫn phải chấp nhận rằng bé là một cá nhân với tính cách rất riêng.

Những cột mốc phát triển

Đây là thời điểm bé thể hiện giọng của mình, với rất nhiều tiếng hét chói tai, tiếng ríu rít, thỏ thẻ và cười nắc nẻ. Rất nhiều em bé 5 tháng tuổi tỏ ra sảng khoái nhất vào buổi sáng, sau khi được ăn no bụng và đặc biệt là đã ngủ một giấc dài. Thế nên bạn hãy tận dụng khoảng thời gian này, tạm quên đi danh sách dài dằng dặc những việc phải làm. Bạn chỉ tận hưởng một thú vui duy nhất là nằm cạnh bé trên giường, nói chuyện, chơi đùa với bé. Bé sẽ luôn miệng cười với bạn, và thích thú khi nhìn thấy bạn cười đáp lại. Khi nghe giọng bạn, bé sẽ quay lại và tìm kiếm, nhìn vào mắt bạn và cười rạng rỡ khi đã nhận ra khuôn mặt bạn. Quả thật bé đã tiến được một bước dài chỉ trong vòng 5 tháng ngắn ngủi. Bạn hãy để ý khi bé cố với lấy những đồ vật ở ngoài tầm tay và khuôn mặt bé đang rất tập trung. Đừng nên để bé tóm được chúng quá dễ dàng; những thử thách bắt bé phải cố gắng với lấy món đồ ưa thích như thế này sẽ khiến bé cố gắng vận động, và giúp bé học cách điều khiển cơ thể di chuyển theo ý của mình

Em bé của bạn đã có thể giữ thẳng lưng và đầu khi bạn nhẹ nhàng đỡ bé ngồi dậy. Một bước phát triển quan trọng nữa ở độ tuổi 5 tháng là biết lật, khi bé có thể lật từ ngửa sang sấp, và ngược lại như một trò chơi vận động thú vị. Hàng ngày bạn hãy cho bé chơi đùa dưới sàn nhà để bé vận động nhiều và mau hoàn thiện kỹ năng quan trọng này nhé bạn.

Tăng trưởng

Em bé của bạn sẽ tăng chiều dài nhanh chóng sau mỗi tuần. Từ một em bé sơ sinh nằm co tròn trong cũi, bé đã nhanh chóng phát triển chiều dài tay, chân của mình sạu 5 tháng. Hãy trò chuyện với bác sĩ về mức độ tăng trưởng của em bé nhà bạn so với biểu đồ nhóm tuổi của bé. Các chỉ số vòng đầu, độ dài và cân nặng là tiêu chí để đo sự tăng trưởng của bé, và tiêu chí nào cũng quan trọng như nhau.

Bạn sẽ nhận thấy em bé của mình có tuần thì lớn nhanh quá, còn tuần tiếp theo lại đứng im không phát triển. Bạn nên tham khảo biểu đồ tăng trưởng theo nhóm tuổi của bé nhà bạn, đây là phương pháp hữu ích để đánh dấu sự phát triển của bé theo thời gian, và giúp bạn so sánh một cách khách quan với những em bé khác ở trong cùng độ tuổi và giới tính.

Giữ cho bé luôn khỏe mạnh

Em bé của bạn đang trong thời kỳ tiêm chủng ngừa nhưng nếu bạn lỡ bỏ sót mũi chủng ngừa nào của tháng thứ 4, thì hãy đặt lịch tiêm ngừa cho bé. Bạn nên sắp xếp thời gian chủng ngừa, đánh dấu trên tờ lịch và đặt ưu tiên hàng đầu cho việc này.

Bạn đừng quá nghiêm trọng hóa vấn đề vệ sinh sạch sẽ trong nhà bạn. Đã có rất nhiều cuộc nghiên cứu chỉ ra rằng chúng ta vẫn cần một ít bụi bẩn trong nhà để tạo điều kiện cho hệ thống miễn dịch của cơ thể phát triển. Nhưng có vẻ hầu hết các ông bố, bà mẹ, đặc biệt là các bà mẹ, khó mà có một thái độ cách thoải mái khi nói về vấn đề vệ sinh như thế này. Ngay cả sức khỏe của người lớn trong nhà cũng cần được phòng ngừa một cách hợp lý. Chính bạn cũng phải chích chủng ngừa đầy đủ, đặc biệt với bệnh ho gà.

Chơi đùa với bé

Bạn hãy tỉnh táo trước những lời quảng cáo hấp dẫn về những món đồ chơi "tốt nhất" hay "có tính giáo dục nhất" cho em bé nhà bạn. Chỉ cần bố mẹ bé, các anh chị và những người thân xung quanh là đủ làm cho bé vui vẻ hàng giờ. Bạn có thể chọn một vài món đồ chơi có màu sáng, an toàn để bé có thể cho vào miệng nhai hoặc ngậm. Bé sẽ tự động chú ý đến những món đồ mà bé ưa thích thôi.

Thời điểm này bé cũng bắt đầu gắn bó với một món đồ chơi nào đó hay một cái núm ti giả. Những món đồ yêu quý này thực sự có ý nghĩa rất nhiều đối với những năm đầu đời của một đứa trẻ, nhưng lại không ảnh hưởng đến việc bé có trở nên quá nhạy cảm hay không, hoặc các vấn đề khác trong tương lai. Bạn chỉ cần để ý những món đồ xung quanh chỗ bé nằm ngủ, liệu có phủ lên mặt và làm bé ngạt thở không. Gấu bông, đồ chơi mềm, chăn mền, và những đồ chơi bằng bông đều có thể gây ra những nguy hiểm cho bé.

Về mẹ của bé

Cham-Soc-Be-171-be-5-Thang-Tuoi -02(500X500)

Hãy vận động nhiều mỗi ngày, điều này sẽ giúp bạn cảm thấy (và trông) khá hơn, và tiếp thêm năng lượng cho bạn. Có thể bạn không cảm thấy hứng thú khi phải đặt em bé vào xe đẩy hoặc địu bé ra ngoài đi dạo nhưng hãy cứ thử làm đi, bạn sẽ thấy vui cho mà xem. Đừng nên tự cô lập mình với những người xung quanh. Hãy đi mua sắm ở cửa hàng gần nhà, đến thư viện, công viên hay tham gia hội các bà mẹ. Hãy chịu khó giao tiếp, hòa đồng với mọi người xung quanh, điều này giúp bạn có được tâm lý thoải mái, và đương nhiên là sẽ chăm sóc bé tốt hơn nhiều.

Nếu bạn cảm thấy suy sụp, kiệt sức, lo lắng thái quá, hay chỉ đơn giản là cảm thấy không ổn về bản thân thì hãy trao đổi với bác sĩ về vấn đề này để được chẩn đoán liệu bạn có bị trầm cảm hay không. Họ có thể giúp bạn vài phương pháp tích cực, dễ hiểu để cải thiện tình trạng sức khỏe tâm lý của bạn thời điểm này.

Cảm xúc của bạn

Bạn đang trở nên ổn hơn nhiều về mặt tâm lý. Tình trạng mệt mỏi ở những đầu tiên đã dần được cải thiện, bạn cũng đã tìm lại được sự cân bằng và ổn định cho cuộc sống của mình. Từng chút một, bạn nhận ra việc chăm sóc bé đã trở nên dễ dàng hơn và chính bạn cũng cảm thấy thoải mái, tự tin hơn khi chăm bé. 

Những tháng đầu làm mẹ bạn đã phải chịu đựng rất nhiều băn khoăn, lo lắng về việc ti sữa, giấc ngủ, sức khỏe và áp lực "phải làm đúng". Tất cả đã làm bạn không còn vui sướng và không thể tận hưởng cảm xúc được chăm sóc đứa con bé bỏng của mình. Nhưng sau 5 tháng, bạn sẽ thấy những sự căng thẳng này dần biến mất, bạn sẽ lại tràn đầy năng lượng cho cuộc sống của mình.

Nhu cầu ngủ của bạn

Nhiều em bé 5 tháng tuổi vẫn cần ít nhất 1 lần ti sữa vào ban đêm. Nhưng số khác lại ngủ ngoan đến sáng. Nếu bạn thấy những người mẹ khác thật thoải mái vì em bé của họ ngủ trọn giấc ban đêm, thì bạn cũng đừng vội nản chí vì không giống như họ. Thường là sau 6 tháng, đa phần các em bé sẽ ngủ một giấc dài hơn, không thức dậy giữa đêm nữa. Nếu bạn cảm thấy thiếu ngủ vào ban ngày, đó là điều rất bình thường. Và hãy sắp xếp cho mình một giấc ngủ trưa để tái tạo năng lượng.

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý