Không chỉ để kêu đói, hay đòi mẹ thay tã, trẻ 5 tháng tuổi đã biết sử dụng nhiều cách khóc khác nhau để thể hiện cảm xúc và nhu cầu của mình. Nếu chịu khó để ý, chỉ cần cách khóc của bé, mẹ đã biết ngay con đang muốn bày tỏ điều gì
So với những tháng đầu tiên, giờ đây, sự phát triển của trẻ đã trở nên đa dạng và phức tạp hơn rất nhiều. Bên cạnh những mốc phát triển cơ bản, tính cách của trẻ cũng đã được hình thành, và đang phần nào ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của bé.
1/ Sự phát triển về thể chất
Cân nặng và chiều dài của bé sẽ tăng nhanh chóng sau mỗi tuần trong tháng thứ 5 này. Nếu là con trai, bé sẽ cao khoảng 60 – 69.5 cm, và nặng khoảng 5- 9 kg. Với những bé gái, cân nặng và chiều cao có thể sẽ thấp hơn một chút, “xê xích” trong khoảng 59 – 68 cm, và 5 – 8 kg.
Tính cách của bé đang dần được hình thành trong giai đoạn này
2/ Sự phát triển trí não
Trẻ 5 tháng tuổi đang trong quá trình hoàn thiện khả năng thị giác của mình. Bé nhìn được nhiều màu hơn, và khả năng “theo dõi” bằng mắt cũng được cải thiện. Nhờ vậy, bé có thể dễ dàng “tóm” được những vật trong tầm tay, và những món đồ làm bé chú ý.
Bên cạnh đó, bé sẽ tiếp tục “nghiên cứu” mối quan hệ nhân quả xảy ra xung quanh mình. Với trí nhớ đã phát triển, bé 5 tháng tuổi đã có thể tự hồi tưởng những điều đã xảy ra, và bé có xu hướng thích lặp lại hành động của mình để xem liệu mọi việc có xảy ra tương tự.
3/ Kỹ năng vận động
Khả năng giữ thăng bằng cổ đã phát triển, và nhờ vậy, bé có thể học cách xoay đầu sang hai bên khi ngồi. Mặc dù không mấy vững vàng, nhưng bé sẽ tự thử nhiều cách khác nhau để tự lật người hay ngồi bật dậy.
Để khuyến khích sự phát triển khả năng vận động của bé trong giai đoạn này, mẹ có thể cố tình đặt một vài món đồ chơi ngoài tầm với để bé thử rướn người và dùng tay cầm lấy món đồ chơi
4/ Kỹ năng giao tiếp
Trẻ 5 tháng tuổi sẽ cố gắng bắt chước âm thanh mẹ tạo ra trong lúc nói chuyện với bé. Ngoài ra, bé cũng đã học được cách thể hiện cảm xúc thông qua biểu hiện khuôn mặt và những âm thanh bập bẹ của mình. Chính vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, các bậc phụ huynh nên dành nhiều thời gian hơn để trò chuyện với con. Theo thống kê, những bé có cha mẹ thường xuyên thực hành giao tiếp sẽ nhanh biết nói hơn so với những bé khác.
5/ Sự phát triển cảm xúc
Đây là thời điểm mỗi một động tác cũng như biểu cảm của mẹ đều bị bé “soi” một cách tỉ mỉ. Đặc biệt, bé đã biết cách bày tỏ niềm vui thích của mình bằng nhiều cách như la hét hoặc vung tay vung chân. Tuy nhiên, mẹ nên lưu ý rằng, mỗi bé cần một khoảng thời gian riêng để phát triển cảm xúc của mình. Vì vậy, nếu bé cưng vẫn chưa có những biểu hiện này, mẹ cũng đừng quá lo lắng. Không sớm thì muộn, con cũng “lộ bài” mà thôi.