Và những căn bệnh kéo theo khi suy giảm chức năng
Tuyến giáp là cơ quan ổn định nhiệt và quyết định nhiệt độ, tốc độ của quá trình trao đổi chất. Nếu vì lý do nào đó, chức năng tuyến giáp bị suy giảm thì tất cả các tế bào trong cơ thể sẽ không còn hoạt động hiệu quả như nó vốn có.
Tuyến giáp sinh sản hàng loạt hormone, trong đó quan trọng nhất là thyroxine (hay còn gọi là T4). Khi ra khỏi tuyến giáp, T4 chuyển hoá thành T3 (tri-iodothyro-nine), là dạng hoạt động mạnh của T4. Trong điều kiện bình thường, T3 đi vào các tế bào, điều khiển tế bào dùng oxy đốt cháy nhiên liệu để sản sinh ra năng lượng, đồng thời thải nhiệt năng lượng. Càng nhiều hormone T3, quá trình trao đổi chất diễn ra càng nhanh, cơ thể càng ít tăng cân và càng ấm.
Tuyến giáp và sức khoẻ
Các hormone của tuyến giáp ảnh hưởng rất lớn đến cơ thể. Tình trạng thiếu các loại hormone này có thể dẫn tới hàng loạt bệnh hoặc không giảm được trọng lượng dù đã dùng mọi biện pháp như ăn kiêng hay tập luyện chuyên cần.
Thiếu hormone tuyến giáp, cơ thể sẽ giữ nước, muối và protein; lượng cholesterol trong máu tăng; da, tóc và móng tay phát triển chậm. Những người suy giảm chức năng tuyến giáp thường mệt mỏi và lờ đờ, chậm chạp trong nhận thức. Tuyến giáp còn liên quan chặt chẽ tới các yếu tố của hệ thống hormone như các tuyến điều khiển khả năng tình dục. Nam giới bị suy giảm tuyến giáp có thể bị liệt dương. Còn phụ nữ sẽ gặp các vấn đề liên quan tới kinh nguyệt.
Hiện nay, xét nghiệm máu thông thường có thể chỉ ra bạn có mắc bệnh hay không. Ngoài ra, có một phương pháp khác có thể kiểm tra chức năng tuyến giáp ngay tại nhà, đó là phương pháp đo nhiệt độ cơ thể hay còn gọi là kiểm tra Barnes. Theo bác sĩ người Mỹ Broda Barnes, khi không bị bệnh nhiệt độ cơ thể được quyết định hoàn toàn bởi tuyến giáp, chính xác nhất là vào buổi sáng, khi mới tỉnh dậy.
Theo phương pháp này, buổi sáng, trước khi bước xuống giường, bạn nên đo nhiệt độ bằng nhiệt kế thuỷ ngân để có kết quả chính xác nhất. Kẹp nhiệt kế vào nách trong 10 phút rồi ghi lại nhiệt độ. Theo bác sĩ Barnes, nhiệt độ trung bình của cơ thể vào buổi sáng là từ 36,6-36,8OC, từ 36,4OC trở xuống chứng tỏ tuyến giáp suy yếu.
Nguyên nhân gây suy giảm tuyến giáp
Nguyên nhân đầu tiên là sự thiếu iốt (iodine), một dưỡng chất thiết yếu cho chức năng tuyến giáp. Không có iốt, tuyến giáp dễ bị suy giảm chức năng và to ra, tạo thành bướu cổ. Nhưng cũng có trường hợp, dù cơ thể đủ lượng iốt nhưng chất này không thực hiện tốt chức năng của nó cũng là suy giảm tuyến giáp. Iốt xuất phát từ nhóm hoá học fluorine, chlorine, bromine, những chất ngày càng có nhiều trong môi trường. Theo các nhà khoa học, có thể các chất này đang can thiệp vào quá trình sử dụng iốt của cơ thể.
Nguyên nhân thứ hai là do các chất hoá học gây ô nhiễm môi trường. Một số nghiên cứu gần đây đã chứng minh được sự liên quan giữa môi trường sống, những chất gây ô nhiễm và làm việc với suy giảm tuyến giáp.
Yếu tố di truyền là nguyên nhân thứ ba. Hiện nay, theo các nhà nghiên cứu, việc truyền bệnh suy giảm tuyến giáp từ đời nọ sang đời kia ngày càng tăng. Suy giảm tuyến giáp làm giảm khả năng tình dục, nguy cơ vô sinh cao nên không thể truyền gene bệnh sang các đời sau. Nhưng với sự phát triển hiệu quả của kháng sinh và các thuốc điều trị tuyến giáp, gene này truyền từ đời này sang đời khác. Do đó, số người bị suy giảm tuyến giáp cũng tăng cao hơn.
Cách điều trị bệnh
Có 3 cách điều trị là dùng dưỡng chất và thảo dược, dùng thyroxine nhân tạo và dùng chiết xuất từ tuyến giáp. Có một số dưỡng chất và thảo dược có tác dụng tốt đối với sự hỗ trợ chức năng tuyến giáp như iốt, selen, vitamin A, canxi và manhe, L-Tyrosine, L-Glutamin và L-Glycine.
Như đã nói ở trên, iốt là thành phần thiết yếu của hormone tuyến giáp, không có nó tuyến giáp không sản xuất đủ lượng hormone cần thiết cho cơ thể. Iốt có thể bổ sung ở dạng tảo biển hoặc tảo đun. Dưới dạng thuốc uống, các chuyên gia y tế khuyên rằng, không nên sử dụng quá 500mcg (microgam) mỗi ngày để tránh gây áp lực lên tuyến giáp. Selen tham gia vào quá trình chuyển hoá T4 thành T3 nên thiếu nó, quá trình này sẽ bị trì hoãn. Theo các nghiên cứu, hàm lượng selen ở mức dưới 300mcg mỗi ngày là hợp lý. Canxi và manhe là hai khoáng chất hỗ trợ cho quá trình hoạt động của tuyến giáp và các tuyến bên cạnh. L-Tyrosine là acid amino có vai trò thiết yếu trong sự hình thành của các hormone tuyến giáp. Bổ sung acid amino này cho người bệnh sẽ hỗ trợ điều trị. L-Glutamine và L-Glycine cũng là hai acid amino thúc đẩy quá trình hoạt động của tuyến giáp.
Theo các bác sĩ, bổ sung thyroxine buộc người bệnh phải dùng thuốc ngày cả đời. Nhiều bệnh nhân đã có phản ứng tích cực với thuốc, đặc biệt là khi bổ sung thêm selen. Cũng có một phương pháp khác là dùng thuốc có các tế bào mô của tuyến giáp, còn được gọi là “thuốcchứa các tổ chức của tuyến giáp” được sản xuất từ tuyến giáp của bò hoặc lợn và nó còn chứa cả T3, T4. Loại thuốc này chỉ cần sử dụng theo đợt điều trị (1-2 năm). Sau đó, người bệnh có thể bỏ thuốc mà không tái phát.
Ngoài ra, sau khi sử dụng thuốc, người bệnh nên tự theo dõi tiến triển của bệnh. Mà điển hình là sự thay đổi thân nhiệt vào buổi sáng. Khuyến cáo của các chuyên gia y tế là tự kiểm tra thân nhiệt bằng phương pháp kiểm tra Barnes vào mỗi buổi sáng, ghi lại để thông báo với bác sĩ điều trị.
Triệu chứng suy giảm tuyến giáp bạn nên biết
Nếu bạn thấy cơ thể mệt mỏi, ốm yếu, da khô, tóc khô và dễ gãy rụng, hãy nghĩ đến bệnh suy giảm tuyến giáp và đi khám.
Tuyến giáp giúp bảo toàn và kích thích quá trình trao đổi chất trong cơ thể, nên nếu bị suy yếu sẽ gây hại cho sức khỏe.Tuyến giáp nằm ở trước cổ, ngay dưới đáy của họng. Đây là nơi sản sinh ra các hoormon tuyến giáp, thúc đẩy quá trình chuyển hoá tế bào cho cơ thể. Trên thực tế có rất nhiều người bị suy giảm tuyến giáp nhưng do bệnh biểu hiện không rõ ràng nên không biết.
(ST)