Chứng nhồi máu cơ tim và cách xử trí
Đó là hiện tượng mạch máu nuôi tim (động mạch vành) bị tắc nghẽn khiến cơ tim chết đi và không thể hồi phục. Nếu không điều trị kịp thời, vùng cơ tim bị tổn thương sẽ lan rộng và dẫn đến tử vong. Nếu tổn thương nhỏ, bệnh nhân sẽ bị suy tim hoặc tăng nguy cơ đột tử.
Nhồi máu cơ tim thường xảy ra ở nam giới trên 45 tuổi và phụ nữ đã mãn kinh (sau 50 tuổi). Tuy nhiên, những người trẻ hơn cũng có thể bị tai biến này. Ngoài yếu tố tuổi tác, các yếu tố sau cũng làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim:
- Từng bị nhồi máu cơ tim hoặc thực hiện các thủ thuật can thiệp mạch vành.
- Bố hoặc anh được chẩn đoán bệnh mạch vành trước 55 tuổi; mẹ hoặc chị được chẩn đoán bệnh này trước 65 tuổi.
- Có một trong các bệnh tiểu đường, tăng cholesterol máu, tăng huyết áp, béo phì.
- Hút thuốc lá.
- Ít hoạt động thể lực.
Về triệu chứng nhồi máu cơ tim,
Người ta thường nghĩ đến hình ảnh một người đột ngột ôm ngực kêu đau dữ dội và ngã xuống. Nhưng thực ra, nhiều bệnh nhân chỉ bị một cơn đau ngực nhẹ ở giữa xương ức và triệu chứng này có thể nhanh chóng qua đi, khiến người bệnh cho là bình thường. Những dấu hiệu sau đây có thể báo hiệu nhồi máu cơ tim:
- Đau ngực: Phần lớn các cơn đau ngực xuất hiện ở giữa xương ức, kéo dài vài phút, sau đó hết rồi lại đau lại. Bệnh nhân có cảm giác như bị đè nặng, bóp nghẹt ở ngực.
- Có cơn đau ở các vị trí khác như tay, lưng, cổ, hàm, thượng vị.
- Khó thở: Thường đi kèm với đau ngực, nhưng có thể xuất hiện trước đó.
- Các triệu chứng khác: Toát mồ hôi lạnh, nôn, choáng váng. Một số bệnh nhân có cảm giác như "trời sắp sụp".
Tuy chứng nhồi máu cơ tim rất nguy hiểm nhưng nếu nhận biết sớm để điều trị kịp thời (dùng thuốc làm tan huyết khối hoặc phẫu thuật nong động mạch vành), bệnh nhân sẽ tránh được tử vong và những biến chứng sau đó. Các biện pháp trên có thể hạn chế tối đa vùng cơ tim bị chết, hồi phục một số vùng mới tổn thương. Càng vào viện sớm, khả năng hồi phục hoàn toàn càng cao. Hiệu quả điều trị sẽ tốt nhất nếu bệnh nhân được xử trí trong vòng 1 giờ đầu.
Vì vậy, khi có những dấu hiệu báo trước cơn nhồi máu cơ tim kể trên, hãy đến ngay bệnh viện hoặc gọi ngay cấp cứu. Tại cơ sở y tế, bác sĩ sẽ xác định xem có đúng bạn bị nhồi máu cơ tim hay không bằng cách hỏi các câu như: Cơn đau ngực bắt đầu từ lúc nào, đột ngột hay từ từ? Bạn đang làm gì khi đó? Mức độ đau như thế nào? Cơn đau kéo dài bao lâu? Có triệu chứng gì đi kèm (nôn, toát mồ hôi, choáng váng, cảm giác hồi hộp đánh trống ngực)?
Để xác định chẩn đoán, bác sĩ sẽ làm một số xét nghiệm như điện tâm đồ, chụp động mạch vành.. Những biện pháp này cũng giúp bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị. Cách điều trị tốt nhất hiện nay cho chứng nhồi máu cơ tim là can thiệp mạch vành, và phẫu thuật này chỉ có tác dụng trong 12 giờ đầu.
Làm thế nào để xử lý nhồi máu cơ tim tại nhà?
Với những người bị bệnh mạch vành hoặc đã từng bị nhồi máu cơ tim,
nên tuân thủ đều đặn chế độ thuốc mà bác sĩ đã kê đơn để giảm thiểu các
triệu chứng cũng như các biến chứng, đồng thời hạn chế các đợt nhồi máu
cơ tim tái phát. Thông thường, các bác sĩ sẽ cho bệnh nhân một loại
thuốc có tác dụng làm giãn mạch vành sử dụng cấp cứu. Trong trường hợp bệnh nhân bị lên cơn đau thắt ngực ở nhà thì biện
pháp cấp cứu là dùng ngay thuốc giãn mạch vành có tác dụng nhanh như
Risordan ngậm dưới lưỡi hay Nitroglycerine xịt dưới lưỡi. Nếu sau 5 phút
mà bệnh nhân không bớt đau ngực thì có thể cho ngậm thuốc dưới lưỡi
hoặc xịt dưới lưỡi lần 2 và nhanh chóng đưa đến khám bác sĩ để được điều
trị ngay. Nhồi máu cơ tim có thể làm bệnh nhân đột tử, hoặc nếu may mắn qua
khỏi đợt nhồi máu cơ tim cấp thì cũng có thể có những di chứng như suy
tim, loạn nhịp tim… Vì thế, khi phát hiện nhồi máu cơ tim cấp thì bệnh
nhân bắt buộc phải được nhanh chóng đưa vào bệnh viện để điều trị tích
cực chứ không được điều trị tại nhà.
Bồi bổ cho người bị nhồi máu cơ tim
Cát căn và Nấm mèo |
Nhồi máu cơ tim là bệnh có nguy cơ cao đe dọa đến tính mạng, thường xảy ra ở những người có xơ vữa động mạch. Dưới đây là cách ăn uống của những người bị nhồi máu cơ tim theo lương y Hoài Vũ:
Đối với người bị bệnh xơ vữa động mạch và nhồi máu cơ tim thì chế độ ăn uống hằng ngày rất quan trọng, cần kiêng dùng mỡ động vật, những thực phẩm giàu cholesterol như: lòng đỏ trứng, óc và phủ tạng động vật... Tuy nhiên, chế độ ăn cũng cần phải bồi bổ để cơ thể khỏe mạnh và đủ chất. Nhưng lưu ý, người bị nhồi máu cơ tim trong thời kỳ cấp không nên bồi bổ nhiều quá, khi bệnh đã ổn định mới nên tiến hành bồi bổ.
Với người mắc bệnh này, thì thịt nạc, các loại thịt gia cầm, hoa quả, rau xanh... đều dùng được, nhưng cần tránh ăn quá lạnh, quá nóng, và không nên ăn quá no. Nên ăn lượng ít, và chia làm nhiều bữa ăn trong ngày.
* Gà nhân sâm, mạch đông
Nguyên liệu gồm: Nhân sâm 9g, mạch đông 15g, thịt đùi gà 150g. Cho thịt đùi gà (đã bóc bỏ da) cùng một lượng nước vừa đủ vào nồi, đun với lửa nhỏ 10 phút đến khi sôi, rồi cho tiếp nhân sâm, mạch đông vào hầm cho đến khi thịt nhừ, nêm nếm gia vị vừa dùng (nên nêm nhạt), dùng lúc còn nóng ấm.
* Mộc nhĩ nấu quế hoa
Nguyên liệu gồm: mộc nhĩ (nấm mèo) khô 25g (dùng nước lạnh ngâm 24 giờ), quế hoa 3g, đường trắng 1 muỗng. Cho mộc nhĩ đã ngâm nở và đường vào nồi đất, cho một bát nước sạch để lửa to đun sôi, sau đó hạ lửa nhỏ, đậy nắp, nấu thêm 30 phút nữa, đổ quế hoa vào, tắt lửa, đợi nguội thì dùng.
* Cháo thuốc
Lấy một ít gạo tẻ loại ngon đem nấu cháo, cho thêm muỗng bột sơn dược, tinh hoa cúc vào là dùng được. Dùng thường xuyên. Nếu phát bệnh vào mùa hè thì nên cho thêm 1 muỗng nước hoa kim ngân.
* Bột cát căn
Nguyên liệu: bột cát căn 30g, cho thêm một ít đường trắng, khuấy thành bột, rồi hấp chín để dùng mỗi ngày 1 lần. Có thể dùng thường xuyên.
(ST)