Đau lưng khi có kinh:
BS ĐÀO XUÂN DŨNG (Chuyên khoa II, Sản phụ khoa): Nói về đau lưng trong những ngày hành kinh, thầy thuốc thường muốn tìm hiểu thêm những yếu tố khác như bao nhiêu tuổi, đã kết hôn hay đã sinh đẻ? Đau lưng đơn thuần hay kèm cả đau quặn vùng tử cung... Thư không nói rõ cho nên chúng tôi chỉ có thể cung cấp một số thông tin chung.
Đau khi hành kinh thường là những cơn đau quặn trong những ngày hành kinh; chỉ đơn thuần đau mỏi lưng là diễn biến nhẹ của đau bụng kinh.
Nếu đau mới bắt đầu trong vòng 3 năm kể từ khi bắt đầu có kinh thì gọi là đau bụng kinh nguyên phát. Thể đau bụng kinh này được cho là do những thay đổi bình thường về hormôn trong khi hành kinh và có thể tồn tại trong suốt những năm sinh đẻ của người phụ nữ nhưng đôi khi đau bụng kinh nguyên phát tự nhiên hết sau khi sinh con.
Nếu kinh nguyệt đau ở phụ nữ đã từng có chu kỳ kinh bình thường hơn 3 năm thì gọi là kinh nguyệt đau thứ phát. Thể đau bụng kinh này thường gặp nhiều hơn và do một bệnh chính nào đó như lạc nội mạc tử cung, nhiễm khuẩn tiểu khung hay u sơ tử cung.
Đau bụng kinh có nhiều mức độ, một số chỉ cảm thấy đau âm ỉ ở bụng dưới hay sau lưng, nhiều người khác lại có những cơn đau quặn dữ dội. Đau nhiều nhất vào lúc bắt đầu hành kinh. Cũng có thể kèm theo cảm giác buồn nôn và nôn.
Đau bụng kinh rất hay gặp nhưng phần lớn nhẹ và không cần điều trị. Với vị thành niên gái thì đau bụng kinh đôi khi là nguyên nhân khiến các em phải nghỉ học. Bản thân đau bụng kinh không gây nguy hiểm cho sức khoẻ nhưng có thể là triệu chứng của một bệnh chính nào đó.
Nguyên nhân đau bụng kinh chưa rõ lắm nhưng có liên quan đến các trạng thái như: viêm nhiễm, táo bón, chấn động tâm lý, mất thăng bằng về hormôn và sự tăng cao nồng độ Prostaglandin (gây co thắt tử cung, ức chế sự cung cấp oxygen cho tử cung và làm tăng độ nhạy cảm thần kinh). Lạc nội mạc tử cung là một nguyên nhân cần nghĩ đến khi đau bụng kinh kéo dài và nặng hơn trước.
Thuốc giảm đau thông thường như aspirin, ibuprofen có thể có tác dụng tốt với những trường hợp đau bụng kinh nhẹ hay trung bình; cũng có thể có những thuốc khác để giảm đau như dùng thuốc tránh thai hoặc chống prostaglandine (chất gây tử cung co bóp). Với vô kinh thứ phát, cần tìm ra nguyên nhân chính đau bụng kinh. Vận động nhẹ nhàng, tắm nóng có thể giúp giảm đau.
Cần đi khám bác sĩ phụ khoa nếu: Bị đau bụng kinh sau nhiều năm vẫn hành kinh không đau hoặc thấy đau hơn so với trước đây.
Chữa đau lưng khi có kinh bằng y học cổ truyền:
- Than quả sơn ta, đường đỏ mỗi thứ 30 g, hạt hướng dương (bóc vỏ) 1,5 g, nấu lấy 2 bát con nước thuốc, chia 2 lần uống trong ngày. Bài thuốc này sẽ giúp bạn giảm phần nào sự khó chịu mà cơn đau lưng do huyết ứ trở lạc gây ra trong những ngày hành kinh.
- Đương quy, cao da lừa (a giao), bạch chỉ, tục đoạn, xuyên khung, ngô thù du, bồ hoàng mỗi thứ 9 g; gừng khô, bạch truật mỗi thứ 6 g; phụ tử, thục địa mỗi thứ 12 g. Tất cả sắc lấy nước uống trong ngày. Dùng cho những người đau thắt lưng khi hành kinh do huyết hư, không thịnh vượng.
- Đào nhân, hồng hoa, xuyên khung, đương quy, uy linh tiên, nga truật, diên hồ sách, hương phụ, mộc hương mỗi thứ 9 g, sắc lấy nước uống trong ngày. Dùng cho những người đau thắt lưng khi hành kinh do huyết ứ trở lạc.
- Sơn thù du, sơn dược, phá cố chỉ, đỗ trọng mỗi thứ 12 g; đương quy, ngũ vị tử, độc hoạt mỗi thứ 6 g; hồ đào, nhân hạt táo mỗi thứ 9 g, tất cả sắc lấy nước uống trong ngày. Dùng cho những người đau thắt lưng khi hành kinh do gan thận hư tổn.
(St)