Thuốc thanh nhiệt là những vị thuốc có tính mát, có tác dụng thanh nhiệt tả hoả, lương huyết giải độc, dùng để chữa các chứng nhiệt vào sâu biểu hiện như mụn nhọt, huyết nhiệt chảy máu, đau sưng họng, đau mắt đỏ, bệnh sốt cao, bệnh lỵ...
Để chữa sớm một số bệnh đơn giản ngay tại nhà khi mới mắc bệnh, xin giới thiệu một số vị thuốc Nam thanh nhiệt sau:
1. Bồ công anh (hoàng hoa địa đinh, diếp hoang, diếp trời, diếp dại, mũi mác): Sử dụng cả cây lẫn rễ, có vị đắng, ngọt, hàn vào kinh can, kinh vị. Công dụng thanh nhiệt giải độc, thường dùng để chữa đinh độc, viêm vú, đau mắt đỏ, hoàng đản, chữa mụn nhọt chốc lở...
Các phương thuốc có bồ công anh:
- Bồ công anh tươi một nắm (20 - 40g), sắc uống chữa sưng vú, đinh độc. Hoặc giã nát cho vào một ít muối đắp vào chỗ bị viêm tấy.
- Bồ công anh 15g, sài đất 10g, cam thảo đất 2g, ké đầu ngựa 10g, kim ngân hoa 5g sắc uống uống ngày một thang để chữa mụn nhọt, chốc lở.
2. Dành dành: Sử dụng quả, lá. Quả chín màu vàng đỏ, chứa nhiều hạt gọi là chi tử. Công dụng: tả nhiệt trừ phiền, tiết nhiệt lợi tiểu, lương huyết chỉ huyết.
Một số phương thuốc có chi tử:
- Chi tử 6g, đậu sị 12g sắc uống ngày 2 lần, để chữa nhiệt uất ở ngực sườn, bồn chồn khó ngủ.
- Nếu bị đụng dập chấn thương, máu tụ sưng đau, bỏng lửa, bỏng nước thì dùng lá dành dành tươi đắp nơi sưng đau, quả tươi giã trộn với lòng trắng trứng gà đắp ngoài. Lá tươi đắp để chữa đau mắt đỏ.
3. Trúc diệp (lá tre), trúc diệp tâm (nõn tre): Có tác dụng thanh nhiệt, chữa bệnh nhiệt có phiền khát, sinh tân chỉ khát, chữa ngoại cảm phong nhiệt, thanh tâm, thông khiếu, tiểu ít, nước tiểu màu đỏ, loét ở miệng do nhiệt. Thấu chẩn giải biểu chữa sởi thời kỳ sởi mọc.
Các phương thuốc có trúc diệp (lá tre, nõn tre):
- Trúc diệp 20g, kim ngân hoa 16g, sài đất 16g, sa sâm 12g, cát căn (củ sắn dây) 12g, mạch môn 12g, cam thảo đất 12g để thanh tả phế nhiệt, thấu chẩn giải biểu, chữa sởi thời kỳ sởi mọc.
- Sinh địa 20g, cam thảo 6g, cỏ nhọ nồi 20g, mộc thông 16g, trúc diệp (lá tre) 20g để thanh nhiệt, lợi tiểu, chữa đái rắt buốt.
4. Dấp cá, lá dấp (ngư tinh thảo): Có thể sử dụng cả cây hoặc chỉ dùng lá. Công dụng: Thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu thông lâm, tiêu mụn nhọt, ho có đờm đặc, cầm máu...
Các phương thuốc có lá dấp cá:
- Lá dấp cá giã nát trộn với một ít muối đắp tại chỗ để chữa mụn nhọt.
- Lá dấp cá 10g, bồ công anh 12g, liên kiều 12g, cúc hoa 12g sắc uống để chữa phế nhiệt, ho có đờm.
- Lá dấp cá 10g, xa tiền tử (hạt mã đề) 12g, để lợi niệu thông lâm.
- Lá dấp cá 20g giã nát đắp tại chỗ để cầm máu (chảy máu do trĩ nội, trĩ ngoại).
Để sử dụng có hiệu quả thuốc thanh nhiệt, cần chẩn đoán chính xác về nguyên nhân gây bệnh. Do thuốc thanh nhiệt có tính mát nên khi dùng cần cẩn thận cho những người tỳ vị hư nhược, ăn kém, đi ngoài phân lỏng. Khi thuốc phát huy tác dụng, có hiệu quả chữa bệnh thì nên dừng sớm vì tác dụng của thuốc mạnh, dễ làm tổn thương chính khí. Sau điều trị thuốc thanh nhiệt có thể dùng thêm một số thuốc bồi bổ cơ thể.
Lá lốt là loại cây mềm, cao tới 1m, thân hơi có lông. Lá hình trứng rộng, phía gốc hình tim, đầu lá nhọn, soi lên có những điểm trong. Phiến lá dài, mặt trên nhẵn, mặt dưới hơi có lông ở gân, cuống dài. Cụm hoa mọc thành bông. Cây lá lốt mọc hoang trong vùng rừng núi ẩm thấp và được trồng nhiều nơi ở Việt Nam.
Bộ phận dùng, chế biến: Dùng lá, thu hái quanh năm, có thể dùng thân, hoa hay rễ. Thường dùng tươi hoặc phơi khô.
Công dụng, chủ trị: Dùng lá lốt làm gia vị, thuốc chữa đau xương, thấp khớp, tê thấp, đổ mồ hôi tay chân.
Liều dùng: Ngày dùng 5 - 10g lá phơi khô hay 15 - 30g lá tươi. Sắc với nước, chia 2 - 3 lần uống trong ngày. Dùng tươi dạng thuốc sắc để ngâm tay chân hay đổ mồ hôi, ngâm đến khi nước nguội thì thôi.
Những bài thuốc có sử dụng lá lốt
Chữa đau do chấn thương: Lá lốt, ngải cứu, hy thiêm thảo liều lượng bằng nhau (khoảng 1 nắm) giã nát, chưng nóng đắp chỗ lưng đau, ngày 2 lần.
Hỗ trợ giảm đau do viêm khớp: Lá lốt, cỏ xước, cốt khí củ, dây đau xương mỗi thứ 15g, cho 600ml nước, sắc còn 200ml, chia uống 2 lần trong ngày. Uống 7 ngày.
Chữa tổ đỉa: Lấy 1 nắm thật to lá lốt, rửa sạch, giã nát, vắt lấy 1 bát nước đặc, uống một lần. Còn bã cho vào nồi đun với 3 bát nước, đun sôi vài lần rồi vớt bã để riêng. Khi nước thuốc vừa đun âm ấm thì dùng rửa sạch chỗ tổ đỉa, lau khô rồi lấy bã đắp lên, băng lại. Ngày làm 1 - 2 lần, liên tục trong 5 - 7 ngày là khỏi.
Chữa đổ mồ hôi ở tay chân: Dùng 30g lá lốt tươi cho vào 1 lít nước nấu sôi, cho thêm ít muối, để nguội dần dùng ngâm hai bàn tay, hai bàn chân khg 5 - 7 phút thường xuyên trước khi đi ngủ tối. Ngâm liên tục 10 - 15 ngày.
Hỗ trợ chữa chứng phù thũng do thận: Lá lốt 20g, cà gai leo, rễ mỏ quạ, rễ tầm gai, lá đa lông, mã đề mỗi vị 10g. Sắc với 500ml nước còn 150ml, uống trong ngày. Uống sau bữa ăn trưa khi thuốc còn ấm. Uống trong 3 - 5 ngày.
Đau bụng do lạnh: Lá lốt tươi 20g, rửa sạch, đun với 300ml nước còn 100ml. Uống trong ngày khi thuốc còn ấm, nên uống trước bữa ăn tối. Dùng liên tục trong 2 ngày.
Chú ý: Lá lốt hơi giống lá trầu không, hồ tiêu và trầu rừng. Cần phân biệt khi thu hái.
Được biết đến không chỉ là một loại rau gia vị đặc trưng trong ẩm thực, húng quế còn được coi là vị thuốc quý và dễ tìm trong Đông y. Rau húng quế còn gọi là húng chó, húng giổi, é trắng. Húng quế chứa tinh dầu thơm mùi chanh pha sả, chứa linalol, cineol, metylchavicol, estragol. Theo Đông y, húng quế vị cay, nóng, thơm dịu. Có tác dụng làm ra mồ hôi, giảm đau, lợi tiểu, lương huyết. Dùng làm thuốc trị viêm họng, cảm cúm, dị ứng, tiêu chảy và lợi sữa.
ột số cách dùng húng quế làm thuốc:
Chữa đau đầu, ho, viêm họng, bồn chồn, đau đầu chóng mặt: lá và hoa khô hãm như chè, ngày uống 2 - 3 chén.
Chữa dị ứng, mẩn ngứa: 3 - 6g hạt ngâm nước cho hạt nổi nhầy, giã với 20 - 30g lá, lọc lấy nước, thêm đường uống, bã xoa chỗ ngứa. Hoặc lá húng quế khô sắc nư��c uống (nếu kết hợp tắm nước lá khế đun sôi để nguội càng tốt).
Tăng tiết sữa ở các bà mẹ mới đẻ thiếu sữa: 10g lá sắc với 1.000ml nước, làm nước uống hằng ngày. Hoặc sắc đặc lá húng quế súc miệng chữa đau răng.
Rối loạn tiêu hóa, đầy bụng, tiêu chảy: 15g cành lá tươi húng quế sắc uống.
Phòng cảm cúm, đau nhức chân tay: hằng ngày ăn rau húng quế.
Sống bao đời trên núi cao, người Dao Tiền ở Hòa Bình
ngoài những bài thuốc gia truyền chữa bệnh còn có cách làm đẹp riêng cho mình.
Chỉ với vài thang thuốc lá cây được đun để tắm và uống, người ta có thể biến
những người có nước da sạm, sần sùi mụn nhọt trở nên trắng trẻo, trẻ ra vài
tuổi. Qua tìm hiểu của chúng tôi thì những bài thuốc không phải để “quảng cáo”
mà nó thực sự hiệu quả. Nhưng không phải ai cũng tìm được và ai cũng bốc được
những bài thuốc này.
“Không còn dấu hiệu của mụn”
Tôi “nịnh” mãi nhưng cô bé Lý Thị Lan (ngụ xóm Hạ Sơn, xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi,
tỉnh Hòa Bình) vẫn không cho chụp ảnh khuôn mặt của em. Nhìn khuôn mặt da
trắng, mịn màng ở cái tuổi 19 không ai nghĩ rằng trước đây em có khuôn mặt “quỷ
ám”. Trước đó, thấy mặt em ngày càng mọc nhiều mụn, người dân trong xóm nghĩ
rằng em bị chứng nan y khó chữa nên chẳng ai dám chơi, chẳng ai dám đến gần. Bà
Lý Thị Yên mẹ em bảo: “Đến tôi lúc đó cũng thấy sợ mặt con gái mình. Mặt nó mụn
lấm tấm như cái bánh đa rắc vừng”.
Thế rồi nghe nhiều người trong xóm mách, em đến bà lão Tà Củ Thao (Tiếng dân
tộc Dao, người Kinh gọi bà là đơn giản với cái tên bà Thao). Bà lão người dân
tộc này ra nương nhổ một ít cỏ bụi về bảo: “Mày về rửa sạch mấy cái cây này đi,
đun lấy nước rồi rửa mặt hàng ngày. Càng rửa nhiều thì càng nhanh khỏi”. Lan về
làm đúng như cách của bà lang vườn. Điều kỳ lạ đã xảy ra: Sau 4 ngày thì những
vết mụn trên khuôn mặt dần lặn đi, đến một tuần sau thì “không còn dấu hiệu của
mụn”.
Thấy có hiệu quả, các thôn nữ trong bản xôn xao bàn tán, dù mặt không có mụn nhưng
vẫn lũ lượt kéo đến nhà bà Thao với yêu cầu “quá đáng” hơn: “Mế ơi, mế biết
nhiều chuyện quá. Mế tìm cho chúng con vị thuốc để làm da đẹp hơn, có như vậy
thì các con của mế mới được chồng yêu hơn”. Bà lão phúc hậu sau một hồi ngẫm
nghĩ, nghe các sơn nữ nằn nì nhiều rồi cũng phải xiêu lòng: “Mày chờ tao mấy
hôm nữa tao lên rừng kiếm cho, lâu lắm không có đứa con gái nào làm đẹp bằng
cây dại mà toàn thích son phấn lòe loẹt nên tao không đi lấy về”.
Bán tín bán nghi vì không nghĩ bà lão này lại giỏi giang hơn cả… công ty mỹ phẩm,
thế nhưng mấy hôm sau các cô vẫn quay lại để kiểm nghiệm lời bà lão. Bà lang
vườn đưa cho các cô gói ni lon chứa chỉ 2 loại cây lá lổn nhổn: Một là cây và
lá khô, một là dây rừng. Theo chỉ dẫn của bà, hai vị này đun với nước sôi sùng
sục rồi chờ đến khi nước ấm thì một ít cho vào cốc uống, số còn lại dùng để
tắm. Chỉ chưa dùng hết 6 thang những vết nám trên cơ thể cũng lặn dần, màu da
chuyển dần sang trắng, da Lan mịn màng và đầy sức sống.
Sơn nữ này chưa hết kinh ngạc: “Em là người Dao sinh ra lớn lên ở đây. Trước em
chỉ nghe nói có bài thuốc đó nhưng quả thực không tin lắm. Khi sử dụng rồi mới
biết nó hiệu nghiệm như nào. Từ lần đó em vẫn đến lấy thuốc tắm. Hôm nào bận
thì thôi chứ rảnh rỗi là đun thuốc tắm và tuyệt đối “giã từ” thuốc tẩy trắng,
xà bông”.
Tác dụng "3 trong 1"
Không rõ loài cây lá mà các sơn nữ thuật lại là gì, chúng tôi quyết tâm vượt hàng
chục cây số đường rừng tìm đến nhà bà lão nắm được bí quyết bài thuốc làm đẹp
da. Nhà Tà Củ Thao ở cuối xóm Hạ Sơn, xung quanh là rừng núi chập chùng. Con
đường vào nhà bà toàn phơi cây thuốc. Bà lão chân thật: “Đây là bí quyết riêng
của người Dao chúng tôi. Tôi được ông bà, bố mẹ truyền lại cho làm thấy hiệu
quả lắm. Gọi là bí quyết nhưng với nhà báo thì mình không giấu đâu”.
Theo lời bà lão, cách chữa mụn trên mặt bằng lá cây thì với
người Dao là chuyện “nhỏ như con thỏ”: Lấy cây To tét (Tên tiếng Mường, còn
tiếng Kinh thì không rõ là gì) đun với nước, để nguội làm nước rửa mặt là vài
bữa hết mụn. Rồi bà ra vườn nhổ cho tôi mấy cây. Đó là loài cây mọc hoang, cây
cao nhất cũng chỉ chưa đầy hai gang tay, cây nhiều nhất có chưa đến 10 chiếc lá
màu xanh ngắt kèm mấy nụ hoa cứng ngắc.
Cũng theo bà lang, loại cây To tét không chỉ có tác dụng mà còn có thể chữa
bệnh mất sữa với những phụ nữ đang nuôi con. Bà nói:”Rửa sạch nó đi rồi đun
nước uống khoảng 4 - 5 ngày là sữa về nhiều lắm”. Chỉ với “thần dược mọc hoang”
này, hàng chục năm nay bà đã chữa được bệnh mặt mụn, mất sữa cho bao nhiêu phụ
nữ quanh vùng.
Còn với những thanh niên muốn trắng da cho đẹp thì dùng lá cây trên rừng. Bài thuốc
này chủ yếu 2 loại cây theo tiếng Dao gọi là Đen Chi Liếc và Oạp Tam Mây (còn
tiếng Kinh không biết gọi là gì). Cây Đen Chi Liếc là cây thân gỗ sống ở núi đá
cao, không khí lạnh, có màu lá xanh đậm, da sần sùi, có mùi thơm và chỉ sống ở
rừng già. Cây Oạp Tam Mây là loại cây dây có màu trắng muốt, sống bám vào đá
không có mùi thơm. Hai giống cây này sống gần nhau.
Người Dao quan niệm hai loài cây này là tượng trưng cho nếp và tẻ, âm và dương.
Khi kết hợp làm vị thuốc tắm, sẽ tẩy được những độc tố có trong da, khi dùng nước
uống thì những chất độc có hại cho da đi theo đường tiêu hóa. Nếu sử dụng chỉ
tắm hoặc chỉ uống nước thì không có tác dụng.
Đã có thuốc, thế nhưng để sử dụng sao cho hiệu quả thì bắt buộc người ta cũng phải
tuân theo những quy tắc nhất định, nếu không thì sẽ “mất thiêng”. Với nước tắm
thì sơn nữ chỉ sử dụng tắm vào buổi tối và phải là nước đun sôi để ấm. Bà mế
này phân tích có vẻ rất rành rọt: “Đừng bảo là thuốc của người Dao ta không khoa
học đâu nhé. Tắm nước thuốc này vào buổi tối vì đây là lúc những chất không có
lợi cho da phát triển mạnh nhất gây hại cho cơ thể. Lúc này tắm thì lá thuốc có
hiệu quả cao nhất”.
Theo bà lão, chỉ cần dùng hết 5 - 10 thang thuốc này thì da phụ nữ giảm dần chất
độc hại, chuyển sang trắng mịn như da trẻ con. Bà Thao kể, hai giống cây này
rất khó gặp trên rừng. “Nhiều lúc đi tìm nó thì không thấy, nhiều lúc không đi
tìm nó thì thấy”, bà nói. Cách đây nửa tháng khi đi lấy cây thuốc, may mắn bà tìm
thấy lấy về một bao tải. Nghe nói bà lấy được chị em phụ nữ quanh vùng đến mua
và chỉ một ngày sau là hết veo. Hỏi: “Tác dụng thần kỳ như thế thì giá có đắt
không?”, bà đáp: “Ta không bán đâu, chỉ lấy tiền công đi leo rừng thôi, có người
cho vài chục ngàn mỗi lần là nhiều lắm rồi”.
Chưa dùng lần nào nên tôi vẫn bán tín bán nghi, thế nhưng trên đường về xuôi, gặp
những sơn nữ lưng đeo gùi, nét mặt vui tươi với làn da trắng như trứng gà bóc
mỉm cười chào khách lạ, cũng có lúc người ta phải tự nhủ: “Chắc những thang thuốc
làm đẹp của người dân tộc phải hữu ích, thì vẻ mặt, làn da của những sơn nữ
vùng cao này mới làm xiêu lòng du khách đến thế”.
(ST).
|