Lễ lại mặt thể hiện sự ân cần, chu đáo của nhà trai và chú rể đối với gia đình nhà gái, giúp hai nhà thêm gắn bó.
Trong đời sống tinh thần của người Việt (Kinh) thì cưới là một chuyện hệ trọng trong cuộc đời của mỗi con người. Dân gian có câu: “Tậu trâu cưới vợ, làm nhà. Trong ba việc ấy thật là khó thay”. Cưới là một phong tục, một nghi lễ đậm phong vị dân tộc nhưng lại nhiêu khê tốn kém. Phần lớn các đám cưới cổ xưa của người Việt thường được tổ chức theo một cuốn sách cổ gọi là Thọ mai gia lễ - cuốn sách dạy người ta những việc về quan, hôn, tang, tế. Về sau tuỳ từng vùng, từng thời, từng gia cảnh mà việc hỷ (cưới) được tổ chức khác nhau. Nhưng cho dù là ở đâu, thời nào thì một đám cưới truyền thống cũng gồm các thủ tục, các bước chính là: kén chọn, giạm ngõ (chạm mặt), hỏi, cưới, lại mặt và nộp cheo.
- Kén chọn: Lệ xưa việc lấy vợ, gả chồng là việc của cha mẹ, vậy con cái đến tuổi trưởng thành thì cha mẹ tiến hành kén rể, kén dâu. Kén rể, kén dâu là một công việc tiền hôn lễ nhưng rất quan trọng. Trước hết là việc xem xét gia đình dự định trở thành thông gia xem thuộc loại gia đình như thế nào, có môn đǎng hộ đối không? Ca dao cổ có câu “Mua thịt thì chọn miếng mông, lấy chồng thì chọn con tông nhà nòi” cho bên gái. Lại có câu “Lấy vợ kén tông lấy chồng kén giống” cho cả hai bên. Sự kén chọn của nhà trai bao giờ cũng chủ động nên kỹ càng hơn. Truyện Kiều có một câu:
“Trǎm nǎm tính cuộc vuông tròn
Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông”.
Cô dâu tương lai phải “tam hợp” tránh “tứ xung” về tuổi. Không sành việc xem tuổi thì cứ “Gái hơn hai, trai hơn một” là tốt. Đó là về tuổi còn ngoại hình thì người phụ nữ cũng phải “Lưng chữ vụ, vú chữ tâm” phải “thắt đáy lưng ong’”. Và nếu được cả con mắt lá dǎm, lông mày lá liễu nữa thì thật “đáng trǎm quan tiền”.
- Giạm ngõ hay chạm mặt: Đó là lần đầu tiên đại diện nhà trai đến nhà gái, sau khi đã chọn được dâu đúng với “tiêu chuẩn”. Lần “đặt vấn đề” này hoàn toàn có tính “đánh tiếng”, “làm quen”. Nếu sau lần giạm ngõ này không có vấn đề gì thì lễ ǎn hỏi chính thức được tiến hành. Điều đáng chú ý là trong lần chạm mặt này, cô dâu, chú rể tương lai sẽ được thấy mặt nhau, vì thế còn được gọi là lễ xem mặt.
- Ǎn hỏi: Có nơi gọi là lễ bỏ trầu cau, khi hai bên trai gái đã thống
nhất được với nhau về mặt gia đình, đối tượng cụ thể, vào “ngày lành
tháng tốt” sẽ tổ chức ǎn hỏi. Nhà trai mang lễ vật gồm trầu cau, chè
thuốc, có khi là xôi gà đến nhà gái để chính thức bàn chuyện cưới xin.
Trong xã hội cũ thì lễ này là lễ “ngã giá” người con gái. Nhà gái sẽ
được đưa ra yêu cầu, tức là nơi thách cưới. Lệ cưới cũ, thách cưới tức
là yêu sách do nhà gái đặt ra với nhà trai. Thường là thách một đôi bông
tai (khuyên tai) vàng, một chiếc nhẫn, chǎn, chiếu, hòm, xiểng, quân áo
cho cô dâu, ít ruộng vườn cho đôi vợ chồng mới và gạo thịt, rượu, trầu
cau, trà thuốc cùng các thực phẩm khác để làm cỗ cưới. Thông thường nhà
trai phải lo chuyện này trước lễ đón dâu. Vậy nên mới xảy ra sự “Giơ
cao, dánh khẽ”, “thương con ngon rể, và “cò kè bớt một thêm hai” trong
lễ hỏi.
Sau lễ hỏi, nhà gái mang trầu cau đi chia khắp họ nội ngoại,
xóm giềng, bè bạn. Miếng trầu cau thay cho lời thông báo việc gả chồng
cho con, đó chính là thứ thay cho thiếp báo, thiếp mời.
- Lễ cưới: Sau khi các điều (yêu sách) đã được nhà trai thực hiện,
người ta chọn ngày lành tháng tốt để tổ chức lễ cưới. Trước đó, cả hai
nhà đã dựng rạp, sửa sang nhà cửa đón khách. Hôm cưới, nhà trai chọn một
đoàn gồm một người có tuổi (45-50), “con cái đông đàn dài lũ” còn đủ vợ
chồng (song toàn), kiêng người goá vợ, goá chồng, lại giỏi ǎn nói, đối
đáp, làm trưởng đoàn cùng với nǎm đến mười thanh niên trẻ, đẹp, còn
“tân” (chưa vợ) gọi là phù rể, đi đón dâu. Trên đường đến nhà gái, trước
khi vào cổng, đoàn đi đón dâu bị trai làng, trẻ con chặn lại bằng một
sợi dây thừng hay đóng cổng lại (gọi là tục chǎng dây, đóng cổng). ở
đoạn này của lễ cưới thật vui. Nhiều khi bên họ gái ra vế “đối” bắt bên
kia phải “đáp” lại thật chỉnh, thật nhanh mới cho đi. Lại phải tung tiền
xu cho bọn trẻ con mới được vào cổng… Sau khi đã vào đến sân nhà gái
đoàn đi đón dâu được mời vào nhà ngồi chơi trên chiếu cặp điều ǎn trầu,
uống nước và sau đó dùng cơm chiều. Xong xuôi, đại diện nhà trai có
“người” xin dâu với họ nhà gái. Nhà gái bao giờ cũng làm ra vẻ dùng
dằng, lần khần và chỉ đồng ý cho dâu đi vào giờ cuối của buổi chiều.
Đoàn
đưa dâu của nhà gái cũng gồm những thiếu nữ trẻ và xinh (gọi là các cô
phù dâu), đứng đầu đoàn đưa dâu cũng là một bà có tuổi còn song toàn
(còn chồng) và “mắn” con. Lúc này cả đoàn đón dâu và đưa dâu cùng đi,
nên đông vui. Nào ô, nào khǎn, nào nón thúng quai thao, nào yếm thắm bao
xanh, môi trầu “cắn chỉ”. Trang phục cổ truyền dân tộc xuất hiện phong
phú nhất là ở lúc này.
Đoàn về đến nhà trai, ở đầu cổng, pháo đã nổ
giòn để đón dâu. Tối đó là lễ tế tơ hồng nguyệt lão, tiên thiên, là lễ
mệnh tiếu (nghe lời cha mẹ dạy bảo). Sau cùng là lễ hợp cẩn. Cô dâu bước
qua đống lửa bước vào buồng mình. Có nơi đặt một cái cối trước cửa
buồng khi cô dâu bước qua, mẹ chồng cầm chày giã vào cối không ba cái.
Giường của đôi vợ chồng mới cưới đã được một người đàn bà có tuổi, nhiều
con cái trải chiếu cho, một chiếc sấp, một chiếc ngửa… Vào giường, cô
dâu phải ngồi thật mạnh xuống, trong lúc bạn bè, chú rể đang làm náo
động ầm ĩ cǎn buồng lên một lúc rồi mới đi ra. Sau đó là lễ hợp cẩn: cô
dâu chú rể uống chung một chén rượu nhỏ, có nơi ǎn chung một đĩa cơm
nếp, đĩa xôi… tất cả những phong tục đó nhằm mong mỏi có nàng dâu hiếu
thảo, sớm có con, vợ chồng hoà thuận đến “bách niên giai lão”.
- Lễ lại mặt: Sau đêm tân hôn, vợ chồng mới dắt nhau về nhà gái. Mọi
việc suôn sẻ sẽ tổ chức tiệc mừng. Lễ lại mặt xưa là để cô dâu tỏ chữ
hiếu với cha mẹ, mặt khác, còn có ý nghĩa cô ấy, chị ấy đã làm toại
nguyện chàng trai. Trường hợp có trục trặc gì trong đêm tân hôn thì
trong ngày lại mặt này bố mẹ cô dâu cũng sẽ được biết. Xưa kia, khi chú
rể cùng cô dâu trở về mà đem theo một lễ có thủ lợn mà cắt mất tai thì
sẽ mất vui (thủ lợn bị cắt mất tai tức là dấu hiệu cảnh báo nhà gái
rằng: con gái ông bà trước khi lấy chồng đã không còn trinh trắng!).
Trường hợp này nhà gái buộc phải bí mật trả lại nhà trai một số của nả,
lễ vật, nhiều khi rất đáng kể mới yên chuyện.
- Lễ nộp cheo: là một
nghi lễ phụ trong đám cưới, nhưng nhất thiết phải có. Không có bữa khao
này thì đôi vợ chồng mới không được coi là thành viên của làng xóm.
Trong bữa khao, chú rể đóng vai chính, anh ta ngoài việc phải lo bữa
khao còn phải nộp một số vật liệu như gạch, ngói để tu bổ các công trình
công cộng của làng xóm bên gái như đình, điếm, đường làng, chùa cổng…
là một thủ tục nằm ngoài hôn thú nhưng không thể không có, vì vậy ca dao
cổ có câu:
Có cưới mà chẳng có cheo
Nhân duyên trắc trở như kèo không đinh
Đó là tục lệ cưới xin cổ xưa. Ngày nay đám cưới của người Việt đã có những thay đổi lớn, vừa dân tộc vừa trang trọng nhưng cũng rất tiết kiệm. Các tục cũ như tảo hôn (lấy chồng từ thuở 13, đến nǎm 18 thiếp đà nǎm con), đa thê (trên trời có vảy tê tê có anh bảy vợ chẳng chê vợ nào), đòi của hồi môn (của cô dâu mang về nhà chồng) và nhiều tục lệ nhiêu khê, tốn kém khác đã mất dần, nhường chỗ cho những tập quán mới vừa dân tộc vừa vǎn minh.
Lễ lại mặt hiện đại có thể là một hộp quà, bánh.
Sau đám cưới, khi cô dâu đã về nhà chồng, mẹ chồng sẽ chuẩn bị một mâm lễ nhỏ để cô dâu và chú rể mang về nhà gái, làm lễ chào hỏi bố mẹ cô dâu. Đây được gọi là lễ lại mặt, hay lễ nhị hỷ. Thời gian đôi vợ chồng mới cưới về nhà gái lại mặt là từ 1 đến 4 ngày sau khi thành hôn. Thời gian này tùy thuộc vào khoảng cách địa lý giữa hai nhà cũng như tùy thuộc vào điều kiện, công việc của cô dâu chú rể. Nhưng thông thường, nghi lễ này thường tiến hành vào buổi sáng, hiếm khi để sang tới buổi chiều muộn.
Trước kia lễ lại mặt khá cầu kỳ, thường phải có trầu cau, rượu, xôi, thịt gà hoặc thịt lợn để mang về thắp hương trên bàn thờ nhà gái. Tuy nhiên hiện nay các gia đình đã giản tiện bớt, nhiều gia đình chỉ chuẩn bị một gói quà gồm bánh kẹo, rượu, thuốc để đôi vợ chồng trẻ mang về nhà ngoại. Gia đình nào có điều kiện hơn sẽ chuẩn bị một phong bì nhỏ để thắp hương trên bàn thờ.
Khi về tới nhà cô dâu, bố mẹ cô dâu sẽ làm cơm để mời con rể, tuy nhiên bữa cơm này thường thân mật và chỉ diễn ra trong phạm vi gia đình thân thiết. Việc sắp xếp lễ lại mặt ít hay nhiều, cầu kỳ hay đơn giản tùy thuộc vào phong cách, nếp sống của từng gia đình. Nhưng đây được coi như một phong tục đẹp trong nghi lễ cưới hỏi của người Việt mà nhiều gia đình nên gìn giữ, duy trì.
Bởi lẽ, lễ lại mặt mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp, như lời nhắc nhở đôi vợ chồng mới cưới về chữ hiếu không chỉ với nhà chồng mà cũng phải quan tâm, chăm sóc tới gia đình nhà vợ. Đặc biệt, lễ lại mặt sẽ giúp gia đình hai bên gắn bó, thắt chặt mối quan hệ thông gia, họ hàng ngay từ buổi đầu. Nhà gái cũng sẽ cảm thấy vui vẻ vì con gái đã tìm được người chồng ân cần, chu đáo, được sống trong gia đình nhà chồng hiểu biết, quan tâm tới thông gia.
Ngoài ra, lễ lại mặt cũng khiến tâm lý cô dâu thấy thoải mái, dù phải xa gia đình đi làm dâu nhưng vẫn được thường xuyên gặp gỡ cha mẹ và giữ mối quan hệ gắn bó. Cũng từ đây mà mối quan hệ của đôi vợ chồng mới cưới cũng thêm bền chặt, gắn bó vì sự ân cần, biết quan tâm của chú rể.
(ST).